Đọc hiểu Cuốc kêu cảm hứng (Nguyễn Khuyến)

Xuất bản: 22/12/2021 - Cập nhật: 24/12/2021 - Tác giả:

Tổng hợp các đề đọc hiểu Cuốc kêu cảm hứng (Nguyễn Khuyến) với hướng dẫn câu hỏi đã ra trong các đề thi, đề kiểm tra học kì giúp em lấy trọn 3 điểm.

Dưới đây Đọc tài liệu sẽ hướng dẫn trả lời các câu hỏi đọc hiểu bài thơ Cuốc kêu cảm hứng của tác giả Nguyễn Khuyến:

Đề bài: Đọc bài thơ:

Khắc khoải đưa sầu giọng lửng lơ,

Ấy hồn Thục đế thác bao giờ

Năm canh máu chảy đêm hè vắng,

Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ,

Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,

Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.

Thâu đêm ròng rã kêu ai đó,

Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.

(Thơ Cuốc kêu cảm hứng - Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, 2016, tr. 28) 

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? Chỉ ra phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt của bài thơ?

Câu 2. Chỉ ra 3 từ diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 3. Nếu hiệu quả của phép đối được sử dụng trong hai câu thơ: Năm canh máu chảy đêm hè vắng/Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ

Câu 4. Tâm sự của tác giả trong hai câu thơ: Có phải tiếc xuân mà đứng gọi/ Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

Câu 5. Nội dung chính của bài thơ trên?

Câu 6. Hãy trình bày một bài học mà em rút ra được sau khi đọc xong bài thơ trên.

Đáp án đọc hiểu Cuốc kêu cảm hứng

Câu 1:

- Thể thơ của bài Cuốc kêu cảm hứng là Thất ngôn bát cú

- Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

- Các phương thức biểu đạt: miêu tả, biểu cảm, tự sự.

Câu 2: Ba từ diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ: khắc khoải, sầu, ngẩn ngơ

Bổ sung ý nghĩa (không có trong phần trả lời câu hỏi):

- Tiếng cuốc kêu "khắc khoải" - "sầu" nghe buồn buồn, lặp đi lặp lại triền miên, thê thiết => Càng nghe càng buồn.

- "ngẩn ngơ": chính tiếng cuốc kêu ròng rã thâu canh kiến cho khách giang hồ bồn chồn ngẩn ngơ cả dạ. Yêu nước nhưng bất lực nên mới ngẩn ngơ như thế!

Câu 3: Hai câu thơ có sử dụng phép đối đã góp phần diễn tả không gian và thời gian mang đầy tính nghệ thuật khi tác giả cảm nhận tiếng cuốc kêu. Người đọc dường như cảm nhận được nỗi đau như máu chảy tương ứng với nỗi buồn như nát ruột hồn tan.

Đó là:

+ "năm canh, sáu khắc" (đêm năm canh, ngày sáu khắc): đối xứng nhau giúp tạo nên cảm giác tiếng cuốc kêu triền miên suốt canh này sang khắc khác, từ ngày này qua đêm khác, ám ảnh vào thời gian.

+ Hai hình ảnh đối nhau là "đêm hè vắng” và "bóng nguyệt mờ" hô ứng, đối xứng diễn tả nỗi đau, nỗi buồn như thấm vào thời gian, toả rộng trong không gian, thời gian. Trước tiếng cuốc buồn thương, ám ảnh, không gian bóng trăng cũng phải mờ đi và không gian đêm hè cũng phải "vắng" đi.

Câu 4: Hai câu thơ đã diễn tả được nỗi lòng của chính Nguyễn Khuyến dành cho đất nước khi đêm đêm vẫn nằm mơ mà nhớ nước. Ông khắc khoải cho hồn cốt của đất nước. Nỗi buồn, khắc khoải đến bơ vơ, nhớ nước như thấm đượm vào từng câu chữ. Vì nhớ nước mà tâm trạng của nhà thơ hết tiếc rồi lại nhớ, hết đứng rồi lại nằm, hết gọi rồi lại mơ. Đó là trạng thái bồn chồn, đau xót của một con người yêu nước, chính trực.

Câu 5. Nội dung chính của bài thơ Cuốc kêu cảm hứng: Nguyễn Khuyến đã giãi bày một tấm lòng yêu nước không nguôi, một tâm trạng đầy bi kịch: xót xa đau buồn, tủi nhục vì nước mất nhà tan.

Câu 6. Bài học rút ra: để con cháu cảm thông với nỗi lòng ông cha, trân trọng và tự hào về cái giá của độc lập tự do với bao nhiêu máu, nước mắt mà cả dân tộc phải trả.

Đoạn văn Có phải tiếc xuân mà đứng gọi

Hai câu thơ "Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,/Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ" đã nói lên chiều sâu một tâm trạng của tác giả Nguyễn Khuyến. "Có phải" và "hay là" câu hỏi mơ hồ, giả định ấy diễn tả những băn khoăn, những day dứt đè nặng trong lòng. Tiếng cuốc gọi hay vì "tiếc xuân" mà cuốc cất tiếng gọi? Hay là oan hồn Thục Đế "nhớ nước vẫn nằm mơ". Đây là hai câu luận rất tinh tế trong biểu cảm, Nguyễn Khuyến mượn tiếng cuốc để giãi bày niềm thao thức của mình. Cuốc thì tiếc xuân mà đứng gọi, kêu khắc khoải suốt đêm. Còn ông thì đêm đêm vẫn nằm mơ mà nhớ nước. Hồn nước đi đâu về đâu? Nỗi buồn bơ vơ nhớ nước như thấm vào câu chữ. Các cặp hô ứng nhau rất chỉnh: Có phải - hay là/tiếc xuân - nhớ nước/mà đứng gọi - nằm mơ, làm cho nỗi buồn thương nhà nhớ nước trở nên thấm thía. Tiếc rồi nhớ, đứng rồi nằm, gọi và mơ, trạng thái nào, tâm trạng nào cũng bồn chồn, xót xa đau đớn.

-/-

Trên đây là một số câu hỏi đọc hiểu Cuốc kêu cảm hứng (Nguyễn Khuyến) mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà và đừng quên tham khảo các đề đọc hiểu ngữ văn 12 mà Đọc tài liệu đã biên tập nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM