Tà Chì Nhù ở đâu? Tên gọi Tà Chì Nhù nghĩa là gì?

Tìm hiểu địa danh Tà Chì Nhù ở đâu? Ý nghĩa của tên gọi Tà Chì Nhù, địa điểm săn mây lí tưởng của những du khách đam mê trekking

Trả Lời Nhanh

Tà Chì Nhù ở là tên một ngọn núi thuộc khối núi Pú Luông của dãy núi Hoàng Liên Sơn thuộc địa phận huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Đây là một trong những địa điểm săn mây lí tưởng của du khách đam mê trekking.

MỤC LỤC NỘI DUNG
  • Tà Chì Nhù ở đâu?
  • Đặc điểm địa hình Tà Chì Nhù
  • Tên gọi Tà Chì Nhù nghĩa là gì?
  • Thời điểm thích hợp để đến khám phá Tà Chì Nhù
  • Săn mây trên đỉnh Tà Chì Nhù
  • Tà Chì Nhù mùa hoa Chi Pâu
  • Cách di chuyển từ Hà Nội đến Tà Chì Nhù
  • Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù

Tà Chì Nhù ở đâu?

Đối với dân leo núi và đam mê du lịch thì Tà Chì Nhù ​là một trong những địa điểm khám phá lí tưởng và khá quen thuộc. Tuy nhiên, đối với nhiều người mới nhập hội đam mê trekking có thể vẫn chưa biết chính xác Tà Chì Nhù ở đâu. Tà Chì Nhù là một đỉnh núi của khối núi Pú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Tà Chì Nhù có độ cao là 2979m được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Yên Bái, là ngọn núi cao thứ 7 của Việt Nam, một trong những địa điểm săn mây lí tưởng của du khách đam mê trekking.

Đặc điểm địa hình Tà Chì Nhù

Tà Chì Nhù nằm sâu trong các dãy núi thuộc khối Phú Lương (Pú Luông) của dãy Hoàng Liên Sơn, địa hình phức tạp với nhiều dốc cao, một số đoạn gần như dựng đứng, khí hậu khắc nghiệt. Con đường chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù vô cùng hiểm trở và luôn thuộc dạng top những địa điểm trekking khó nhất Việt Nam. Địa hình leo núi không có nhiều đường tắt, rậm rạp hay lối rẽ ngang, không có nhiều hẻm vực, vách núi cheo leo nhưng khá là dốc.
Với độ cao được ghi nhận là 2979m, Tà Chì Nhù được mệnh danh là nóc nhà Yên Bái và là ngọn núi cao thứ 7 của Việt Nam, được ví như thiên đường mây giữa lưng chừng núi. Vài năm trở lại đây, đỉnh núi này trở thành điểm đến thú vị cho những người ham mê du lịch khám phá và leo núi ngắn ngày nhất là vào dịp cuối tuần.
Núi Tà Chì Nhù sở hữu địa hình và thực vật đa dạng, ở từng độ cao, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những khung cảnh khác nhau, từ rừng nguyên sinh, rừng tán thấp, đồng cỏ, rừng trúc, suối khoáng nóng,…

Tên gọi Tà Chì Nhù nghĩa là gì?

Theo cách gọi của đồng bào dân tộc Thái, đỉnh Tà Chì Nhù được gọi là Phu Song Sung, còn đồng bào dân tộc Mông gọi đỉnh Tà Chì Nhù là Chung Chua Nhà. Trong tiếng Mông, Nhù tức là con trâu, Chì là vết chân, gộp ba từ Tà Chì Nhù lại có nghĩa là “Núi Chân Trâu”. Cái tên này được sử dụng nhiều hơn cả, xuất phát từ việc người dân nơi đây thường thả rông những con trâu lên núi này cho chúng tự do ăn cỏ, uống nước.

Thời điểm thích hợp để đến khám phá Tà Chì Nhù

Theo Kinh nghiệm trekking Tà Chì Nhù, thời gian lý tưởng nhất để đến đây săn mây chính là từ giữa tháng 10 đến hết tháng 3 dương lịch. Đây là mùa lạnh dễ có biển mây xuất hiện và không khí cũng mát mẻ, ít gặp mưa bão nên rất phù hợp với hoạt động đi bộ đường dài. Đặc biệt tháng 10 là lúc thích hợp để đến Tà Chì Nhù chiêm ngưỡng loài hoa Chi Pâu và tháng 2 là cơ hội ngắm hoa đỗ quyên đang nở rộ.

Săn mây trên đỉnh Tà Chì Nhù

Từ giữa tháng 10 đến tháng 3 năm sau là thời điểm đẹp nhất để đến với Tà Chì Nhù ngắm mây trắng phủ kín, nhất là ngay những ngày đầu tháng 1, nhiệt độ ở Tà Chì Nhù xuống rất thấp nên có thể sẽ có tuyết phủ trắng rừng. Vào khoảng thời gian này, dân phượt thường lên đỉnh Tà Chì Nhù để chiêm ngưỡng, lưu giữ lại những khoảnh khắc tuyết rơi mùa đông...
Tuy nhiên cũng vào thời gian này thì độ ẩm khi càng lên cao càng tăng, có thể gây ra hiện tượng mây mù, dễ dàng hóa mưa và mang đến trở ngại cho những ai đang có ý định trekking Tà Chì Nhù.

Tà Chì Nhù mùa hoa Chi Pâu

Vào khoảng tháng 9 cho đến đầu tháng 11, ở Tà Chì Nhù có một loài hoa mọc phủ kín cả vạt núi, khi hoa nở có màu tím, nhìn từ phía xa lên đỉnh núi sẽ thấy núi có màu tím cực kỳ mơ mộng và khi lại gần đứng giữa các bụi hoa nở rộ các bạn cũng sẽ chụp được những bức ảnh vô cùng nghệ thuật.
Loại hoa này được gọi là hoa Chi Pâu, cái tên bắt nguồn từ câu chuyện của một du khách khi hỏi một người dân bản địa về tên của loài hoa này, người đó có trả lời là “chi pâu” (trong tiếng H’mong có nghĩa là “không biết”). Do sự nhầm lẫn này mà cái tên hoa Chi Pâu càng trở nên phổ biến đối với cộng đồng trekking. Trên cung đường trekking, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộng mơ, đầy quyến rũ của loài hoa màu tím vô cùng lãng mạn này. 
Hoa Chi Pâu có tên gọi chính xác là 'swertia' hoặc cỏ mật rồng hay đại tử đương dược (nghĩa là cây thảo dược có hạt lớn). Hoa thường mọc ở độ cao trên 2.000m, mỗi năm hoa chỉ nở rộ một lần vào mùa thu, mỗi lần kéo dài khoảng một tuần.

Cách di chuyển từ Hà Nội đến Tà Chì Nhù

Chặng 1: ​Từ Hà Nội đến Nghĩa Lộ
Từ Hà Nội đến Nghĩa Lộ, bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc phương tiện cá nhân theo tuyến đường 32 hoặc đường Đại Lộ Thăng Long. Sau khi tới khu vực Sơn Tây thì rẽ theo hướng đi cầu Trung Hà, chạy xe thẳng theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đi theo hướng dẫn chỉ đường Hà Nội - Yên Bái trên đường cao tốc khoảng 3km là tới thành phố Yên Bái. Hoặc nếu muốn đi bằng xe khách, bạn có thể bắt xe từ bến xe Mỹ Đình di chuyển đến Nghĩa Lộ từ chiều tối hôm trước (thời gian đi khoảng từ 3 - 4 tiếng), nghỉ tại homestay 1 đêm rồi sáng sớm hôm sau bắt đầu cuộc hành trình tới Trạm Tấu.

Chặng 2: ​Từ Nghĩa Lộ đến thị trấn Trạm Tấu
Từ Nghĩa Lộ đến thị trấn Trạm Tấu là khoảng 30km. Đoạn đường từ Nghĩa Lộ lên Trạm Tấu khá hẹp và nhỏ, nhiều khúc cua tay áo vô cùng hiểm trở, vì vậy nếu di chuyển bằng xe máy thì cần chú ý vững tay lái.

Chặng 3: Từ Trạm Tấu đến Mỏ Chì
Quãng đường từ Trạm Tấu vào Mỏ Chì khoảng 15km. Đây cũng chính là điểm bắt đầu của hành trình di chuyển leo núi Tà Chì Nhù. Từ thị trấn Trạm Tấu bạn sẽ thấy có một cây cầu đầu tiên, hãy rẽ phải sau đó tiếp tục đi thẳng sẽ thấy có biển chỉ dẫn đường vào Mỏ Chì (nếu không thì có thể hỏi người dân). 

Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù

Đỉnh núi Tà Chì Nhù cao 2979 m, quãng đường di chuyển dài khoảng 2,5 km và đây cũng là chặng đường dốc cao nhất trong hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù nhưng đổi lại là có rất nhiều cảnh đẹp.

Chặng 1: Từ Mỏ Chì lên lán nghỉ 2400m
Khi đến Mỏ Chì, các bạn bắt đầu đi bộ từ độ cao 1200m lên lán nghỉ ở độ cao 2400m (quãng đường dài khoảng 6km), đường nhiều dốc cao nên cần xuất phát sớm và có thể lực tốt. Sau khi lên đến lán, các bạn hãy thuê chỗ ngủ hoặc dựng lều nghỉ qua đêm tại đây để chuẩn bị chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù vào sáng sớm hôm sau. 
Các bạn sẽ tiếp tục đi theo hướng dẫn chỉ đường của các anh Porter (người dẫn đường) để vượt qua 2 con dốc và đỉnh núi Chung Dê Hô hay còn gọi là đỉnh Đá Mài theo tiếng người dân bản địa để khám phá cánh rừng nguyên sinh với hệ thực vật vô cùng đa dạng và phong phú. Tiếp tục di chuyển đến đoạn dốc 3 cây, đến đây là đã đi được nửa đường với độ cao khoảng 1800m.
Từ dốc 3 cây bạn sẽ phải trekking theo dọc sườn núi khá dài mới lên đến điểm trại 2.400m. 

Chặng 2: Từ lán nghỉ 2400m đến đỉnh Tà Chì Nhù.

Bạn sẽ phải di chuyển khoảng 3km từ lán nghỉ để lên tới đỉnh Tà Chì Nhù (mất khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ). Đây cũng là quãng đường đẹp nhất trong toàn bộ hành trình, là điểm lí tưởng để ngắm hoàng hôn và bình minh tuyệt đẹp bởi không gian thoáng đãng với quang cảnh là những sống lưng "khủng long", thung lũng hùng vĩ của khối núi Pú Luông. Tà Chì Nhù là một đỉnh núi ngập mây, bạn có thể đón bình minh với một biển mây ngay dưới chân cùng những dãy núi trùng trùng điệp điệp, khung cảnh thiên nhiên vô cùng lãng mạn.
Đường leo Tà Chì Nhù có thể khá mệt nhưng khi lên đến nơi bạn sẽ thấy công sức bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng. Khi xuống núi thì đường đi sẽ không quá khó khăn như lúc đầu, đỡ mệt hơn cũng như tiết kiệm được nhiều thời gian, tuy nhiên bạn nên cẩn trọng không di chuyển quá nhanh, dễ dẫn đến trượt chân ngã.
 

CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN