Giải bài tập luyện từ và câu: Ôn tập về từ loại

Xuất bản: 07/07/2018 - Cập nhật: 12/07/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn luyện từ và câu ôn tập về từ loại của Đọc Tài Liệu giúp bạn nắm chắc kiến thức cần đạt và hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 142 và trang 143 SGK Tiếng Việt 5 tập 1

Tài liệu hướng dẫn luyện từ và câu Ôn tập về từ loại được Đọc Tài Liệu biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh nắm chắc kiến thức về động từ, tính từ, quan hệ từ trong bài và hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 142- 143 SGK Tiếng Việt 5 tập 1.

luyện từ và câu Ôn tập về từ loại Đọc Tài Liệu

I. Mục tiêu bài hướng dẫn

  • Nắm được kiến thức căn bản về động từ, tính từ và quan hệ từ
  • Phân biệt được động từ, tính từ và quan hệ từ

II. Kiến thức cần nhớ

1. Động từ

Động từ( ĐT ): ĐT là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật. V.D : – Đi, chạy ,nhảy,… (ĐT chỉ hoạt động ) - Vui, buồn, giận, … (ĐT chỉ trạng thái )

- Đặc điểm ngữ pháp nổi bật nhất của ĐT chỉ trạng thái là : nếu như ĐT chỉ hoạt động, hành động có thể kết hợp với từ xong ở phía sau (ăn xong, đọc xong ,…) thì ĐT chỉ trạng thái không kết hợp với xong ở phía sau (không nói : còn xong, hết xong, kính trọng xong, …). Trong TV có một số loại ĐT chỉ trạng thái sau :

  • ĐT chỉ trạng thái tồn tại (hoặc trạng thái không tồn tại) :còn,hết,có,…
  • ĐT chỉ trạng thái biến hoá : thành, hoá,…
  • ĐT chỉ trạng thái tiếp thụ : được, bị, phải, chịu,…
  • ĐT chỉ trạng thái so sánh : bằng, thua, hơn, là,…

- Một số “nội ĐT” sau đây cũng được coi là ĐT chỉ trạng thái : nằmngồi, ngủ, thức, nghỉ ngơi, suy nghĩ, đi ,đứng , lăn, lê, vui, buồn , hồi hộp, băn khoăn, lo lắng,...Các từ này có một số đặc điểm sau :

  • Một số từ vừa được coi là ĐT chỉ hành động, lại vừa được coi là ĐT chỉ trạng thái.
  • Một số từ chuyển nghĩa thì được coi là ĐT chỉ trạng thái (trạng thái tồn tại ).

2. Tính từ

Tính từ là những từ miêu tả đặc điểm hoặc tính chất của vật, hoạt động, trạng thái,...

Có 2 loại Tính từ đáng chú ý là :

  • Tính từ chỉ tính chất chung không có mức độ ( xanh, tím, sâu, vắng,... )
  • Tính từ chỉ tính chất có xác định mức độ ( mức độ cao nhất ) (xanh lè, tím ngắt, sâu hoắm, vắng tanh,...)

Phân biệt từ chỉ đặc điểm, từ chỉ tính chất, từ chỉ trạng thái :

- Từ chỉ đặc điểm :

Đặc điểm là nét riêng biệt, là vẻ riêng của một một sự vật nào đó ( có thể là người, con vật, đồ vât, cây cối,...). Đặc điểm của một vật chủ yếu là đặc điểm bên ngoài (ngoại hình ) mà ta có thể nhận biết trực tiếp qua mắt nhìn, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi,... Đó là các nét riêng , vẻ riêng về màu sắc , hình khối, hình dáng, âm thanh,...của sự vật .

- Từ chỉ tính chất :

Tính chất cũng là đặc điểm riêng của sự vật, hiện tượng (bao gồm cả những hiện tượng xã hội, những hiện tượng trong cuộc sống,...), nhưng thiên về đặc điểm bên trong, ta không quan sát trực tiếp được, mà phải qua quá trình quan sát, suy luận, phân tích , tổng hợp ta mới có thể nhân biết được. Do đó , từ chỉ tính chất cũng là từ biểu thị những đặc điểm bên trong của sự vật, hiện tượng.

- Từ chỉ trạng thái :

Trạng thái là tình trạng của một sự vật hoặc một con người, tồn tại trong một thời gian nào đó. Từ chỉ trạng thái là từ chỉ trạng thái tồn tại của sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan.

Xét về mặt từ loại, từ chỉ trạng thái có thể là ĐT, có thể là TT hoặc mang đặc điểm của cả ĐT và TT ( từ trung gian ), song theo như định hướng trong nội dung chương trình SGK, ở cấp tiểu học , chúng ta thống nhất chỉ xếp chúng vào nhóm ĐT để HS dễ phân biệt.

III. Hướng dẫn trả lời câu hỏi SGK

Câu 1 - Trang 142 SGK

Xếp các từ in đậm trong đoạn văn sau vào bảng phân loại ở bên dưới:

Không thấy Nguyên trả lời, tôi nhìn sang. Hai tay Nguyên vịn vào song cửa sổ, mắt nhìn xa vời vợi. Qua ánh đèn ngoài đường hắt vào, tôi thấy ở khóe mắt nó hai giọt lệ lớn sắp sửa lăn xuống má. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Cũng giờ này năm ngoái, tôi còn đón giao thừa với ba ở bệnh viện. Năm nay ba bỏ con một mình, ba ơi!

Theo Thùy Linh

Hướng dẫn trả lời:

Động từTính từQuan hệ từ
trả lời, thấy, nhìn, vịn, hắt, lăn, trào, đón, bỏvời vợi, xa, lớnqua, ở, với

Câu 2 - Trang 143 SGK

Dựa vào ý khổ thơ 2 trong bài thơ Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa, viết một đoạn văn ngắn tả người mẹ cấy lúa giữa trưa tháng 6 nóng bức. Chỉ ra một động từ, một tính từ và một quan hệ từ em đã dùng trong đoạn văn ấy.

Khổ thơ thứ 2 bài thơ Hạt gạo làng ta:

"Hạt gạo làng ta

Có bão tháng bảy

Có mưa tháng ba

Giọt mồ hôi sa

Những trưa tháng sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy..."

Có thể tham khảo đoạn văn mẫu ngắn sau đây:

Dưới cái nắng như đổ lửa của mùa hè, nước ở khắp cánh đồng nóng như có ai nấu lên. Lũ cá cờ chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, lũ cua nóng không chịu được ngoi hết lên bờ. Vậy mà, giữa cái nắng bức oi ả, mẹ em vẫn nhẫn nại lội ruộng cấy lúa. Dáng mẹ lom khom, in hằn bóng trên mặt nước ruộng trưa hè. Một tay cầm bó mạ, tay kia mẹ thoăn thoắt cắm từng cây mạ xuống đồng. Giọt mồ hôi lăn trên vầng trán mẹ. Mỗi hạt gạo làm ra chứa bao giọt mồ hôi, bao nỗi vất vả của mẹ. Thương mẹ nhiều lắm, mẹ ơi!

  • Động từ: đổ, nấu, chết, nổi, ngoi, rang, cấy, thương…
  • Tính từ: nóng, lềnh bềnh, ướt đẫm, đỏ bừng…
  • Quan hệ từ: ở, như, trên, vì, cũng, vậy mà…

--------------------------------------------------------------------

» Xem thêm:

luyện từ và câu ôn tập về từ loại Tuần 14 Tiếng việt 5
*****

Sau khi tham khảo bài soạn luyện từ và câu Ôn tập về từ loại trên đây, hy vọng rằng các em có thể nắm được nội dung chính được tổng hợp trong bài. Bên cạnh đó giáo viên và phụ huynh học sinh có thể tham khảo tài liệu trên để hướng dẫn học sinh học tập.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM