Từ tượng hình là gì? Từ tượng thanh là gì?

Hiểu rõ Từ tượng hình là gì? Từ tượng thanh là gì? giúp người viết/người nói sử dụng chúng một cách hiệu quả, tăng sự sinh động, biểu cảm.

Trả Lời Nhanh

Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ của sự vật. Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người.

Từ tượng hình là gì?

Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng dấp, dáng vẻ, trạng thái,... của sự vật. Phần lớn từ tượng hình là từ láy.

Ví dụ:

- Từ tượng hình gợi tả dáng dấp, dáng vẻ của người: lom khom, thướt tha, bệ vệ, đủng đỉnh; lặc lè, lòng khòng, lừ đừ, thất thểu, tập tễnh,...

- Gợi tả dáng dấp của sự vật: lè tè, chót vót, ngoằn ngoèo, thăm thẳm, mênh mông, nhấp nhô, khấp khểnh, phập phồng, mấp mô,...

- Gợi tả màu sắc: chon chót, bềnh bệch, sặc sỡ, loè loẹt, chói chang,...

-

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

(Nguyễn Khuyến, Thu điếu)

→ Tẻo teo: gợi tả hình ảnh nhỏ bé đến mức không đáng kể.

Từ tượng thanh là gì?

Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người. (Trong thuật ngữ từ tượng thanh, tượng là mô phỏng, thanh là âm thanh.) Phần lớn từ tượng thanh là từ láy.

Ví dụ:

- Từ tượng thanh mô phỏng tiếng người nói: léo nhéo, râm ran, bập bẹ, the thé, ồm ồm, oang oang, ấp úng, bô bô, ông ổng, phều phào, thỏ thẻ, thủ thỉ,...

- Tiếng người cười: ha hả, hà hà, khúc khích, sằng sặc, hô hố, khà khà, hềnh hệch, ngặt nghẽo, rúc rích, sặc sụa,...

- Tiếng nước chảy: ồng ộc, róc rách, tồ tồ, ồ ồ, rào rào,...

- Tiếng gió thổi: ào ào, xào xạc, vi vu, rì rào, vu vu, vi vút,...

- Tiếng chim kêu: chiêm chiếp, líu lo, ríu rít, quang quác, thánh thót,...

- Tiếng chân người đi: thình thịch, bành bạch, lạch bạch, lệt sệt, loẹt quẹt,...

Tác dụng của từ tượng hình, từ tượng thanh

Làm gợi lên hình ảnh, âm thanh một cách cụ thể, sinh động, tăng giá trị biểu cảm.

Từ tượng hình và từ tượng thanh thường được sử dụng trong văn miêu tả và tự sự, giúp cho mọi sự miêu tả trong văn hiện ra một cách sống động, tự nhiên, nhiều sắc thái màu sắc, góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật cho tác phẩm.

Lưu ý khi sử dụng từ tượng hình, từ tượng thanh

Khi sử dụng từ tượng hình, tù tượng thanh chúng ta cần phải lưu ý những điều dưới đây:

Có rất nhiều từ tượng hình, từ tượng thanh là từ láy, tuy nhiên không phải tất cả từ tượng hình, từ tượng thanh đều là từ láy.
Không nên quá lạm dụng hai loại từ này, mọi biện pháp nghệ thuật, biện pháp tu từ đều có tác dụng của riêng mình, chúng ta chỉ nên sử dụng chúng khi cần thiết và sử dụng một cách thật hợp lý.

Ví dụ từ tượng hình, tượng thanh trong văn học

Ví dụ 1

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia.

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)

“Lom khom, lác đác”, làm cho người đọc cảm nhận rõ sự đìu hiu của khung cảnh chiều tà nơi đây thông qua đó càng khắc họa rõ tâm trạng cô đơn, nhớ  quê nhà của tác giả.

Ví dụ 2

Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu máo như con nít. Lão hu hu khóc…

(Lão Hạc, Nam Cao)

"móm mém, hu hu" đã khắc họa rõ nét tâm trạng đau khổ, cắn rứt của Lão Hạc sau khi bán đi cậu Vàng. Qua đó làm cho người đọc cảm nhận được nỗi lòng của nhân vật chính.

Bài tập về từ tượng hình, từ tượng thanh

Câu 1. Từ tượng hình là gì?

A. Là từ mô phỏng âm thanh trong thực tế

B. Là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ của sự vật

C. Là từ dùng để chỉ các hoạt động hoặc trạng thái của con người và sự vật, hiện tượng khác

D. Tất cả đáp án trên

Đáp án: B.

Câu 2. Xác định từ tượng hình trong các trường hợp sau?

A. xào xạc

B. lao xao

C. róc rách

D. lực lưỡng

Đáp án: D.

Câu 3. Từ nào không phải từ tượng hình?

A. ríu rít

B. trong veo

C. xanh ngắt

D. lom khom

Đáp án: A.

Câu 4. Từ tượng thanh có tác dụng gì?

A. Mang lại sự biểu cảm, phong phú, sinh động cho sự diễn đạt

B. Làm tăng tính biểu cảm, biểu đạt của ngôn ngữ

C. Giúp khả năng miêu tả, diễn tả âm thanh trở nên chi tiết, thực tế và đa dạng

D. Tất cả đáp án trên

Đáp án: D.

Câu 5. Xác định từ tượng thanh trong đoạn thơ sau:

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông rợ mấy nhà

Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc

Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta”

A. lom khom, lác đác

B. quốc quốc, gia gia

C. lom khom, quốc quốc

D. lác đác, gia gia

Đáp án: B.

Câu 6. Xác định từ tượng thanh trong đoạn trích sau:

“Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...”

A. co rúm

B. móm mém

C. hu hu

D. Tất cả đáp án trên

Đáp án: C.

Câu 7. Tìm các từ tượng hình về dáng vẻ của con người và đặt câu.

Trả lời:

-Các từ tượng hình: lom khom, bầu bĩnh, nhỏ nhắn

- Đặt câu:

+ Bà tôi dáng đi lom khom, tay phải chống gậy mới đi vững được.

+ Bé có khuôn mặt bầu bĩnh tròn trịa rất đáng yêu.

+ My có đôi tay nhỏ nhắn nhưng may vá thì thoăn thoắt vô cùng điêu luyện.

Câu 8. Viết một đoạn văn có sử dụng từ tượng thanh và tượng hình.

Tham khảo:

Giờ ra chơi lúc nào cũng là thời điểm mà sân trường trở nên náo nhiệt nhất. Từng tốp học sinh trò chuyện ríu rít dưới gốc cây bàng, nhảy dây hoặc đá cầu vô cùng nhộn nhịp. Sau những tiết học căng thẳng, các cô cậu học trò tranh thủ quãng nghỉ lúc ra chơi để nghỉ giải lao thư giãn. Cả sân trường rộn vang những tiếng cười đùa vui vẻ và trở nên đông đúc lạ thường. Trái ngược hẳn với quang cảnh vắng vẻ, tĩnh mịch vào mỗi kỳ nghỉ hè hay lúc các học sinh đang tập trung chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài. Hình ảnh sân trường giờ ra chơi sẽ luôn là một kỷ niệm đẹp trong tâm trí, nhắc nhớ tôi về một thời học sinh hồn nhiên, vô tư và đẹp đẽ.

CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN