Có bao nhiêu phương thức biểu đạt?

Phương thức biểu đạt là gì? Có bao nhiêu phương thức biểu đạt? Khái niệm, đặc điểm và cách nhận biết các phương thức biểu đạt.

Trả Lời Nhanh

Có 6 phương thức biểu đạt, bao gồm: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính - công vụ.

MỤC LỤC NỘI DUNG
  • Phương thức biểu đạt là gì?
  • Có bao nhiêu phương thức biểu đạt?
  • 1. Phương thức tự sự
  • 2. Phương thức miêu tả
  • 3. Phương thức biểu cảm
  • 4. Phương thức thuyết minh
  • 5. Phương thức nghị luận
  • 6. Phương thức hành chính - công vụ
  • Cách xác định phương thức biểu đạt
  • Bài tập liên quan

Phương thức biểu đạt là gì?

Văn bản là chuỗi lời nói miệng hay bài viết có chủ đề thống nhất, có liên kết mạch lạc, vận dụng phương thức biểu đạt phù hợp để thực hiện mục đích giao tiếp.

Ví dụ: Con Rồng cháu Tiên, Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ)...

Phương thức biểu đạt là cách mà người viết, người nói truyền tải những thông điệp đến với người đọc, người nghe nhằm thể hiện những tâm tư, những suy nghĩ, tình cảm của chính người nói, người viết.

Có bao nhiêu phương thức biểu đạt?

Có 6 phương thức biểu đạt chính, bao gồm: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính công vụ.

1. Phương thức tự sự

Tự sự là dùng ngôn ngữ để kể một chuỗi sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng tạo thành một kết thúc. Ngoài ra, người ta không chỉ chú trọng đến kể việc mà còn quan tâm đến việc khắc hoạ tính cách nhân vật và nêu lên những nhận thức sâu sắc, mới mẻ về bản chất của con người và cuộc sống.

Mục đích: trình bày diễn biến sự việc

Văn bản tương ứng: văn bản tự sự

Ví dụ: Các truyện cổ tích: Sơn tinh thủy tinh, Tấm cám, Sự tích quả dưa hấu, … đều vận dụng phương thức biểu đạt tự sự, nêu lên câu chuyện nhằm giải thích các truyền thuyết dân gian hoặc nêu lên bài học cho thế hệ sau.

2. Phương thức miêu tả

Miêu tả là dùng ngôn ngữ làm cho người nghe, người đọc có thể hình dung được cụ thể sự vật, sự việc như đang hiện ra trước mắt hoặc nhận biết được thế giới nội tâm của con người.

Mục đích: Tái hiện trạng thái sự vật, con người

Văn bản tương ứng: Có cả trong các tác phẩm thơ và truyện

Ví dụ: Trong cơn gió lốc - Khuất Quang Thụy; Chí phèo - Nam Cao.

3. Phương thức biểu cảm

Biểu cảm là một nhu cầu của con người trong cuộc sống bởi trong thực tế sốngluôn có những điều khiến ta rung động (cảm) và muốn bộc lộ (biểu) ra với một hay nhiều người khác. PT biểu cảm là dùng ngôn ngữ để bộc lộ tình cảm, cảm xúc củamình về thế giới xung quanh.

Mục đích: Bày tỏ tình cảm, cảm xúc

Văn bản tương ứng: Các thể loại thơ, ca dao, bút kí... Tuy vậy các thể kí thường kết hợp tự sự và trữ tình.

Ví dụ:

“Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?”

Ông đồ - Vũ Đình Liên

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than

Ca dao

4. Phương thức thuyết minh

Thuyết minh: là cung cấp, giới thiệu, giảng giải,,…những tri thức về một sự vật, hiện tượng nào đó cho những người cần biết nhưng còn chưa biết.

Mục đích: Giới thiệu đặc điểm, tính chất, phương pháp

Văn bản tương ứng: văn bản thuyết minh.

Ví dụ: Thuyết minh về chiếc nón lá, thuyết minh về con trâu...

5. Phương thức nghị luận

Nghị luận: là phương thức chủ yếu được dùng để bàn bạc phải trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết rồi dẫn dắt, thuyết phục người khác đồng tình với ý kiến của mình.

Mục đích: nhằm trình bày, bình luận, đánh giá những sự kiện, những vấn đề về chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng,...

Văn bản tương ứng: văn bản nghị luận

Ví dụ: Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng), Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh)...

6. Phương thức hành chính - công vụ

Hành chính - công vụ là phương thức dùng để giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác trên cơ sở pháp lí.

Mục đích: Trình bày ý muốn, quyết định nào đó, thể hiện quyền hạn, trách nhiệm giữa người và người

Văn bản tương ứng: Thông tư, nghị định, đơn từ, báo cáo, hóa đơn, hợp đồng…

Cách xác định phương thức biểu đạt

Trong một văn bản không có giới hạn về số lượng phương thức biểu đạt được sử dụng.

Vận dụng linh hoạt, tổng hợp các phương thức biểu đạt sẽ làm tăng khả năng diễn đạt, tạo tính thu hút và gần gũi với người đọc.

Tuy nhiên trong một văn bản vẫn sẽ có phương thức biểu đạt chính và các phương thức biểu đạt phụ nhằm hỗ trợ người nói, người viết trình bày, diễn đạt vấn đề.

Chú ý cách xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản để tránh nhầm lẫn:

  • Đọc kỹ văn bản cần xác định phương thức biểu đặt
  • Xác định thể loại của văn bản mục tiêu
  • Tìm kiếm và phát hiện những dấu hiệu nhận biết điển hình, các đặc điểm nổi
  • bật của các phương thức biểu đạt.
  • Kết luận phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Bài tập liên quan

Câu 1. Cho biết các tên văn bản, đề bài sau thuộc kiểu văn bản và phương thức biểu đạt nào?

1. Đơn xin nghỉ học

2. Bánh chưng bánh giầy

3. Tả cô giáo mà em yêu quý

4. Thuyết minh về chiếc bút bi

5. Cảm nhận của em về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ)

6. Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà)

Trả lời:

1. Hành chính - công vụ

2. Tự sự

3. Miêu tả

4. Thuyết minh

5. Biểu cảm

6. Nghị luận

Câu 2. “Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân phong kiến.
Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa”

(Hồ Chí Minh – Về vấn đề giáo dục)

Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt nào?

Trả lời:

Đoạn văn trên được viết theo phương thức nghị luận

Câu 3. Viết một đoạn văn có sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt khác nhau.

Đoạn văn tham khảo:

Những ngày giáp Tết, tôi lại cảm thấy vô cùng sung sướng khi được cùng ông nội dạo chơi quanh chợ hoa. Muôn vàn loài hoa khoe sắc nhưng tôi lại chỉ thích ngắm hoa mai. Những cây mai đều được những đôi bàn tay khéo léo của người thợ làm vườn tạo ra những dáng cây - mỗi dáng có một ý nghĩa riêng. Dù không am hiểu nhưng tôi cảm thấy những dáng cây đó đều rất đẹp. Gốc cây mai to lớn, xù xì được bao bọc bởi một lớp vỏ màu nâu. Những đường gân rắn chắc nổi lên. Các cành cây cũng được uốn lượn theo nhiều dáng khác nhau. Lá cây nhỏ và dài, ở mép của mỗi chiếc lá đều có hình răng cưa. Khi còn non, lá có màu xanh non, mỏng manh. Hoa mai thường mọc thành từng chùm nhỏ. Mỗi nụ hoa có năm cánh. Cánh hoa nhỏ xíu, mềm mại, và rất mỏng manh. Ở chính giữa là những chiếc nhị hoa nhỏ xíu có màu vàng cam. Từng chùm hoa nở rộ như sưởi ấm lòng người giữa tiết trời cuối đông vẫn còn lạnh giá. Hoa mai đã trở thành một thứ hương vị riêng của ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Cũng là món quà tuyệt mĩ mà thiên nhiên dành tặng cho con người. Yêu biết bao nhiêu loài hoa của mùa xuân .

Các phương thức biểu đạt được sử dụng: Tự sự (Kể lại việc dạo chơi hoa), Miêu tả (Cây mai), Biểu cảm (Tình cảm dành cho cây mai).

CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN