MỤC LỤC NỘI DUNG
- Đền Hùng ở đâu? Đền Hùng nằm ở tỉnh nào?
- Đền Hùng thờ ai?
- Cấu trúc quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng
- Đền Hùng gồm bao nhiêu đền chính?
- Đền Hạ
- Đền Trung
- Đền Thượng
- Đền Giếng
- Chùa Thiên Quang
- Lăng Hùng Vương
- Đền Hùng có bao nhiêu bậc?
- Cách di chuyển đến đền Hùng từ Hà Nội
- Di chuyển đến đền Hùng bằng phương tiện cá nhân
- Di chuyển đến đền Hùng bằng xe khách
- Di chuyển đến đền Hùng bằng tàu hỏa
- Giá vé tham quan quần thể di tích Đền Hùng
Đền Hùng ở đâu? Đền Hùng nằm ở tỉnh nào?
Đền Hùng là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng gắn liền với Lễ hội Đền Hùng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang xưa.Đền Hùng nằm ở tỉnh Phú Thọ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 km tính theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và xấp xỉ 100km tính theo đường quốc lộ 2. Đền Hùng nằm trên khu vực diện tích khoảng 1.030 ha.
Đền Hùng thờ ai?
Đền Hùng là nơi thờ phụng 18 đời vua Hùng Vương và tôn thất của nhà vua, những người đã có công dựng nước và được xem là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam.Danh sách 18 đời vua Hùng Vương theo như liệt kê của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần trong cuốn “Thế thứ các triều vua Việt Nam” (Nhà xuất bản Giáo dục, 2008, trang 14 - 15) bao gồm:
Kinh Dương Vương (涇陽王): 2879 - 2794 TCN (số năm trị vì là ước đoán). Húy là Lộc Tục (祿續).
Hùng Hiền Vương (雄賢王), còn được gọi là Lạc Long Quân (駱龍君 hoặc 雒龍君 hoặc 貉龍君): 2793 - 2525 TCN. Huý là Sùng Lãm (崇纜).
Hùng Lân Vương (雄麟王): 2524 - 2253 TCN.
Hùng Việp Vương (雄曄王): 2252 - 1913 TCN.
Hùng Hy Vương (雄犧王): 1912 - 1713 TCN
Hùng Huy Vương (雄暉王): 1712 - 1632 TCN.
Hùng Chiêu Vương (雄昭王): 1631 -v1432 TCN.
Hùng Vĩ Vương (雄暐王): 1431 - 1332 TCN.
Hùng Định Vương (雄定王): 1331 - 1252 TCN.
Hùng Hi Vương (雄曦王): 1251 - 1162 TCN.
Hùng Trinh Vương (雄楨王): 1161 - 1055 TCN.
Hùng Vũ Vương (雄武王): 1054 - 969 TCN.
Hùng Việt Vương (雄越王): 968 - 854 TCN.
Hùng Anh Vương (雄英王): 853 - 755 TCN.
Hùng Triệu Vương (雄朝王): 754 - 661 TCN.
Hùng Tạo Vương (雄造王): 660 - 569 TCN.
Hùng Nghị Vương (雄毅王): 568 - 409 TCN.
Hùng Duệ Vương (雄睿王): 408 - 258 TCN.
Cấu trúc quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng
Quần thể Đền Hùng bắt đầu được xây dựng trên núi Hùng (núi Nghĩa Lĩnh) từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968 - 979). Sau đó, đến khoảng thế kỷ XV, dưới thời Hậu Lê, toàn bộ khu di tích được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện nay.Quần thể gồm các công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng sau:
- Khu vực núi Nghĩa Lĩnh, gồm có: Đền Hạ, chùa Thiên Quang, Đền Trung, Đền Thượng, Cột đá thề, Lăng Hùng Vương và Đền Giếng.
- Khu vực núi Vặn (tên chữ là Ốc Sơn) có Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ.
- Khu vực núi Sim có Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân.
- Khu vực đồi Công Quán và Bảo tàng Hùng Vương.
Đền Hùng gồm bao nhiêu đền chính?
Đền Hùng gồm có 4 đền chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng cùng với 1 chùa và 1 lăng Tổ.Đền Hạ
Được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII) và trùng tu tôn tạo lại vào thời nhà Nguyễn (1997), đền Hạ gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ, là nơi thờ thần Núi, 18 đời vua Hùng và 2 vị công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa - con gái vua Hùng thứ 18.Đền Trung
Được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII) với tên chữ là Hùng Vương Tổ Miếu, đền Trung tương truyền là nơi các vua Hùng thường cùng với các lạc hầu, lạc tướng bàn việc nước. Đây cũng là nơi gắn liền với sự tích vua Hùng thứ 6 truyền ngôi cho Lang Liêu - vị hoàng tử đã sáng tạo ra bánh chưng bánh dày.Đền Thượng
Nằm ở vị trí cao nhất trên núi, đền Thượng với tên chữ là "Kính Thiên Lĩnh Điện" tương truyền là nơi Vua Hùng và các Lạc Hầu, Lạc Tướng làm lễ cúng tế trời - đất để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Đây cũng là địa điểm chính diễn ra các nghi thức quan trọng nhất trong ngày giỗ Tổ.Đền Giếng
Đền Giếng tương truyền là nơi thờ hai vị công chúa Tiêng Dung và Ngọc Hoa nhằm tưởng nhớ tới công lao hai công chúa giúp dân khai hoang, trồng lúa nước, trị thủy. Đền có tên chữ là Ngọc Tỉnh, được xây dựng khoảng thế kỷ XVIII.Chùa Thiên Quang
Chùa Thiên Quang còn gọi là Thiên quang thiền tự, tọa lạc gần đền Hạ, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18 - 19, thời nhà Trần. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa, bên trong lưu giữ 32 pho tượng Phật bằng gỗ được sơn son thiếp vàng. Trước cửa chùa có cây vạn tuế ba ngọn khoảng 800 tuổi tỏa ra 3 hướng tượng trưng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam.Lăng Hùng Vương
Tương truyền đây là Lăng mộ của Vua Hùng thứ 6, đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo dưới thời nhà Nguyễn. Trong đền thờ bài vị của 18 đời vua Hùng (Hùng đồ thập bát thế Thánh vương Thánh vị) và ba vị thần núi: Đột Ngột Cao Sơn (núi Nghĩa Lĩnh), Áp Sơn (núi Trọc) và Viễn Sơn (núi Vặn).Đền Hùng có bao nhiêu bậc?
Theo ghi chép, trong cuộc đại trùng tu 6 năm liền từ 1917 - 1922, nhân dân 18 tỉnh Bắc bộ đã cung tiến được 6.000 đồng tiền Đông Dương tôn tạo Đền Thượng, Lăng Vua và Đền Giếng. Riêng nhà tư sản Nghĩa Lợi đã cung tiến 1.000 đồng tiền Đông Dương để xây 539 bậc xi măng. Từ cổng lên Đền Hạ 225 bậc, từ Đền Hạ lên Đền Trung 168 bậc, từ Đền Trung lên Đền Thượng 102 bậc và từ Đền Hạ xuống Đền Giếng 44 bậc.Hiện nay, trải qua nhiều lần trùng tu, những bậc gạch xi măng cũ đã được thay thế bằng bậc đá vì thế có thể số bậc của con đường lên xuống các đền đã thay đổi.
Tuyến đường từ Đền Thượng xuống đền Giếng được mở từ năm 1990, do nhà nước đầu tư kinh phí. Trải qua nhiều cuộc trùng tu, sửa chữa, Đền Hùng có diện mạo như ngày nay, con đường lên xuống núi cũng khang trang, dễ dàng cho người đi lại hơn. Từ đền Thượng sẽ trải qua 617 bậc đá để tới đền Giếng.
Cách di chuyển đến đền Hùng từ Hà Nội
Di chuyển đến đền Hùng bằng phương tiện cá nhân
Nếu lựa chọn di chuyển đến đền Hùng bằng xe máy, bạn có thể đi theo tuyến đường Quốc lộ 2 qua Việt Trì đến Đền Hùng hoặc Quốc lộ 32 qua cầu Trung Hà - Tam Nông - Lâm Thao và đến Đền Hùng.Nếu đi ô tô riêng, các bạn có thể đi theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xuống tại trạm thu phí IC7 - thành phố Việt Trì, sau đó chạy thẳng ra Đền Hùng, đây cũng là cách di chuyển nhanh nhất từ Hà Nội đến Đền Hùng.
Di chuyển đến đền Hùng bằng xe khách
Từ bến xe Mỹ Đình, bạn lựa chọn chuyến xe đi Phú Thọ phù hợp với lộ trình, giờ giấc của mình, thời gian di chuyển mất khoảng từ 2 - 3 tiếng.Di chuyển đến đền Hùng bằng tàu hỏa
Khi lựa chọn tàu hỏa để di chuyển, hãy đảm bảo rằng điểm dừng của chuyến tàu là tại ga Tiên Kiên, Phú Thọ. Từ ga Tiên Kiên cách Đền Hùng khoảng 3km, bạn có thể đi xe ôm hay taxi để đến Đền Hùng.Giá vé tham quan quần thể di tích Đền Hùng
Giá vé tham quan quần thể di tích Đền Hùng bao gồm một số mức phí sau đây:- Vé đi xe điện: 50.000 VNĐ/người
- Vé vào bảo tàng: 15.000 VNĐ/người
- Vé thăm các ngôi đền: 10.000 VNĐ/người