GDCD 7 Chân trời sáng tạo Bài 2 : Quan tâm, cảm thông và chia sẻ

Xuất bản: 26/09/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn GDCD 7 bài 2 Chân trời sáng tạo : Quan tâm, cảm thông và chia sẻ, gợi ý trả lời toàn bộ nội dung câu hỏi trang 11 - 15 SGK Giáo dục công dân 7 Chân trời sáng tạo

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi soạn gdcd 7 Chân trời sáng tạo Bài 2: Quan tâm, cảm thông và chia sẻ, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp cho bài học.

Soạn GDCD 7 bài 2 Chân trời sáng tạo

Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập gdcd 7 bài 2 Chân trời sáng tạo:

Phần Mở đầu

Câu hỏi trang 11 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy tìm những câu ca dao, tục ngữ thể hiện sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ qua những bức tranh sau:

Câu hỏi mở đầu trang 11 SGK GDCD 7 Chân trời sáng tạo

Trả lời:

- Những câu ca dao, tục ngữ liên quan đến nội dung bức tranh 1:

+ Lá lành đùm lá rách

+ Thương người như thể thương thân

+ Nhường cơm sẻ áo

+ Một miếng khi đói bằng một gói khi no

+ ...

- Câu tục ngữ liên quan đến nội dung bức tranh 2: một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.

Phần Khám phá

Câu hỏi 1 trang 11 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:

Câu hỏi 1 trang 11 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

- Những chi tiết nào trong câu chuyện thể hiện sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ của Hiếu và Minh?

- Em cảm nhận gì sau khi đọc câu chuyện trên?

- Theo em, trong cuộc sống, sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ được biểu hiện như thế nào?

Trả lời:

- Những chi tiết trong câu chuyện thể hiện sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ của Hiếu và Minh:

+ Mỗi ngày hai lần, dù nắng hay mưa, Hiếu vẫn luôn đưa Minh đến trường.

+ Khi có xe đạp, Hiếu vẫn tiếp tục chở Minh đi học.

+ Khi học Đại học, tuy khác trường nhưng hai bạn vẫn thường xuyên động viên, quan tâm lẫn nhau.

- Cảm nhận của em: Em rất khâm phục và ngưỡng mộ tình bạn, tinh thần tương trợ lẫn nhau trong học tập cũng như nỗ lực vượt lên khó khăn, thử thách để cùng nhau phấn đấu của Hiếu và Minh.

- Theo em, trong cuộc sống sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ được biểu hiện như sau:

+ Giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn.

+ Quan tâm đến mọi người trong mọi hoàn cảnh.

+ Biết lắng nghe và đặt mình vào vị trí của họ.

+ Khích lệ, động viên khi họ gặp trở ngại trong cuộc sống.

Câu hỏi 2 trang 12 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy quan sát các bức tranh sau và trả lời câu hỏi:

Câu hỏi 2 trang 12 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

- Em có nhận xét gì về lời nói, hành động của các nhân vật trong bốn bức tranh trên?

- Theo em, vì sao trong cuộc sống, chúng ta cần phải quan tâm, cảm thông và chia sẻ?

- Chúng ta cần làm gì để khích lệ, động viên bạn bè quan tâm, cảm thông, chia sẻ với người khác và phê phán thói ích kỉ, thờ ơ trước khó khăn, mất mát của người khác một cách phù hợp?

Trả lời:

* Nhận xét về lời nói, hành động của các nhân vật trong bốn bức tranh:

- Bức tranh 1: Bạn học sinh rất quan tâm đến bạn học của mình. Khi thấy bạn nghỉ học, bạn học sinh ấy cho rằng mình phải hỏi thăm lí do bạn nghỉ học.

- Bức tranh 2: Người con không biết quan tâm và giúp đỡ mẹ khi mẹ bị ốm. Người mẹ bị mệt và nhờ con nấu cơm giúp mình thì người con vẫn thờ ơ, không hề để ý tới lời nói của mẹ và xin mẹ chơi game tiếp.

- Bức tranh 3: Khi bà bị ốm, cậu bé quan tâm, chăm sóc hỏi han bà rất chu đáo. Lời nói của cậu bé thể hiện sự quan tâm đến tình trạng sức khỏe của bà, hành động nắm tay bà cho thấy rằng cậu bé đang động viên bà mau khỏi ốm.

- Bức tranh 4: Bạn học sinh rất biết quan tâm và giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Khi thấy cô giáo đang phải cầm khá nhiều đồ trên tay, bạn học sinh đã ngỏ lời mang đồ giúp cô.

* Theo em, trong cuộc sống, chúng ta cần phải quan tâm, cảm thông và chia sẻ vì:

- Hành động quan tâm, chia sẻ sẽ giúp con người có thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách, những nghịch cảnh của cuộc đời.

- Bản thân chúng ta cũng nhận được nhiều niềm vui, cảm thấy sống có ích, cuộc đời sẽ trở nên tươi đẹp hơn.

* Để khích lệ, động viên bạn bè quan tâm, cảm thông, chia sẻ với người khác và phê phán thói ích kỉ, thờ ơ trước khó khăn, mất mát của người khác một cách phù hợp, chúng ta cần:

- Giải thích cho bạn bè hiểu ý nghĩa của việc biết quan tâm, cảm thông và chia sẻ với người khác.

- Cùng với bạn bè tìm hiểu và giúp đỡ những người gặp khó khăn xung quanh chúng ta.

- Khuyên nhủ bạn nếu bạn có thói ích kỉ, thờ ơ trước khó khăn, mất mát của người khác.

Câu hỏi 3 trang 13 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy quan sát các bức tranh sau và thực hiện yêu cầu.

Câu hỏi 3 trang 13 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

- Kể lại câu chuyện theo tranh.

- Đặt tên cho câu chuyện và rút ra bài học.

Trả lời:

* Kể câu chuyện theo tranh:

Tham khảo mẫu dưới đây:

Cho đi là còn mãi

Trên đường đi làm về, chú H thấy một cậu bé ngồi co ro trên đường vì trời lạnh giá. Chú H đã tiến đến gần và đưa cho cậu bé một chiếc khăn choàng cho đỡ lạnh. 15 năm sau, chú H mắc phải một căn bệnh nặng nhưng chú không đủ tiền để chữa trị, chú cảm thấy rất buồn bã. Sau đó, chú bất ngờ được một mạnh thường quân tài trợ toàn bộ tiền viện phí. Người mạnh thường quân đó không ai khác chính là đứa bé mà chú đã giúp đỡ năm xưa.

=> Bài học:

+ Mở rộng tấm lòng, chia sẻ với người khác những niềm vui, nỗi buồn của mình, học cách lắng nghe, đồng cảm, sẻ chia với những buồn vui, khó khăn của người khác.

+ Một khi bạn mở lòng trao đi những tình cảm chân thành thì bạn sẽ nhận được chính tình yêu thương đó. Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất.

+ Chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà còn phải biết quan tâm, giúp đỡ những người khác, đó chính là sự “cho” và “nhận” trong cuộc đời này.

Phần Luyện tập

Câu hỏi 1 trang 14 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy đọc tình huống sau và thực hiện theo yêu cầu:

Câu hỏi 1 trang 14 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

- Nêu suy nghĩ của em về lời nói và việc làm của T, H trong tình huống trên.

- Hãy kể lại những hành động, lời nói thể hiện sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ của em với bố mẹ, người thân trong gia đình.

Trả lời:

* Suy nghĩ của em về lời nói và việc làm của T, H trong tình huống trên:

- Ban đầu, T cho rằng: chủ nhật là thời gian nghỉ ngơi sau một tuần học tập mệt mỏi, do đó T đã ngủ nướng, không làm việc nhà và bỏ đi chơi => Việc làm này thể hiện T là một người không biết quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ người thân trong gia đình. Khi chứng kiến hành động và lời nói của H, T đã thay đổi suy nghĩ, đã biết quan tâm hơn tới người thân => Việc T biết hối hận và thực hiện hành động quan tâm, chia sẻ với người thân là việc đáng khích lệ.

- H là một cậu bé biết quan tâm, chăm sóc mẹ, chia sẻ công việc nhà với mẹ. Biết mẹ đang bệnh, H đã tranh thủ ngày cuối tuần để làm việc nhà giúp mẹ.

* Những hành hành động, lời nói thể hiện sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ của em với bố mẹ, người thân trong gia đình:

- Giúp bố mẹ làm việc nhà lúc rảnh rỗi.

- Chăm sóc em trai khi em bị ốm.

- Thường xuyên gọi điện hỏi thăm ông bà.

- Thấy hoàn cảnh bác hàng xóm khó khăn, em đã xin mẹ rau và gạo mang sang biếu bác.

- Trên đường đi học về, thấy một bạn bị bắt nạt, em đã gọi người lớn tới để giải quyết

- Cuối tuần, phụ giúp mẹ dọn dẹp phòng, cùng mẹ vào bếp chuẩn bị cơm cho gia đình.

Câu hỏi 2 trang 15 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy sắm vai theo tình huống sau và thực hiện yêu cầu.

Tình huống câu 2 trang 15 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

- Em hãy nhận xét hành động của M; động viên bạn ấy quan tâm, cảm thông, chia sẻ với cô lao công và những người khác.

- Hãy tự đánh giá về sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ của em với người khác trong những tháng gần đây.

Trả lời:

- Nhận xét: Hành động của M là không biết cảm thông, chia sẻ công việc với người khác, ở đây cụ thể là cô lao công.

+ Đóng vai P: “Đúng, đây là việc của cô lao công nhưng cũng là việc của chúng mình nữa. M nghĩ xem nếu như cậu vứt cốc bỏ vào thùng rác thì cô lao công sẽ không phải nhặt và vứt nó nữa, cô sẽ đỡ vất vả hơn. Nếu như tất cả học sinh đều làm thế, thì cô sẽ vất vả đến nhường nào. Chúng mình phải biết cảm thông và giúp đỡ người khác từ những điều nhỏ nhặt nhất”.

+ Trong vài tháng qua em đã biết quan tâm, cảm thông và chia sẻ với người khác, mặc dù vẫn còn một vài lúc em đã thờ ơ, phớt lờ những người khó khăn xung quanh mình. Vì vậy sau này, em sẽ luôn luôn quan tâm đến người khác, giúp đỡ và chia sẻ nhiều hơn với mọi người.

Phần vận dụng

Câu hỏi 1 trang 15 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Hãy làm một sản phẩm như: tấm thiệp, bài thơ,…để thể hiện sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ và gửi đến người em yêu quý trong gia đình, dòng họ, hàng xóm hay một nhân vật em cảm kích trong cuộc sống.

Gợi ý trả lời:

Các em có thể tự tay làm một tấm thiệp kèm theo những lời nhắn chân thành nhất gửi đến mẹ nhân ngày 8/3 hay 20/10, hoặc gửi đến thầy, cô giáo nhân ngày 20/11. Hoặc có thể viết một bài thơ tặng bạn để động viên bạn mau khỏe khi bạn bị ốm...

Ví dụ:

- Thơ tặng mẹ

"Nếu con là triệu phú,

Mẹ chính là mẹ của triệu phú.

Nếu con trúng tổng thống,

Mẹ chính là mẹ của tổng thống.

Dù sau này con có là ai, làm gì, ở đâu,

Con lúc nào cũng yêu mẹ"

- Mẫu thiệp tặng mẹ nhân ngày của mẹ:

Câu hỏi 1 trang 15 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Câu hỏi 2 trang 15 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy viết một đoạn văn và thuyết trình trước lớp về giá trị của sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ với người khác.

Trả lời:

Tham khảo một số đoạn văn mẫu sau:

(1) Trong cuộc sống ngày nay với bộn bề lo toan mệt mỏi, người ta dần quên đi những đạo lí ứng xử cần thiết và một trong số đó là “Cảm thông chia sẻ”. Cuộc đời không luôn như ta muốn, nó luôn tiềm tàng những khó khăn trắc trở trên con đường ta đi. Đâu ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Trong xã hội vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em lang thang cơ nhỡ, người nghèo, nạn nhân của chiến tranh, thiên tai, những người khuyết tật, người có cảnh ngộ éo le….  Mỗi con người chúng ta không ai có thể sống tách rời người thân tập thể, cộng đồng. Sự cảm thông, chia sẻ giúp người gặp khó khăn có thêm sức mạnh, nghị lực, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Cảm thông và chia sẻ, giúp mọi người gần gũi, gắn bó hơn và là cầu nối giữa người với người tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp. Có như vậy, gia đình mới êm ấm, hạnh phúc, xã hội mới văn mình, tốt đẹp. Không bao giờ là quá muộn để yêu thương sẻ chia với ai đó cả nên hãy mở rộng lòng mình ra để tình yêu được lan toả. Bản thân em cũng luôn tự nhắc nhở bản thân: Sống chậm lại nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Bằng những hành động nhỏ bé mà thiết thực đem yêu thương trao gửi mọi người.

(2) Đồng cảm sẻ chia, con người sẽ có thêm sức mạnh và niềm tin để vượt qua trở ngại, khó khăn. Có thể bạn không biết nhưng một hành động rất nhỏ thôi cũng có thể cứu vớt một tâm hồn đang tuyệt vọng. Thứ này đối với bạn không là gì cả nhưng với người khác có thể là ước mơ cả đời không thể có được. Hãy đặt mình vào vị trí của những người bất hạnh hơn, bạn sẽ không chỉ cảm thông với số phận của họ mà còn biết yêu quý, trân trọng những gì mình đang có. Khi bạn biết yêu thương sẻ chia, bạn sẽ trở nên bao dung hơn, chín chắn và trưởng thành hơn. Cuộc đời của người được nhận tươi sáng hơn, cuộc đời của người cho đi cũng tươi sáng hơn. Bởi lẽ "Yêu thương cho đi là yêu thương giữ được mãi mãi".

(3) Cuộc đời không luôn như ta muốn, nó luôn tiềm tàng những khó khăn trắc trở trên con đường ta đi. Họ cần sự giúp đỡ của chúng ta rất nhiều, cần sự đồng cảm và chia sẻ. Trong xã hội vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em lang thang cơ nhỡ, người nghèo, nạn nhân của chiến tranh, thiên tai, những người khuyết tật, người có cảnh ngộ éo le….Mỗi con người chúng ta không ai có thể sống tách rời người thân tập thể, cộng đồng. Sự cảm thông, chia sẻ giúp người gặp khó khăn tạo thành sức mạnh to lớn, nghị lực, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Cảm thông và chia sẻ, giúp mọi người gần gũi, gắn bó hơn và là cầu nối giữa người với người tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp. Có như vậy, gia đình mới êm ấm, hạnh phúc, xã hội mới văn mình, tốt đẹp. Ngay bản thân em cũng luôn tự nhắc nhở bản thân mình cần phải sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn, giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.

-/-

Trên đây là toàn bộ nội dung soạn gdcd 7 bài 2 Chân trời sáng tạo: Quan tâm, cảm thông và chia sẻ do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM