Đóng vai con trai Lão Hạc kể lại chuyện

Xuất bản: 21/10/2020 - Tác giả:

Đóng vai con trai Lão Hạc kể lại chuyện khi trở về làng ngắn gọn nhất với dàn ý và 3 bài văn mẫu mà các em học sinh lớp 8 có thể tham khảo.

Đề bài. Em hãy tưởng tượng mình là con trai Lão Hạc để kể lại câu chuyện ngày trở về làng và đi tới thăm mộ cha.

Tình huống: Khi trở về người con trai Lão Hạc mới được hay tin cha mất và nghe ông giáo kể về cuộc sống của cha và những câu chuyện của ông trước khi chết. Qua đó em hãy đóng vai nhân vật con trai Lão Hạc để kể lại tâm trạng khi trở về quê hương và bày tỏ tình cảm của mình đối với người cha.

Dàn ý đóng vai con trai Lão Hạc kể lại chuyện

1. Mở bài

- Giới thiệu bản thân là con trai của Lão Hạc.

- Lý do rời xa cha già: Vì không có tiền cưới vợ nên tôi cha làng đi phu tận Nam Kỳ, quyết tâm kiếm đủ tiền mới trở về.

- Biền biệt suốt mấy năm, giờ đây đây nghĩ về người cha đã già yếu nên tôi mới trở về làng.

2. Thân bài

a. Quang cảnh khi trở về

- Quang cảnh làng xóm: cảnh vật xung quanh không có gì thay đổi nhiều, mọi thứ vẫn nguyên vẹn; khi đặt chân vào cửa nhà thì lại thấy vẻ xơ xác, vắng vẻ, đìu hiu.

- Đi khắp sân vườn tìm kiếm nhưng không thấy cha đâu, không thấy cả Cậu Vàng, nhiều đồ đạc trong nhà bị bám bụi, mạng nhện giăng khắp nhà. → có chút gì đó lo lắng, bất an và quyết định đi sang nhà ông giáo để hỏi thăm.

b. Khi sang nhà ông giáo và được nghe kể về những tháng ngày cuối đời của cha mình

- Ông giáo khi nhìn thấy tôi rất ngạc nhiên pha chút gì đó buồn bã.

- Tôi gặng hỏi rằng có biết cha mình đi đâu không thì ông giáo ngập ngừng. Tôi linh cảm có chuyện không lành.

- Ông giáo gọi tôi vào nhà nói chuyện, sau khi tôi ngồi và uống nước, ông giáo từ từ kể lại những chuyện đã xảy ra với cha tôi. Tôi sững sờ, tất cả mọi thứ như sụp đổ trong phút chốc, không dám tin vào sự thật là cha mình đã ra đi mãi mãi. Tôi òa lên khóc nức nở như đứa trẻ con khi ông giáo nói về cái chết đầy thương tâm của cha tôi.

- Tôi cảm thấy ân hận vì đã bỏ mặc cha già một mình ở nhà để đi làm đồn điền cao su biền biện, không ở bên quan tâm chăm sóc cha, thậm chí là không biết đến cái chết của cha mình; không biết cha đã chịu đau khổ như thế nào trong những ngày cuối đời.
- Ông giáo khuyên tôi không nên quá đau buồn mà hãy sống tiếp thật tốt để cha dưới suối vàng được yên lòng.

c. Cảm nhận sau khi nghe tin dữ

- Tôi vô cùng buồn bã, đau khổ, nhờ ông giáo đưa ra mộ cha, thắp cho cha nén nhang, hứa với cha sống thật tốt.

- Sau khi thăm mộ cha trở về, tôi cố gắng sống tốt hơn, chăm chỉ làm ăn, lao động, sống chan hòa với làng xóm, thay cha tiếp tục cuộc đời còn lại thật ý nghĩa.

3. Kết bài

- Đây có lẽ là kí ức đau buồn nhất trong cuộc đời tôi.

Trên đây là dàn ý đóng vai con trai Lão Hạc kể lại chuyện khi trở về làng thăm cha mà các em có thể xây dựng bài của mình theo bố cục này, cùng tham khảo thêm một số bài văn mẫu hay dưới đây để hoàn thiện bài văn của mình nhé:

Top 3 bài văn mẫu đóng vai con trai Lão Hạc kể lại chuyện

Bài văn đóng vai con trai Lão Hạc kể lại chuyện số 1

Dưới đây là một bài văn tưởng tượng là con trai của Lão Hạc để kể lại chuyện ngắn nhất mà em có thể tham khảo:

Vì không đủ tiền để cưới vợ nên tôi đã phẫn chí đi làm đồn điền cao su ở tận trong Nam. Sáu năm trôi qua quả thật là một quãng thời gian dài đằng đẵng. Sau khi có một chút vốn riêng, nhớ người cha già của mình ở nhà nên tôi quyết định trở về quê hương để làm ăn và lập nghiệp cũng như ở bên chăm sóc thầy tôi lúc về già.

Từ ngày tôi rời xa quê hương đi đồn điền cao su đã lâu mà khung cảnh quê hương trước mắt chẳng hề đổi thay. Nhưng khi tôi bước vào cổng nhà mình thì thấy ngôi nhà vắng tanh, vườn cỏ mọc um tùm rồi tôi bước vào nhà thì thấy trước mắt là một ban thờ, tôi có một linh cảm rất xấu là thầy tôi đã mất . Tôi vội chạy ra sau và kêu thật to thầy ơi! Thầy ơi! Rồi tôi sang nhà ông giáo thì ông bảo:

- Cháu về rồi à.

Tôi vội hỏi.

- Thầy con đâu ạ?

- Con về muộn rồi, thôi vào đây ta nói chuyện.

Ông dẫn tôi vào nhà ngồi trên bàn đưa tôi một bát nước để uống rồi kể lại ngắn gọn những việc diễn ra trong mấy năm gần đây:

- Từ ngày cậu xa quê hương thì thầy cậu chỉ có một mình côi cút vào ra chỉ có cậu Vàng làm bạn mà thôi. Lúc đầu thì thầy cậu vẫn sống qua ngày, 3 sào vườn vẫn đủ cho ông ý ăn uống qua ngày. Nhưng sau bão hoa màu mất hết, không kiếm được việc. lại thêm ốm nặng một trận, thầy cậu càng ngày càng yếu, lại sợ tiêu vào tiền mà ông để lại cho cậu. 

Nghe tới đây thì nước mắt tôi chẳng thể kìm nổi. Sao thầy tôi lại khổ như vậy? Càng nghĩ tôi càng ân hận vô cùng. Ông giáo vỗ vai an ủi rồi tiếp tục câu chuyện:

- Sau đó cuộc sống ngày một thiếu thốn và khó khăn hơn, thiếu trước hụt sau. Đến bản thân thầy cậu còn không tự lo nổi huống chi là con Vàng. Không muốn tiêu hao vào số tiền mà thầy cậu đã tằn tiện kham khổ, làm việc chăm chỉ, chẳng quản nắng mưa cũng là để vun vén cho cậu, để góp cho cậu đủ tiền mà lấy vợ và có tí vốn làm ăn, nên tiếc mãi thầy cậu mới bán con Vàng đi. Lúc đó thầy con đã sang tâm sự với ta, trông đáng thương làm sao. Rất nhiều lần ta ngỏ ý giúp nhưng thầy cậu từ chối một cách hách dịch, khiến ta cũng bất lực. Chỉ có thể biết đứng ngoài nhìn. Bán xong, thầy cậu gửi ta giữ hộ 3 sào vườn, 25 đồng bạc thêm 5 đồng bán con Vàng nữa là 30 đồng bạc. Một phần là dành cho cậu, phần nữa là thầy cậu bảo cất đó, để một khi lão nằm xuống có tiền lo ma chay, không cần đến sự giúp đỡ của hàng xóm. Nhưng ta cũng không ngờ rằng, thầy cậu lại làm nên cơ sự tới vậy. Một hôm ta tình cờ đi ngang nhà cậu thì thấy hàng xóm bu đông. Ta tiến vào trong thấy thầy cậu đang vật vã trên giường, phải nhờ 2 người lực lưỡng trong làng giữ lại. Cái chết vật vã đến hai giờ đồng hồ liền, chỉ có ta và Binh Tư hiểu. Thầy cậu chết vì ăn bả chó - mà chính thầy cậu đi xin, có lẽ sự ân hận về việc bán cậu Vàng vẫn canh cánh trong lòng. Cậu nên hiểu cho thầy cậu, thầy cậu hi sinh quá nhiều cho cậu rồi. 

Nghe xong mọi chuyện tôi mới thấy bản thân mình đã sai như thế nào, u mất sớm chỉ có người cha hết lòng chăm sóc, vừa là mẹ vừa là cha mà tôi sao có thể bỏ rơi thầy mà đi như vậy. Đau quá! Sao lại ra cơ sự này? Xong ông dẫn tôi ra nghĩa địa đưa tôi đến một thầy và đưa ba nén lòng  nhang để thắp lên mộ và

Tôi thương xót cho thầy tôi và thương cho những số phận cực khổ như gia đình tôi. Xã hội này đã làm cho thầy tôi và người nông dân ở đây phải sống đau đớn, dồn họ vào bước đường cùng, tôi căm thù xã hội này. Tôi quyết định đi theo cụ hồ tham gia kháng chiến, lật đổ chế độ cũ, mang lại hạnh phúc. cơm no, áo ấm cho những người nhân dân nghèo khổ sau này.

Tài liệu tương tự đề tài: Hóa thân vào nhân vật ông giáo kể lại chuyện Lão Hạc sang báo tin bán chó

Bài văn đóng vai con trai Lão Hạc kể lại chuyện số 2

Tôi là con trai của Lão Hạc - một ông lão có số phận bi thảm mà mọi người vẫn biết tới. Sau tám năm ròng đi đồn điền cao su, khi đã đủ vốn để trang trải cuộc sống cũng như phụng dưỡng người cha già nên tôi quyết định trở về quê hương.

Cũng giống như bao người xa quê khác, tôi vô cùng hồi hộp, háo hức và xúc động khi được trở về quê nhà, gặp lại người cha đáng kính sau bao năm xa cách. Ngần ấy năm trời, tôi không viết thư cho cha nên không biết cuộc sống của cha đã ra sao. Cảnh vật quê hương vẫn thân thuộc như ngày nào. Trong tâm trí tôi vẫn nhớ như in từng đường thôn ngõ xóm, từng dòng sông, ngọn đồi nhưng dường như cảnh vật dần dần tiều tụy, xơ xác hơn so với ngày tôi bỏ làng ra đi. Bỗng nhiên, một cảm giác lạnh lẽo bao trùm khắp không gian khi tôi đặt chân đến mảnh vườn của cha. Cây cỏ thì khô héo, cây cối xung quanh tiêu điều, trơ trụi như rất lâu rồi chưa có người đặt chân đến chăm sóc. Ngôi nhà bằng rơm của cha tôi thì siêu vẹo, tưởng chừng như sắp đổ. Tôi vội vàng ngó vào trong nhà nhưng chẳng thấy ai. Tôi gọi lớn: “Cha ơi, cha ơi con đã về rồi đây cha ơi, cha ơi!...” nhưng mãi không có một tiếng trả lời. Tôi đâm ra lo sợ. Bất chợt, có một người hàng xóm đi qua, đã nhận ra tôi liền nói: “Ơ, cháu đã về rồi à! Về là tốt rồi!”. Tôi vội hỏi chú xem cha tôi đi đâu, nhưng tôi nào ngờ đâu nghe tin cha mình đã mất hai năm trước. Tôi sững sờ không tin vào tai mình, quên cả cảm ơn bác hàng xóm rồi chạy một mạch tới nhà ông giáo.

Vừa đến nơi, ông giáo đã nhận ra tôi ngay, ông “à”, lên một tiếng rồi mời tôi vào nhà. Ngay lập tức tôi hỏi thẳng ông:

- Ông giáo ơi, ông cho cháu biết chuyện gì đã xảy ra với cha cháu với?

- Cậu cứ từ từ đã, chuyện còn dài lắm, trước tiên tôi dẫn cậu đến mộ của cha cậu trước đã. Ông giáo từ từ đáp lại. Đến mộ của cha, ông và tôi cùng nhau sửa sang, dọn dẹp phần mộ, thắp vài nén hương khấn cha tôi, ông giáo nghẹn ngào nói:

- Lão Hạc ơi, cuối cùng con trai lão cũng đã trở về rồi đây, đã đến lúc tôi thực hiện lời hứa là trao trả mảnh vườn mà lão đã hi sinh cuộc đời để giữ lại đấy. Bây giờ thì lão có thể yên nghỉ rồi nhé!

Nghe đến đây, tôi càng thêm xót xa, ân hận nói:

- Cha ơi, con quả là đứa con bất hiếu, trong lúc cha cần có một bờ vai để nương tựa nhất thì con lại không có ở bên. Con chỉ mải mê kiếm tiền để hai cha con có thể sống một cuộc sống đầy đủ hơn sau này, nhưng giờ nó còn có ý nghĩa gì nữa đây, cha ơi.

Tôi vừa dứt lời thì ông giáo vỗ vai an ủi tôi rồi cả hai cùng trở về nhà ông giáo để nói chuyện tiếp. Ông giáo rót nước mời tôi uống rồi từ từ kể lại toàn cha câu chuyện cho tôi nghe. Lúc tôi vừa rời đi thì nhờ ba sào vườn mà cha tôi và cậu Vàng vẫn đủ bữa ăn qua ngày, qua mấy năm đầu cũng tiết kiệm được một khoản riêng để riêng sau này cho tôi lấy vợ và làm vốn mà sinh sống. Nhưng chẳng may một trận ốm đúng hai tháng mười tám ngày mà hết nhẵn. Rồi sau đó cha tôi yếu hẳn đi. Lại được mất mùa, mất vé sợi, cuộc sống của cha cũng ngày càng khó khăn, huống chi là nuôi thêm cậu Vàng một bữa tốn những hào rưỡi, thậm chí là hai hào. Cuối cùng thì cha cũng quyết định bán cậu đi, sau chuyện này cha tôi ân hận lắm vì cha nghĩ rằng mình đã nỡ lừa một con chó - một người con tinh thần bao năm nay. Cha tôi đã chọn một cách giải thoát cuộc đời bằng cách ăn bả chó xin được của Binh Tư để không tiêu vào số tiền dành dụm cho tôi và giữ lại mảnh vườn cho tôi. Trước đó cha còn không quên nhờ ông giáo viết văn tự bán vườn để nhằm giữ nguyên mảnh vườn đến khi tôi trở về và gửi gắm ba mươi đồng bạc cuối cùng của mình.

Nghe xong câu chuyện mà ông giáo kể, tôi không thể nào kiềm chế được nỗi xúc động, hai dòng nước mắt cứ thế chảy ra. Tôi ân hận lắm, xót xa lắm, chỉ vì tôi mà cha phải nhịn đói, chỉ vì tôi mà cha đã phải tự tìm đến cái chết bi thảm để giải thoát bản thân.

Đầu óc tôi choáng váng, tôi cảm thấy mình thật đáng chết, mình là người con bất hiếu. Trong tôi tràn đầy cảm giác tội lỗi, ân hận. Tôi ngờ đâu chỉ vì một lúc phẫn chí mà rời đi kiếm chút ít tiền để có chút vốn liếng lập nghiệp về sau, vừa để cho cha an hưởng tuổi già, ai ngờ lại xảy ra cơ sự này. Giờ đây tiền bạc thì có đủ, mà người thân duy nhất của tôi lại không còn nữa. Đau xót làm sao.

Ông giáo đưa cho tôi xem văn tự mảnh vườn và nói: “Giờ đây, văn tự này chẳng còn ý nghĩa gì nữa” rồi ông giáo liền xé nó đi và đưa trả lại tôi cả ba mươi đồng bạc mà cha tôi nhờ ông giáo cất giữ. Trước khi ra về, tôi có đưa cho ông giáo mấy đồng bạc nhưng ông giáo nhất quyết không nhận, ông bảo không có lí do gì để nhận số tiền ấy cả.

Tôi ra về, trong lòng thầm nghĩ sẽ trân trọng mảnh vườn cha tôi để lại suốt đời, tôi sẽ không bao giờ bán đi một tấc đất nào vì nó là mồ hôi, là công sức và cả mạng sống của cha để lại cho tôi. Tôi sẽ lập nghiệp ở chính nơi đây, sẽ cưới vợ, sẽ làm việc chăm chỉ để cha có thể mỉm cười dưới suối vàng. “Cha ơi, cha hãy luôn theo dõi con, phù hộ cho con, cha nhé!”.

Một đề tài đóng vai nhân vật khác trong tác phẩm Lão Hạc để kể lại chuyện mà em có thể tham khảo: Đóng vai vợ ông giáo kể lại chuyện lão Hạc bán chó

Bài văn đóng vai con trai Lão Hạc kể lại chuyện số 3

Vì không có tiền cưới vợ, chứng kiến người con gái mình yêu đi lấy người khác, tôi phẫn chí quyết tâm vào tận Nam Kỳ làm phu ở đồn điền cao su đất đỏ. Biền biệt suốt mấy năm trời, tích cóp được ít tiền, nay tôi mới trở về quê, cũng là để chăm sóc cho người cha tuổi già của mình.

Về tới đầu làng, cảnh vật của làng mình không thay đổi nhiều, tuy có phần xơ xác, tiêu điều hơn xưa. Có lẽ là do cách mạng về nàng, người dân cũng sôi nổi hơn. Tiếng trống, tiếng mõ vang rền.

Chẳng mấy chốc, khu vườn quen thuộc đã hiện ra trước mắt, nhưng lạ thay, sao cả vườn đều ngập trong cỏ dại, ngôi nhà tranh thì cũ kĩ, siêu vẹo, im lìm. Tôi cất tiếng gọi cha, không một lời đáp lại. Nhấc chiếc cửa liếp ra, tôi ngó vào trong: mạng nhện chăng đầy; nắng chiếu qua lỗ thủng trên mái. Không khí lạnh lẽo và mùi ẩm mốc xông lên khiến tôi bất chợt rùng mình. Một cảm giác lo sợ xuất hiện. Tôi vội chạy sang nhà ông giáo để hỏi thăm tin về cha.

Ông giáo nhìn thấy tôi thì nhận ra ngay, ông bảo tôi ngồi xuống rồi từ từ ông kể cho nghe, ông rót chén nước rồi bảo tôi phải bình tĩnh, rồi ông từ từ kể về những ngày cuối đời của người cha tội nghiệp:

- Từ hôm anh đi, ông cụ buồn lắm! Sớm tối chỉ có cậu Vàng quanh quẩn bên cạnh. Cả tổng đói, cả làng đói. Ông cụ đứt bữa thường xuyên. Lúc thì kiếm được cái gì ăn cho qua ngày. Thỉnh thoảng sang bên tôi chơi, ông cụ cứ tự trách mình vì nghèo mà không cưới được vợ cho con, để con phải lưu lạc tha phương kiếm sống. Một buổi chiều, ông cụ nhờ tôi trông coi hộ mảnh vườn ba sào để sau này anh về thì có sẵn đất đấy mà làm ăn. Ông cụ còn gửi tôi giữ giùm ba mươi đồng bạc dành dụm từ việc bán hoa lợi thu được từ mảnh vườn suốt mấy năm qua và tiền bán cậu Vàng. Khốn khổ! Nhắc đến chuyện phải buộc lòng bán nó vì không nuôi nổi nữa, ông cụ cứ khóc vì ân hận là đã nỡ lừa nó. Ông cụ bảo thà chết chứ không bán mảnh vườn của mẹ anh để lại cho anh.

Tôi không ngờ rằng ngày mình trở về lại nghe một tin sét đánh như vậy, cha tôi mất rồi. Ông lại chọn cái chết đau đớn nhất, bi thảm nhất. Bởi chính tay ông tự tay xin Binh Tư ít bả chó để kết thúc cuộc sống này. Để cố giữ cho tôi mảnh vườn và ba mươi đồng bạc, những ngày cuối cùng của cuộc đời ông chẳng dám ăn. Ông giáo còn nói rằng cha tôi chọn cái chết như vậy vì sự ân hận khi bán cậu Vàng luôn giày xéo trong tâm trí, ra đi như vậy thì ông mới thanh thản được

Nghe xong cả câu chuyện thì tôi lặng cả người, nước mắt rơi từ bao giờ không hay. Tôi run run cầm lấy tờ văn tự mà ông giáo đưa cho, vội nói:

- Ông ơi, ông đưa con đi thăm mộ cha với!

Thắp mấy nén nhang cắm lên nấm mộ chưa xanh cỏ, tôi thổn thức tâm sự với người cha hằng yêu quý: “Cha ơi! Con là đứa con bất hiếu, con không nên vì một lúc phẫn chí mà rời bỏ cha, lúc cha cần con nhất con chẳng thể ở bên! Con mong cha tha thứ cho con! Con lầm tưởng là đi kiếm thật nhiều tiền, cho cha những ngày tháng tuổi già đầy đủ, trọn vẹn, giờ thì còn ý nghĩa gì nữa đâu cha ơi!”.

Sự mất mát tột cùng đến quá vội vàng khiến tôi chẳng thể nào nguôi. Tôi ân hận quá! Tôi quyết định lập nghiệp trên chính mảnh đất mà người cha đã dành cả mạng sống của mình để bảo vệ. Tôi nghĩ ở đâu đó, cha sẽ nhìn thấy những việc tôi sẽ làm và được an nghỉ.

Hết

Vậy là Đọc tài liệu đã chia sẻ xong tới các em dàn ý và top 3 bài văn mẫu đóng vai con trai Lão Hạc kể lại chuyện khi trở về làng lớp 8, đừng quên còn rất nhiều tài liệu văn mẫu lớp 8 đang đợi các em khám phá.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM