Đề bài: Tưởng tượng bé Đản khi đã lớn kể lại cuộc đời oan khuất của mẹ mình. (Dựa vào nội dung tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương - Nguyễn Dữ)
Để đóng vai bé Đản kể lại tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương thì các em cần ghi nhớ những nội dung chính như sau:
- Cảm nhận của bé Đản về mẹ khi còn bé: Là người phụ nữ thương yêu, bảo ban, dạy dỗ suốt những năm tháng tuổi thơ; người mẹ sẵn sàng vị tha với lỗi của con và chồng.
- Tâm sự của Đản khi đã lớn: Đã hiểu thấu nỗi oan của mẹ, đau đớn vì sự ngây thơ của mình ngày xưa – là một trong những nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ, khát khao mong được thấy lại mẹ mình, mong mẹ tha thứ cho lỗi lầm của quá khứ.
- Hiểu biết của Đản khi đã lớn: Hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới nỗi oan khuất của mẹ là sự độc đoán, vũ phu, thiếu hiểu biết, đa nghi của cha; quan niệm sống trọng nam khinh nữ, chế độ nam quyền gây ra nỗi đau cho người phụ nữ; có ý thức thay đổi bản thân, mong muốn thay đổi xã hội phong kiến lạc hậu này, giúp cho đất nước và cuộc sống tốt đẹp hơn
Dàn ý đóng vai bé đản kể lại Chuyện người con gái Nam Xương
Mở bài: Giới thiệu tình huống kể chuyện, một số gợi ý:
+ Giới thiệu bản thân trong vai bé Đản, một cậu bé thiếu thốn tình yêu và sự chăm sóc của mẹ.
+ Chợt hiểu ra tất cả mọi chuyện khi đã lớn, hối hận khi chính sự ngây thơ của tuổi nhỏ là một phần nguyên nhân khiến mẹ mình phải chịu nỗi oan khuất.
+ Nhiều lần hỏi cha, cha hứa lúc khôn lớn cha sẽ kể và giờ tôi đã đủ để hiểu những chuyện gì đã xảy ra, vì sao mẹ tôi không còn ở bên cạnh cha con tôi nữa.
Thân bài: Kể lại câu chuyện và làm rõ nỗi oan khuất của mẹ:
- Được nghe mọi người xung quanh và cha kể về quá khứ của mẹ trong những ngày đầu về làm vợ cha: Nết na, thùy mị, không để thất hòa với cha.
- Kể về những ngày cha đi lính, một mình mẹ vừa sinh và nuôi mình, vừa chăm sóc bà nội ốm và sau đó là tất bật lo ma chay chu đáo cho bà.
- Kể về những ngày cha mới trở về, cha buồn vì bà mất, tôi lại vô tình nói chuyện cái bóng làm cha hiểu lầm mẹ. Mẹ thanh minh không được nên đã nhảy xuống sông tự vẫn.
- Sau cũng vì vô tình, Đản lại chỉ cái bóng trên vách, giải được nỗi oan cho mẹ nhưng mẹ lại không còn.
- Cha đau khổ, ân hận, lập đàn giải oan cho mẹ. Mẹ trở về trong chốc lát rồi quay lại chốn thủy cung cùng Linh Phi. Cha không đi bước nữa mà ở vậy nuôi tôi trong nỗi day dứt khôn nguôi.
- Khi kể cần kèm theo những cảm xúc và suy nghĩ của Đản (từ lúc còn bé chưa hiểu gì đến hiện tại lớn lên)
- Cảm xúc ở hiện tại: ân hận vì vô tình đẩy mẹ đến cái chết.
Kết bài
- Khẳng định tình yêu thương và kính trọng với mẹ.
- Bày tỏ mong muốn không ai phải chịu nỗi đau như gia đình Đản.
Trên đây là dàn ý tưởng tượng thành bé Đản để kể lại Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, tham khảo thêm 2 bài văn mẫu được chúng tôi thực hiện sau đây để định hình rõ hơn bài làm của mình em nhé:
>> Xem thêm bài văn Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
Bài văn tưởng tượng bé Đản khi lớn kể lại chuyện ngắn gọn
Chỉ vì một câu nói ngây ngô của trẻ thơ, mà tôi đã làm mất mẹ, làm gia đình mỗi người một phương. Vậy là đã 10 năm kể từ khi mẹ tôi đi mất, giờ tôi đã đủ lớn để hiểu những gì đã xảy ra với gia đình tôi, tại sao tôi lại không có mẹ ở bên cạnh nữa.
Tôi còn thường nghe mọi người kể lại, mẹ tôi là một người phụ nữ đẹp, hiền lành, tư dung tốt đẹp, cha tôi cũng vì mến dung hạnh mà cưới mẹ. Nhưng chẳng bao lâu sau triều đình bắt lính đi đánh giặc Chiêm, cha tôi dẫu trong con nhà dòng, nhưng vì không có học nên phải lên đường sung binh đợt đầu. Bấy giờ mẹ tôi đương thì mang thai tôi, được mười ngày thì tôi ra đời. Ngày qua tháng lại, thoắt cái nửa năm, vì tuổi già cùng chẳng thể chịu được cảnh đợi chờ con, bà tôi đã qua đời dù mẹ đã hết sức thuốc thang chăm sóc. Trước khi mất bà có dặn dò, khuyên nhủ mẹ tôi, và nói rằng người sống phúc đức ắt được giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn.
Qua một năm sau, cha tôi trở về, vừa lúc tôi mới bi bô học nói. Cha dẫn tôi đi hỏi mộ bà, nhưng lúc ấy vì chưa nhận biết được cha mình nên tôi cứ khóc nằng nặc không theo, cha gạn hỏi tôi mới vô tình nói nàng: “Ông cũng là cha tôi ư? Ông cũng biết nói, chứ không như cha trước kia chỉ biết nín thin thít.” Cha tôi sinh nghi đành gạn hỏi tôi, với cái ngây ngô của một đứa trẻ chưa đến 2 tuổi, tôi đã nói rằng đêm nào cha cũng đến chơi với tôi và mẹ làm gì cha cũng làm theo. Tôi chẳng ngờ được rằng, chính câu nói đấy đã khiến cha tôi sinh lòng ghen tức. Vốn tính đa nghi, cha tin lời tôi, về nhà mắng chửi mẹ thậm tệ mặc mẹ có gạn hỏi ai nói, cố gắng giải thích như thế nào đi chăng nữa. Họ hàng làm xóm khi đó cũng hết lời bênh vực và biện bạch nhưng cha cũng chẳng tin. Bất đắc dĩ, mẹ tôi tắm rửa chay sạch, ra bến Hoàng Giang gieo mình. Một đêm phòng không vắng vẻ, khi chỉ còn cha con tôi, thấy bóng cha trên vách tôi ngỡ là cha mình đến, cất tiếng gọi, lúc nào cha mới nhận ra nỗi oan khuất của mẹ, nhưng liệu còn có thể làm gì nữa khi người đi thì cũng đã đi rồi, người ở lại thì phải tiếp tục cuộc sống của mình. Mãi sau này tôi mới biết, mẹ tôi được Linh Phi cứu, đưa xuống làm cung nữ dưới thuỷ cung. Gặp lại Phan Lang- một người cùng làng, nhờ trao kỉ vật và nói hộ nỗi lòng cho cha tôi, sau đó thì cha đã lập đàn giải oan ở bến sông, nhưng mẹ tôi cũng chỉ hiện lên mờ mờ ảo ảo nói lời từ biệt, rồi biến mất.
Mẹ cứ vậy mà xa rời cuộc sống của hai cha con tôi. Tôi tin rằng ở dưới thủy cung, mẹ vẫn dõi theo cuộc sống của chúng tôi. Tôi rất hối hận vì nếu ngày ấy tôi đã hiểu chuyển, chẳng nói ra lời ngây ngô đó thì sẽ không có sự tình này. Và tôi cũng mong rằng, sẽ không có gia đình nào gặp phải tình cảnh như gia đình của chúng tôi nữa. Gia đình chỉ hạnh phúc nhất khi nó đủ trọn vẹn.
>> Xem thêm bài văn Phân tích nhân vật Vũ Nương
Đóng vai bé Đản kể lại Chuyện người con gái Nam Xương hay
Cùng Đọc tài liệu tham khảo thêm một bài văn mẫu đóng vai bé Đản kể lại Chuyện người con gái Nam Xương dưới đây nữa nhé:
Tôi là Trương Đản, cha tôi là Trương Sinh, mẹ là Vũ Thị Thiết, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở Nam Xương, mẹ tôi mất từ khi tôi còn rất nhỏ, giờ tôi không thể nhớ ra khuôn mặt của mẹ mình, chỉ còn đâu đó cảm giác về đôi vòng tay ấm áp cùng tiếng ru lúc ngủ mà thôi.
Tôi lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu và chăm sóc của mẹ, nhiều lần tôi gặng hỏi cha về cái chết của mẹ nhưng nhiều lần cha tôi nói khi nào lớn cha sẽ kể. Sau này khi được nghe kể lại mọi chuyện thì tôi vô cùng ngỡ ngàng, tôi nhớ mẹ, càng ân hận vì ngày ấy mình chỉ vì một lời nói ngây ngô để rồi bi kịch xảy ra, để giờ đây gia đình chẳng còn trọn vẹn.
Nghe cha tôi trầm ngâm kể lại, mẹ tôi là người phụ nữ thùy mị nết na, hết mực khuôn phép, không để gia đình thất hòa. Cha cũng vì mến mẹ tôi tư dung tốt đẹp nên xin cưới về làm vợ. Hai người chung sống với nhau rất hòa thuận nhưng chưa được bao lâu, triều đình bắt lính đi đánh giặc Chiêm, cha tôi vì không có học nên phải đầu quân. Gia đình phải chia xa đương lúc mẹ tôi đang mang thai tôi. Cha đi chẳng mấy ngày thì mẹ sinh ra tôi, mẹ một thân một mình nuôi nấng, dạy bảo, lo mọi việc trong nhà chu toàn. Nhưng tiếc thay, bà tôi vì nhớ cha mà sinh bệnh mất sớm dù mẹ tôi hết lòng chăm sóc.
Sau khi đánh giặc Chiêm thắng lợi cha tôi trở về. Biết tin bà mất, cha tôi buồn rất nhiều, cha đã đưa tôi ra thăm mộ bà. Nhưng tôi có đâu ngờ rằng mình lại có thể nói ra những lời như vậy. Lúc đó thấy cha rất xa lạ nên tôi rất sợ, vừa khóc vừa hỏi: "Ông cũng là cha tôi ư?". Sau đó cha gạn hỏi thì tôi trả lời: "Cha Đản đêm nào cũng đến, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả." Lời nói ngây ngô ấy của tôi đã khiến cha tôi nghi oan mẹ tôi. Cha chửi bới đuổi mẹ ra khỏi nhà, mẹ vì uất ức nên đã gieo mình xuống sông tự tử.
Không thấy mẹ, tôi khóc đến thất thanh, đòi mẹ mãi mà cha cũng chẳng nói gì. Đêm đến, nhìn thấy bóng cha trên tường tôi hô to: "Cha Đản lại đến kia kìa". Lúc đó cha mới biết mình đã trách oan mẹ rồi.
Cha đau khổ, ân hận lắm. Sau này khi gặp được chú Phan Lang - người cùng làng đến truyền lại lời của mẹ, cha liền lập đàn giải oan bên sông. Mẹ xuất hiện trên chiếc kiệu hoa lung linh, nổi bật ở giữa sông, lung linh và mở ảo, nhưng mẹ chỉ nói dăm ba câu rồi biến mất, quay lại chốn thủy cung. Từ đó, cha tôi không đi bước nữa mà ở vậy nuôi tôi trong nỗi day dứt khôn nguôi.
Mẹ ra đi, tôi vô cùng ân hận và dằn vặt chẳng có thứ gì có thể khiến tôi giải quyết khúc mắc của tôi. Chỉ vì một lời nói khờ dại tôi đã khiến mẹ tôi rời xa tôi mãi mãi. Con thật có lỗi với mẹ. Xin mẹ tha thứ cho con, mong rằng ở một nơi xa mẹ sẽ có một cuộc sống tốt hơn, tôi tin rằng mẹ vẫn sẽ mãi dõi theo tôi.
-/-
Trên đây là dàn ý kèm văn mẫu đóng vai bé Đản kể lại Chuyện người con gái Nam Xương do Đọc tài liệu thực hiện, mong rằng các em có thể thông qua tài liệu này giúp ích cho bài văn của mình nhé. Tài liệu tham khảo thuộc các chuyên đề trong văn mẫu 9!