- Kaizen là gì? Kaizen đã trở thành một triết lí?
- Lược sử của Kaizen
- Các đặc điểm của Kaizen bao gồm:
- Ưu và nhược điểm Kaizen
- Quy trình Kaizen là gì?
- Nguyên tắc của Kaizen là gì?
- Các chương trình KAIZEN cơ bản
- Ví dụ về Kaizen
- Lấy ví dụ về Kaizen trong cuộc sống
- Lấy ví dụ về Kaizen trong Kaizen trong học tập
- Các công ty áp dụng KAIZEN
Kaizen là gì? Kaizen đã trở thành một triết lí?
Kaizen là một thuật ngữ trong tiếng Nhật có nghĩa là "sự cải tiến liên tục".
Kaizen viết theo kí tự tiếng Hán là: 改 善.
Trong tiếng Anh có thuật ngữ "improve" là sự cải tiến, thì trong tiếng Nhật có Kaizen, nhưng Kaizen được đặt trong nhiều chiến lược kinh doanh và trở thành triết lí Nhật Bản.
Lược sử của Kaizen
Kaizen được ứng dụng đầu tiên bởi Nhật Bản, cụ thể là việc thúc đẩy nền kinh tế của Nhật Bản sau thế chiến thứ hai.
Tuy được ứng dụng và rất thành công tại Nhật Bản, điểm khởi đầu của Kaizen lại đến từ Hoa Kỳ, phương pháp cải tiến hiệu quả công việc thông qua cải tiến từng giai đoạn nhỏ được xây dựng và phát triển tại Hoa Kỳ với tên là chương trình Training Within Industry (TWI Job Methods).
Thay vì tập trung vào giải quyết những vấn đề lớn, phương pháp này khuyến nghị các tổ chức liên tục đưa ra những cải tiến nhỏ, chú trọng đến những giải pháp cải tiến có thể được hoàn thành trong ngày. Lý giải cho phương pháp này bắt nguồn từ thế chiến thứ hai, thời điểm này không có thời gian và nguồn lực cho những sáng tạo và thay đổi lớn trong việc sản xuất các thiết bị phục vụ cho chiến tranh.
Bản chất của phương pháp Training Within Industry là cải thiện, năng suất của lực lượng lao động và phát triển những công nghệ có sẵn.
Sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ xây dựng kế hoạch Marshall với mục tiêu xây dựng lại ngành công nghiệp Nhật Bản và Training Within Industry là một thành phần trong kế hoạch hỗ trợ lịch sử này.
Homer Sarasohn thành viên IEEE Life, kỹ sư Hoa Kỳ và Charles Protzman (người điều hành hệ thống điện thoại Nhật Bản), hai kỹ sư đã phát triển một chương trình đào tạo quản lý vào năm 1949 – 1950.
Một nhóm kỹ sư khác phụ trách kinh tế và khoa học (ESS) cũng nhận nhiệm vụ nâng cao kỹ năng quản lý của Nhật Bản là Edgar McVoy đã đưa Lowell Mellen đến Nhật Bản hướng dẫn, đào tạo và chuyển giao chương trình Training Within Industry (TWI). Năm 1951, nhóm ESS đã sản xuất một bộ phim đào tạo giới thiệu ba chương trình “J” (Job Instruction, Job Methods and Job Relations) thuộc TWI, tạm dịch: “Hướng dẫn công việc, Phương pháp công việc và Quan hệ công việc” với tiêu đề “Cải tiến trong bốn bước”. (Kaizen eno Yon Dankai ), đây là nguồn gốc của Kaizen.
Tiến sĩ W. Edwards Deming, một nhà khoa học thống kê, đã đến Nhật Bản với mục tiêu điều tra dân số sau thế chiến thứ hai, ông đã truyền dạy quy trình kiểm soát và thống kê khoa học tới các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản hàng đầu.
Tiến sĩ W. Edwards Deming, một nhà khoa học thống kê, đã đến Nhật Bản với mục tiêu điều tra dân số sau thế chiến thứ hai, ông đã truyền dạy quy trình kiểm soát và thống kê khoa học tới các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản hàng đầu. Thông điệp mà Deming đưa ra là: Bằng cách cải thiện chất lượng sẽ dẫn tới giảm chi phí giúp tăng năng suất và tăng thị phần.
Tiến sĩ W. Edwards Deming cũng cho rằng: Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm nên được đặt vào tay của người công nhân trong mọi dây chuyền sản xuất.
Vì cống hiến trong việc giới thiệu và phổ biến Kaizen tại Nhật Bản, năm 1960 Thiên hoàng Nhật Bản đã trao Huân chương bảo vật thiêng liêng cho ông William Edwards Deming.
Người đưa Kaizen đến phương Tây và phổ biến phương pháp luận này tới toàn cầu là ông Masaaki Imai với cuốn sách Kaizen: chìa khoá thành công cạnh tranh của Nhật Bản, xuất bản năm 1986.
Các đặc điểm của Kaizen bao gồm:
- Là quá trình cải tiến liên tục nơi làm việc;
- Tập trung nâng cao năng suất và thoả mãn yêu cầu khách hàng thông qua giảm lãng phí;
- Triển khai dựa trên sự tham gia nhiệt tình của mọi thành viên với sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo,
- Nhấn mạnh hoạt động nhóm;
- Thu thập và phân tích dữ liệu là công cụ hữu hiệu.
Ưu và nhược điểm Kaizen
Có rất nhiều lý do ủng hộ cho mô hình và phương pháp luận Kaizen đem lại lợi thế to lớn cho tổ chức. Tuy nhiên, có một số trường hợp mà mô hình này không phù hợp, một số ưu và nhược điểm của Kaizen bao gồm:
Ưu điểm của Kaizen:
- Phương pháp Kaizen tạo ra sự cải thiện từ từ, mang đến khái niệm thay đổi nhẹ nhàng và dễ chịu hơn với những phương pháp triển khai hàng loạt hoặc đồng bộ.
- Kaizen yêu cầu xem xét kỹ lưỡng các quy trình để giảm thiểu kết luận sai lầm và tránh lãng phí.
- Với ít sai sót, ứng dụng Kaizen không cần giám sát và kiểm tra nhiều
- Tinh thần đội ngũ được cải thiện vì Kaizen ủng hộ việc trao quyền và tôn trọng mọi ý kiến
- Tinh thần đồng đội gia tăng khi mọi người đưa ra vấn đề của mình và được tổ chức giải quyết tập thể.
- Dịch vụ khách hàng tốt hơn khi nhân viên nhận thức rõ hơn về các các vấn đề và nhu cầu của khách hàng cần giải pháp để cải thiện.
- Hệ thống được xây dựng nhằm đưa ra cải tiến trong ngắn hạn và cả dài hạn.
Nhược điểm của Kaizen:
- Khó ứng dụng với một doanh nghiệp gia đình hoặc doanh nghiệp có một văn hoá thương hiệu tập trung, kiểm soát quyền lực. Với những doanh nghiệp này cần thay đổi văn hoá thương hiệu trước tiên.
- Kaizen cần được áp dụng liên tục và không ngừng nghỉ, những kế hoạch Kaizen được thực hiện rồi dừng lại hoặc ngắt quãng sẽ tạo ra cảm xúc hụt hẫng, buông bỏ, bất hợp tác trong nội bộ doanh nghiệp.
Quy trình Kaizen là gì?
Kaizen dựa trên triết lý mọi thứ đều có thể cải thiện và không có gì là hoàn hảo, luôn có cách để làm tốt hơn. Kaizen bắt đầu bằng việc xác định các vấn đề và cơ hội, sau đó đưa ra các giải pháp và triển khai – sau đó làm lại quá trình một lần nữa để tìm ra các vấn đề chưa được giải quyết. Mô hình Kaizen bao gồm 7 bước được để thực hiện cải tiến liên tục.
(Nguồn ảnh: advertisingvietnam.com)
1. Thu hút nhân viên tham gia: truyền thông và thu hút sự tham gia của mọi nhân viên, bao gồm cả việc kêu gọi sự giúp đỡ trong việc xác định và tìm ra các vấn đề hiện hữu. Giai đoạn này thường được sử dụng phương pháp tổ chức nhóm hoặc các cá nhân có nghiệm vụ thu thập và phân tích thông tin từ các nhóm tham gia.
2. Tìm ra vấn đề: Sử dụng dữ liệu phản hồi thu thập được trong giai đoạn 1, đưa ra danh sách các vấn đề tiềm tàng.
3. Đưa ra giải pháp: Khuyến khích nhân viên đưa ra mọi giải pháp sáng tạo, mọi ý tưởng dù là bình thường đến điên rồ nên được trân trọng. Tạo một cuộc thi là lựa chọn giải pháp chiến thắng từ những ý tưởng cải tiến được nêu ra. Hãy đảm bảo bạn tôn trọng mọi cải tiến từ mọi người, rất có thể người đưa ra giải pháp không tốt hôm nay sẽ là người chiến thắng trong tương lai, hãy cẩn trọng và giữ lửa cho mọi nhân viên.
4. Thử nghiệm các giải pháp: triển khai các giải pháp đã được xác định tại giai đoạn 3, ứng dụng các giải pháp này với tệp nhân viên đã tham gia. Tạo ra các chương trình thử nghiệm và lưu trữ số liệu, bạn cũng có thể chia nhỏ các giải pháp để thử nghiệm.
5. Phân tích dữ liệu: trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, hãy liên tục kiểm tra tiến độ với kế hoạch cụ thể, những người quản lý cấp cao hãy tự thực hiện giai đoạn này, kiểm chứng và đối chiếu thực tế sẽ đem đến nhiều bài học đáng giá. Đưa ra kết luận về mức độ thành công của sự thay đổi.
6. Chuẩn hoá và tối ưu: trong quá trình triển khai giải pháp, có thể xuất hiện sai số hoặc nhược điểm của giải pháp, bạn có thể cải thiện và làm tốt hơn. Hãy mau chóng điều chỉnh và loại bỏ tối đa những nhược điểm này để đạt được kết quả tối ưu nhất.
7. Lặp lại lại giải pháp đã chuẩn hóa và tối ưu: khi chấp nhận giải pháp Kaizen, lúc này bạn cần triển khai lại quy trình, bắt đầu lại từ bước một để một lần nữa kiểm tra các giải pháp mới có phát sinh vấn đề hay không, nếu không còn, bạn có thể triển khai chúng ra toàn bộ hệ thống.
Nguyên tắc của Kaizen là gì?
Kaizen bao gồm 10 nguyên tắc đơn giản, tất cả đều phải được tuân thủ đồng thời và liên tục.
(Nguồn ảnh: advertisingvietnam.com)
- Nguyên tắc 1: Nắm bắt những ý tưởng mới và loại bỏ sự cứng nhắc
Về cơ bản, bản chất của con người là quen với việc thực hiện các nhiệm vụ theo một cách nhất định, thực hiện lại các ý tưởng giống nhau và tuân theo các giao thức đã có từ lâu. Con người có xu hướng làm điều này do lo sợ rằng những ý tưởng mới có thể dẫn đến những sai sót tiềm ẩn. Hãy bỏ đi nỗi sợ hãi này và đón nhận những ý tưởng mới. Với các khái niệm mới và cách tiếp cận tiến bộ, các tổ chức được trang bị tốt hơn để đối phó với sự cạnh tranh và đưa tổ chức mình đi trước phần còn lại.
- Nguyên tắc 2: có trách nhiệm và tránh đổ lỗi
Thực hiện tốt trách nhiệm giải trình giúp tổ chức tiết kiệm thời gian và công sức dành cho các hoạt động gây mất tập trung và các hành vi không hiệu quả khác. Thay vì đổ lỗi cho các thành viên trong nhóm của bạn về điều gì đó không ổn, hãy kèm cặp họ và quy trách nhiệm cho họ về những công việc cụ thể để họ không lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai.
- Nguyên tắc 3: Hãy tích cực và cố gắng học hỏi
Trên thực tế, bạn có thể không đáp ứng được tất cả các nhu cầu và yêu cầu mà một nhiệm vụ cụ thể đưa ra, nhưng điều quan trọng là hãy luôn cố gắng. Nếu gặp khó khăn hãy tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn, nhờ sự trợ giúp từ bên ngoài và luôn nói có trong việc học hỏi. Việc đã từng cố gắng và thất bại vẫn tốt hơn là không cố gắng làm gì cả.
- Nguyên tắc 4: Hướng đến những cải tiến nhỏ hơn là hoàn thiện
Kaizen không được xây dựng trong một ngày, cũng không phải là một báo cáo hoạt động xuất sắc. Bằng cách cải thiện cách các nhiệm vụ nhỏ được thực hiện thường xuyên, bạn sẽ thu được kết quả lớn hơn thay vì cố gắng hoàn thiện toàn bộ công việc của một bộ phận. Hãy nhắm đến những thay đổi nhỏ, liên tục và kết quả sẽ đến từ từ nhưng ổn định.
- Nguyên tắc 5: Sửa chữa những sai lầm ngay khi chúng được tìm thấy
Sai lầm tạo ra bởi con người. Đó là điều tự nhiên và có thể chấp nhận được nếu mắc lỗi sai. Điều không thể chấp nhận được là dù biết nhưng bạn vẫn bỏ qua nó mà không sửa lỗi. Hãy tự nhận lỗi nếu bạn phải chịu trách nhiệm, hãy sửa chữa và cố gắng tìm ra giải pháp để tránh mắc phải sai lầm tương tự sau này.
- Nguyên tắc 6: Trao quyền cho mọi thành viên trong nhóm để đưa ra giải pháp cho các vấn đề
Không chỉ mang lại cho mọi người tiếng nói, cung cấp cho họ cảm giác thân thuộc mà Kaizen còn cung cấp cho tổ chức những ý tưởng mới và các khái niệm sáng tạo mà qua đó tổ chức có thể tránh được hoặc giải quyết một số vấn đề nhất định.
- Nguyên tắc 7: Đi sâu hơn vào các vấn đề để xác định nguyên nhân gốc rễ của chúng
Do không có nhiều thời gian, cộng thêm áp lực phải hoàn thành công việc đúng thời hạn nên nhân viên thường bỏ qua nguyên nhân gốc rễ của sai sót và chỉ giải quyết chúng một cách tạm thời. Điều này dẫn đến việc lặp lại những sai lầm tương tự. Hãy luôn khuyến khích nhân viên của bạn tìm ra nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề và báo cáo các giải pháp khả thi để mọi người trong nhóm có thể hưởng lợi từ những phát hiện của họ.
- Nguyên tắc 8: Đề cao sự khôn ngoan của nhiều người hơn là kiến thức chuyên môn của một người
Kiến thức sâu rộng mà một người có được, cho dù họ có được trang bị và đào tạo tốt đến đâu, cũng không thể so sánh được với trí tuệ tổng hợp của nhiều người. Ý kiến của nhiều người sẽ ít thiên vị và đánh giá định kiến hơn so với ý kiến của một người.
- Nguyên tắc 9: Tin cậy dữ liệu so với ý kiến
Dữ liệu cung cấp cho các tổ chức thông tin dựa trên các bằng chứng xác thực, trong khi các ý kiến phản ánh niềm tin của một người hoặc nhóm người. Những công ty đầu tư vào thu thập, đối chiếu và phân tích dữ liệu trước khi ra quyết định sẽ có lợi thế hơn những công ty khác chỉ dựa vào kinh nghiệm hoặc quan điểm.
- Nguyên tắc 10: Kaizen không có điểm đến
Kaizen là một quá trình, không phải là một mục tiêu. Đó là nỗ lực không ngừng của mỗi nhân viên để đảm bảo cải tiến tất cả các quy trình và hệ thống của một tổ chức cụ thể. Nó dẫn đến sự cải tiến tổng thể của tổ chức với tốc độ chậm và ổn định. Kaizen tạo ra những cải tiến liên tục và hiệu suất tổng thể tốt hơn cho tổ chức.
Các chương trình KAIZEN cơ bản
Bao gồm có một số chương trình như
- Mô hình Kaizen 5S: “SERI”, “SEITON”, “SEISO”, SEIKETSU” Và “SHITSUKE”, tiếng Việt là Sàng lọc”, “sắp xếp”, “sạch sẽ, săn sóc” và sẵn sàng được áp dụng để xây dựng môi trường làm việc gọn gàng, khoa học và sạch sẽ.
- Hệ thống Kaizen KSS: Hệ thống khuyến nghị Kaizen nhấn mạnh lợi ích xây dựng | tinh thần và sự tham gia tích cực của người lao động thông qua các khuyến khích về tài chính và phi tài chính.
- QCC: Nhóm chất lượng là một nhóm nhỏ tình nguyện thực hiện các hoạt động kiểm soát chất lượng tại nơi làm việc, thực hiện công việc tự phát triển, đào tạo và Kaizen trong nơi làm việc.
- JIT: Đúng thời hạn là một kỹ thuật kiểm soát hàng tồn kho và sản xuất, là một phần trong hệ thống sản xuất của TOYOTA.
Ví dụ về Kaizen
Lấy ví dụ về Kaizen trong cuộc sống
Ví dụ về Kaizen cho mục tiêu của bạn là tìm một công việc mới, đây là cách bạn có thể thực hiện Kaizen:
Ngày 1: Bắt đầu viết một bản sơ yếu lý lịch hoặc sửa đổi bản lý lịch bạn có bây giờ.
Ngày 2: Cập nhật hồ sơ LinkedIn của bạn.
Ngày 3: Bắt đầu kết nối mạng trên LinkedIn.
Ngày 4: Liên hệ với nhà tuyển dụng.
Ngày 5: Hãy thử nói chuyện với một vài nhà tuyển dụng khác để đánh giá thị trường việc làm.
Ngày 6: Gặp gỡ nhà tuyển dụng để thảo luận về cơ hội.
Ngày 7: Tìm kiếm công việc liên quan
Ngày 8: Sau khi tìm được một số vị trí phù hợp, hãy gửi email sơ yếu lý lịch của bạn để phản hồi danh sách việc làm.
Ngày 9: Thông báo cho bạn bè và đồng nghiệp thân thiết rằng bạn đang tìm một công việc mới và hỏi họ xem họ có mối quan hệ nào không.
Ngày 10: Mua trang phục phỏng vấn mới.
Ngày 11: Tìm kiếm các sự kiện kết nối trong lĩnh vực của bạn để tham dự và kết nối.
Ngày 12: Đăng ký tham gia các sự kiện.
Ngày 13: Lên lịch và tham dự một cuộc phỏng vấn thông tin.
Ngày 14: Đi phỏng vấn xin việc thật.
Lấy ví dụ về Kaizen trong trong học tập
Chìa khóa để áp dụng Phương pháp Kaizen trong học tập là:
Phân tích những thời điểm nào trong ngày mà bạn thấy học hiệu quả nhất
Đặt thời gian để bắt đầu mỗi ngày và tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình học tập đó ngay từ đầu vì đó là việc thiết lập một thói quen.
Sắp xếp lịch học tập của bạn với thời gian nhất định. Tuần đầu tiên đặt một khoảng thời gian ngắn, ví dụ như 20 phút. Tăng dần 20 phút mỗi tuần. Đó là một thời gian chỉ định; bạn có thể tăng thời gian nhiều hơn hoặc ít hơn. Điều quan trọng là bạn nên bắt đầu với một khoảng thời gian ngắn nhỏ, giữ cố định trong vài ngày và tăng lên một cách hợp lý.
Tự chúc mừng khi bạn đạt được mục tiêu. Không gì hữu ích hơn để củng cố động lực của chúng ta hơn là một lời khen dành cho một công việc hoàn thành tốt.
Các công ty áp dụng KAIZEN
- Công ty TOYOTA
ví dụ về Toyota – một doanh nghiệp rất thành công trong việc áp dụng Kaizen. Triết lý này được áp dụng nghiêm túc và triệt để tại bất cứ ngóc ngách nào trong các nhà máy sản xuất của Toyota (dù ở Nhật hay Mỹ).
Một sự cải tiến điển hình của Toyota là về xe chở hàng – loại phương tiện chuyên chở trong nội bộ nhà máy. Trước Kaizen, Toyota phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua sắm chúng. Nhưng sau đó, người ta phát hiện ra cách tự chế tạo loại xe này bằng cách lắp thêm động cơ vào các bộ phận có sẵn trên dây chuyền sản xuất. Bằng cách đó, chi phí mua sắm xe chở hàng giảm hơn 1 nửa, tính ra tiết kiệm được gần 3.000 USD trên mỗi chiếc xe – một sự tiết kiệm đáng để học tập.
- Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn
Từ tháng 5/2013, Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) bắt đầu triển khai thực hiện Kaizen. Đến nay, hoạt động Kaizen vẫn được công ty triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất.
Tổng kết trong 8 năm vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, SBR đã thực hiện 596 cải tiến Kaizen và làm lợi 1,85 triệu USD. Riêng quý I năm 2018, Lọc hóa dầu Bình Sơn thực hiện 63 cải tiến Kaizen, làm lợi cho công ty khoảng 3,8 tỷ đồng. Trong đó có 8 cải tiến mang lại lợi nhuận lớn (trên 100 triệu đồng); 44 cải tiến mang lại lợi ích nhỏ và vô hình, 11 ý tưởng có tính khả thi. Ngoài ra, SBR thực hiện 130 cải tiến khác làm lợi cho nhà nước 128,9 triệu USD; thực hiện 33 đề tài nghiên cứu, trong đó giải pháp kỹ thuật “Tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm của nhà máy” đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, khoảng 12,6 triệu USD/năm.
Việc thực hiện Kaizen tại SBR trong 8 năm qua đã làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng, tiết kiệm chi phí đồng thời giúp hoạt động vận hành nhanh gọn, an toàn, hiệu quả. Chính vì vậy, hoạt động này luôn được ban lãnh đạo quan tâm, có chính sách tốt để khen thưởng và nâng cao tinh thần sáng tạo của cán bộ công nhân viên.
- Công ty Nestle
Nestlé là công ty thực phẩm lớn nhất thế giới và là công ty đang áp dụng Kaizen. Ví dụ, ban lãnh đạo Nestlé đã lập bản đồ dòng giá trị tại một nhà máy đóng chai mới để tìm ra chất thải. Điều này dẫn đến các quy trình hiệu quả hơn tại nhà máy.
Ngoài ra, Đổi mới liên tục là rất quan trọng trong việc giữ cho công ty Nestlé SA của Thụy Sĩ giữ vị trí là công ty thực phẩm lớn nhất thế giới. Văn hóa Kaizen giúp thúc đẩy phần lớn sự đổi mới đó.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Leadership Network , Faith Burndred, Nhà vô địch xuất sắc liên tục của Nestlé tại Trung tâm công nghệ sản phẩm Nestlé York, đã nhận xét rằng một trong những thách thức lớn nhất để thực hiện Kaizen thành công là “ Đặt sự tập trung quá nhiều vào các công cụ thay vì phát triển tư duy.”
Chính vì lý do này mà công ty sản xuất thực phẩm tập trung vào việc trang bị cho các Nhà lãnh đạo công ty các kỹ năng và sự tự tin để đóng vai trò là hình mẫu trong các hoạt đọng Tinh gọn.
Như Burndred đã nói, “Nếu các Nhà lãnh đạo luôn thể hiện tầm quan trọng của mình và tự mình làm gương cho những hành vi đúng đắn, thì điều này tự nhiên sẽ thúc đẩy sự thay đổi văn hóa.” Minh chứng này bao gồm sự hỗ trợ và khuyến khích liên tục của nhân viên, cũng như những thách thức đang diễn ra để thúc đẩy các cải tiến trong quy trình hoạt động.
- Tập đoàn Samsung
Samsung là công ty hàng đầu cho sự trỗi dậy của nước Hàn Quốc. Samsung có nhà máy ở Hàn Quốc. Công nhân tại nhà máy này được đào tạo chuyên sâu và là những nhân lành nghề. Trong các nhà máy này, chúng ta sẽ thấy hệ thống sản xuất tiên tiến và sử dụng phương pháp Kaizen cho các các chiến lược cải tiến quy trình tại chỗ với nhịp độ nhanh. Phương pháp Kaizen nhấn mạnh vào khả năng cạnh tranh sản xuất và hiệu quả hoạt động, kỷ luật tổ chức nghiêm ngặt, lòng trung thành của nhân viên, khen thưởng và sự tham gia của người lao động và quản lý, lãnh đạo.
Tuy nhiên, Samsung cũng chịu sự ảnh hưởng mô hình của Mỹ, đó là cũng có những nhà máy gần như thuê ngoài. Trong các nhà máy thuê ngoài, các công việc đơn giản hơn, công nhân nhà máy có ít chuyên môn hơn. Trong những nhà máy như vậy, Samsung ít áp dụng kỹ thuật Kaizen hơn, thay vào đó, nhà máy đó được sử dụng các phương pháp khác nhau.