Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ

Xuất bản: 08/11/2023 - Tác giả:

Phân tích giá trị nhân đạo trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ, gợi ý chi tiết làm bài văn phân tích, so sánh giá trị nhân đạo cao cả của hai tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao) và Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

Nhằm mục đích giúp các em có định hướng tốt để viết bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ hay và sâu sắc, Đọc Tài Liệu đã tổng hợp gửi tới các em một số gợi ý cách triển khai bài văn. Cùng tham khảo ngay!

Dàn ý bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về hai tác giả và tác phẩm: Chí Phèo của Nam Cao và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

- Nêu vấn đề cần nghị luận: phân tích, so sánh điểm giống và khác nhau trong giá trị nhân đạo của Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ.

2. Thân bài

a) Định nghĩa về giá trị nhân đạo

- Giá trị nhân đạo là thái độ thương yêu trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người, sự đồng cảm với những đau khổ, ngợi ca và đề cao những khát vọng của con người, lên án tố cáo những thế lực áp bức, bóc lột người lao động,…

b) Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo (Nam Cao)

- Bi kịch của người nông dân hiền lành, nhẫn nhục bị xã hội chà đạp tàn nhẫn, vùi dập vào cảnh nghèo đói, bị xua đuôi, cự tuyệt, bị đẩy vào con đường bần cùng, tha hóa.

- Cảm thương sâu sắc đối với những số phận khổ đau, bất hạnh, tấm lòng nhân hậu, chan chứa yêu thương đối với những con người nghèo khổ bị áp bức, bị khinh miệt trong xã hội.

- Khẳng định, đề cao nhân tính, đề cao con người: đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật, phát hiện và khẳng định nhân phẩm, bản chất lương thiện của họ, ngay cả khi họ bị cướp mất hình hài, nhân phẩm.

- Phê phán những thế lực bạo tàn chà đạp con người: Kết án đanh thép xã hội tàn bạo đã hủy diệt nhân cách của con người, đẩy con người đến bước đường cùng và kết thúc cuộc đời trong bế tắc, bi kịch.

- Đề ra giải pháp mang tính nhân đạo, mang ý nghĩa hiện thực và triết lí sâu sắc: lật đổ xã hội tàn bạo để bảo toàn nhân tính của con người.

c) Giá trị nhân đạo trong Vợ chồng A Phủ

- Số phận bi thảm của con người: Mị là nạn nhân của đồng tiền và các thế lực phong kiến cường quyền tàn ác với nỗi đau bị đày đọa về thể xác, áp bức về tinh thần.

- Bày tỏ niềm thương cảm sâu sắc với những khổ đau và bất hạnh, bị áp bức, chà đạp đến cùng cực của họ

- Đi sâu khám phá, trân trọng những khát vọng và sức sống tiềm tàng trong Mị và A Phủ. Đó là sự ngợi ca phẩm chất tốt đẹp trong con người lao động.

- Sức sống tiềm tàng, mãnh liệt: Mị khao khát sống, khao khát hạnh phúc. Sức sống, sức trẻ, tình thương vốn tiềm tàng trong Mị đã giúp cô đủ sức mạnh để cởi trói cho A Phủ, cùng nhau chạy trốn đến Phiềng Sa.

d) So sánh điểm giống và khác nhau trong giá trị nhân đạo của hai tác phẩm:

- Giống nhau:

+ Cả hai tác giả có chung điểm nhìn, họ đã nhìn thấu nỗi đau của những người nông dân nghèo khổ dưới chế độ cũ bị áp bức, bóc lột, bị chà đạp, lăng nhục.

+ Thương xót trước số phận chịu nhiều bi kịch của người nông dân, cùng nhau lên tiếng tố cáo, lên án những thế lực bạo tàn gây đau khổ cho con người.

+ Đi sâu tìm tòi, khám phá, trân trọng và nâng niu những vẻ đẹp và khát vọng thầm kín của người nông dân, đồng tình với ước mơ, nguyện vọng chính đáng của con người, khát khao đối thay số phận của họ.

- Khác nhau:

+ Ở tác phẩm Chí Phèo, những người nông dân như Chí Phèo, Thị Nở qua cái nhìn của Nam Cao hiện lên là nạn nhân, sản phẩm của hoàn cảnh xã hội thực dân phong kiến. Nam Cao đồng cảm và khát khao muốn thay đổi số phận cho những con người dưới đáy xã hội, bị bóc lột, chịu nhiều bất công nhưng cuối cùng cũng đành bất lực. Tác phẩm khép lại bằng sự chấm dứt đột ngột của mối tình Chí Phèo - Thị Nở, cùng với cái chết đau đớn trong tuyệt vọng của Chí Phèo. Đó cũng chính là sự quẩn quanh, bế tắc trong hành trình đổi thay số phận người nông dân của nhà văn.

=> Văn học 1930 - 1945 coi con người là nạn nhân của hoàn cảnh, nhà văn khao khát đổi thay số phận con người nhưng bất lực.

+ Ở Vợ chồng A Phủ, người lao động miền núi Tây Bắc hiện lên qua cái nhìn của Tô Hoài không phải là nạn nhân của hoàn cảnh mà là những người có khả năng cải tạo hoàn cảnh. Tô Hoài đồng tình với khát vọng thay đổi số phận của họ, còn chỉ ra con đường tất yếu họ cần phải đi và khẳng định khả năng giác ngộ cách mạng, niềm tin vào khả năng tự giải phóng của họ. Tác phẩm khép lại với việc Mị và A Phủ giải thoát cho nhau và cùng nhau tới Phiềng Sa trở thành du kích.

=> Văn học 1945 - 1975 đề cao vai trò của con người, tin vào khả năng cải tạo hiện thực và thay đổi số phận của chính mình bằng con đường đấu tranh cách mạng.

e) Lí giải nguyên nhân có sự giống nhau và khác nhau đó:

- Do hạn chế khách quan của hoàn cảnh lịch sử

+ Các nhà văn giai đoạn 1930 - 1945 mang ý thức hệ tư sản, tiểu tư sản, hầu hết chưa tham gia cách mạng nên mới chỉ nhìn thấy tác động một chiều của hoàn cảnh đối với con người, nhìn con người và hiện thực khách quan có phần bi quan, bế tắc.

+ Các nhà văn giai đoạn 1945 - 1975 đều là những người chiến sĩ cách mạng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, giác ngộ và thấm nhuần cao độ lí tưởng cộng sản nên có tinh thần lạc quan, thấu suốt tương lai.

- Do phong cách, cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn.

3. Kết bài

- Đánh giá lại vấn đề: Chí Phèo của Nam Cao và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là minh chứng sinh động cho sự phong phú, đa dạng về nội dung, tư tưởng của nền văn học Việt Nam với mạch nguồn nhân đạo sâu sắc, sức sống lâu bền.

Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ

Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo

Là nhà văn trung thành với chủ nghĩa chân thực, cũng như các cây bút tả chân đương thời, Nam Cao quan tâm trước hết tới việc đi sâu thể hiện tình cảm khốn khổ của người nghèo bị áp bức, trong đó có tác phẩm Chí Phèo. Tác phẩm tượng đậm nét về bức tranh đời sống xã hội nông thôn. Đó là hệ thống trật tự của làng Vũ Đại: là ấn tượng về tình trạng khép kín của làng xã phong kiến. Đặc biệt nó đã phơi bày các mối quan hệ xã hội phức tạp của hiện thực đã miêu tả trung thực những quan hệ thực. Đồng thời là tình thương đối với những con người bị xã hội đẩy vào con đường tha hóa, bị hắt hủi... Đó chính là giá trị hiện thực và nhân đạo của Chí Phèo.

Nam Cao được coi là Nhà văn của nông dân trước hết vì có tác phẩm Chí Phèo Tác phẩm có phạm vi phản ánh hiện thực trải ra cả bề rộng không gian và bề dài thời gian. Làng Vũ Đại trong tác phẩm chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội nông thôn Việt Nam đương thời. Ngòi bút Nam Cao tỏ ra sắc sảo khi vạch ra mối quan hệ thực trong nội bộ bọn cường hào. Chẳng phải vì đất làng Vũ Đại có cái thế quần ngư tranh thực như lời ông thầy địa lí nói nên bọn cường hào chia năm bè bảy cánh đối nghịch nhau, mà do chúng là một đàn cá tranh mồi, mồi thì ngon đây, nhưng năm bè bảy mối. Ngoài mặt tử tế với nhau nhưng trong bụng muốn cho nhau lụn bại. Đây là hiện tượng có tính quy luật ở nông thôn, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội - ruồi muỗi phải chết oan uổng khi trâu bò húc nhau.

Dựng nên bức tranh xã hội ở nông thôn, trước hết Nam Cao tập trung làm nổi bật xung đột giai cấp giữa địa chủ cường hào với người nông dân bị áp bức - phản ánh hiện thực nông thôn trên bình diện mâu thuẫn giai cấp. Nó làm nên giá trị nhận thức và sức mạnh phê phán to lớn. Nam Cao đã xây dựng hình tượng điển hình về giai cấp thống trị ở nông thôn: Bá Kiến - lão cường hào cáo già với giọng quát rất sang, cái cười Tào Tháo cho thấy bản chất gian hùng, khôn róc đời. Và tư cách nhem nhuốc của cụ tiên chỉ thói ghen tuông. Bá Kiến nghiền ngẫm về nghề thông trị, rút ra phương châm: mềm nắn, rắn buông, bám thằng có tóc, ai bám thằng trọc đầu, thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân... Với chính sách: lấy thằng đầu bò trị thằng đầu bò, thu dụng những thằng bạt mạng, không sợ chết, không sợ đi tù.

Nam Cao không đi vào nạn sưu thuế, tô tức, tham nhũng mà ở Chí Phèo Nam Cao đi vào phương diện: người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn hủy diệt về nhân cách, bị phủ nhận tư cách làm người. Nỗi thống khổ của Chí Phèo không phải ở chỗ cuộc đời Chí Phèo chỉ là số không: Không nhà cửa, không cha mẹ, không họ hàng thân thích, không tấc đất cắm dùi... mà chính ở chỗ Chí Phèo bị xã hội rạch nát bộ mặt, cướp đi linh hồn, bị loại khỏi xã loài người, sống kiếp quỷ dữ.

Mở đầu tác phẩm là hình ảnh Chí Phèo ngật ngưỡng vừa đi vừa chủi. Nhưng đằng sau chân dung gã say rượu cái gì như là sự vật vã của một linh đau đớn, tuyệt vọng. Tiếng chửi của Chí Phèo không hẳn là bâng quơ. Tuy nhưng vẫn mơ hồ thấm thìa nỗi khổ của thân phận. Chí Phèo là điển hình một bộ phận cố nông bị đẩy vào con đường lưu manh hóa. Chí Phèo trước hết hiện tượng có tính quy luật của tình trạng áp bức bóc lột tàn bạo ở nông thôn Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là hiện tượng những người nông dân bị đè nén thái quá đã chống trả lại để tồn tại bằng việc bán cả nhân phẩm đã trở thành lượng mù quáng dễ dàng bị bọn thống trị lợi dụng.

Vì thế, Chí Phèo từ chỗ liều chết với bố con lão, chỉ cần lời nói và mấy hào chỉ trở thành tay say mới lão. Sức mạnh tố cáo to lớn của hình tượng Chí Phèo trước hết đã làm nổi hình tượng có tính quy luật diễn ra ở nông thôn - hiện tượng lưu manh hóa. Song ý nghĩa khái quát của hình tượng Chí Phèo còn ở cấp độ cao hơn: sự hủy diệt nhân tính trong xã hội độc ác, không cho con người được làm người. Tác phẩm Chí Phèo không dừng ở đó mà với câu chuyện về mối tình Chí Thị, bằng giọng vẫn bông lơn, có lúc như chế giễu chuyện tình của hạng nửa người nửa ngợm thì đây vẫn là chuyện có nội dung nghiêm túc, chứa đựng tư tưởng nhân đạo mới mẻ.

Giữa lúc cả làng Vũ Đại không chấp nhận giao tiếp, xem Chí như quỷ dữ thì một người đàn bà thuộc dòng giống mả hủi, xấu đến ma chê quỷ hờn lại có tấm lòng vàng, thấy Chí hiền lành, Thị Nở chính là chiếc cầu nối đưa Chí ở đáy sâu của tha hóa thức tỉnh bản chất người lao động. Bằng sự chăm sóc giản dị, tình yêu thương mộc mạc mà chân thành của người đàn bà khốn khổ đã khơi dậy linh hồn Chí Phèo. Chí nghe thấy những âm thanh cuộc sống thường ngày mà bây lâu nay vùi trong những cơn say nên Chí không biết đến. Nó vang động sâu xa trong lòng Chí, trở thành tiếng gọi cuộc sống khẩn thiết, làm Chí nhớ đến ước mơ ngày nhỏ ngày xưa.

Có lẽ đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm Chí tỉnh táo để tự ý thức về thân phận. Để rồi nhận ra sự tác oai, tác quái của mình bấy lâu nay. Và mong muốn : giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?... Hay mình sang ở với tớ một nhà cho vui? Khi Thị Nở bê bát cháo hành đến hắn ngạc nhiên bởi đây là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Hắn nhận ra hương cháo hành - hương vị tình yêu thương chân thành, hạnh phúc giản dị mà có thật. Hắn thèm lương thiện, làm hòa với mọi người. Tình yêu của Thị Nở cũng sẽ hé ra cho hắn con đường trở lại tình yêu chân chính đã nhân đạo hóa con người. Chẳng phải tình yêu có phần thô lỗ của người đàn bà xấu xí đã gọi dậy linh hồn người trong con quỷ dữ đó sao?

Giá trị nhân đạo còn thể hiện ở tấn bi kịch tinh thần của Chí Phèo: bi kịch của con người bị từ chối không được làm người. Khi hiểu ra xã hội không công nhaanh mình, bà cô Thị Nở - định kiến xã hội đã không chấp nhân cho cháu bà đến với Chí. Chí vật vã đau đớn. Hắn càng uống càng tỉnh , hắn ôm mặt khóc rưng rức. Chí quằn quại, đau đớn vì tuyệt vọng, thấm thìa về tội ác kẻ thù. Chí Phèo trợn mắt chỉ tay vào Bá Kiến đòi quyền làm người, đòi lại bộ mặt người đã bị vằm nát. Kẻ thù bị đền tội, và sau đó Chí tự sát. Chí phải chết vì ý thức nhân phẩm đã trở về, không chấp nhận kiếp thú vật. Chí Phèo chết giữa ngưỡng cửa trở về cuộc sống. Chí chết quằn quại trong vũng máu, trong khao khát được làm người lương thiện. Ai cho tao lương thiện là lời nói đanh thép, phẫn nộ, làm người đọc sững sờ và day dứt. Đó vẫn là một câu hỏi lớn không lời đáp.

Chí Phèo của Nam Cao được đánh giá cao chính ở giá trị tố cáo. Thông qua số phận Chí Phèo, Nam Cao phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội Việt Nam lúc bây giờ thực trạng người nông dân bị đày đọa, đề nén và âm thầm chịu đựng nỗi tuyệt vọng, liều lĩnh phản ứng cực đoan. Nam Cao cũng bày tỏ niềm cảm thông, tình thương yêu đối với người nông dân bị đẩy vào con đường lưu manh hóa, phát hiện ràn chất tốt đẹp vốn có của họ. Song cũng như các nhà văn hiện thực đồng thời, chưa tìm được cho nhân vật của mình lối thoát. Sau này, bằng con đường cách nạng. Tô Hoài, Kim Lân đã tìm cho nhân vật mình một hướng đi riêng.

Giá trị nhân đạo trong Vợ chồng A Phủ

Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng với cảm quan hiện thực đầy tinh tế về cuộc sống đời thường cùng sự nhạy bén trong việc sử dụng ngôn từ. Không chỉ vậy, ông còn là một nhà văn với tinh thần nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Điều này đã được thể hiện thông qua số phận của nhân vật Mị và A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, in trong tập “Truyện Tây Bắc”.

Giá trị nhân đạo là sự quan tâm đến con người mà biểu hiện của giá trị nhân đạo là lòng thương người, sự cảm thông, bênh vực con người. Mỗi một tác phẩm thì giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo biểu hiện ở khía cạnh khác nhau. Giá trị nhân đạo trong “Vợ chồng A Phủ” trước hết được thể hiện ở phương diện tố cáo những thế lực độc ác. Đó là thế lực phong kiến miền núi lợi dụng chính sách cho vay nặng lão nhằm đọa đày người lương thiện. Trước tiên là ở Mị, nàng bị buộc vào vòng lẩn quẩn của cái nợ từ thời ba mẹ nàng. Còn ở A Phủ là khoản nợ 100 đồng bạc trắng. Chúng trói buộc cả hai con người đáng thương vào cuộc đời đau khổ. Đến một ngày thì Mị không còn ý thức phản kháng nữa, bởi ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. “Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa... ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi...

Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế.” Rồi đến một ngày Mị bừng tỉnh, muốn đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử nhìn thấy, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Mị đau đớn, nồng nàn tha thiết nhớ những ngày đã qua. Còn A Phủ, anh bị đẩy vào bước đường ở nợ, “đốt rừng, cày nương cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình bôn ba rong ruổi ngoài gò ngoài rừng. Để rồi khi anh để hổ bắt mất một con bò, Thống lí Pá Tra bắt trói anh vào một cây cột trong góc nhà bằng dây mây quấn từ chân đến vai. Những việc làm tàn bạo ấy không chỉ hành hạ về mặt thể xác, nó còn bào mòn tinh thần con người, mỗi ngày, mỗi ngày.

Tô Hoài còn thể hiện giá trị nhân đạo ở chỗ, ông thương cảm những số phận bất hạnh như Mị và A Phủ. Nỗi niềm thương xót của ông không được nói ra thành lời, mà được thể hiện thông qua những tiếng nức nở của các nhân vật. Mị được miêu tả lúc nào “cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.”, cả cuộc đời cô dường như chỉ quanh quẩn lên núi hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, đi nương bẻ bắp và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Khi Mị bị A Sử trói vào cột, dòng ý thức của Mị trôi qua như những dòng nước mắt. “Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu Hồng Ngài thì một đời con người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng.”.

Mị sợ, Mị cựa quậy, xem mình còn sống còn sống hay chết. Sợ chết là vẫn còn muốn sống, ý thức khát khao ấy như ánh sáng nhỏ nhoi khiến độc giả phải xúc động cho một số phận đau khổ. Ở A Phủ, đó là nỗi thương cảm dành cho chàng trai đã khổ từ lúc nhỏ. Ngày nhỏ, “có người làng đói bụng bắt A Phủ đem xuống bán đổi lấy thóc của người Thái dưới cánh đồng”. Khi lưu lạc đến Hồng Ngài, A Phủ cũng thông thể lấy nổi vợ, chỉ vì anh không có bố mẹ, không có ruộng, không có bạc. Vận đen vẫn đi theo A Phủ, để rồi anh bị bắt nộp vạ một trăm bạc trắng, phải đi ở trừ nợ cho nhà quan thống lí Pá Tra. Tấm lòng nhân đạo của nhà văn sẽ ôm lấy Mị và A Phủ, đưa những con người lương thiện thoát ra khỏi phận đời đau khổ.

Cuối cùng, tác giả thể hiện niềm trân trọng và đồng tình với khát vọng được tự do, được hạnh phúc của Mị và A Phủ. Niềm trân trọng ấy được thể hiện trước tiên ở ý thức phản kháng và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. sức sống ấy của Mị trỗi dậy vào đêm tình mùa xuân. “Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội... Trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm, sặc sỡ... tiếng trẻ con nô đùa...” Mùa xuân ấy rộn rã âm thanh và màu sắc, là dấu hiệu cho sự bừng tỉnh của Mị trong đêm tình mùa xuân. Đầu tiên, sức sống ấy được hồi sinh khi Mị nghe thấy tiếng sáo: “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi...”

Tiếng sáo ấy chạm vào tâm hồn của Mị, khiến Mị nhớ lại những ngày xuân thật đẹp của quá khứ. “Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi”. Tiếng sáo ấy khiến Mị lén lấy hũ rượu. “Cứ uống ực từng bát. Rồi say. Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn những người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước.” Niềm vui ấy khiến Mị ý thức được rằng “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi.” Sức sống mãnh liệt còn thể hiện mạnh mẽ hơn khi Mị đi đến quyết định: Bỏ nhà đi theo cuộc chơi. Mị làm đẹp cho bản thân mà không để ý đến thái độ của A Sử, Mị hành động thản nhiên, nhưng đau đớn thay, sự độc ác tàn nhẫn của giai cấp thống trị đã dập tắt đi cái khát vọng sự trỗi dậy đó của Mị. Sức sống tiềm tàng của Mị lại bùng lên lần nữa trong đêm cởi trói cho A Phủ.

Khi Mị nhìn thấy “hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Mị bỗng nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Mị đau đớn cho đời mình, và Mị cắt dây trói cho A Phủ. Rồi Mị bừng tỉnh, vụt chạy ra. Rồi hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi. Bước chân của A Phủ và Mị là bước chân phản kháng, là bước chân tìm đến hạnh phúc, vùng thoát khỏi bóng tối, đi đến một cuộc đời khác. Và bước chân ấy in đậm giá trị nhân đạo của Tô Hoài trong tác phẩm. Đó là bước chân đồng tình cho khát vọng được kiếm tìm hạnh phúc.

Bên cạnh giá trị nhân đạo sâu sắc, tác phẩm còn mang đậm giá trị nghệ thuật. Tác phẩm khắc họa chân thực những nét riêng biệt về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn con người dân tộc bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.

Có thể nói, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm đã lên tiếng tố cáo những thế lực xấu xa, đồng thời thể hiện tiếng nói thông cảm, trân trọng và đồng tình dành cho khát vọng tự do, sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị và A Phủ.

-/-

Trên đây là nội dung chi tiết một số mẫu bài văn phân tích, so sánh giá trị nhân đạo trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ - Văn mẫu 12 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài văn cảm nhận hay và sâu sắc.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM