Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới nêu ra bình luận cụ thể về những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách và thói quen của người Việt Nam, từ đó, đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi con người Việt Nam phải khắc phục điểm yếu để bước vào thế kỉ mới. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến tác phẩm, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Vũ Khoan cùng một số đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:
Đọc hiểu Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới
Đề số 1
Đọc kĩ đoạn văn và trả lời câu hỏi:
Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội.
Câu 1: Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào? Của ai? Giới thiệu đôi nét về tác giả.
Câu 2: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 3: Nội dung của đoạn văn trên là gì?
Câu 4: Chủ đề của đoạn văn trên nằm ở vị trí nào? Chỉ ra câu chủ đề đó.
Câu 5: Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết nào là chủ yếu? Chỉ rõ từ ngữ dùng để liên kết trong đoạn văn.
Câu 6: Từ "có lẽ" trong câu "Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất" là thành phần biệt lập nào?
Đáp án đề đọc hiểu Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới số 1
Câu 1: Đoạn văn trên được trích từ văn bản "Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới" của Vũ Khoan
- Giới thiệu đôi nét về tác giả:
- Vũ Khoan (sinh năm 1937), quê quán: huyện Phú Xuyên, Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội).
- Vũ Khoan được biết đến là một nhà chính trị và ngoại giao xuất sắc của Việt Nam.
- Ông từng bắt đầu công việc ngoại giao cho quốc gia từ 1956 với công việc phiên dịch
Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận.
Câu 3: Nội dung của đoạn văn trên là: Sự chuẩn bị bản thân con người là sự chuẩn bị quan trọng nhất trong hành trang bước vào thế kỉ mới.
Câu 4: Chủ đề của đoạn văn trên nằm ở đầu đoạn văn "Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất".
Câu 5: Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết là phép lặp từ ngữ.
- Từ ngữ dùng để liên kết trong đoạn văn là: con người.
Câu 6: Từ "có lẽ" trong câu "Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất" là thành phần biệt lập tình thái.
Tham khảo thêm: Phân tích bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới
Đề số 2
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Cái mạnh của người Việt Nam ta là sự cần cù, sáng tạo. Điều đó thật hữu ích trong một nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỷ luật rất cao và thái độ rất nghiêm túc đối với công cụ và quy trình lao động với những máy móc, thiết bị rất tinh vi. Tiếc rằng ngay trong mặt mạnh này của chúng ta cũng lại ẩn chứa những khuyết tật không tương tác chút nào với một nền kinh tế công nghiệp hoá chứ chưa nói tới nền kinh tế tri thức. Người Việt nam ta cần cù thì cần cù thật nhưng lại thiếu đức tính tỉ mỉ. Khác với người Nhật vốn cũng nổi tiếng cần cù lại thường rất cẩn trọng trong khâu chuẩn bị công việc, làm cái gì cũng tính toán chi ly từ đầu, người Việt Nam ta thường dựa vào tính tháo vát của mình, hành động theo phương châm “nước đến chân hãy nhảy”, “liệu cơm gắp mắm”. Do còn chịu ảnh hưởng nặng nề của phương thức sản xuất nhỏ và cách sống ở nơi thôn dã vốn thoải mái và thanh thản nên người Việt Nam chưa có được thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương. Ngay bản tính "sáng tạo" một phần nào đó cũng có mặt trái ở chỗ ta hay loay hoay "cải tiến", làm tắt, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ. Trong một xã hội công nghiệp và "hậu công nghiệp", những khuyết tật ấy sẽ là những vật cản ghê gớm.
Câu 1: Nêu nội dung của đoạn trích trên.
Câu 2: Em hiểu thế nào là "kinh tế tri thức".
Câu 3: Tác giả sử dụng những thao tác lập luận nào để làm sáng tỏ nội dung? chỉ cụ thể?
Câu 4: Nêu tác dụng của câu văn cuối trong đoạn trích.
Đáp án đề đọc hiểu Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới số 2
Câu 1: Nội dung chính của đoạn trích là: những mặt mạnh cần phát huy và những mặt yếu cần khắc phục của người dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.
Câu 2: Em hiểu "kinh tế tri thức" là: một nền kinh tế công nghệ cao, sử dụng chất xám trong mọi lĩnh vực và lấy tri thức làm động lực, công cụ phục vụ cho mọi hoạt động kinh tế xã hội.
Câu 3: Các thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn văn trên là:
- Thao tác so sánh: đưa dẫn chứng người Nhật
- Thao tác bình luận: đưa ra những nhận định nhận xét về những mặt mạnh và mặt yếu của người Việt Nam.
- Thao tác phân tích: phân tích nguyên nhân mặt yếu của người Việt Nam hoặc những tiềm năng mặt mạnh của người Việt Nam.
Câu 4: Tác dụng của câu văn cuối trong đoạn trích: "Trong một xã hội công nghiệp và "hậu công nghiệp", những khuyết tật ấy sẽ là những vật cản ghê gớm" là: cảnh báo con người về hậu quả của những điểm yếu của con người Việt Nam: thiếu kiến thức cơ bản và chưa chu đáo, tỉ mỉ, khẩn trương, năng động sẽ là vật cản của quá trình hội nhập với nền kinh tế năng động của thế giới, dẫn đến tụt hậu, đói nghèo.
Đề số 3
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Bước vào thế kỉ mới, muốn "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy, khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ - những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới - nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên là gì?
Câu 2: Cho biết nội dung đoạn văn?
Câu 3: Chỉ ra câu ghép trong đoạn trích trên và nêu rõ cấu tạo.
Câu 4
: Trong đoạn văn trên tác giả có nhắc đến điểm mạnh và điểm yếu của người Việt Nam. Hãy chỉ ra những điểm mạnh và yếu đó.Đáp án đề đọc hiểu Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới số 3
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên là: nghị luận.
Câu 2: Nội dung của đoạn trích là: nêu yêu cầu đối với thế hệ trẻ là phải lấp đầy hành trang bằng điểm mạnh, vứt bỏ điểm yếu để bước vào thế kỉ mới "sánh vai với các cường quốc năm châu"
Câu 3: Câu ghép trong đoạn trích trên là: "Bước vào thế kỉ mới, muốn "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu"
- Cấu tạo của câu ghép gồm:
- Trạng ngữ: Bước chân vào thế kỉ mới
- Vị ngữ 1: muốn sánh vai cùng các cường quốc năm châu
- Quan hệ từ: thì
- Chủ ngữ 2: Chúng ta
- Vị ngữ 2: sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu
Câu 4:
- Những điểm mạnh của người Việt Nam ta được tác giả nêu ra là: thông minh, cần cù, sáng tạo.
- Những điểm yếu là: thiếu tỉ mỉ, nước đến chân mới nhảy, khôn vặt, bóc ngắn cắn dài...
-------------
Trên đây là một số đề đọc hiểu Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Vũ Khoan mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!