Nguyên nhân, bối cảnh trận chiến Bạch Đằng
Năm 937, Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại để cướp ngôi Tiết độ sứ. Con rể - của Đình Nghệ là Ngô Quyền bèn tập hợp lực lượng ra đánh Công Tiễn để trị tội phản chủ.
Kiều Công Tiễn sợ hãi, bèn sai người sang cầu cứu Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Cung nhân cơ hội đó bèn quyết định đánh Tĩnh Hải quân.
Vì thế trận chiến Bạch Đằng nổ ra, đây là một trong những cuộc chiến quan trọng và khốc liệt nhất trong lịch sử nước ta. Trận chiến này đã thể hiện được tài năng lãnh đạo và sự quyết tâm bảo vệ đất nước của Ngô Quyền.
Diễn biến trận chiến Bạch Đằng năm 938
Ngô Quyền bao vây và giết Kiều Công Tiễn
Năm 938, sau khi tập hợp các hào kiệt trong nước đứng về phía mình, Ngô Quyền mang quân từ Ái Châu ra Bắc đánh Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn bị cô lập không chống nổi, trông chờ viện binh của Nam Hán.
Trong khi vua Nam Hán đang điều quân thì Ngô Quyền đã tiến ra thành Đại La (Tống Bình). Kiều Công Tiễn bị túng thế không đủ sức chống lại nên thành nhanh chóng bị giết chết. Lúc đó quân Nam Hán vẫn chưa tiến vào tới biên giới nước ta.
Kế hoạch tiến quân của quân Nam Hán
Trong bối cảnh Kiều Công Tiễn đang đối mặt với nguy cơ bị đánh tan, vua Nam Hán đã cho con trai là Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao Vương, đem 2 vạn quân sang với danh nghĩa là cứu Công Tiễn.
Tuy nhiên, kế hoạch này của vua Nam Hán chưa kịp thực hiện thì tướng Ngô Quyền của ta đã đi trước một bước và tiêu diệt Kiều Công Tiễn.
Kế hoạch của Ngô Quyền
Quân đội của Ngô Quyền lúc này tuy không hùng hậu lắm về số lượng nhưng là đội quân được trưởng thành trong cuộc chiến tranh vệ quốc, có lòng yêu nước cao độ, có kỷ luật nghiêm minh, mưu trí, gan dạ và dũng cảm.
Quân đội của Ngô Quyền còn có quân của các tướng, các hào kiệt địa phương đến tụ hội và các đội dân binh do các làng xã tổ chức để chống giặc ngoại xâm.
Nếu đem so sánh tương quan giữa địch và ta về các mặt thì quân ta mạnh hơn quân Nam Hán xâm lược. Chính vì vậy, Ngô Quyền đã khẳng định quân địch sẽ "dễ bề chế ngự" và "tất phá được".
Ngô Quyền đã đề xuất kế sách đánh thủy quân giặc là sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm trước ở cửa sông và lợi dụng quy luật lên xuống của thủy triều để chế ngự thuyền giặc, không cho chúng chạy thoát.
Đó chính là mưu lược phản công với quyết tâm đánh thắng giặc ngay khi chúng vừa xâm phạm đến bờ cõi nước ta, nhanh chóng giành thắng lợi quyết định cho cuộc kháng chiến bằng trận phản công, kết hợp giữa phục kích và vận động chiến nhằm tiêu diệt gọn đạo quân xâm lược ngay từ cửa ngõ Tổ quốc.
Đặc điểm trong kế chống giặc của Ngô Quyền:
- Về đối tượng tác chiến: toàn bộ đoàn binh thuyền lớn của địch do Hoằng Tháo chỉ huy, gồm hàng vạn quân với hàng trăm thuyền chiến cỡ lớn.
- Về địa bàn tác chiến: Ngô Quyền chọn một cửa sông mà khả năng quân địch sẽ tiến vào để bố trí trận địa mai phục, đó là cửa sông Bạch Đằng, nơi có địa thế hiểm trở có thể bố trí một trận thủy chiến.
- Về cách đánh: Ngô Quyền chủ trương bố trí trận địa mai phục với những cọc gỗ bịt sắt nhọn đóng ngầm dưới nước để cản phá thuyền giặc, kết hợp giữa vận động tiến công và mai phục, đợi khi nước triều lên sẽ khiêu chiến nhử địch vào trận địa cọc ngầm rồi tiến công tiêu diệt chúng khi nước triều xuống.
- Về sử dụng lực lượng: Lực lượng chiến đấu sẽ có hai bộ phận: một lực lượng với những chiến thuyền nhỏ và nhẹ, cơ động nhanh có nhiệm vụ khiêu chiến, nhử địch; bộ phận chủ lực gồm phần lớn quân thủy bộ bố trí mai phục để tiến công tiêu diệt khi chúng đã lọt vào trận địa cọc ngầm.
Trận địa cọc ngầm là một nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật thủy chiến Việt Nam mà Ngô Quyền là người khởi xướng đầu tiên.
Đây cũng là một trận đánh biết lợi dụng con nước thủy triều sớm nhất trong lịch sử quân sự nước ta, mở đầu cho truyền thống lợi dụng thủy
Trận chiến trên sông Bạch Đằng
Trận Bạch Đằng diễn ra vào một ngày cuối đông năm 938 trên sông Bạch Đằng ở vùng cửa biển và hạ lưu. Khi trận chiến diễn ra, đoàn binh thuyền do Hoằng Tháo chỉ huy vừa vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng.
Dọc đường chúng không gặp một sự kháng cự nào, Hoằng Tháo là viên tướng trẻ tuổi hung hăng, rất chủ quan khinh địch, vội vàng thúc quân tiến thẳng vào cửa sông Bạch Đằng.
Khi những chiếc thuyền chiến đầu tiên của quân Nam Hán vừa đến vùng cửa biển Bạch Đằng thì đội quân khiêu chiến của ta trên những chiếc thuyền nhẹ bỗng nhiên xuất hiện.
Quân Nam Hán vừa tiến vừa đánh; lợi dụng quân đông khí thế đang hăng và lúc nước triều dâng cao, chúng tăng tốc tiến sâu vào vùng cửa sông Bạch Đằng.
Thấy quân ta ít lại đang tìm cách tháo chạy, Hoằng Tháo đắc chí ra lệnh đuổi theo tiêu diệt.
Nhận thấy quân địch đã mắc mưu, Ngô Quyền đã ra lệnh cho quân ta giả vờ bỏ chạy lên thượng lưu để đợi khi thủy triều xuống để thực hiện kế hoạch tiến đánh.
Khi đoàn chiến thuyền của Hoằng Tháo vượt qua vùng cửa sông Bạch Đằng thì nước triều bắt đầu xuống; đó cũng là lúc toàn bộ đội hình quân giặc lọt vào trận địa mai phục của ta.
Đúng lúc đó đội quân khiêu chiến của Nguyễn Tất Tố được lệnh đánh quật trở lại và Ngô Quyền đích thân chỉ huy đại quân đổ ra từ ba phía, tiến đánh dữ dội.
Trận tiến công bất ngờ, mãnh liệt của thủy quân ta từ thượng lưu đánh xuống chặn đầu, kết hợp với quân thủy bộ mai phục ở hai bên bờ sông đánh tạt ngang vào đội hình quân giặc.
Các thuyền chiến nhỏ nhẹ, cơ động và "nhanh như gió" của quân ta lao thẳng vào đội hình thuyền chiến của giặc, khiến cho chúng không kịp chống đỡ và bị rối loạn, lúng túng. Các cánh quân của Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Xương Ngập, Nguyễn Tất Tố cùng các lực lượng dân binh đã cùng nhau tiếng công quân giặc, khiến cho đội binh thuyền của Hoàng Thao nằm gọn trong vòng vây của quân ta. Chúng bị đánh chặn quyết liệt phía trước, bị liên tiếp tấn công từ hai bên cạnh sườn. Quân Nam Hán không kịp trở tay và chỉ biết tháo chạy.
Kết quả của trận chiến Bạch Đằng năm 938
Sau khi bị quân ta đưa vào bãi cọc ngầm và bị tiêu diệt phần lớn quân số, quân Nam Hán đã nhanh chóng tháo chạy về nước.
Khi đó, vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới cũng không kịp trở tay đối phó. Vì vậy, khi nghe tin Hoằng Tháo tử trận, Nghiễm kinh hoàng đành “thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui”.
Với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 này, nhà Nam Hán đã hoàn toàn từ bỏ giấc mộng xâm lược Đại Việt. Sau đó, vào năm 939, Ngô Quyền chính thức lên ngôi vua và lấy danh xưng là Ngô Vương, lập ra nhà Ngô và chọn Cổ Loa làm nơi đóng đô.
Nguyên nhân chiến thắng:
- Chiến thuật quân sự của Ngô Quyền rất độc đáo. Việc áp dụng chiến thuật lấy cọc nhọn đâm thuyền địch muốn thành công cần có sự kết hợp chặt chẽ với một số mưu mẹo khác.
- Thứ nhất, phải dụ địch đến đúng bãi cọc đã đóng giăng bẫy khi thủy triều còn cao, bãi cọc chưa bị phát lộ.
- Thứ hai, phải nắm rất vững quy luật thủy triều theo từng giờ và tính toán thời điểm để khi thuyền quân địch tới bãi cọc rồi, thủy triều mới rút, có như vậy thuyền địch mới bị mắc cạn và bị cọc đâm.
- Chỉ khi có đủ hai điều kiện trên, mưu kế mới phát huy tác dụng. Nếu nước triều rút quá sớm so với dự định, bãi cọc sớm phát lộ, thuyền địch sẽ biết và tránh xa cảnh giác, như vậy mưu sự hỏng. Nếu nước triều rút quá muộn so với dự định, thuyền chiến của địch cứ thế vượt qua, không có trở ngại gì, coi như bãi cọc đóng xuống vô tác dụng.
→ Vì vậy, để mưu sự thành công, ngoài việc chuẩn bị cọc nhọn một cách bí mật và hoàn thành sớm, việc dụ địch đi theo đúng lộ trình mình muốn và đến vào thời điểm mình muốn mang ý nghĩa quyết định. Mưu sự thành công có thể quyết định toàn bộ cuộc chiến chỉ trong 1 buổi và Ngô Quyền đã thành công bởi mưu kế độc đáo và tính toán, vận dụng chính xác quy luật của tự nhiên.
Ý nghĩa chiến thắng Bạch Đằng năm 938
Chiến thắng Bạch Đằng có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Nó chính là mốc son chói lọi đánh dấu sự chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc đối với nhân dân ta.
Đồng thời, nó đã đập tan mưu đồ “đồng hóa” – một chính sách thâm sâu nổi bật của chủ nghĩa Đại Hán Tộc khi xâm lược nước ta lúc bấy giờ.
Hơn thế nữa, chiến thắng Bạch Đằng năm 938 còn mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc ta: một kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến hoàn toàn độc lập, tự chủ và hòa bình. Do vậy, nhân dân ngày càng phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của triều đình nhà Ngô do Ngô Quyền là người đứng đầu.
Bài học kinh nghiệm của chiến thắng Bạch Đằng
Chiến thắng Bạch Đằng đã để lại bài học kinh nghiệm đầu tiên đó chính là quyết định đánh giặc sớm, đúng đắn và sáng tạo. Người lãnh đạo cuộc kháng chiến phải luôn nắm được điểm mạnh yếu của địch như: lực lượng địch, vũ khí, thiết bị,…để đưa ra chiến lược phù hợp, đúng đắn.
Bài học kinh nghiệm thứ hai mà chiến thắng Bạch Đằng năm 938 để lại đó chính là phải chủ động nắm bắt địa hình cũng như thời tiết, khí hậu và thủy văn để thiết lập thế đánh địch chắc, hiểm khiến chúng không kịp trở tay.
Bài học kinh nghiệm tiếp theo mà chiến thắng Bạch Đằng năm 938 để lại đó chính là tổ chức chỉ huy tài tình, linh hoạt, khéo léo lợi dụng điểm mạnh của địa hình chiến đấu. Không những thế còn phải biết nắm bắt thời cơ để thực hiện tiến công nhằm tiêu diệt địch nhanh chóng và ít tổn thất về lực lượng.