Đọc hiểu Điều cô chưa nói - Hà Thị Hạnh (có đáp án)

Xuất bản: 04/04/2024 - Tác giả:

Đọc hiểu Điều cô chưa nói – Hà Thị Hạnh (có đáp án) với tổng hợp các câu hỏi đã ra trong các bài kiểm tra, bài thi cuối kì, thi tuyển sinh.. cho các em tham khảo.

Bài thơ Điều cô chưa nói là tình yêu thương của cô muốn gửi tớicác em học sinh. Cô mong tất cả học trò sẽ luôn bình tâm, kiên trì, bền bỉ đi đến cuối hành trình cuộc sống của mình. Phía trước là cả một chân trời mới, có khó khăn nhưng cũng có những điều tốt đẹp đang chờ đợi các em. Vì thế hãy luôn tự tin bước về phía trước. Đây cũng là một bài thơ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc mà thầy cô giáo dễ đặt câu hỏi trong các bài thi, bài kiểm tra. Dưới dây là những câu hỏi mà Đọc tài liệu đã tổng hợp được:

Đọc ngữ liệu và thực hiện các yêu cầu:

ĐIỀU CÔ CHƯA NÓI

Trời đã không mưa cho tới buổi chiều nay

Các em đẹp bất ngờ buổi sáng ngày bế giảng

Cái khoảnh khắc em cầm sen tạo dáng

Thướt tha áo dài điệu múa ở đằng xa

Sau sân trường này sẽ là những ngã ba

Các em phải đi và tự mình chọn lựa

Lắm chông gai và cũng nhiều lời hứa

Cám dỗ em, em phải biết giữ mình

Đời người tránh sao được những phút “chùng chình”

Ai cũng có một “bến quê” để lãng quên rồi mơ ước

Mong em bình tâm trước những điều mất được

Và bền gan đi đến cuối hành trình

Trái tim em thao thức một mối tình

Mối tình nói hay mối tình chưa ngỏ

Những hạnh phúc ngọt ngào hay phút giây lầm lỡ

Những nỗi nhớ không lời, những cảm xúc không tên

Và giấc mơ theo điệu múa cháy lên

Cô ở lại, cánh chim bay đi nhé

Lau nước mắt đi những tâm hồn rất trẻ

Ngoài cửa sổ này, chân trời mới đợi em

(Điều cô chưa nói – Hà Thị Hạnh)

Đọc hiểu Điều cô chưa nói – Đề số 1

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Trả lời:

Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2: Vẻ đẹp của “em” trong ngày bế giảng hiện lên qua những hình ảnh nào?

Trả lời:

Vẻ đẹp của em được thể hiện thông qua những hình ảnh:

– Đẹp bất ngờ vào buổi sáng ngày lễ bế giảng.

– Khi các em cầm sen tạo dáng.

– Khi các em thướt tha áo dài trong điệu múa.

Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về câu thơ: “Sau sân trường này sẽ là những ngã ba/ Các em phải đi và tự mình chọn lựa”?

Trả lời:

Câu thơ “Sau sân trường này sẽ là những ngã ba/ Các em phải đi và tự mình chọn lựa”.

– Sau khi tốt nghiệp những cô cậu học sinh sẽ chính thức bước vào đời, bước vào cuộc sống với rất nhiều sự lựa chọn cho tương lai.

– Tương lai ra sao chính là ở sự lựa chọn của cá nhân mỗi người. Lúc này thầy cô không thể ở bên để giúp đỡ. Chúng ta phải tự bước đi và lựa chọn cho mình con đường phù hợp và đúng đắn.

Câu 4: Qua văn bản, anh/chị cảm nhận được điều “cô” muốn nhắn nhủ với “em” là gì?

Trả lời:

Qua đoạn trích trên cô muốn nhắn gửi đến học trò của mình:

– Gửi đến tình yêu thương của cô dành cho các em.

– Nhắn nhủ học trò vững vàng trên con đường tương lai phía trước. Biết tự chọn lối đi riêng cho bản thân mình.

– Nhắn nhủ các em phải biết giữ mình khỏi những cám dỗ của cuộc sống.

– Trong cuộc sống có thể các em sẽ gặp nhiều mất mát và điều cô mong muốn là các em cần phải bình tâm trước những được mất trong cuộc sống.

– Cuối cùng cô mong tất cả học trò sẽ luôn bình tâm, kiên trì, bền bỉ đi đến cuối hành trình cuộc sống của mình. Phía trước là cả một chân trời mới, có khó khăn nhưng cũng có những điều tốt đẹp đang chờ đợi các em. Vì thế hãy luôn tự tin bước về phía trước.

Đọc hiểu Điều cô chưa nói – Đề số 2

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Bài thơ là lời của ai, nói với ai?

Trả lời:

Bài thơ là lời của người cô, nói với các em học sinh chuẩn bị ra trường

Câu 2: Vẻ đẹp của “em” trong ngày bế giảng hiện lên qua những hình ảnh nào?

Trả lời:

Vẻ đẹp của “em” trong ngày bế giảng hiện lên qua những hình ảnh: em cầm sen tạo dáng, thướt tha áo dài điệu múa

Câu 3: Tác giả muốn gửi gắm tâm sự gì qua hai câu thơ:

Lau nước mắt đi những tâm hồn rất trẻ

Ngoài cửa sổ này, chân trời mới đợi em

Trả lời:

Qua hai câu thơ: Lau nước mắt đi những tâm hồn rất trẻ/Ngoài cửa sổ này, chân trời mới đợi em, người cô bộc lộ tình cảm yêu mến, xúc động, niềm tin, niềm hi vọng vào các em học sinh cuối cấp- thế hệ trẻ của đất nước. Đó cũng là lời nhắn nhủ, động viên các em về con đường rộng mở, tương lai tươi sáng phía trước.

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả trong câu thơ “Sau sân trường này sẽ là những ngã ba/Các em phải đi và tự mình chọn lựa” không? Vì sao?

Trả lời:

Học sinh trả lời ngắn gọn rõ ý theo quan điểm cá nhân và giải thích hợp lí, tránh lối diễn đạt chung chung hoặc sáo rỗng.

Mẫu 1:

Em hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Khi các bạn học sinh ra trường, các bạn sẽ phải đối mặt với những con đường mới, phải tự mình đưa ra những quyết định, lựa chọn, phải tự mình gánh vác và tự xây dựng con đường tương lai của bản thân. Câu thơ “Sau sân trường này sẽ là những ngã ba/Các em phải đi và tự mình chọn lựa” là một lời khuyên quý giá cho mỗi học sinh khi bước vào đời. Mỗi người cần ý thức được trách nhiệm của bản thân và tự tin đưa ra những lựa chọn đúng đắn cho tương lai của mình.

Mẫu 2:

Em hoàn toàn tán thành với quan điểm của tác giả. Bởi lẽ, khi đã tốt nghiệp khỏi ngôi trường này, các em học sinh đã trưởng thành và có đủ khả năng để suy nghĩ chín chắn và đưa ra lựa chọn cho bản thân. Khác với môi trường học tập được thầy cô hướng dẫn và bảo ban, khi bước ra cuộc sống, các em sẽ đối mặt với vô số con đường khác nhau. Lúc này, chính các em sẽ là người quyết định tương lai của mình. Chỉ bản thân mới có thể hiểu rõ chính mình và lựa chọn hướng đi phù hợp. Dù có gặp phải khó khăn, hãy luôn giữ vững niềm tin và tiếp tục tiến bước. Hãy luôn lạc quan và nở nụ cười hạnh phúc, thành công sẽ đến với bạn.

Câu 5: Từ nội dung phần đọc hiểu hãy viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Trả lời:

Bài mẫu 1:

“Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình ta đang đi.” Câu nói này vô cùng chính xác và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Trong cuộc sống, ta sẽ phải trải qua nhiều chông gai, thử thách, khi ta vượt qua những gian nan đó, ta sẽ gặt hái được hạnh phúc. Chính vì thế, tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đối mặt với mọi khó khăn. Xã hội luôn phát triển, nếu con người không cố gắng, nỗ lực, vươn lên sẽ bị thụt lùi và sớm muộn cũng bị đào thải. Mỗi con người cần phải có ước mơ thì mới có ý chí vươn lên, sống tốt hơn thì mới trở thành công dân có ích giúp đất nước phát triển. Trên con đường chinh phục ước mơ, thành công ta sẽ gặp nhiều khó khăn và những vấp ngã, sau khi vượt qua những thử thách đó, ta sẽ rút ra nhiều bài học quý giá cho bản thân, từ đó tích lũy được kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân. Có rất nhiều tấm gương về thành công mà ta cần học tập trong đó không thể không nhắc đến Bác Hồ, người đã vượt qua nhiều gian khổ để mang lại thành công to lớn là dành được độc lập cho nước nhà. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống không có ước mơ, không biết phấn đấu, chỉ ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, không biết tự làm chủ cuộc sống của mình hoặc khi vấp ngã thì nản lòng,… những người này sẽ không có được thành công, sẽ sớm bị xã hội đào thải; đáng bị xã hội chỉ trích, phê phán. Mỗi chúng ta cần có suy nghĩ và hành động đúng đắn để cuộc sống của mình thêm tốt đẹp hơn và sớm đạt được thành công như ta mong muốn.

Bài mẫu 2:

Cuộc sống của chúng ta ẩn chứa vô vàn gian nan và thử thách. Nếu như chúng ta không đủ bản lĩnh, ý chí và nghị lực để vượt qua thì chúng ta sẽ mãi chìm đắm trong vũng lầy thất bại. Như vậy, bản lĩnh đóng vai trò thiết yếu trong sự thành công của mỗi con người. Bản lĩnh là sự can đảm, dám nghĩ dám làm những gì mình cho là đúng đắn, không vi phạm đạo đức và pháp luật. Bản lĩnh còn là sự kiên cường, dũng cảm, vượt qua mọi chướng ngại vật để đạt được mục tiêu. Bản lĩnh là một phẩm chất cần được rèn luyện và gọt giũa để mỗi người có thể tìm kiếm con đường đúng đắn cho bản thân. Khi sở hữu bản lĩnh, chúng ta sẽ không còn phải cúi đầu, e dè, lo lắng trước những khó khăn. Bản lĩnh giúp con người quyết đoán hơn, tạo nên sự khác biệt và tự tin hơn trong việc theo đuổi ước mơ. Một người sống bản lĩnh sẽ không ngại mắc sai lầm và sửa sai, bởi họ hiểu rằng thành công luôn đi kèm với thất bại. Nếu mất đi bản lĩnh, mọi việc sẽ trở nên khó khăn và bế tắc. Bản lĩnh không phải là bẩm sinh, mà là kết quả của quá trình rèn luyện và phấn đấu. Những người có bản lĩnh thường gặt hái thành công nhanh chóng và bền vững. Bản lĩnh là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi người nên cố gắng rèn luyện. Hãy rèn luyện cho mình bản lĩnh và sự kiên cường để trở thành một công dân có ích cho xã hội.

Bài mẫu 3:

Trong cuộc sống, ai cũng hướng đến những điều ý nghĩa và tốt đẹp nhất. Để đạt được điều đó, mỗi người cần sống bản lĩnh. Bản lĩnh là khả năng đối mặt với những chông gai, giải quyết mọi vấn đề một cách bình tĩnh, sáng suốt và tỉnh táo. Bản lĩnh còn là lòng dũng cảm, kiên trì, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Để gặt hái thành công và những giá trị ý nghĩa, chúng ta cần rèn luyện tinh thần mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, chiến đấu và vượt qua thử thách. Cuộc sống chỉ thực sự ý nghĩa khi chúng ta khẳng định được bản thân. Để làm được điều đó, mỗi người cần vượt qua giới hạn an toàn, sống thật với chính mình và bộc lộ cảm xúc. Khi sống đúng với bản thân, chúng ta sẽ cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống. Thành công không bao giờ dễ dàng nếu chúng ta thiếu đi sự dũng cảm và quyết đoán. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa nhận thức đúng đắn về giá trị bản thân và không có đủ bản lĩnh để đối mặt với thử thách. Lâu dần, những người này sẽ bị xã hội đào thải và không thể đạt được thành công. Mỗi người cần sống tích cực, chủ động, không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức. Đặc biệt quan trọng, chúng ta cần rèn luyện bản lĩnh sống mạnh mẽ để vượt qua mọi chướng ngại vật.

Câu 6: Từ nội dung bài điều cô chưa nói hãy viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh chị về vai trò nghị lực sự kiên trì biết chấp nhận thất bại trên con đường vươn đến mục tiêu trong cuộc sống.

Trả lời:

Để thành công cần rất nhiều yếu tố , một trong những yếu tố đó là ý chí , nghị lực. Vậy ý chí, nghị lực là gì ? Đó là bản lĩnh, sự dũng cảm và lòng quyết tâm cố gắng vượt qua thử thách dù khó khăn, gian khổ. Người có ý chí nghị lực là người có ý chí, sức sống mạnh mẽ, luôn kiên trì, nhẫn nại vượt qua những khó khăn, chông gai trong cuộc đời để vươn lên khắc phục hoàn cảnh đi đến thành công. Người có nghị lực luôn có thể chuyển rủi thành may chuyển họa thành phúc, không khuất phục và đổ lỗi cho số phận. Như thầy Nguyễn Ngọc Kí, thiếu đi đôi tay nhưng không ngừng nỗ lực để trở thành người thầy đáng kính. Hay Bill Gates , phá sản trong lần đầu tiên nhưng sau đó lại trở thành tỉ phú bậc nhất của nhân loại… Họ chính là những tấm gương tiêu biểu mang đến cho chúng ta bài học giá trị của ý chí nghị lực . Người có nghị lực sẽ luôn được mọi người ngưỡng mộ, cảm phục. Bên cạnh đó vẫn tồn tại những người chưa làm nhưng thấy khó khăn đã nản chí, thấy thất bại thì hủy hoại và sống bất cần đời, lại có những người sinh ra trong điều kiện đủ đầy nhưng không chịu học tập, sống buông thả, không nghĩ đến tương lai. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần học cách rèn luyện bản thân thành người có ý chí nghị lực để vượt qua mọi chông gai, thử thách và thành công hơn trên đường đời.

Đọc hiểu Điều cô chưa nói – Đề số 3 trắc nghiệm

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Bài thơ là lời của ai nói với ai?

A. Lời của cô giáo nói với các em học sinh sắp ra trường

B. Lời của thầy giáo nói với các em học sinh sắp ra trường

C. Lời của tâm sự của học sinh với người thầy

D. Lời tâm sự của học sinh với người cô của mình

>> Đáp án A: Bài thơ là lời của cô giáo nói với các em học sinh sắp ra trường.

Câu 2. Vẻ đẹp của “em” trong ngày bế giảng hiện lên qua những hình ảnh nào?

Chọn đáp án không phù hợp:

A. Cầm sen tạo dáng

B. Đẹp bất ngờ

C. Thướt tha áo dài điệu múa

D. Tóc dài buông ngang vai

>> Đáp án D: Vẻ đẹp của “em” trong ngày bế giảng hiện lên qua những hình ảnh: đẹp bất ngờ, cầm sen tạo dáng, thướt tha áo dài điệu múa.

Câu 3. Hai câu thơ sau sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

Những hạnh phúc ngọt ngào hay phút giây lầm lỡ

Những nỗi nhớ không lời, những cảm xúc không tên

A. Nhân hóa

B. Câu hỏi tu từ

C. Điệp cú pháp

D. So sánh

>> Đáp án C: Biện pháp nghệ thuật: Điệp cú pháp “Những…”.  Tác dụng: Nhấn mạnh những cung bậc cảm xúc của “em” đã từng trải qua trong đời người học sinh.

Câu 4. Hai câu thơ sau được hiểu như thế nào?

Lau nước mắt đi những tâm hồn rất trẻ

Ngoài cửa sổ này, chân trời mới đợi em

A. Lời khuyên các em học sinh phải biết tự yêu chính bản thân mình.

B. Lời nhắn nhủ, động viên với các em học sinh: quên đi những vấp ngã, hãy lạc quan, tin tưởng vào con đường tương lai rộng mở phía trước.

C. Lời khuyên các em học sinh phải chọn con đường đi phù hợp với bản thân.

D. Lời khuyên nhủ học sinh hãy luôn ghi nhớ thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt mình nên người.

>> Đáp án B: Hai câu thơ là lời nhắn nhủ, động viên với các em học sinh: quên đi những vấp ngã, hãy lạc quan, tin tưởng vào con đường tương lai rộng mở phía trước.

Trên đây là một số câu hỏi có thể xuất hiện trong nội dung đề đọc hiểu Điều cô chưa nói có đáp án. Hi vọng dựa vào đây, các em sẽ tự tin trả lời đúng các câu hỏi trong kì thi sắp tới. Chúc các em ôn tập thật tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM