- Sinh sản hữu tính ở động vật là gì?
- Quá trình sinh sản hữu tính ở động vật
- Giai đoạn hình thành giao tử (tinh trùng và trứng)
- Giai đoạn thụ tinh
- Giai đoạn phát triển phôi
- Các hình thức sinh sản hữu tính ở động vật
- Ý nghĩa của sinh sản hữu tính ở động vật
- Chiều hướng tiến hoá trong sinh sản hữu tính ở động vật
- Về cơ quan sinh sản
- Về phương thức sinh sản
- Về bảo vệ và chăm sóc con
Sinh sản hữu tính ở động vật là gì?
Sinh sản hữu tính ở động vật là kiểu sinh sản tạo ra cá thể mới qua sự hình thành và hợp nhất giao tử đơn bội đực và giao tử đơn bội cái để tạo ra hợp tử lưỡng bội, hợp tử này sẽ phát triển thành cá thể mới. Ưu điểm của sinh sản hữu tính là tạo ra các cá thể mới đa dạng về các đặc điểm di truyền, do đó động vật có thể thích nghi và phát triển trong điều kiện sống thay đổi.
Quá trình sinh sản hữu tính ở động vật
Ở hầu hết các loài động vật, quá trình sinh sản bao gồm 3 giai đoạn nối tiếp nhau, đó là:
- Giai đoạn hình thành giao tử (trứng và tinh trùng)
- Giai đoạn thụ tinh
- Giai đoạn phát triển phôi, hình thành cơ thể mới
Giai đoạn hình thành giao tử (tinh trùng và trứng)
- Hình thành tinh trùng: 1 tế bào sinh tinh trùng giảm phân và hình thành 4 tinh trùng.
- Hình thành trứng: 1 tế bào sinh trứng giảm phân tạo 4 tế bào đơn bội: 3 thể cực, 1 tế bào trứng
Giai đoạn thụ tinh
Ở động vật sinh sản hữu tính có hai hình thức thụ tinh là thụ tinh ngoài và thụ tinh trong. Bản chất của thụ tinh là sự kết hợp giữa tinh trùng của con đực (n) và trứng của con cái (n) để tạo thành cá thể mới (2n).
Quá trình thụ tinh ở động vật
Thụ tinh ngoài
- Thụ tinh ngoài là hình thức thụ tinh mà trứng gặp tinh trùng và thụ tinh ở bên ngoài cơ thể cái (ở môi trường nước). Đại diện cho hình thức thụ tinh này là cá, ếch nhái,...
- Đặc điểm của hình thức thụ tinh ngoài là hiệu suất thụ tinh thấp, tỉ lệ trứng nở và con non sống sót thấp do cơ quan sinh sản chưa hoàn thiện, hình thức này chỉ có ở nhóm sinh vật đẻ trứng.
Thụ tinh trong
- Thụ tinh trong là hình thức thụ tinh mà trứng gặp tinh trùng và thụ tinh ở trong cơ quan sinh dục của con cái. Đại diện cho hình thức thụ tinh này là các loài bò sát, chim và thú.
- Đặc điểm của hình thức thụ tinh trong là hiệu suất thụ tinh cao, tỉ lệ trứng nở và con non sống sót cao do cơ quan sinh sản hoàn thiện hơn, hình thức này gặp ở cả nhóm đẻ trứng và nhóm đẻ con.
- Ưu điểm của thụ tinh trong so với thụ tinh ngoài:
+ Thụ tinh trong là hình thức thụ tinh đưa tinh trùng vào cơ quan sinh dục của con cái nên hiệu quả thụ tinh cao.
+ Thụ tinh ngoài có hiệu quả thụ tinh thấp do tinh trùng phải bơi trong nước để gặp trứng, đây là một trong những lý do giải thích tại sao động vật thụ tinh ngoài thường đẻ rất nhiều trứng.
Ngoài ra, hình thức thụ tinh hỗ trợ là hình thức thụ tinh được thực hiện bởi con người, thường được sử dụng trong các trường hợp vô sinh ở người.
Giai đoạn phát triển phôi
Hợp tử tiến hành nguyên phân nhiều lần liên tiếp để phát triển thành phôi thai.
Các hình thức sinh sản hữu tính ở động vật
- Đẻ trứng: có ở hầu hết các loài cá, lưỡng cư, bò sát, côn trùng và một số loài động vật có vú (thú mỏ vịt, thú lông nhím).
- Đẻ trứng thai: là hiện tượng trứng giàu noãn hoàng đã được thụ tinh và nở thành con non mới được đẻ ra (cá mún, cá kiếm…).
- Đẻ con: là hiện tượng trứng được thụ tinh và phát triển trong dạ con thành phôi. Phôi được bảo vệ và thu nhận chất dinh dưỡng từ máu mẹ qua nhau thai (hầu hết các loài thú).
- Ưu điểm của mang thai và sinh con ở thú: Ở động vật có vú, chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ qua nhau thai rất phong phú, nhiệt độ trong cơ thể mẹ thích hợp với sự phát triển của thai. Phôi thai được bảo vệ tốt nên tỉ lệ chết thai thấp.
Ý nghĩa của sinh sản hữu tính ở động vật
- Duy trì nòi giống: Sinh sản hữu tính tạo ra các cá thể mới có khả năng sinh sản. Điều này giúp duy trì và phát triển loài từ thế hệ này sang thế hệ khác.
- Tạo ra sự đa dạng di truyền: Sự kết hợp ngẫu nhiên của vật chất di truyền từ hai cá thể khác nhau tạo ra các cá thể mới có các đặc điểm di truyền khác nhau, trong đó có thể có những đặc điểm mới, tốt hơn, giúp cá thể thích nghi tốt hơn với môi trường sống.
- Tạo ra sự thích nghi với môi trường: Sự đa dạng về các đặc điểm di truyền của các cá thể mới giúp chúng thích nghi tốt hơn với môi trường sống. Ví dụ, trong môi trường sống có nhiều biến đổi, những cá thể có các đặc điểm di truyền phù hợp với môi trường sẽ có khả năng sống sót và sinh sản cao hơn, từ đó giúp duy trì và phát triển loài.
Chiều hướng tiến hoá trong sinh sản hữu tính ở động vật
Chiều hướng tiến hóa trong sinh sản hữu tính ở động vật được thể hiện ở những điểm sau:
Về cơ quan sinh sản
- Từ chưa có sự phân hóa giới tính đến có sự phân hóa giới tính (đực, cái).
- Từ chưa có cơ quan sinh sản chuyên biệt đến có cơ quan sinh sản rõ ràng.
- Từ các cơ quan sinh sản đực cái nằm trên cùng một cơ thể (lưỡng tính) đến các cơ quan này nằm trên các cơ thể riêng biệt (đơn tính).
Về phương thức sinh sản
- Từ đẻ trứng đến đẻ trứng thai đến đẻ con.
- Từ thụ tinh ngoài đến thụ tinh trong.
- Từ tự thụ tinh đến thụ tinh chéo.
Về bảo vệ và chăm sóc con
- Từ chỗ con sinh ra không được bảo vệ và chăm sóc chu đáo đến được bảo vệ và chăm sóc chu đáo.
- Từ giai đoạn sinh sản vô tính và hữu tính xen kẽ đến sinh sản hữu tính hoàn toàn.
- Từ chỗ số trứng (con) sinh ra trên một lứa hoặc số lứa nhiều đến ít.