Giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Tây Tiến

Xuất bản: 25/04/2019 - Cập nhật: 23/09/2020 - Tác giả:

Tóm tắt giá trị nội dung và nghệ thuật trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng để thấy được sự hùng vĩ, hoang dại, nguyên sơ nhưng đầy thơ mộng của núi rừng Tây Bắc.

Để xác định được giá trị nội dung và nghệ thuật trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, Đọc Tài Liệu sẽ hướng dẫn cho các em từng bước tìm hiểu những yếu tố nội dung và nghệ thuật tạo nên giá trị của tác phẩm.

Đọc hiểu văn bản Tây Tiến của Quang Dũng

Có thể xem lại nội dung phần soạn bài Tây Tiến để tóm tắt ngắn gọn giá trị nội dung nghệ thuật của bài.

1/ Khổ 1 (Câu 1 - 14):

a/ Nỗi nhớ về đoàn quân Tây Tiến:

- Câu mở đầu giới thiệu hai hình tượng chính của bài thơ: Miền Tây Bắc mà con sông Mã làm đại diện và đoàn quân Tây Tiến. Câu thơ vừa như lời tâm sự vừa như lời mời gọi có tác dụng định hướng toàn bộ cảm xúc bài thơ.

- “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!”: Câu cảm thán, tiếng gọi tha thiết, chân thành.

- “Nhớ chơi vơi”: cách dùng từ mới lạ, độc đáo.

- Điệp từ “nhớ”, âm “ơi” được láy đi láy lại diễn tả nỗi nhớ da diết lan toả khắp không gian.

 b/ Cảnh núi rừng Tây Bắc :

- Nỗi “nhớ chơi vơi” được cụ thể hoá bằng việc miêu tả các sự vật và các địa danh.

- Nhà thơ liệt kê hàng loạt địa danh: Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông. Đó là nơi các chiến sĩ Tây Tiến đi qua, là những vùng đất xa xôi, hiểm trở và tiêu biểu của Tây Bắc.

- Cảnh núi rừng hiểm trở được nhà thơ khắc hoạ bằng các hình ảnh : sương, dốc, mây, mưa, thác, cọp.

+ “Sương lấp”: sương dày đặc che lấp cả đoàn quân.

+ “Dốc lên khúc khuỷu /dốc thăm thẳm”: lặp từ “dốc” + từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” đường lên dốc vừa cao vừa gấp khúc, uốn lượn.

+ “Heo hút cồn mây/ súng ngửi trời”: cách dùng từ táo bạo, tinh tế đã khắc họa độ cao tuyệt đỉnh của núi.

+ “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”: đối xứng núi dựng vách thành vừa lên cao chót vót, vừa xuống thăm thẳm.

+ Âm thanh, hình ảnh ghê sợ: “cọp trêu người”, “thác gầm thét” nguy hiểm.

+ Thủ pháp đối lập:

  • Đối thanh: câu 3 với câu 5.
  • Đối hình: “khúc khuỷu” - “thăm thẳm”, “chiều chiều” - “đêm đêm”.

-> Khắc họa địa hình hiểm trở, khó khăn.

- Hình ảnh bình dị:

+ “Hoa về trong đêm hơi”

+“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”: câu thơ toàn thanh bằng.

+ “Cơm lên khói”, “mùa em thơm nếp xôi”

-> Gợi lên vẻ đẹp lãng mạn, bình dị, mang lại bao hương vị ngọt ngào, nồng ấm.

c/ Hình ảnh người lính trên đường hành quân: 

- “Đoàn quân mỏi”: khó khăn, gian khổ, mệt mỏi vì đi hành quân trên những con đường xa, hiểm trở.

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

-> Nói giảm, gợi lên sự hy sinh thanh thản trên con đường hành quân.

- Tâm hồn các anh vẫn lãng mạn, yêu đời: cảm nhận mùi hoa về đêm, mùi thơm của nếp xôi.

-> Giàu chất bi tráng (bi = buồn, tráng = mạnh mẽ)

=>Từ ngữ, hình ảnh, thanh điệu, nhịp thơ được nhà thơ lựa chọn, chắt lọc, sử dụng sáng tạo góp phần làm tăng giá trị thẩm mỹ của đoạn thơ.

 2/ Khổ 2 (Câu 15 - 22) :

a/ Những kỷ niệm về tình quân dân thắm thiết qua những đêm liên hoan văn nghệ (câu 15 - 18):

- Các từ ngữ:

+ “Bừng lên”: tưng bừng, nhộn nhịp.

+ “Kìa em”: thể hiện cái nhìn vừa ngỡ ngàng, ngạc nhiên vừa say mê sung sướng.

- Các hình ảnh, âm thanh, vũ điệu:

+ “Hội đuốc hoa”: ánh sáng lung linh, đầy lãng mạn của ngọn lửa đuốc.

+ “Khèn lên”, “man điệu”, “nhạc”, “hồn thơ”: ánh sáng, âm thanh, vũ điệu gợi cảnh vật và con người đều nghiêng ngả, ngất ngây, rạo rực trong những tiếng nhạc, điệu múa tràn đầy màu sắc lãng mạn.

- Nhân vật trung tâm, linh hồn của đêm liên hoan là những cô gái hiện ra trong bộ “xiêm áo” lộng lẫy vừa e thẹn vừa tình tứ trong những điệu múa giàu màu sắc miền núi đã làm say mê tâm hồn của những người lính trẻ Tây Tiến.

=> Bằng bút pháp đầy tài hoa lãng mạn, những chi tiết vừa thực vừa ảo, nhà thơ không chỉ cho ta thấy được vẻ đẹp đầy bản sắc văn hóa, sinh hoạt, phong tục của đồng bào vùng biên giới mà còn thấy được tình cảm quân dân thắm thiết, tâm hồn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống của các chiến sĩ Tây Tiến.

 b/ Vẻ đẹp con người và cảnh vật Tây Bắc trong chiều sương trên sông nước Châu Mộc (câu 19 - 22):

- Cảnh vật: “chiều sương”, “hồn lau nẻo bến bờ”, “hoa đong đưa” gợi lên không gian dòng sông trong buổi chiều thật lặng lờ, hoang dại, mang đậm màu sắc cổ tích, huyền thoại. Qua ngòi bút của Quang Dũng, thiên nhiên như có linh hồn phảng phất trong gió trong cây.

- Hình ảnh con người (câu 21 - 22): Quang Dũng không tả mà chỉ gợi. Cái “dáng người trên độc mộc” đã gợi lên dáng đẹp, khỏe, đầy hiên ngang của con người trên con thuyền độc mộc lao trên sông nước. Như hòa hợp với con người, những bông hoa rừng cũng “đong đưa” làm duyên bên dòng nước lũ.

=> Bốn câu thơ như một bức tranh thủy mặc. Nhà thơ không chỉ gợi lên cái vẻ đẹp hoang dã, thiêng liêng của thiên nhiên mà còn gợi lên cái vẻ đẹp hiên ngang của con người.

 3/ Khổ 3 (Câu 23 - 30): 

- Ngoại hình: “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá” độc đáo, khác thường, gây ấn tượng mạnh, do bệnh sốt rét hoành hành.

- Tư thế: “dữ oai hùm”, “mắt trừng” oai phong, lẫm liệt.

-> Ngoại hình và tư thế đối lập: khẳng định sức mạnh tinh thần.

- Tâm hồn: “gửi mộng qua biên giới”, “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” lãng mạn đáng yêu.

- Lý tưởng: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc, quyết sống chết vì lý tưởng Cách mạng.

- Sự hy sinh :

+ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”: từ láy “rải rác”, dùng nhiều từ Hán Việt, âm điệu trầm buồn

-> Hy sinh nhiều nhưng trang trọng. Quang Dũng mạnh dạn nói lên hiện thực đau thương của đoàn quân Tây Tiến.

+ “Áo bào thay chiếu”: hình ảnh sáng tạo từ chiến bào thời xưa, cách nói tinh nghịch, hóm hỉnh của Quang Dũng vừa gợi lên hiện thực khó khăn, thiếu thốn vừa ca ngợi sự hy sinh của chiến sĩ Tây Tiến.

+ “Về đất”: biện pháp nói giảm, nói tránh hy sinh thanh thản, nhẹ nhàng, các anh xem thường cái chết.

- Nhà thơ đã nâng cái chết của các chiến sĩ Tây Tiến lên tầm sử thi hoành tráng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” thiên nhiên như tấu lên khúc nhạc trầm hùng để tiễn đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

=> Bằng bút pháp vừa hiện thực vừa lãng mạn, nhà thơ đã khắc họa thành công chân dung người chiến sĩ Tây Tiến.

4/ Khổ 4 (Câu 30 - 34): 

- Giọng thơ thoáng buồn pha chút bâng khuâng, song chủ đạo vẫn là giọng hào hùng, đầy khí phách.

- Cụm từ “người đi không hẹn ước”: tinh thần quyết ra đi không hẹn ngày về.

- Hình ảnh “đường lên thăm thẳm” gợi lên một chặng đường đầy gian lao của đoàn quân Tây Tiến.

- Cụm từ “mùa xuân ấy” vừa gợi lại những ngày đầu thành lập đơn vị vừa gợi lên niềm vui ở đơn vị Tây Tiến.

- “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” quyết chiến đấu đến cùng với đồng đội, một đi không trở lại, ra đi không hẹn ngày về.

- Bốn câu thơ cuối khẳng định nét đẹp tinh thần của chiến sĩ Tây Tiến: sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Giá trị nội dung và nghệ thuật của Tây Tiến

Có thể tóm tắt giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tây Tiến như sau:

1. Giá trị nội dung Tây Tiến

- Bài thơ đã tái hiện được vẻ hùng vĩ, hoang dại, nguyên sơ nhưng cũng không kém phần thơ mộng của núi rừng Tây Bắc. Qua đó thể hiện nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với đơn vị Tây Tiến: Nhớ những chặng đường hành quân với bao gian khổ , thiếu thốn, hi sinh mất mát mà vẫn có nhiều kỉ niệm đẹp, thú vị, ấm áp; nhớ những đồng đội Tây Tiến anh hùng…

- Khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa và vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của thiên nhiên miền Tây tổ quốc.

-> ta thấy tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó máu thịt với đoàn binh Tây Tiến của tác giả Quang Dũng => Chất lãng mạn bi tráng là vẻ đẹp độc đáo của hình tượng người lính cách mạng trong thơ Quang Dũng

2. Giá trị nghệ thuật Tây Tiến

- Những sáng tạo nghệ thuật của Quang Dũng với bút pháp tạo hình đa dạng đã dựng nên bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng và hình ảnh của người lính Tây Tiến với những đường nét khỏe khoắn, mạnh mẽ.

- Bút pháp hiện thực kết hợp lãng mạn, đậm chất bi tráng tạo nên giọng điệu riêng cho thơ Quang Dũng với nhiều sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ độc đáo, vừa có nét cổ kính, vừa mới lạ

+ Hình ảnh thơ sáng tạo mang sắc thái thẩm mĩ phong phú

+ Ngôn ngữ thơ đa sắc thái, phong cách; (trang trọng, cổ kính; sinh động gợi tả gợi cảm…), có những kết hợp từ độc đáo (nhớ chơi vơi, Mai Châu mùa em…), tên địa danh vừa cụ thể xác thực vừa gợi cảm giác lạ lẫm.

+ Giọng điệu: Khi tha thiết bồi hồi, khi hồn nhiên vui tươi, khi bâng khuâng man mác, khi trang trọng, khi trầm lắng…

=> Được xem là một thi phẩm xuất sắc, gần như đạt đến sự toàn bích về nghệ thuật.

Xem thêmSơ đồ tư duy Tây Tiến

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM