Em hãy nêu bài học rút ra từ truyện cổ tích Cây khế

Xuất bản: 27/03/2023 - Tác giả:

Em hãy nêu bài học rút ra từ truyện cổ tích Cây khế. Giúp học sinh nắm được bài học mà tác giả dân gian muốn gửi gắm cũng những đoạn văn nêu bai học rút ra từ truyện Cây khế.

Truyện cổ tích "Cây khế" là câu chuyện dân gian Việt Nam mang nhiều bài học sâu sắc mà tác giả dân gian muốn gửi gắm cho các thế hệ. Cùng Đọc tài liệu tìm hiểu bài học nhân dân gửi gắm trong truyện cổ tích Cây khế trong bài viết dưới đây.

Bài học rút ra từ truyện cổ tích Cây khế

- Siêng năng, chăm chỉ vun trồng thì sẽ có ngày hái được quả ngọt: Giống như người em đã chăm sóc cây khế hàng ngày và đã thu được quả ngọt.

- Trong nguy luôn có cơ: Khi thấy chim ăn mất khế người em đã lo lắng khi nguồn thu nhập có nguy cơ bị mất. Nhưng nó lại mở ra một cơ hội khác khi chim nói ăn khế trả vàng.

- Ở đời không ai cho không ai cái gì, muốn có được phải đánh đổi: Đây là một điều dễ thấy trong ý nghĩa truyện cổ tích cây khế. Người em muốn có được vàng thì phải để chim thần ăn khế.

- Ở hiền gặp lành: Ở hiền gặp lành là ý nghĩa truyện cổ tích cây khế cốt lõi nhất mà chúng ta được nghe giảng từ nhỏ. Người em không tranh giành, không chấp nhất với người anh, chấp nhận ở nhà tranh và nhận cây khế. Chính từ hành động này mới có câu chuyện người em có được vàng mà chim thần cho.

- Tham thì thâm: Điều cuối cùng này hiển hiện rõ trên hành động của vợ chồng người anh. Kết cuộc của người anh là rơi xuống biển. Người vợ ở nhà thì mất chồng và phải sống cực khổ ở nhà tranh.

Đoạn văn nêu bài học rút ra từ truyện cổ tích Cây khế

Mong rằng các em có thể chiêm nghiệm được những bài học mà truyện cổ tích Cây khế muốn gửi gắm. Từ đó có thái độ sống đúng đắn, tốt đẹp hơn.

Đoạn văn mẫu 1

Câu chuyện ăn khế trả vàng là một câu chuyện rất hay, nó mang đến cho chúng ta bài học quan trọng về lòng biết ơn, đền đáp, niềm tin vào sự thiện lương, và may mắn sẽ đến với tất cả mọi người. Câu chuyện cũng giúp trẻ em hình thành những phẩm chất tốt trong cuộc sống. Nó còn nhắc nhở rằng anh em cùng huyết thống cần phải yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, không được tàn nhẫn với nhau chỉ vì tiền bạc.

Đoạn văn mẫu 2 - Bài học rút ra từ truyện cổ tích Cây khế

Truyện dân gian Cây khế là một trong những truyện cổ tích được nhiều người biết đến, với những bài học đạo đức sâu sắc. Nhân vật em trong câu chuyện vì tính cách tốt đẹp, không ganh đua, chăm chỉ, tốt bụng đã được chim thần trả ơn bằng vàng và có cuộc sống giàu sang. Ngược lại, nhân vật anh vì tính cách độc ác và tham lam đã tự đẩy mình vào chỗ chết. Từ những kết cục khác nhau của hai nhân vật này, tác giả muốn truyền tải thông điệp về sự đền đáp, người hiền lành sẽ có cuộc sống hạnh phúc, kẻ ác sẽ phải chịu trừng phạt. Câu chuyện Cây khế không chỉ thể hiện niềm tin của dân tộc vào đạo lý "ở hiền gặp lành", cho đi để nhận lại, mà còn giúp trẻ em hình thành những phẩm chất tốt trong cuộc sống. Đây là một bài học vô cùng quý giá trong việc giáo dục con người và khuyến khích chúng ta sống đúng với giá trị cao đẹp.

Đoạn văn mẫu 3 - Bài học rút ra từ truyện cổ tích Cây khế

Tình cảm anh em ruột thịt là một loại tình cảm thiêng liêng không thể tách rời. Dù trong hoàn cảnh như thế nào, thì anh em cũng là những người gần gũi nhất, những người sẵn sàng giúp đỡ, bảo bọc nhau. Nhân dân ta thường hay nói:

Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần

Nhưng thực tế không phải tất cả anh em đều yêu thương đoàn kết nhau. Trong thực tế, vẫn có sự đấu tranh, tranh giành tài sản và lợi ích cá nhân, đôi khi bỏ qua giá trị thật sự của tình anh em. Câu chuyện Cây khế là một ví dụ điển hình cho tình trạng này. Nhân vật anh trai trong câu chuyện, vì tài sản mà cha mẹ để lại, đã bỏ qua tình thân với em trai. Anh ta không quan tâm đến cuộc sống của em trai, tâm trí anh ta bị chi phối bởi tiền bạc, và anh ta đã làm cho mình trở nên vô tình và tàn nhẫn. Tác giả đã lên tiếng chỉ trích hành động của nhân vật anh trai cũng như một số người trong cuộc sống thực tế, vì họ đã bỏ qua tình cảm và chỉ quan tâm đến tiền bạc. Hiện thực trong câu chuyện là tình anh em ruột thịt bị mất giá trị và thấp hơn giá trị tài sản vật chất. Do đó, câu chuyện muốn truyền đạt một thông điệp cảnh tỉnh rằng không nên để tiền bạc che mắt mà quên đi giá trị thực sự của tình cảm, bởi vì một ngày nào đó tiền bạc có thể bị mất nhưng tình thân sẽ mãi tồn tại. Người đọc không nên như nhân vật anh trai trong câu chuyện, chỉ khi mất đi mới hối tiếc.

Đoạn văn mẫu 4 - Bài học rút ra từ truyện cổ tích Cây khế

Cây khế là một trong những truyện cổ tích tiêu biểu cho tư tưởng “Ở hiền gặp lành” trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Cuộc sống trên đời chúng ta cần biết đủ đầy và hài lòng với những gì mình có thay vì tham lam những thứ không thuộc về mình. Trong câu chuyện, nhân vật anh đã đổi nhà lấy cây khế với hy vọng tìm được hòn đảo vàng bạc theo chim, nhưng do tính tham lam nên anh đã rơi xuống vực. Anh ta đã bị hại chính vì lòng tham, mặc dù chim đã cố gắng nhắc nhở nhưng anh ta không chịu nghe và muốn giữ lại tất cả. Nếu anh ta chịu bỏ đi một phần tiền vàng thì có lẽ anh ta đã sống sót được. Nhưng tính tham lam của anh ta đã đánh đổi cả mạng sống của mình, và anh ta không nhận được bất cứ thứ gì. Lòng tham của con người là một điều đáng sợ, khiến con người ta bất chấp làm mọi thứ chỉ để có được thứ mình mong muốn, cụ thể ở đây là tiền của. Hình ảnh túi ba gang tượng trưng cho sự cân bằng trong cuộc sống, tiền của chỉ cần đủ để sử dụng là được. Quá ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến bản thân, suy nghĩ thiển cận khiến con người ta không còn quan tâm đến giá trị tinh thần cao cả, không còn tính toán lâu dài. Tính tham lam nuốt chửng lấy tâm hồn con người và có thể cướp đi cả tính mạng. Cây khế được viết ra để phê phán những kẻ sống tham lam, chỉ muốn nhận mà không bao giờ muốn cho đi, đồng thời cảnh báo cho tất cả mọi người, nếu quá tham lam tiền của thì sẽ phải trả giá đắt. Trong câu chuyện, chim đã giúp đỡ người em tốt bụng và trả ơn cho người đã giúp đỡ mình, điều đó cho thấy đức tính biết giữ lời hứa và trả ơn của chim. Nhân vật người em trong câu chuyện chính là một minh chứng của tác giả dân gian về bài học "ở hiền gặp lành"

Đoạn văn mẫu 5 - Bài học rút ra từ truyện cổ tích Cây khế

Từ xưa, mỗi câu truyện cổ tích đều được kể với những ý nghĩa, bài học nhất định và câu chuyện này cũng không ngoại lệ. Qua truyện Cây khế, chúng ta có thể rút ra được nhiều ý nghĩa, từ đó lấy làm bài học tâm đắc trong cuộc sống của mình. Thứ nhất, Siêng năng, chăm chỉ vun trồng thì sẽ có ngày hái được quả ngọt. Do người em để tâm chăm sóc nên cây mới ra quả ngọt. Nếu lúc trước người em chặt bỏ cây khế hoặc không quan tâm để nó còi cọc thì sẽ không có câu chuyện sau này. Vì vậy, sống ở đời, muốn gặt hái điều tốt đẹp thì phải không ngừng cố gắng và để tâm vào mục tiêu mà mình đã đặt ra. Trời không phụ lòng người, cứ chăm chỉ thật tâm ắt sẽ gặt hái trái ngọt là những gì bạn đọc cần nhớ. Thứ hai, chúng ta cần bình tĩnh xem xét các khía cạnh để tìm cơ hội trong nguy cơ. Khi chim ăn khế, vợ chồng người em đã rất lo lắng vì quả khế là một nguồn thu nhập của gia đình. Họ nghĩ rằng mình đã gặp phải hoàn cảnh nguy khốn giữa lúc khó khăn. Tuy nhiên, chim lại mở lời bảo ăn khế trả vàng, đấy chính là cơ hội trong hiểm nguy. Thứ ba, ở đời không ai cho không ai cái gì, muốn có được phải đánh đổi. Đây là một điều dễ thấy trong ý nghĩa truyện cổ tích cây khế. Người em muốn có được vàng thì phải đánh đổi bằng việc để chim ăn khế, và chịu được nguy hiểm khi ngồi trên lưng chim băng qua biển để tới hòn đảo vàng. Thứ tư, ở hiền gặp lành, tham thì thâm, Người em không tranh giành, không chấp nhất với người anh, chấp nhận ở nhà tranh và nhận cây khế. Chính từ hành động này mới có câu chuyện người em có được vàng mà chim thần cho. Còn người anh nhận kết cuộc là rơi xuống biển, người vọe thì mất chồng và phải sống cực khổ ở nhà tranh bởi sự tham lam của mình.

Đoạn văn mẫu 6 - Bài học rút ra từ truyện cổ tích Cây khế

Truyện cổ tích Cây khế là truyện dân gian nổi tiếng với những ý nghĩa, bài học sâu sắc trong đạo làm người. Người em vì bản tính lương thiện, không ganh ghét đố kị, lại yêu thương muôn loài nên đã được chim thần trả vàng và có cuộc sống sung túc. Người anh vì độc ác tham lam nên tự mình đẩy mình vào chỗ chết. Từ những kết cục khác nhau đối với người anh và người em, tác giả dân gian muốn gửi gắm bài học về đền ơn đáp nghĩa, niềm tin ở hiền sẽ gặp lành và may mắn đối với tất cả mọi người. Câu chuyện ăn khế trả vàng không những thể hiện niềm tin của nhân dân về đạo lí “ở hiền gặp lành” mà còn mang tính giáo dục cho trẻ nhỏ để hình thành những đức tính tốt cho cuộc sống sau này. Có thể nói đây chính là bài học đắt giá trong việc giáo dục con người và hướng chúng ta đến với lẽ sống cao đẹp.

Đoạn văn mẫu 7 - Bài học rút ra từ truyện cổ tích Cây khế

Cây khế là một trong những truyện cổ tích tiêu biểu cho tư tưởng “ Ở hiền gặp lành” của nhân dân ta. Sống trên đời ta nên biết thế nào là vừa đủ, nên hài lòng với những gì ta có thay vì tham lam những thứ không phải là của mình. Bản tính quá tham lam nên khi nghe đến ăn khế trả vàng thì người anh vô cùng mừng rỡ muốn được giàu có nên đã đổi nhà lấy cây khế để mong được đi theo chim đến hòn đảo vàng bạc, nhưng người anh không ngờ rằng chính vì bản tính tham lam của mình nên đã bị rơi xuống vực thảm. Hậu quả người anh nhận lấy không phải vì chim đã nghiêng cánh hất xuống mà vì lòng tham, chim đã cố gắng nhắc nhở nhưng người anh không hề nghe vẫn muốn giữ lại tất cả. Nếu chịu bỏ đi một phần tiền vàng thì người anh đã có thể sống sót, nhưng chỉ vì tham lam mà anh ta đã phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình, một cái giá quá đắt mà cho đến cuối cùng anh ta cũng không nhận được bất cứ thứ gì. hi lòng tham của con người ta nổi lên, thì thật đáng sợ, sẽ bất chấp làm mọi thứ chỉ để có được thứ mình mong muốn, cụ thể ở đây chính là tiền của. Hình ảnh túi ba gang tượng trưng cho sự cân bằng trong cuộc sống, tiền của là vật ngoài thân, chỉ cần vừa đủ là được. Quá ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến bản thân minh, suy nghĩ thiển cận khiến con người ta không còn quan tâm đến giá trị tinh thần cao cả, không còn biết tính toán lâu dài. Sự tham lam nuốt chửng lấy chính tâm hồn của con người, và sau cùng có thể là cả tính mạng. Bởi vậy, cây khế được viết ra là để phê phán những kẻ sống tham lam ích kỉ, chỉ muốn nhận chứ không bao giờ muốn cho đi, đồng thời là lời cảnh báo cho tất cả mọi người, nếu quá tham lam tiền của thì sẽ phải trả giá thật đắt. Khi chim lạ đến ăn khế, câu nói của chim chính là điểm đáng chú ý nhất để lại nhiều suy nghĩ trong người đọc: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng”. Người em tốt bụng chỉ nghĩ chim nói vậy để được ăn khế thôi, nên cũng không suy nghĩ đến chuyện chim sẽ thực hiện đúng lời hứa của mình. Nhưng thật bất ngờ khi mấy hôm sau chim đã quay lại và đưa người em đến hòn đảo vàng bạc như đúng là lời hứa mà chim đã nói vậy. Đó là một điều đáng khen ngợi về đức tính biết giữ lời hứa và trả ơn cho người đã giúp đỡ mình.

-/-

Hy vọng với những bài văn mẫu "Em hãy nêu bài học rút ra từ truyện cổ tích Cây khế" mà Đọc tài liệu tổng hợp, gửi tới các em trên đây cùng trọn bộ văn mẫu lớp 6 sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 6!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM