Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật một số tác phẩm lớp 11, 12 tiêu biểu

Xuất bản: 04/05/2019 - Tác giả:

[Luyện thi THPTQG môn Văn] Tóm tắt giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật các tác phẩm văn học lớp 11, 12 để các em ôn luyện tốt nhất cho kì thi THPT Quốc gia

Để ôn luyện môn Văn thi THPTQG tốt nhất mảng văn học lớp 12 tốt nhất thì Đọc Tài Liệu gửi tới các em nội dung tóm tắt giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của các tác phẩm đã học trong chương trình 12 nhằm hệ thống kiến thức tốt nhất. Chi tiết như sau:

1. Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

a. Giá trị nội dung trong Hai đứa trẻ

Đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ, cùng lúc người đọc có thể lắng nghe được nhiều tiếng nói khác nhau, hòa phối trong nhau và có thể cảm nhận được nhiều ý nghĩa khi nhìn từ nhiều góc độ :

- Lời gợi nhắc về tình cảm đối với nguồn cội, quê hương với những mẩu kí ức đẹp mà buồn – Hai đứa trẻ như một bài thơ êm dịu về quê hương trong kí ức tuổi thơ.

- Lời cảnh tĩnh của nhà văn đối với những kiếp sống quẩn quanh, đơn điệu, mỏi mòn. ( Liên hệ: Tỏa nhị Kiều, Đời thừa, Sống mòn )

- Niềm trân trọng đối với những mong ước nhỏ nhoi, khiêm nhường của những con người nhỏ bé, bất hạnh bị bỏ quên nơi”ga xép” của những chuyến tàu thời gian.

Tuy vậy , cảm hứng bao trùm, chủ đạo của tác phẩm vẫn là niềm cảm thương chân thành của nhà văn đối với cuộc sống chìm khuất, mỏi mòn, quẩn quanh của những kiếp người nhỏ nhoi nơi phố  huyện nghèo, bình lặng, tối tăm và những ước mong khiêm nhường mà thiết tha của họ

=>Qua đó, người đọc có thể cảm nhận được tình yêu quê hương tha thiết và tấm lòng yêu thương trân trọng của nhà văn đối với con người.

b. Giá trị Nghệ thuật trong Hai đứa trẻ

- Một câu chuyện dung dị, đời thường, không tô vẽ và một lối kể chuyện tâm tình thủ thỉ với chính mình đã tạo nên thành công cho tác phẩm.

- Miêu tả những diễn biến nội tâm của nhân vật  tinh tế sâu sắc

- Vận dụng những thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản; nghệ thuật lấy động tả tĩnh,dùng ánh sáng dể tả bóng tối.

- Câu văn nhẹ nhàng, uyển chuyển, giàu chất thơ và thấm đượm cảm xúc.

-  Lời văn tập trung miêu tả cảm giác, cảm tưởng nên bức tranh phố huyện cũng là bức tranh tâm trạng, như dệt bằng cảm giác. Ngôn ngữ giàu sức gợi.

2. Hạnh phúc của một tang gia (Trích Số Đỏ-Vũ Trọng Phụng)

Giá trị nội dung trong Hạnh phúc của một tang gia

- Thông qua việc miêu tả cảnh đám tang và khắc họa những chân dung hài hước của tang gia, tác giả đã phản ánh thực trạng suy đồi về đạo đức của một bộ phận tầng lớp tư sản thượng lưu Hà Thành do chạy theo phong trào Văn minh âu hóa

- Qua đó, tác giả phê phán và bày tỏ thái độ căm phẫn đối với thói giả dối, đạo đức giả trong gia đình và xã hội tư sản thành thị lúc bấy giờ, báo động về tình trạng đạo đức suy đồi trong xã hội đó.

=> Thể hiện tâm huyết của nhà văn đối với những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Giá trị nghệ thuật trong Hạnh phúc của một tang gia

- Tạo những mâu thuẫn trào phúng thể hiện ngay ở nhan đề:tang gia mà lại hạnh phúc.

- Tác giả chú trọng chọn lựa chi tiết, hình ảnh, miêu tả tỉ mỉ, cụ thể.

- Người kể chuyện có một giọng điệu rất lạnh lùng, khách quan, đan xen những câu bình luận dí dỏm mỉa mai trào lộng, nhưng chua chát.

- Sử dụng biện pháp phóng đại cường điệu

- Cách đặt tên gọi nhân vật,đồ vật hài hước

- Kết hợp tả toàn cảnh và cận cảnh.

3. Vính biệt Cửu trùng đài (Trích Vũ Như Tô-Nguyễn Huy Tưởng)

Giá trị nội dung trong Vính biệt Cửu trùng đài

- Vở kịch phản ánh mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ thuật thuần túy của Vũ Như Tô với lợi ích thiết thực của nhân dân

- Qua việc xây dựng các tính cách bi kịch ( Vũ Như Tô, Đan Thiềm),Tác giả muốn gửi đến người đọc, người xem những bài học, tư tưởng, quan niệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống: Nghệ thuật vị nhân sinh nghệ thuật phản ánh cuộc sống, khát vọng của người nghệ sĩ phải phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi, lợi ích  của cộng đồng, của nhân dân.

- Tác giả cũng bày tỏ sự cảm thông , trân trọng đối với nhwungx nghệ sĩ có tài năng, hoài bão lớn nhưng lâm vào mâu thuẫn, bi kịch giữa lí tưởng và thực tế.

Giá trị nghệ thuật trong Vính biệt Cửu trùng đài

- Đoạn trích thể hiện  kết cấu của một vở kịch: biến cố, xung đột và giải quyết xung đột, sự kiện.

- Không khí,nhịp điệu của sự việc được diễn tả theo chiều tăng tiến, mức độ dồn dập đã thể hiện được tính chất gay gắt của mâu thuẫn và đẩy xung đột kịch lên cao trào.Nhà văn đã tạo nên không khí kịch thông qua lời thoại, tình huống đầy kịch tính

4. Một thời đại trong thi ca (Hoài Thanh)

Giá trị nội dung trong Một thời đại trong thi ca

Đoạn trích tập trung làm rõ Tinh thần Thơ mới:

+ Cách nhận diện tinh thần Thơ mới ( so sánh bài hay với bài hay, nhìn trên đại thể)

+ Cốt lõi của tinh thần thơ mới: Cái “Tôi” cá nhân xuất hiện với ý nghĩa tuyệt đối của nó – bơ vơ, đáng thương, tội nghiệp => Bi kịch

+ Cách giải tỏa bi kịch: Gửi cả vào Tiếng Việt

Giá trị nghệ thuật trong Một thời đại trong thi ca

- Lập luận chặt chẽ, đảm bảo tính lô-gic của tư duy có khả năng thuyết phục cao. Cách dẫn dắt mạch văn tự nhiên, linh hoạt và độc đáo.Tác giả không dùng lí để  dẫn dắt ý mà dùng tình để dẫn dắt.

- Ngôn ngữ độc đáo, đặc sắc, dung dị, dễ hiểu mà vẫn súc tích và có giá trị biểu cảm cao.

5. Đây thôn vĩ dạ (Hàn Mặc Tử)

Giá trị nội dung trong Đây thôn vĩ dạ

- Cả bài thơ là một bức tranh thôn Vĩ vừa mang vẻ đẹp rất thực với tất cả nét trong sáng, tinh khôi, thơ mộng rất đặc trưng cho xứ Huế nhưng cũng rất mơ hồ, hư ảo…được miêu tả qua tâm tưởng của nhà thơ.

- Mạch tâm tư như dòng chảy đứt nối của một niềm thiết tha gắn bó với đời, thiết tha sống đến khắc khoải của nhân vật trữ tình.

(Từ ao ước đắm say – hoài vọng phấp phỏng – mơ tưởng, hoài nghi và càng về sau càng có phần âm u sầu muộn. Nhưng cốt lõi của dòng tâm tư vẫn là niềm thiết tha với đời, mối khát khao gắn bó khôn nguôi- nỗi u hoài của một tâm hồn trong trẻo lành mạnh)

=> Bài thơ không chỉ thể hiện tình yêu thiết tha đối với xứ Huế, với quê hương của nhà thơ, mà còn thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của Hàn Mặc Tử. (không biểu hiện theo lối xuôi chiều mà đầy uẩn khúc trong cảm xúc của thi sĩ)

Giá trị nghệ thuật trong Đây thôn vĩ dạ

- Mạch thơ đứt nối không theo tính liên tục của thời gian và duy nhất của không gian nhưng lại diễn tả mạch vận động nhất quán của dòng tâm tư

- Hình ảnh độc đáo giàu sức gợi, ngôn ngữ cực tả trong sáng, súc tích. ( Vườn ai mướt quá…Thuyên trăng, áo em trắng quá…=> hợp thành diện mạo một cõi trần gian tuyệt đẹp mà thi sĩ càng mang nặng mặc cảm chia lìa bao nhiêu thì càng thiết tha gắn bó hơn bao giờ hết)

- Sử dụng hàng lọat câu hỏi tu từ, giọng điệu da diết khắc khoải chi phối toàn bài thơ.

- Nhịp điệu thơ bị chi phối bởi cảm xúc ẩn chứa trong mỗi khổ thơ.

6. Tràng Giang (Huy Cận)

Giá trị nội dung trong Tràng Giang

- Bức tranh Tràng Giang hiện lên với tất cả sự đối lập, tương phản giữa thiên nhiên, không gian vũ trụ mênh mông với sự sống nhỏ bé đơn chiếc, lạc lõng, mong manh…( không gian với 2 sắc thái rõ nét: mênh mông vô biên và hoang sơ hiu quạnh)

- Thể hiện nỗi cô đơn, nỗi sầu vô tận của kẻ lữ thứ- cái “Tôi” bơ vơ trước thiên nhiên vũ trụ rộng lớn, bao la, mênh mông rợn ngợp.

=> Thể hiện niềm khát khao hòa hợp giữa những con người và tình yêu quê hương đất nước kín đáo của nhà thơ.( Con người sống trên quê hương mà vẫn thấy thiếu quê hương, thấy bơ vơ ngay trên quê hương của mình. Cho nên ẩn trong nỗi bơ vơ của một cá thể trước trời đất vũ trụ là nỗi bơ vơ của một người dân mất nước và thiết tha với tạo vật ở đây cũng chính là thiết tha với chính giang sơn tổ quốc mình. …)

Giá trị nghệ thuật trong Tràng Giang

- Bài thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển, nhất là yếu tố Đường thi với yếu tố thơ mới.

+ Nhiều yếu tố hiện đại thể hiện “tinh thần Thơ mới” và sự sáng tạo mới mẻ của Huy Cận:

  • Một cái “Tôi” thơ mới lãng mạn, giàu cảm xúc trước tạo vật
  • Hình ảnh sinh động, cảm giác tinh vi phong phú, nhiều sáng tạo bất ngờ: sâu chót vót, củi một cành khô, chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa, nước sầu trăm ngả…=> tả thực giàu sức gợi: thiên nhiên sống động, sắc nét)

+ Đặc biệt chất Đường thi thấm đượm: từ thể thơ,  thi đề ( Viết về tạo vật thiên nhiên cổ kính, hoang sơ, với tầm vóc mênh mang, vô biên, nhất là thi đề “cao sơn, lưu thủy”) , thi tứ (Tạo ra một hình tượng nghệ thuật lẻ loi, bơ vơ trước tạo vật vô cùng hoặc mất hút giữa thiên nhiên vô tận), thi liệu đến những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng( phép đối ngẫu, từ láy dùng theo lối song đối, tạo từ theo p/c cổ điển “bến cô liêu”..).

7. Chiều tối (Mộ - Hồ Chí Minh)

Giá trị nội dung trong Chiều tối

- Là một trong những bài thơ hay nhất của tập Nhật kí trong tù. Bài thơ tả bức tranh Chiều tối nơi núi rừng lúc chiều muộn: Cảnh thiên nhiên núi rừng đang chuyển vào đêm tối khi ánh sáng ban ngày lụi dần và tắt hẳn. Nhưng khi màn đêm buông xuống thì ánh sáng của con người trở thành trung tâm chi phối cái nhìn và cảm xúc của nhân vật trữ tình: “lô dĩ hồng”!

=> Ngoại cảnh cũng là tâm cảnh. Qua đó, người đọc cảm nhận được tâm hồn cao đẹp của Hồ Chí Minh: Nhạy cảm trước thiên nhiên, cuộc sống; lòng nhân ái đến mức quên mình, tinh thần lạc quan cách mạng luôn hướng về sự sống ánh sáng của một thi sĩ – chiến sĩ.

Giá trị nghệ thuật trong Chiều tối

- Bút pháp vừa đậm màu sắc cổ điển vừa thể hiện tinh thần cách mạng thời đại:

+ Cổ điển: Thể thơ tứ tuyệt hàm súc; bút pháp chấm phá, gợi hơn là tả; thi đề, hình ảnh quen thuộc; nhân vật trữ tình hòa hợp với thiên nhiên, ung dung tự tại

+ Hiện đại : Nhân vật trữ tình chiếm vị trí chủ thể trong bức tranh phong cảnh. Tư tưởng và hình tượng thơ vận động từ bóng tối , lạnh lẽo ra ánh sáng, ấm áp, luôn hướng đến sự sống, lạc quan..

8. Lai tân (Hồ Chí Minh)

Giá trị nội dung trong Lai tân

-  Bài thơ Lai Tân thuộc trong số những bài thơ chủ yếu hướng ngoại (1 loại khác chiếm phần lớn tập thơ chủ yếu hướng nội, bút pháp trữ tình là chính ( Chiều tối ) thường nổi bật bức chân dung tinh thần Hồ Chí Minh), thơ hướng ngoại thường ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trên những chặng đường chuyển lao, có nội dung phê phán chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch. Lai tân là bài thơ tiêu biểu:

+ Ba câu đầu: tự sự về hành vi của 3 viên quan coi ngục => khái quát bức tranh thối nát của nhà tù

+ Câu kết: Lời kết luận, đánh giá: “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”!=> Chuyện thối nát là chuyện bình thường, thành “ nề nếp” ! Chữ “Thái bình” có thể xem là “nhãn tự” của cả bài thơ “ Chỉ một chữ mà đã xé toang tất cả sự “thái bình” dối trá nhưng thực sự là “đại loạn bên trong”

=> Câu kết có vẻ như dửng dưng vô cảm lại là một tiếng cười khẩy mỉa mai, lật tẩy bản chất cả một bộ máy nhà nước Lai Tân! ( liên hệ hoàn cảnh sáng tác thì có thể nói đây là bức tranh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc bấy giờ ( 1942 : thời gian phát xít Nhật xâm lược TQ)

Giá trị nghệ thuật trong Lai tân

- Bài thơ có kết cấu đặc biệt

- Bài thơ thể hiện nghệ thuật châm biếm độc đáo sắc sảo của Hồ Chí Minh: Không “đao to búa lớn”, cứ nhẹ nhàng như không mà vẫn tạo được những đòn đả kích mạnh mẽ, thâm thúy bất ngờ.

9. Từ ấy (Tố Hữu)

Giá trị nội dung trong Từ ấy

Bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu nói chung: Nhà thơ của lí tưởng Cộng sản, của niềm vui lớn đối với cách mạng và của cảm hứng lãng mạn say sưa sôi nổi.

- Tuy nhiên, bài thơ cũng thể hiện sắc thái riêng của một tâm hồn thanh niên lần đầu bắt gặp lí tưởng, thể hiện mối duyên đầu của một thanh niên đối với cách mạng: một sự bừng sáng, một tiếng reo vui, một vườn xuân đầy hương sắc và rộn ràng tiếng chim ca. Có một cái gì rất trẻ trung, sôi nổi say đắm, cảm hứng lãng mạn tràn đầy, tâm thế hăm hở…Tất cả là cảm xúc của một cái “ Tôi” chủ quan đậm nét, và do vậy hình ảnh quần chúng cũng còn chung chung, trừu tượng

=> Bài thơ có thể xem là tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ Cách Mạng, có ý nghĩa mở đầu và định hướng cho sáng tác thơ Tố Hữu/.

Giá trị nghệ thuật trong Từ ấy

- Sự đa dạng của bút pháp tự sự, lãng mạn, trữ tình và nghệ thuật diễn tả tâm trạng vui sướng, say mê, tin tưởng bằng những hình ảnh thơ tươi sáng, giọng thơ say sưa, náo nức, sảng khoái, nhịp điệu hăm hở, dồn dập, thôi thúc.

10. Tây Tiến ( Quang Dũng )

Giá trị nội dung trong Tây Tiến

Cả bài thơ là nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với đơn vị Tây Tiến: Nhớ những chặng đường hành quân với bao gian khổ , thiếu thốn, hi sinh mất mát mà vẫn có nhiều kỉ niệm đẹp, thú vị, ấm áp; nhớ những đồng đội Tây Tiến anh hùng…
Qua đó, tác giả đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa và vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của thiên nhiên miền Tây tổ quốc

=> Chất lãng mạn bi tráng là vẻ đẹp độc đáo của hình tượng người lính cách mạng trong thơ Quang Dũng

Giá trị nghệ thuật trong Tây Tiến

-         Bút pháp hiện thực kết hợp lãng mạn, đậm chất bi tráng

-         Nhiều sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu:

+ Hình ảnh thơ sáng tạo mang sắc thái thẩm mĩ phong phú

+ Ngôn ngữ thơ đa sắc thái, phong cách ; ( trang trọng, cổ kính; sinh động gợi tả gợi cảm…), có những kết hợp từ độc đáo ( nhớ chơi vơi , Mai Châu mùa em…), tên địa danh vừa cụ thể xác thực vừa gợi cảm giác lạ lẫm..

+ Giọng điệu: Khi tha thiết bồi hồi, khi hồn nhiên vui tươi, khi bâng khuâng man mác, khi trang trọng, khi trầm lắng…

-> Được xem là một thi phẩm xuất sắc, gần như đạt đến sự toàn bích về nghệ thuật.

11. Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh)

Giá trị nội dung trong Tuyên ngôn độc lập

- Tuyên Ngôn Độc Lập là văn kiện lịch sử vô giá: tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Vừa tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, ngăn chặn âm mưu tái chiếm nước ta của các thế lực thù địch và các phe nhóm cơ hội quốc tế.

- Tuyên ngôn độc lập vừa là một tác phẩm văn học lớn:  bộc lộ tình cảm yêu nước, thương dân và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của tác giả và toàn  dân tộc Việt Nam

Giá trị nghệ thuật trong Tuyên ngôn độc lập

- Tác phẩm là một áng văn  chính luận mẫu mực: Hệ thống luận điểm chặt chẽ, lô gich; lí lẽ sắc bén, đanh thép; ngôn ngữ trong sáng, giản dị, hùng hồn, khúc chiết

12. Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm)

Giá trị nội dung trong Đất nước: Đọan trích thể hiện cảm nghĩ mới mẻ của tác giả về đất nước qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều bình diện: lịch sử, địa lí, văn hóa,... Qua đó nhấn mạnh tư tưởng “Đất Nước” của nhân dân

Giá trị nghệ thuật trong Đất nước:

- Tác giả lựa chọn thể thơ tự do, phóng khoáng không bị bó buộc về số chữ trong một câu, số câu trong một bài vừa tạo ra nét độc đáo về hình thức cho bài thơ, vừa là cơ hội để dòng chảy của cảm xúc được phát triển một cách tự nhiên.

- Sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian với đa dạng các thể loại: từ phong tục - tập quán sinh hoạt của nhân dân đến các thể loại của văn học dân gian như cadao - dân ca, truyện cổ tích, truyền thuyết, sự tích,...Điều đặc biệt là tác giả sử dụng một cách sáng tạo, không trích dẫn nguyên văn mà chỉ trích một vài từ nhưng người đọc cũng có thể hiểu về thi liệu dân gian ấy.

- Giọng thơ trữ tình - chính luận, là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người.

13. Việt Bắc (Tố Hữu)

Giá trị nội dung trong Việt Bắc

- Tái hiện lại cuộc chia tay giữa người ở lại và người ra đi với những lời gợi nhắc về quá khứ và những kỉ niệm của 15 năm gắn bó gian khổ. Việt Bắc hiện lên trong những hoài niệm đầy cay đắng, gian khổ nhưng tình nghĩa mặn nồng

- Bao trùm lên cả bài thơ về nỗi nhớ. Nỗi nhớ của cả người ở lại và người ra đi. Trong tâm thức của người ra đi, nỗi nhớ về Việt Bắc hiện lên với những cung bậc đa dạng, nhiều nhiều: nhớ con người, cuộc sống Việt Bắc; Nhớ thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc; nhớ về cuộc kháng chiến anh hùng và nhớ cả những ngày đầu độc lập

- Qua đó, người đọc có thể cảm nhận được mối quan hệ và sự gắn bó keo sơn, cá nước giữa nhân dân Việt Bắc với những người cán bộ cách mạng.

Giá trị nghệ thuật trong Việt Bắc

- Bài thơ được viết theo kết cấu đối đáp của ca dao trữ tình với sự luân phiên của người ở lại và người ra đi tạo cho bài thơ sự nhịp nhàng, đăng đối.

- Cách xưng hô mình - ta quen thuộc trong ca dao với sự biến đổi linh hoạt giữa mình với ta; ngưởi ở lại có lúc là mình, có lúc là ta; người ra đi lúc là ta, lúc là mình tạo ra tình cảm thân mật, tha thiết

- Tác giả sử dụng thể thơ lục bát - thể thơ đặc sắc của dân tộc, với những luyến láy, vần điệu nhịp nhàng khiến cho nỗi nhớ trong bài thơ càng trở nên nồng nàn, sâu đậm.

- Đoạn trích sử dụng nhiều từ láy, tượng hình giàu hình ảnh.

14. Sóng (Xuân Quỳnh)

Giá trị nội dung trong Sóng

Qua hình tượng sóng, ta cảm nhận được sức sống và vẻ đẹp của tâm hồn phụ nữ trẻ. Bài thơ diển tả tình yêu của một trái tim giàu nữ tính thiết tha, nồng nàn chung thủy trọn vẹn, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Từ đó thấy được tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người

Giá trị nghệ thuật trong bài thơ Sóng

- Thể thơ năm chữ tạo âm điệu sâu lắng, dạt dào, như âm điệu của những con sóng biển và cũng là sóng lòng của người phụ nữ khi yêu.

- Cách ngắt nhịp linh hoạt, phóng khoáng và cách gieo vần, phối âm độc đáo, giàu sức liên tưởng

- Giọng thơ vừa thiết tha, đằm thắm, vừa mãnh liệt sôi nổi, vừa hồn nhiên, nữ tính

- Xây dựng hình ảnh ẩn dụ - với hình tượng sóng, vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa ẩn dụ

- Bài thơ sử dụng các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ, đối lập - tương phản,...

15. Đàn Ghita của Lorca (Thanh Thảo)

Giá trị nội dung trong Đàn Ghita của Lorca

-Thể hiện nổi đau xót trước cái chết bi thảm của Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca, nhà thơ thiên tài Tây Ban Nha

- Thái độ ngưỡng mộ ngợi ca người nghệ sĩ đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thể kỉ XX bị giết hại một cách phũ phàng

Giá trị nghệ thuật trong Đàn Ghita của Lorca

-Thể thơ tự do với nhiều cách tân

- Nhiều hình ảnh ẩn dụ tượng trưng, siêu thực.

- Lốí sắp đặt lạ hóa theo trường phải siêu thực

- Bài thơ không có bắt đầu và kết thúc

- Ngôn ngữ giàu chất nhạc, chất họa.

16. Tiếng hát con tàu ( Chế Lan Viên )

Giá trị nội dung trong Tiếng hát con tàu

- Bài thơ thể hiện khát vọng, niềm hân hoan trong tâm hồn nhà thơ khi trở về với nhân dân, đất nước, cũng là tìm thấy nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho hồn thơ

- Hình ảnh “con tàu” là biểu tượng cho khát vọng ra đi, đến với những miền xa xôi, đến với nhân dân với đất nước, cũng là đến với mơ ước, với ngọn nguồn của cảm hứng nghệ thuật. Do vậy “ Tây Bắc “ ở đây vừa là tên một vùng đất cụ thể vừa biểu tượng cho mọi miền xa xôi của tổ quốc, nơi có cuộc sống gian lao mà sâu nặng nghĩa tình, nơi khắc ghi những kỉ niệm không thể quên.

Giá trị nghệ thuật trong Tiếng hát con tàu

- Bài thơ đậm chất suy tưởng triết lí- một nét nổi bật trong phong cách thơ Chế Lan Viên

- Kết hợp cảm xúc và suy tưởng, nâng cảm xúc, tình cảm lên thành suy ngẫm triết lí , do vậy triết lí mà không khô khan trừu tượng trái lại rất gần gũi

- Hình ảnh thơ : Bên cạnh những hình ảnh thực, dung dị,bài thơ còn có nhiều hình ảnh được sáng tạo bằng liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, hòa trộn thực với ảo, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của người đọc.

17. Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)

Giá trị nội dung trong Người lái đò sông Đà

- là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiết tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên và nhất là của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc

+ Một con sông “hung bạo” Và “Trữ tình”

+ Một người lái đò tiêu biểu cho vẻ đẹp của con người Tây Bắc tài trí dũng cảm trong lao động.

Giá trị nghệ thuật trong Người lái đò sông Đà

- Đậm chất tài hoa uyên bác

- Tác phẩm giàu chất thông tin, thời sự. Tác giả đã huy động vốn tri thức chuyên môn của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau

- Lối so sánh liên tưởng độc đáo.

- Ngôn ngữ giàu có,tinh tế hiện đại, giàu cảm xúc, đậm chất tạo hình, rất sắc sảo

+ Tác phẩm thể hiện được một số dặc trưng cơ bản của phong cách Nguyễn Tuân (Có cảm hứng đặc biệt với những hiện tượng đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ, tiếp cận con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ, sử dụng tùy bút pha bút kí rất phóng túng

18. Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Giá trị nội dung trong Ai đã đặt tên cho dòng sông

- Bài kí ngợi ca dòng sông Hương và rộng hơn là vùng đất cố đô Huế đẹp thơ mộng hữu tình, ca ngợi lịch sử vẻ vang của Huế, ca ngợi văn hóa và tâm hồn người Huế.

- Tác giả coi sông Hương là biểu tượng cho tất cả những gì là vẻ đẹp của cảnh và người đất đế đô này.

- Bài kí chứng tỏ sự gắn bó máu thịt, tình yêu thiết tha với Huế và một vốn hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa đất cố đô của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Giá trị nghệ thuật trong Ai đã đặt tên cho dòng sông

- Đọan trích là đoạn văn xuôi súc tích và đày chất thơ về sông Hương. Nét đắc sắc làm nên sức hấp dẫn của đoạn văn là những cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lí và một trí tưởng tượng sáng tạo độc đáo.

- Văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa

19. Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

Giá trị nội dung trong Vợ chồng A Phủ

- Đây là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do. Tác phẩm khắc họa chân thực những nét đặc sắc về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn người dân các dân tộc thiểu số

- Qua tác phẩm, tác giả lên án bọn thực dân, chúa đất độc ác dã man tàn bạo; bày tỏ sự cảm thông thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân nghèo miền núi và khẳng định sức sống ngoan cường , khát vọng tự do tiềm tàng ở người dân lao động

- Qua tác phẩm, nhà văn còn phản ánh quá trình đấu tranh từ tự phát đến tự giác, chỉ ra con đường đấu tranh để giải phóng của người dân miền núi dưới ách áp bức của bọn thực dân phong kiến.

Giá trị nghệ thuật trong Vợ chồng A Phủ

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật : Khắc họa nhân vật sinh động, có cá tính rõ nét. Hai nhân vật Mị và A Phủ có số phận giống nhau nhưng tính cách khác nhau đã được tác giả thể hiện bằng bút pháp thích hợp.

- Ngòi bút tả cản đặc sắc: (Cảnh tết, cảnh xử kiện…)

- Nghệ thuật trần thuật rất thành công với giọng kể trầm lắng dầy cảm thông, yêu mến; nhịp kể chậm xúc động có khi hòa vào dòng tâm tư của nhân vật, vừa bộc lộ nội tâm của nhân vật vừa tạo được sự đồng cảm

- Ngôn ngữ sinh động được chọn lọc, sáng tạo giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ

20. Vợ Nhặt (Kim Lân)

Giá trị nội dung trong tác phẩm Vợ Nhặt

Truyện ngắn không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp 1945 mà còn thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và yêu thương đùm bọc lẫn nhau

- Chủ đề : Lên án tội ác của bọn thực dân , phát xít, phát hiện và khẳng định niềm khát khao hạnh phúc gia đình, niềm tin mãnh liệt của người dân lao động nghèo ở sự sống và tương lai

Giá trị nghệ thuật trong Vợ Nhặt

Tình huống truyện độc đáo: Vừa lạ vừa éo le

- Cách kể chuyện hấp dẫn

- Miêu tả tâm lí khá tinh tế, dựng đối thoại sinh động

21. Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)

Giá trị nội dung trong Rừng xà nu

- Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện về sự giác ngộ lí tưởng cách mạng và cuộc nổi dậy từ tự phát đến tự giác của dân làng Xô Man, với triết lí cách mạng được cụ Mết - trưởng bản, đúc kết "Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo"

- Câu chuyện thứ hai là câu chuyện về cuộc đời của Tnú - một người con của núi rừng Tây Nguyên, của bản làng Xô Man. Tnú lớn lên trong không khí cả làng làm cách mạng nên con người ấy nhanh chóng bén duyên. Cuộc đời của Tnú là cuộc đời của biết bao nhiêu con người, cũng là hình ảnh biểu trưng cho cả đất nước Việt Nam đau thương mà quật cường đứng dậy trong cuộc đọ sức cam go với đế quốc Mĩ.

Giá trị nghệ thuật trong Rừng xà nu

- Câu chuyện được kể theo hình thức truyện lồng truyện, truyện của một đời người của Tnú lại được kể trong một đêm qua lời kể của cụ Mết

- Xây dựng được không khí sử thi hào hùng, tráng lệ qua lối kể khan của cụ Mết ở nhà ưng tạo nên sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và truyền thuyết.

- Xây dựng được những hình tượng đặc sắc mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, đó là hình tượng của cây xà nu; hình tượng những thế hệ xà nu - những thế hệ của bản làng Xô Man, của mảnh đất Tây Nguyên; hình tượng người anh hùng Tnú

- Ngôn ngữ đặc sắc, mang đậm chất Tây Nguyên

22. Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi)

Giá trị nội dung trong Những đứa con trong gia đình

- Giá trị hiện thực

  • Cuộc chiến đấu khốc liệt giữa ta và kẻ thù và hình ảnh của một miền Nam đau thương mà kiên cường.
  • Số phận đau thương, mất mát của nhân dân miền Nam: cả gia đình phải chịu chung nỗi đau dưới gót giày xâm lược của kè thù. Chúng gieo rắc cái chết lên những người dân thường vô tội.

- Giá trị nhân đạo

  • Tố cáo tội ác của kè thù xâm lược khi đã giày xéo, gây ra cái chết oan uổng cho con người trên mảnh đất này.
  • Cảm thông, chia sẻ với những nỗi đau mất mát của người dân Nam Bộ. Đồng thời đó cũng là nỗi đau khi phải chứng kiến số phận và sự buộc lòng phải trưởng thành, gánh vác trách nhiệm của non sông, đất nước của những đứa trẻ ngây ngô, lộc ngộc như Chiến, như Việt
  • Sự khâm phục, ca ngợi lòng dũng cảm, kiên cường và hi sinh lớn lao của nhân dân miền Nam, của những đứa trẻ vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
  • Thôi thúc, giục giã và khơi dậy trong lòng thế hệ trẻ niềm căm thù giặc sâu sắc mà đứng lên chiến đấu chống lại kè thù, để nỗi đau, để cái chết không còn hiện hình trong những gia đình, trên những mảnh đất quê hương

Giá trị nghệ thuật trong Những đứa con trong gia đình

- Nghệ thuật trần thuật độc đáo với việc đặt điểm nhìn nghệ thuật vào nhân vật Việt, để cho nhân vật tự kể về cuộc đời mình và gia đình mình làm tăng tính chân thực của câu chuyện và biến câu chuyện trở thành dòng hồi ức của nhân vật.

- Câu chuyện mang đậm chất sử thi qua hình ảnh của những khúc sông trong dòng sông truyền thống của gia đình, qua cuốn gia phả của chú Năm

- Ngôn ngữ kể chuyện gần gũi, sinh động đã tạo ra không gian sinh hoạt, văn hóa đậm chất Nam Bộ

23. Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)

Giá trị nội dung trong Chiếc thuyền ngoài xa

Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngẳn Chiếc thuyền ngoài xa mang đến cho người đọc nhiều suy ngẫm:

+ Về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: Cần có một cách nhìn đa diện, nhiều chiều để có thể  phát hiện ra bản chất thật sau vè đẹp bên ngoài của hiện tượng

+ Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: Nghệ thuật phải gắn với cuộc đời – “NT vị nhân sinh”

+ Về nạn bạo lực gia đình do đói nghèo, thất học, động con…

=> Tác phẩm thể hiện một cái nhìn thấu hiểu, trĩu nặng tình yêu thương và nỗi lo âu đối với con người của tác giả.

Giá trị nghệ thuật trong Chiếc thuyền ngoài xa

- Truyện xoay quanh tình huống tự nhận thức nhân vật từ lầm lẫn, ngộ nhận đến “ giác ngộ”, tình huống truyện đã chi phối :

+ Giọng điệu thay đổi linh hoạt: lúc say sưa hùng biện, lúc hài hước tự trào, lúc khách quan tiết vhees, lúc trầm lắng suy tư

+ Diễn biến tình tiết giàu kịch tính, chi tiết đối lập…

+ Sắc thái suy tư, chiêm nghiệm, suy tư- triết lí nổi bật hơn cả với những câu văn miêu tả giàu chất trữ tình, nhịp chậm, ngữ điệu trầm, những so sánh mở ra trường liên tưởng nhiều lo âu, day dứt

+ Lời văn giản dị, mộc mạc mà nhiều dư vị

=> Vẻ đẹp của một cốt cách nghệ sĩ mẫn cảm, đôn hậu, điềm đạmchiêm nghiệm lẽ đời để rút ra những triết lí sâu sắc.

24. Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)

Giá trị nội dung trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Qua đoạn trích tác giả muốn gởi tới người đọc thông điệp:

- Được sống làm người quí giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sông trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quí giá hơn.

- Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn.

- Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục, chạy theo bản năng, lối sống hưởng thụ, phàm phu thô thiển.

Giá trị nghệ thuật trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt

- Nghệ thuật tạo tình huống, tạo xung đột kịch

- Nghệ thuật diễn tả hành động nhân vât, dựng lời thoại: Phù hợp với hoàn cảnh, tính cách nhân vật và sự phat triển của xung đột kịch

25. Chí Phèo (Nam Cao)

Giá trị nội dung trong Chí Phèo

- Giá trị hiện thực

  • Sự đàn áp, bóc lột và tàn ác của bọn thực dân, phong kiến đối với những người nông dân trong xã hội xưa
  • Số phận của người nông dân Việt Nam trước cách mạng thê thảm, bần cùng và trở thành lưu manh. Họ bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa và cái chết là điều tất yếu để giải thoát họ khỏi những đau khổ.

- Giá trị nhân đạo

  • Lời kết án đanh thép xã hội tàn bạo đã phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động hiền lành, chất phác. Chân dung của những kẻ như Bá Kiến, như bà cô Thị Nở, như những người dân làng Vũ Đại chính là hình ảnh thu nhỏ của cả một xã hội với tất cả các tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
  • Niềm cảm thông, chia sẻ, đau xót khi chứng kiến những con người hiền lành, lương thiện bị dày vò, tha hóa thành con quỷ dữ của cả làng Vũ Đại. Kể cả khi Chí Phèo đã khao khát quay trở về làm người lương thiện thì xã hội ích kỉ, hẹp hòi kia cũng sẽ không chừa chỗ lại cho hắn. Hắn chỉ còn một con đường duy nhất là cái chết để giữ lại sự lương thiện cuối cùng trong con người mình
  • Khẳng định niềm tin của tác giả vào bản chất lương thiện của những người nông dân, ngay cả khi họ bị vùi dập, mất cả nhân hình lẫn nhân tính thì khao khát được sống, được yêu thương và hạnh phúc cũng chưa bao giờ bị dập tắt trong họ
  • Lời cảnh báo của tác giá với số phận của những người nông dân Việt Nam trước Cách mạng, nếu không thay đổi thì cuộc sống của họ cũng sẽ bế tắc, tuyệt vọng, tha hóa, lưu manh hóa và cái chết sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Giá trị nghệ thuật trong Chí Phèo

- Xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình

- Khắc họa sinh động các yếu tố ngôn ngữ hành động tâm lí ngoại hình

- Nghệ thuật trần thuật, kết cấu mới mẻ, linh họat, phóng túng

- Cốt truyện với các tình huống chi tiết gay cấn, hấp dẫn

26. Vội vàng ( Xuân Diệu )

Giá trị nội dung trong Vội vàng

Bài thơ thể hiện lòng ham sống bồng bột và mãnh liệt của cái Tôi Xuân Diệu rất hiện đại cùng với một quan niệm mới mẻ về thời gian, tuổi tre, hạnh phúc

- Cái Tôi Xuân Diệu trong bài thơ tiêu biểu cho cái Tôi thời đại thơ mới:

+ Một ý thức ráo riết về giá trị đời sống cá thể. Nghĩa là một ý thức nhân bản. nhân văn rất cao

+ Một quan niệm táo bạo đầy tính cách mạng trước những quan niệm cũ kĩ vốn cản trở việc giải phóng con người cá thể

+ Một niềm thiết tha với cuộc sống trần thế, niềm vui trần thế.

+ Một khát khao sống mãnh liệt và một tâm thế cuồng nhiệt, tích cực

Giá trị nghệ thuật trong Vội vàng

Nghệ thuật sáng tạo những câu thơ, những hình ảnh thơ mới lạ độc đáo:

+ Cách liên tưởng so sánh mới lạ; Tháng giêng ngon…; Mùi tháng năm..

+ Thủ pháp chuyển đổi giác quan khi thể hiện cảm giác trong việc diễn tả hình ảnh

+ Lối nhân hóa..

27. Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)

Giá trị nội dung trong Chữ người tử tù

- Khắc họa vẻ đẹp của hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục . Đặc biệt là vẻ đẹp khí phách, tài hoa, “thiên lương’ của Huấn Cao.

=> Đó là vẻ đẹp của những con người tài hoa nghệ sĩ: Huấn Cao là một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp. Còn viên quản ngục tuy không làm nghệ thuật nhưng có một tâm hồn nghệ sĩ : Say mê và quý trọng cái đẹp

=> Qua hai hình tượng này, tác giả đã thể hiện quan điểm thẩm mĩ của mình: cái tài và cái tâm; cái đẹp và cái thiện không thể tách rời

- Cảnh cho chữ: Đây là đoạn văn thể hiện nổi bật chủ đề của thiên truyện : Ánh sáng chiến thắng bóng tối, cái đẹp chiến thắng cái xấu xa, nhơ bẩn, “thiên lương” chiến thắng tội ác,

=> Đó là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao thượng của con người

Giá trị nghệ thuật trong Chữ người tử tù

- Tình huống truyện độc đáo.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật đạt đến trình độ cao.

- Sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản.

- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và truyền thống.

Trên đây là Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật một số tác phẩm lớp 11, 12 tiêu biểu, mong rằng với nội dung này sẽ giúp các em ôn luyện kiến thức cho kì thi thptqg sắp tới. Đừng quên tham khảo các đề thi thử thptqg chọn lọc được Đọc tài liệu tổng hợp em nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM