Chính sách ngụ binh ư nông là gì?
"Ngụ binh ư nông" là chính sách quân sự thời phong kiến Việt Nam. Đây là chính sách kết hợp giữa quân sự và nông nghiệp, có thể xoay chuyển nhanh chóng tình thế từ thời bình sang thời chiến khi cần thiết.Theo chính sách này, quân đội sẽ thực hiện chia phiên, thay đổi theo định kỳ, một phiên túc trực tại ngũ để luyện tập, canh gác hay phục dịch, các phiên khác trở về gia đình sản xuất, tự túc lương thực.
Ngụ binh ư nông có từ khi nào?
Chính sách "ngụ binh ư nông" được áp dụng qua nhiều triều đại trong thời kì phong kiến Việt Nam. Vậy chính sách này có từ thời kì nào?Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ thứ 10, phép "Ngụ binh ư nông" được áp dụng đầu tiên ở Việt Nam do Nhà Đinh (968-980). Những trai tráng (đinh nam) từ 18 tuổi trở lên phải gia nhập quân ngũ. Triều đình chia số binh lính trong sương quân thành nhiều phiên, chỉ giữ một số ít phiên thường trực, còn lại cho về quê sản xuất nông nghiệp; cứ như vậy từng đợt luân phiên nhau.
Vào thời Lý, triều đình chỉ cấp lương cho quân túc vệ, còn sương binh tự túc lương thực.
Thời Hậu Lê, chính sách Ngụ binh ư nông áp dụng cả với cấm quân ở kinh thành.
Từ thời Mạc, chính quyền áp dụng chế độ "lộc điền", cấp ruộng thẳng cho binh lính tại địa phương cư trú nhằm ưu đãi cho lực lượng quân đội.
Tới thời chiến tranh Nguyễn-Tây Sơn, khoảng cận cuối thế kỷ 18 (1790), phép Ngụ binh ư nông được Nguyễn Ánh thi hành ở nhiều nơi thuộc thành Gia Định, quân binh lúc không đánh giặc được huy động vào việc sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn lương thảo phục vụ cho chiến tranh và dự phòng.
Đời Trần, nhà nước có chế độ ban cấp thái ấp cho các vương hầu, tôn thất. Tại các điền trang, thái ấp, gia binh của vương hầu làm nhiệm vụ sản xuất và phục dịch lúc thời bình theo chủ trương "Ngụ binh ư nông".
Nội dung của chính sách ngụ binh ư nông
Đây là chính sách xây dựng quân đội gắn liền với kinh tế thành công của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Vậy những nội dung chính của chính sách này là gì?1. Cách thức tuyển binh
Việc tuyển binh được áp dụng khác nhau ở từng giai đoạn và từng loại quân như cấm quân, lộ quân hay phủ quân... Công việc này sẽ do các quan võ ở địa phương đảm nhận, trực tiếp thực hiện dựa trên sổ hộ tịch mà các xã quan lập ra. Hằng năm, các xã quan sẽ có nhiệm vụ lập sổ hộ tịch, tiến hành kiểm kê dân đinh dưới quyền quản lý của mình.- Thời Lý: Sách “Việt sử tiêu án” viết rằng: “Chế độ binh lính nhà Lý, mỗi tháng lên cơ ngũ một lần, gọi là đi canh, hết canh lại về làm ruộng, quân không phải cấp lương”. Có thể nói, chính sách “Ngụ binh ư nông” đã thể hiện rõ vai trò và sức mạnh khi đội quân nhà Lý đi chinh phạt Chiêm Thành. Đoàn quân đi đến đâu, việc tiếp tế binh lương đều được chu tất. Nhờ đó, người dân nước Đại Việt được hưởng thái bình, đời sống xã hội phát triển hưng thịnh. Binh lính cùng người dân mở mang các tuyến giao thương từ miền xuôi đến miền ngược, từ thị thành tới nông thôn, cả trên đường bộ và đường thủy.
- Thời Trần và thời Hậu lê, chính sách “Ngụ binh ư nông” ngày càng hoàn chỉnh và đi vào nền nếp. Thời bình dân đinh thay nhau vào lính, binh lính luân phiên về làm ruộng. Triều đình có quân “cấm vệ”, “túc vệ” là lực lượng thường trực cơ động với số lượng ít, được tuyển lựa và rèn luyện thành tinh binh. Ở địa phương có “ngoại binh”, “binh các đạo” luân phiên về sản xuất, tự túc lương ăn. Ngoài ra còn có các dân binh ở làng, xã, hoàn toàn không thoát ly sản xuất.
Để tránh việc khai man, bao che, hối lộ để trốn lính, triều đình đã thi hành quân luật nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, cũng thường xuyên tiền hành các cuộc thanh tra ở các địa phương để nắm bắt tình hình, kịp thời chuẩn bị phòng khi đất nước có chiến tranh.
2. Phiên cấp quân đội địa phương
Việc phiên cấp quân địa phương (chia phiên và thời gian tập luyện) khá thuần nhất và đóng vai trò nòng cốt trong chính sách "ngụ binh ư nông". Sau mỗi lần tuyển binh, quân địa phương được chia thành nhiều "phiên".Các phiên sẽ thay nhau tập trung tập luyện tại doanh trại trong một khoảng thời gian nhất định. Mỗi tháng sẽ tiến hành đổi phiên một lần. Việc thay phiên thường được thực hiện vào mồng Một hoặc ngày Rằm. Như vậy trong thời bình, binh lính chia nhau vừa sản xuất nông nghiệp ở địa phương vừa tập luyện ở doanh trại.
Tác dụng của chính sách ngụ binh ư nông
- Chính sách ngụ binh ư nông giúp tự túc về lương thực, bớt gánh nặng về lương thực nuôi quân cho triều đình.- Triều đình vẫn có được lực lượng quân đội hùng hậu, đông đảo mà vẫn đẳm bảo duy trì được sản xuất nông nghiệp và cung cấp lương thực.
Ý nghĩa của chính sách ngụ binh ư nông
- Chính sách ngụ binh ư nông phản ánh tư duy nông binh bất phân (không phân biệt quân đội và nông dân), đâu có dân là đó có quân, phù hợp với điều kiện xây dựng nền quốc phòng của một nước đất không rộng, người không đông, cần phải huy động tiềm lực cả nước vừa sản xuất, vừa đánh giặc- Chính sách ngụ binh ư nông có ý nghĩa trong việc đảm bảo được lực lượng tham gia sản xuất vào thời bình, nhưng khi chiến tranh xảy đến hay triều đình cần sử dụng binh lính thì đều có thể đáp ứng được ngay. Điều này bởi các hoạt động trong thời bình chỉ cần một số lượng binh lính ổn định, thế nhưng trong thời chiến lại cần số lượng lớn binh lính, thậm chí càng nhiều thì càng góp phần đảm bảo được lực lượng. Do vậy chính sách này đáp ứng được nhu cầu với từng giai đoạn của đất nước, vừa gia tăng được sản xuất kinh tế, vừa đảm bảo được số lượng binh lính có thể huy động khi cần thiết.
- Ngụ binh ư nông là một chính sách thể hiện sự liên kết chặt chẽ, hài hòa giữa việc quân với nông nghiệp, giữa kinh tế với quân sự, có thể chuyển hoá nhanh từ thời bình sang thời chiến khi cần thiết. Việc đưa quân về địa phương luân phiên tăng gia sản xuất cũng giúp lực lượng này tự túc được nguồn lương thức, giảm bớt gánh nặng về lương thực nuôi quân triều đình cho nhân dân.
- Tới những thời đại sau thời Lê sơ, chính sách này không còn được áp dụng do tình trạng cát cứ và chiến tranh triền miên trong cả nước. Ngay như thời Tây Sơn, thời đại mà trình độ quân sự phát triển rất cao, yêu cầu tác chiến thường xuyên không cho phép những người lãnh đạo duy trì chính sách này.