Giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát mà bạn yêu thích

Xuất bản: 06/09/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn làm văn trình bày giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát mà bạn yêu thích, khám phá những điều thú vị, giúp người khác hiểu rõ hơn về giá trị của tác phẩm

Âm nhạc và thơ ca là những món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta. Chúng không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mà còn là những người bạn đồng hành, chia sẻ những khoảnh khắc vui buồn trong cuộc sống. Qua việc tìm hiểu và trình bày giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát mà bạn yêu thích là một cách để lan tỏa để những giá trị tuyệt vời của những tác phẩm ấy.

Dàn ý trình bày giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và lý do bạn chọn tác phẩm đó.

- Nêu vấn đề cần bàn luận: Giá trị của tác phẩm.

2. Thân bài

a) Phân tích nội dung của tác phẩm

- Tóm tắt ngắn gọn nội dung chính của tác phẩm.

- Phân tích các hình ảnh, chi tiết nghệ thuật nổi bật.

- Giải thích ý nghĩa của các từ ngữ, câu văn.

b) Phân tích đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm

- Đánh giá về cách sử dụng ngôn ngữ, âm thanh, vần điệu (đối với thơ).

- Đánh giá về giai điệu, ca từ, hòa âm (đối với nhạc).

- Phân tích cách xây dựng hình tượng nhân vật, không gian, thời gian.

c) Phân tích giá trị của tác phẩm

- Tác phẩm truyền tải thông điệp gì? Đề cập đến vấn đề gì của cuộc sống?

- Tác phẩm có những đặc sắc gì về nghệ thuật?

- Tác phẩm mang lại những bài học gì cho cuộc sống?

- Tác phẩm đã ảnh hưởng đến cá nhân em như thế nào?

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.

- Nêu cảm nhận chung về ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân.

TOP 5+ Giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát mà bạn yêu thích

Giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát bài văn mẫu số 1

"Đêm nay Bác không ngủ" của Minh Huệ là một áng thơ bất hủ, khắc họa chân thực hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Qua những câu thơ giản dị mà xúc động, tác giả đã vẽ nên bức tranh sinh động về một đêm không ngủ của Bác.

Hình ảnh Bác ngồi bên bếp lửa hồng, đốt những điếu thuốc liên tiếp, chăm sóc từng giấc ngủ của bộ đội đã trở nên quá quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Qua đó, tác giả đã thể hiện tấm lòng yêu thương vô hạn của Bác đối với bộ đội, với nhân dân. Bác không chỉ là một vị lãnh tụ mà còn là người cha già kính yêu, luôn quan tâm, lo lắng cho mọi người. Bên cạnh đó, bài thơ còn cho thấy sự hy sinh thầm lặng của Bác. Bác không ngủ không phải vì sức khỏe yếu mà vì lo lắng cho vận mệnh của đất nước, cho tương lai của cách mạng. Hình ảnh Bác thức trắng đêm để suy nghĩ, để lo toan đã trở thành biểu tượng cho sự tận tụy, đức hy sinh cao cả của một người lãnh đạo.

Về mặt nghệ thuật, bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" có những giá trị nổi bật. Ngôn ngữ thơ giản dị, dễ hiểu, hình ảnh thơ sinh động, giàu sức gợi cảm. Các biện pháp nghệ thuật như điệp từ, so sánh, nhân hóa được sử dụng một cách tinh tế, tạo nên những câu thơ hay, dễ nhớ. Đặc biệt, hình ảnh tương phản giữa sự khắc nghiệt của đêm rừng và tấm lòng ấm áp của Bác đã tạo nên một hiệu quả nghệ thuật sâu sắc.

Bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị giáo dục sâu sắc. Bài thơ đã khơi dậy trong lòng mỗi người đọc lòng yêu nước sâu sắc, sự biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ. Qua bài thơ, chúng ta hiểu rõ hơn về tấm lòng cao cả của Bác Hồ. Bác không chỉ là một vị lãnh tụ mà còn là một người cha, người ông luôn quan tâm, lo lắng cho dân. Tình cảm của Bác đối với nhân dân chính là nguồn sức mạnh to lớn giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Tóm lại, "Đêm nay Bác không ngủ" là một bài thơ bất hủ, có giá trị về nhiều mặt. Bài thơ không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một tài liệu lịch sử quý giá, một bài học đạo đức sâu sắc. Hình ảnh Bác Hồ thức trắng đêm vì lo cho dân, cho nước sẽ mãi sống trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát bài văn mẫu số 2

Hồ Chí Minh một vị lãnh tụ tài hoa của dân tộc Việt Nam, bên cạnh đó với tài năng của mình người đã sáng tác nên những áng thơ văn vô cùng nổi bật. Trong đó bài thơ “Cảnh khuya” là một tác phẩm thơ văn được viết trong thời kì kháng chiến tiêu biểu. Bài thơ là sự miêu tả bức tranh thiên nhiên vào đêm trăng đẹp, qua đó cho ta thấy tâm tư, tình cảm của một chiến sĩ cộng sản luôn hết mình vì nhân dân, vì đất nước.

Mở đầu bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên thật đẹp:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”

Với giọng thơ bình dị, vẻ đẹp của cảnh vật hiện lên trong thơ Hồ Chí Minh vừa có ánh sáng vừa có âm thanh. Thiên nhiên, cảnh núi rừng Việt Bắc vắng vẻ nhưng vô cùng huyền ảo và thơ mộng. Với việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa, nhà thơ đã miêu tả vẻ đẹp của “tiếng suối trong”. Vào ban đêm, chỉ với ánh trăng mà nhà thơ cũng có thể thấy được sự trong veo của nước suối. Ánh trăng đêm quả thật rất đẹp, rất sáng. Ánh trăng còn nổi bật hơn ở hình ảnh “trăng lồng cổ thụ” ánh trăng sáng bao quát cả một cây đại thụ lớn kết hợp với tiếng tiếng suối thanh trong như điệu nhạc êm, hát mãi không ngừng.

Chỉ với hai câu thơ mở đầu mà bức tranh phong cảnh hiện lên vô cùng sinh động, với thật nhiều màu sắc. Sau hai câu thơ tả cảnh, tiếp đến câu thơ thứ ba là sự khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình vô cùng tự nhiên.

“Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,”

Cảnh đêm trăng tuyệt đẹp như bức họa thế kia thì làm sao mà ngủ được. Phải chăng Người đang thao thức về một đêm trăng sáng với âm thanh vang vọng trong trẻo của núi rừng.

“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Câu thơ cuối càng làm nổi rõ hơn nguyên nhân không ngủ được của Bác đó là “lo nỗi nước nhà”. Câu thơ cuối nêu lên cái thực tế của nhân vật trữ tình và mở sâu vào hiện thực tâm trạng của nhà thơ. Sự độc đáo của thơ Hồ Chí Minh là bài thơ kết thúc với một lời giải thích, vô cùng thẳng thắn và ngắn gọn nhưng cũng rất đáng quý trọng. Nghệ thuật ấy vô cùng chân thực, giản dị, đi thẳng vào lòng người nên cũng là nghệ thuật cao quí, tinh vi nhất.

Bài thơ khép lại một cách bất ngờ nhưng hết sức tự nhiên, trọn vẹn. Bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh miêu tả bức tranh đêm khuya thật đẹp, thật thơ mộng. Nhưng sâu hơn nữa là thể hiện tâm tư, tình cảm của một người chiến sĩ cách mạng luôn hết lòng vì nhân dân, lo cho dân, cho nước.

Văn mẫu giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát mà bạn yêu thích

Giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát bài văn mẫu số 3

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, bên cạnh những tác phẩm thơ văn nổi tiếng của cụ Nguyễn Đình Chiểu như: Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh… thì truyện thơ Lục Vân Tiên là một tác phẩm lớn của nền văn học Việt Nam, có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa dân gian các tỉnh phía Nam.

Đây là tác phẩm được cụ Đồ Chiểu viết trước khi Pháp xâm lược đất nước ta. Tác phẩm có tổng 2.075 câu thơ với hình thức truyện kể văn vần (hay còn gọi là truyện thơ) cùng nhiều hình tượng nghệ thuật đẹp trong văn chương đã được nhân dân đón nhận, yêu thích. Trong đó, nhân vật nam chính của tác phẩm là người hết mực hiếu thảo, nêu cao lý tưởng, dũng cảm đánh cướp Phong Lai cứu dân, đánh giặc Ô Qua cứu nước. Nhân vật nữ chính Kiều Nguyệt Nga, là cô gái thủy chung son sắt với Lục Vân Tiên theo quan điểm lấy chữ nghĩa làm gốc. Các nhà nghiên cứu nhận định, tác phẩm có sức sống rất lớn trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người Việt Nam, nhất là người dân Nam Bộ.

Tác phẩm Lục Vân Tiên đã thể hiện tư tưởng của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Mỗi một nhân vật trong tác phẩm không chỉ là gửi gắm niềm khát vọng, lý tưởng sống, mục đích sống, ý chí sống to lớn của cụ Nguyễn Đình Chiểu mà còn phản ánh cuộc đời của cụ. Thông qua các tuyến nhân vật, cụ đã phê phán mạnh mẽ những xấu xa của xã hội. Những câu thơ quen thuộc trong tác phẩm Lục Vân Tiên đã đi vào lòng nhiều thế hệ như: “Trước đèn xem chuyện Tây Minh/ Gẫm cười hai chữ “nhơn tình” éo le/ Hỡi ai, lẳng lặng mà nghe/ Giữ răn việc trước, lành dè thân sau/ Trai thì trung hiếu làm đầu/ Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình…”.

Tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên là một tác phẩm độc đáo “có một không hai” trong số những truyện thơ ở Việt Nam. Cụ Đồ Chiểu đã tiếp thu được những tinh hoa của văn hóa dân gian từ cách cảm, cách nghĩ đến lời ăn tiếng nói của người dân lao động nên khi truyền tải vào tác phẩm Lục Vân Tiên, tác phẩm đã trở nên gần gũi với dân gian và sớm được nhân dân khai thác như nguồn chất liệu cho dân ca.

Tác phẩm Lục Vân Tiên không chỉ được xuất bản ở nhiều giai đoạn, mà còn được đưa vào dưới dạng đờn ca tài tử, với hình thức “ca ra bộ” đầu tiên của hình thức đờn ca tài tử, là một bước đệm để xây dựng nghệ thuật sân khấu cải lương. Đặc biệt, từ tác phẩm Lục Vân Tiên đã cho ra đời loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên.

Hình thức diễn xướng Nói thơ Vân Tiên trên vùng đất Bến Tre đã lan tỏa và có mặt trong một không gian rộng lớn cho thấy rằng, tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên có một giá trị rất sâu sắc trong đời sống cộng đồng. “Nói thơ Vân Tiên” hiện vẫn còn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người lớn tuổi và được truyền dạy cho các thế hệ trẻ về sau. Thế hệ trẻ sẽ tiếp tục gìn giữ, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của Bến Tre, trong đó, cần phát huy loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên phù hợp với điều kiện hiện nay như: trong sinh hoạt đoàn thể, trong giao lưu, trong các cuộc thi diễn…

Để tuyên truyền về các tác phẩm thơ văn của cụ Đồ Chiểu, nhất là truyện thơ Lục Vân Tiên, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh nhiều tỉnh thành trên cả nước đã nhiều năm tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và Hội thi hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga. Trong đó, có trình diễn lại truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có những định hướng về nội dung này. Bên cạnh những hoạt động nghiên cứu, dự kiến sẽ có lớp tập huấn cho các đối tượng như: học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, lao động, hướng dẫn viên và những người hoạt động trong hoạt động du lịch…

Truyện thơ Lục Vân Tiên đã trở thành tác phẩm quen thuộc trong các tầng lớp nhân dân cả xưa và nay, có thể ít người nhớ hết trọn vẹn truyện thơ nhưng các tuyến nhân vật như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga… đã đi sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ, và nhiều người vẫn nhớ vài đoạn thơ trong số ấy: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng...”.

Giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát bài mẫu số 4

Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ) đã thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc:

- Giá trị hiện thực:

+ Phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công với chế độ nam quyền, chà đạp số phận người phụ nữ (đại diện là nhân vật Trương Sinh).

+ Phản ánh số phận con người chủ yếu qua số phận của người phụ nữ: chịu nhiều oan khuất và bế tắc, phải tìm đến cái chết để kết thúc bi kịch.

+ Phản ánh xã hội phong kiến với những cuộc chiến tranh phi nghĩa làm cho cuộc sống của người dân rơi vào cảnh bế tắc.

- Giá trị nhân đạo:

+ Ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam thông qua nhân vật Vũ Nương: thùy mị, nết na, luôn giữ gìn khuôn phép, hết mực thủy chung với chồng.

+ Tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu có và của người đàn ông trong gia đình, đồng thời bày tỏ niềm cảm thương của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ.

- Giá trị nghệ thuật:

+ Xây dựng tình huống truyện độc đáo, đặc biệt là chi tiết chiếc bóng, tạo nên tính bất ngờ đồng thời cũng tăng thêm tính bi kịch cho truyện.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình thể hiện qua lời nói và hành động.

+ Các lời trần thuật và đối thoại của nhân vật sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ nhưng vẫn khắc họa đậm nét và chân thật nội tâm nhân vật.

+ Sử dụng yếu tố kỳ ảo làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát bài mẫu số 5

Bích Câu kì ngộ” của Vũ Quốc Trân là truyện Nôm xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Câu chuyện kể về một chàng thư sinh tên là Trần Tú Uyên gặp nàng Giáng Kiều ở đất Bích Câu và cùng nhau se sợi tơ duyên hạnh phúc. Đoạn trích “Tú Uyên gặp Giáng Kiều” nói về hoàn cảnh khiến chàng và nàng gặp nhau rồi kết duyên đôi lứa.

Câu thơ đầu đã cho người đọc cảm nhận được gia cảnh nghèo khó của chàng thư sinh Trần Tú Uyên.

Mưa hoa khép cánh song hồ

Cuộc đời thật nghiệt ngã với chàng khi cha mẹ chàng mất sớm, chàng một mình lủi thủi với căn nhà giữa hồ Bích Câu, ngày đêm miệt mài đèn sách. Trong dịp dạo chơi xuân, tình cờ chàng trông thấy một người con gái xinh đẹp như tiên nữ giáng trần, chàng liền dõi theo sau được một quãng thì nàng biến mất không rõ tung tích. Từ đó, chàng ôm tương tư mà ngày đêm nhung nhớ:

Sớm khuya với bức họa đồ làm đôi

Mâm chung một, đũa thêm hai

Thơ trao dưới nguyệt, rượu mời trước hoa

Cho hay tình cũng là chung 

Khách tiên chưa dễ qua vòng ái ân!

Tác giả miêu tả nỗi nhớ của chàng như “sông Tương mơ hình”, sông Tương là nơi hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh đã khóc thương chồng, nay đó là nơi trĩu nặng tương tư của nhân vật. Rồi một ngày, Tú Uyên mua được một bức tranh nàng thiếu nữ với nét đẹp tựa như người chàng đang thương nhớ, chàng mua về treo trong nhà để “sớm khuya” ôm mộng. Chàng nghĩ về người thiếu nữ ấy đến nỗi ngỡ người trong tranh “phát phu”, tưởng tượng người thiếu nữ trong tranh là người thật. Chàng ôm nhung nhớ đến “chồn” cả người, chồn ở đây có nghĩa là ốm yếu, không còn cử động được, chàng nhớ nàng đến mất ăn mất ngủ. Đến nỗi chàng còn ao ước “bẻ khóa cung trăng” để thấy được “chị Hằng” mà chàng ngày đêm mộng mị. Có thể thấy nỗi niềm tương tư, tình cảm của chàng thật sâu nặng giống như xuân Diệu đã từng viết bài thơ “Vấn vương”:

Anh chả hiểu vì sao vấn vương

Năm năm, như mấy chục năm trường

Vẫn làn mắt ấy, làn môi ấy

Anh hãy còn thương, chẳng hết thương.

Một quãng thời gian sau, một hôm Tú Uyên bận công việc ở trường trở về nhà trời đã muộn thì thấy cơm nước được dọn sẵn. Không khỏi thắc mắc, chàng quyết định rình xem người bấy lâu nay chăm sóc, phục vụ bữa cơm miếng nước cho chàng là ai:

Một khi ra việc trường văn

Trở về đã thấy bát trân sẵn sàng

So xem phong vị khác thường

Mùi hoa sực nức, mùi hương ngọt ngào

Bếp trời sẵn đó hay sao?

Của đâu thấy lạ, lòng nào chẳng nghi!

Cơm canh tiếp đón không chỉ là cơm canh bình thường mà đầy đủ, sung túc như “bát trân”. Bát trên là mâm cơm với sáu món ăn quý giá, chàng không tin vào mắt mình, chắc hẳn chỉ có “bếp trời” mới làm được như vậy. Chàng quyết định rình một phen thì thấy một nàng thiếu nữ từ trong tranh bước ra:

Sáng mai cứ buổi ra đi

Liệu chừng thoắt trở lại về thử coi

Trong tranh sao có bóng người vào ra?

Nàng rằng: “Bồ liễu phận thường

Vì mang má phấn nên vương tơ điều

Vốn xưa thiếp khách thanh tiêu

Tiên Thù là hiệu, Giáng Kiều là tên

Thỏa nỗi nhớ mong khi gặp được người trong mộng, mắt chàng rưng rưng “bên mừng bên lệ” thổ lộ tình cảm bấy lâu nay với thiếu nữ. Người tiên nữ e thẹn, ngại ngùng tự xưng là tiên nữ Giáng Kiều, vốn là người cõi tiên, vì có tiền duyên với chàng nên hạ phàm xuống đất:

Ba sinh đã nặng vì duyên

Đem thân liễu yếu kết nguyền đào thơ

Nhân duyên đã định từ xưa

Tơ trăng xe đến bây giờ mới thân

Đã rằng: tác hợp duyên trời

Làm chi cho bận lòng người lắm nao!

“Ba sinh” ở đây chính là mối nhân duyên tiền kiếp của chàng và nàng. Mối nhân duyên vợ chồng đến bây giờ mới được “tơ trăng” nhờ ân đức của “tiên quân”, nên nàng ngỏ ý nguyện một lòng “tấm son” cùng chàng se mối nhân duyên này:

Nàng rằng: “Xin quyết gieo cầu”

Tấm son thề với trên đầu xanh xanh

Từ đó hai vợ chồng chung sống hạnh phúc, thấu hiểu nhau. Chim yến oanh bay theo từng đàn chúc phúc cho đôi trai tài gái sắc, trăng thanh, hoa nở mừng cho mối lương duyên này. Nàng hóa phép ra lâu đài nguy nga, lộng lẫy có đầy đủ kẻ hầu người hạ. Thiên thời địa lợi nhân hòa chung vui với đôi vợ chồng, “Vũ y”, Nghê thường” hay chính là quần áo, xiêm y lả lướt, thiết tha.

Đong đưa khoe thắm đua vàng

Vũ y thấp thoáng, nghê thường thiết tha.

Đoạn trích “Tú Uyên gặp Giáng Kiều” mang âm hưởng dân tộc rõ nét, bút pháp nghệ thuật tài tình trong xây dựng hình tượng nhân vật khi kết hợp tả cảnh với tả tình. Tác phẩm được viết bằng chữ Hán mang nét mộng tưởng hoang đường về tình yêu. Ẩn chứa trong đó là tâm nguyện của tác giả về một vấn đề len lỏi trong xã hội. Đó là cái nhìn phê phán của tác giả về một xã hội loạn lạc, khó khăn, khiến con người ta muốn thoát ly khỏi thế giới thực tại. Mặt khác, tác phẩm cũng hướng cho con người giải tỏa, cải cách tâm hồn thoát khỏi Nho giáo, tiến đến Phật giáo và Đạo giáo.

Giá trị của truyện thơ Thạch Sanh bài mẫu số 6

Truyện thơ Nôm "Thạch Sanh" được ra đời khoảng cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích "Thạch Sanh" mà dân gian vẫn truyền miệng. Có đến ba dị bản của truyện thơ Nôm này. Bản nổi tiếng và được mọi người biết đến gồm 1812 câu thơ lục bát. Tác phẩm kể về chàng Thạch Sanh tuy nghèo khó nhưng rất dũng cảm. Anh đã trừ khử Chằn Tinh, giải cứu công chúa Quỳnh Nga và con vua Thủy Tề khỏi đại bàng khổng lồ. Sau khi cưới công chúa, Thạch Sanh đã đánh lui được quân địch và lên làm vua. Nội dung tác phẩm khá tương đồng với truyện cổ tích. Tuy nhiên, truyện thơ Nôm đã kể lại một cách chi tiết hơn phiên bản dân gian.

Thông qua "Thạch Sanh", chúng ta thấy được những bài học mà cha ông ta đã răn dạy về thiện - ác, nhân - quả ở đời. Dù Thạch Sanh sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, không ít lần phải nếm trải đắng cay khi bị lừa gạt, vu oan, hãm hại nhưng anh vẫn giữ nguyên bản chất trong sáng, thật thà, lương thiện. Để rồi sau đó, anh cũng nhận lại báo đáp xứng đáng: được vua Thủy Tề yêu quý tặng báu vật, được công chúa giải oan và lên làm vua. Ngoài ra, với nhân vật hai mẹ con nhà Lí Thông, ta cũng thấy rõ được thông điệp "gieo gió gặt bão" mà người đời muốn truyền tải. Dù đã được Thạch Sanh tha tội cho trở về quê cũ nhưng hai người vẫn bị Thiên Lôi đánh và hóa thành bọ hung:

"Mẹ con về đến giữa đường

Thiên Lôi ngũ bộ đánh nhường cả hai.

Cho hay những kẻ phi loài

Người dù không giết thì trời chẳng tha."

Từ đó, Thạch Sanh, Lí Thông cũng đã trở thành hình tượng điển hình trong văn hóa Việt Nam. Nhân vật Lí Thông thường đại diện cho những người xấu xa, tham lam, gian trá. Ngược lại, hình tượng Thạch Sanh không chỉ mang cảm hứng sử thi, thần thoại hóa mà còn có những nét tính cách và số phận tiêu biểu cho đại đa số người dân thời đó. Anh chính là hiện thân của những người tốt bụng, khỏe mạnh, thật thà, dũng cảm.

Ngoài giá trị về nội dung, tác phẩm cũng có nhiều đặc sắc về nghệ thuật. Sử dụng thể thơ lục bát cùng cốt truyện quen thuộc gần gũi, truyện thơ Nôm "Thạch Sanh" là một tác phẩm dễ nghe, dễ đọc, dễ thuộc, đi sâu vào đời sống nhân dân. Các trích đoạn như Thạch Sanh xuống thăm thủy cung hay khi miêu tả về cây đàn thần cũng có những ngôn từ giàu hình ảnh, so sánh cũng xuất hiện.

Chúng ta thường chỉ nhắc đến truyện cổ tích "Thạch Sanh" và quên đi tác phẩm truyện thơ đầy đặc sắc, mang đậm hơi thở dân tộc này. Vậy nên, mong rằng qua bài nói này, các bạn đã biết thêm nhiều điều về câu chuyện tưởng chừng như đã quá quen thuộc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

-/-

Trên đây là những gợi ý cơ bản và một số bài văn trình bày giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát mà bạn yêu thích do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm những ý văn hay cho bài làm của mình. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM