Tổng hợp 3 đề đọc hiểu Truyện cổ nước mình là một trong đề đọc hiểu xoay quanh những câu chuyện về văn học dân gian: truyện cổ. Có thể nói, đề tài này được thầy cô yêu thích và đưa vào phần Đọc hiểu của các đề thi, đề kiểm tra.
Tác phẩm Truyện cổ nước mình - Lâm Thị Mỹ Dạ
Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật, tiên độ trì.
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi.
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình.
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang
Thị thơm thị giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm, cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ, chẳng ra việc gì
Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.
(Truyện cổ nước mình - Lâm Thị Mỹ Dạ)
Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo một số câu hỏi sau:
Đọc hiểu Truyện cổ nước mình
Dưới đây là tổng hợp các câu hỏi đọc hiểu Truyện cổ nước mình đã ra trong các đề thi kèm đáp án giúp em hiểu sâu hơn:
Câu 1. Vì sao tác giả yêu truyện cổ nước ta?
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên là gì?
Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn thơ?
Câu 4. Hãy liệt kê ít nhất hai câu tục ngữ, ca dao được gợi ra trong đoạn thơ trên.
Câu 5. Em hiểu ý hai dòng thơ "Tôi nghe truyện cổ thầm thì/Lời ông cha dạy cũng vì đời sau" như thế nào?
Câu 6.Anh/ chị có đồng tình với quan niệm của tác giả trong hai câu thơ: Chỉ còn chuyện cổ thiết tha/Cho tôi nhận mặt ông cha của mình? Vì sao ?
Câu 7. Nêu cảm nghĩ của anh/chị sau khi đọc văn bản trên ? ( Bằng một đoạn văn ngắn 5 -9 dòng )
Câu 8.Viết đoạn văn (không quá 200 từ) trình bày suy nghĩ về vai trò của văn học dân gian trong việc bồi đắp nhân cách, tâm hồn con người?
Đáp án đọc hiểu Truyện cổ nước mình
Câu 1. Tác giả yêu truyện cổ nước ta vì:
- Vì truyện cổ nước mình vừa nhân hậu vừa tuyệt vời sâu xa.
- Vì truyện cổ nước mình có nhiều nội dung tốt đẹp, chứa đựng nhiều bài học làm người quý báu đối với nhiều thế hệ,..
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm
Câu 3. Nội dung chính của đoạn thơ: Tình cảm yêu mến của tác giả đối với truyện cổ dân gian, cảm nhận thấm thía về bài học làm người ẩn chứa trong những truyện cổ dân gian mà cha ông ta đã đúc rút, răn dạy.
Câu 4. Gợi ý về hai câu tục ngữ, ca dao được gợi ra trong đoạn thơ trên: ở hiền gặp lành, thương người như thể thương thân, Yêu nhau mấy núi cũng leo- mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
Câu 5. Ý nghĩa hai dòng thơ "Tôi nghe truyện cổ thầm thì/Lời ông cha dạy cũng vì đời sau." là: Truyện chính là những lời răn dạy của cha ông đối với đời sau . Qua những câu chuyện ông cha dạy con cháu cần sống nhân hậu, độ lượng, công bằng, chăm chỉ .
Câu 6. Học sinh có thể trả lời đồng tình hoặc không đồng tình. Lý giải :
- Truyện cổ dân gian chính là nhịp cầu nối liền bao thế hệ
- Vì truyện cổ dân gian kết tinh những vẻ đẹp tình cảm, tư tưởng của người xưa.
(Lưu ý: Không cho điểm những trường hợp chỉ chọn đáp án mà không lí giải hoặc lý giải chưa hợp lý.)
Câu 7.Đoạn văn ngắn cảm nhận về Truyện cổ nước mình
Đoạn thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ gợi ra những giá trị nhân văn mà các câu chuyện dân gian đã gợi ra. Kho tàng truyện cổ của dân tộc không chỉ lưu giữ mà còn truyền gửi thông điệp cho thế hệ sau. Dù là truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, tục ngữ hay ca dao đều bộc lộ khát vọng, gửi gắm một bài học của cha ông. Đặc biệt, trong thời đại mà con người chạy đua với thời gian để phát triển thì những bài học ấy càng ngời sáng, khiến con người sống chậm lại, suy tư và điều chỉnh bản thân. Đoạn thơ, bài thơ bằng thể thơ lục bát, hình ảnh giản dị, gần gũi đã gửi gắm những bài học giản dị thân quen về lòng nhân ái, về cái thiện, về những đức tính tốt đẹp mà con người cần có... bởi vậy mà bài thơ đã tạo được sức sống lâu bền qua biết bao thế hệ độc giả.
Câu 8.
- Nêu vấn đề cần nghị luận: vai trò của văn học dân gian trong việc bồi đắp nhân cách, tâm hồn con người
- Giải thích: Văn học dân gian là những sáng tác tập thể của nhân dân được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng …
- Bàn luận:
+ Văn học dân gian có nguồn gốc xa xưa, được giữ gìn và phát triển qua bao thế hệ
+ Văn học dân gian giúp bồi đắp tâm hồn, nhân cách con người: yêu cái đẹp, đấu tranh chống cái xấu, cái ác; biết ước mơ, hi vọng; đưa ra nhiều kinh nghiệm sống và lời khuyên bổ ích...
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Văn học dân gian là ngọn nguồn nuôi dưỡng, là cơ sở của văn học viết
+ Mỗi học sinh cần có biết trân trọng, giữ gìn, góp phần bảo tồn VHDG…
- Khẳng định lại vấn đề: vai trò của văn học dân gian trong việc bồi đắp nhân cách, tâm hồn con người
-/-
Trên đây là một số đề đọc hiểu Truyện cổ nước mình đã được ra trong các đề thi, đề kiểm tra mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà! Đừng quên còn rất nhiều các đề đọc hiểu văn 9 đang đợi các em khám phá nhé!