Đề đọc hiểu Sự tử tế không phải là món quà

Xuất bản: 03/07/2020 - Cập nhật: 22/12/2021 - Tác giả: Giangdh

Đọc hiểu Sự tử tế không phải là món quà của PGS. TS Huỳnh Văn Sơn để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về văn bản: Cha mẹ nào cũng muốn con nên người.

Để hình thành sự tử tế cần phải có những tác động từ gia đình, thầy cô, những bài học trong cuộc sống xã hội. Đó là những lời chia sẻ của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn muốn gửi gắm đến nhà trường, những bậc làm cha, làm mẹ trước những người trò, người con đang đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành. Đây cũng là một trong những đề tài khá thu hút thầy cô giáo mỗi khi ra đề thi. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến văn bản, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo một số đề đọc hiểu Sự tử tế không phải là món quà dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:

Hướng dẫn đọc hiểu Sự tử tế không phải là món quà

Dưới đây là 2 đề đọc hiểu đã diễn ra trong các kì thi, kiểm tra:

Đề số 1

Đề bài: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Không thể phủ nhận trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại kiểu người vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng, chỉ quan tâm đến những cảm giác và cảm xúc của cá nhân… Tuy nhiên, những điều chưa tốt đó đã bị khai thác quá nhiều, khoét quá sâu nên nhiều người dễ nghĩ đó là sự phổ quát. Hơn nữa, người ta thường có xu hướng nhìn thấy những cái xấu nhiều hơn cái tốt, vì thế mọi sự liên quan đến hành vi xấu dễ bị đánh giá chủ quan.

(2) Trong khi đó, những điều giản đơn như gặp người lớn phải chào thưa, gặp người thân lễ phép, gặp người ơn phải trân quý, kính trọng… được cụ thể hóa thành những điều bình dị rất đời thường, ngay trong chính mỗi gia đình. Lớn lên trong lời ru của mẹ, trưởng thành từ chiếc nôi gia đình với những câu ca dao, tục ngữ; những bài học làm người khó quên… Tất cả là hành lang quan trọng để người ta làm người tử tế.
[…]

(3) Tuy nhiên, sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu của để dành cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng mà đó là hành trình làm người, hoàn thiện bản thân. Sự tử tế có được nhờ nguyên tắc của việc làm theo cái đúng dẫu là bắt chước; dựa trên quá trình rèn giũa, điều chỉnh và hoàn thiện để có những suy nghĩ, bày tỏ cảm xúc và hành vi tốt – ngay cả với nút like hay những dòng bình luận trên mạng xã hội.

(Trích Sự tử tế không phải là món quà. PGS. TS Huỳnh Văn Sơn)

Câu 1: Chỉ ra thao tác lập luận chính của văn bản?

Câu 2: Theo tác giả, không thể phủ nhận điều gì trong xã hội hiện nay?

Câu 3: Chỉ ra 01 phép tu từ trong đoạn văn 2 và nêu tác dụng của phép tu từ đó?

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với ý kiến : “Sự tử tế có được nhờ nguyên tắc của việc làm theo cái đúng dẫu là bắt chước” ? Vì sao?

Câu 5: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (7-> 10 câu) trình bày suy nghĩ về sự Tử tế.

Đáp án đề đọc hiểu Sự tử tế không phải là món quà đề 1

Câu 1: Thao tác lập luận chính của văn bản là: bình luận.

Câu 2: Theo tác giả : " Không thể phủ nhận trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại kiểu người vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng, chỉ quan tâm đến những cảm giác và cảm xúc của cá nhân "

Câu 3: Phép tu từ trong đoạn văn 2 là: Nghệ thuật liệt kê : Trong khi đó, những điều giản đơn như gặp người lớn phải chào thưa, gặp người thân lễ phép, gặp người ơn phải trân quý, kính trọng… được cụ thể hóa thành những điều bình dị rất đời thường, ngay trong chính mỗi gia đình.

- Tác dụng của biện pháp tu từ đó là: tác giả đã dùng phép liệt kê để chỉ ra cách để con người bớt vô cảm trước cộng đồng và thể hiện tình cảm của bản thân mình nhiều hơn.

Câu 4: Học sinh có thể trả lời đồng tình hoặc không đồng tình sau đó đưa ra lập luận để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Ví dụ: đồng tình với quan niệm của tác giả bởi vì sự tự tế được xây dựng dựa trên nguyên tắc của đạo đức , của những việc làm đúng với đạo đức của con người . Dẫu cho việc làm của chúng ta là bắt chước lại hành động đúng của người khác nhưng sự bắt chước hợp lí ấy đã phần nào giúp ích cho xã hội và góp phần lan tỏa sự tử tế đến với cộng đồng.

Câu 5: Hướng dẫn làm bài

Học sinh có thể làm theo nhiều cách khác nhau miễn sao làm nổi bật được ý nghĩa của Tử tế. Có thể tham khảo các ý sau:

– Tử tế là sự ứng xử có văn hóa, sống biết trước, biết sau; luôn làm những việc có ích, luôn mang lại những điều tốt đẹp cho mọi người.

– Sống tử tế sẽ mang đến sự ấm áp, tin cậy lẫn nhau; tử tế mang lại những giá trị thật

– Sự tử tế mang lại một xã hội văn minh, lịch sự; tử tế sẽ đẩy lùi sự vô cảm, vô ơn

– Người tử tế sẽ được mọi người kính trọng, tin tưởng.

– Phê phán những kẻ sống thiếu tử tế; rèn luyện cho bản thân sự tử tế, sống có văn hóa, đạo đức.

Đề số 2: Cha mẹ nào cũng muốn con nên người

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Cha mẹ nào cũng muốn con nên người. Nên người không phải là thuật ngữ giáo điều hay nói cho vui mà là chuẩn mực trong cuộc sống. Đó là kiểu sống có trước có sau; ứng xử thấu tình đạt lý; tương tác và giao tiếp lịch sự; biết kiểm soát chính mình; biết sống có ích cho mình và cộng đồng; biết thực hiện và tuân thủ những giá trị chuẩn mực…Những điều này thể hiện hằng ngày, hằng giờ thậm chí hằng phút, hằng giây qua hành vi, cử chỉ, thái độ, cách nói năng đúng mực…

Tuy nhiên, sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu để dành cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng mà đó là hành trình làm người, hoàn thiện bản thân. Sự tử tế có được nhờ nguyên tắc của việc làm theo cái đúng dẫu là bắt chước ; dựa trên quá trình rèn giũa, điều chỉnh và hoàn thiện để có những suy nghĩ, bày tỏ cảm xúc và hành vi tốt – ngay cả với nút like hay những dòng bình luận trên mạng xã hội.

Dĩ nhiên, sự tử tế cũng có thể bị chi phối rất lớn từ tiền tài, vật chất. Khi người ta sống vị kỉ, nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều hơn lợi ích cộng đồng, bàng quan thì cũng là lúc họ mất dần niềm tin về cái thiện, điều tốt, đẩy sự tử tế ra xa. Vì vậy, để hình thành sự tử tế cần phải có sự tác động từ gia đình, thầy cô, những bài học trong cuộc sống xã hội.”

( Trích Sự tử tế không phải là món quà, TS Huỳnh Văn Sơn)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2: Theo tác giả , sự tử tế là gì?

Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến “sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu để dành cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng mà đó là hành trình làm người, hoàn thiện bản thân”.

Câu 4: Anh/ chị có đồng tình với quan điểm “sự tử tế cũng có thể bị chi phối rất lớn từ tiền tài, vật chất” không? Vì sao?

Câu 5: Từ nội dung trên, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự tử tế trong cuộc sống.

Đáp án đề đọc hiểu Sự tử tế không phải là món quà đề 2

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2: Theo tác giả, sự tử tế là hành trình làm người, hoàn thiện bản thân.

Câu 3: Ý kiến “sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu để dành cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng mà đó là hành trình làm người, hoàn thiện bản thân” có nghĩa là sự tử tế mà con người có được phải nhờ vào sự thay đổi bản thân thông qua quá trình tiếp nhận những lời dạy của cha mẹ, nhà trường… hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sự tử tế không tự nhiên có mà do ý thức của mỗi chúng ta và được tích luy trong quá trình chúng ta sống và trải nghiệm.

Câu 4:

Đây là câu hỏi mở, học sinh được đưa ra ý kiến riêng của mình là đồng tình hoặc không đồng tình, từ đó đưa ra lý lẽ thuyết phục:

Ví dụ: Đồng tình vì tiền tài vật chất chi phối rất nhiều tới đời sống con người. Nhiều người đam mê kiếm tiền nên đã bỏ qua những giá trị đạo đức, nhân cách để thực hiện mục đích. Điều đó làm họ mất đi sự tử tế và đôi khi khiến con người làm ra những điều vi phạm pháp luật.

Câu 5: Gợi ý

- Sự tử tế trong cuộc sống chính là sự giúp đỡ, sẻ chia, đồng cam cộng khổ đến từ người thân, bạn bè hay cả những người xa lạ => có ý nghĩa cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

- Là những việc làm được xuất phát từ lòng yêu thương, đùm bọc, đồng cảm giữa người với người và nhằm hướng đến xây dựng xã hội văn minh, tốt đẹp, nhân văn.

- Những người có hành động, lối sống tử tế luôn được xã hội đề cao, tuyên truyền và nêu gương.

- Dẫn chứng: Trong chương trình “Việc tử tế” được sản xuất và phát sóng trên kênh truyền hình VTV nhằm ca ngợi và lan tỏa những việc làm tử tế với hành động giúp đỡ, cưu mang người có số phận bất hạnh cả về vật chất, thể xác lẫn tinh thần.

- Ý nghĩa: có ý nghĩa vô cùng lớn đối với xã hội bởi nó chính là sợi dây kết nối tình thương giữa người với người. Làm việc tử tế cũng là cách để trao đi yêu thương, giúp ta cảm thấy thanh thản và hạnh phúc hơn.

---------------

Trên đây là một số đề đọc hiểu Sự tử tế không phải là món quà mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà và đừng quên tham khảo các đề đọc hiểu ngữ văn 12 mà Đọc tài liệu đã biên tập nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM