Đây là nội dung của phần Viết kết nối với đọc - Soạn bài Thánh Gióng Kết nối tri thức, các em có thể xem những gợi ý dưới đây để định hướng nội dung các em muốn làm. Thêm vào đó là những đoạn văn mẫu để các em đọc, từ đó tham khảo về cách làm, cách sử dụng từ ngữ phù hợp cho đoạn văn của mình.
Đề bài
Viết đoạn văn khoảng 5-7 câu về một hình ảnh hay hành động của Thánh Gióng đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất.
Gợi ý
Để viết đoạn văn khoảng 5-7 câu về một hình ảnh hay hành động của Thánh Gióng các em cần đảm bảo đầy đủ các ý sau:
- Lựa chọn các hình ảnh ấn tượng: câu nói đầu tiên của Gióng, Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ, Gióng khi đánh giặc, hình ảnh Gióng nhổ tre để đánh giặc, Thánh Gióng cởi bỏ giáp sắt, cưỡi ngựa sắt bay về trời...
- Đoạn văn viết cần sử dụng các yếu tố miêu tả, tính chân thực, xúc động và phù hợp với cảm xúc của bản thân học sinh.
- Tìm sự kết nối giữa hình ảnh, hành động đó với xã hội, đời sống hiện nay.
6 mẫu đoạn văn khoảng 5-7 câu về một hình ảnh hay hành động của Thánh Gióng
Mẫu 1
Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh thánh Gióng bỏ áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay về trời
Truyền thuyết Thánh Gióng đem đến cho em nhiều ấn tượng sâu sắc nhưng em cảm thấy ấn tượng nhất là hành động sau khi đánh thắng giặc, Thánh Gióng cởi bỏ áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay lên trời. Con người phi thường nên sự ra đi cũng trở nên phi thường. Qua hành động này, nhân dân ta đã gửi gắm khát vọng bất tử hóa người anh hùng dân tộc. Thánh Gióng đã trở về với cõi bất tử. Đó chính là lòng tôn kính mà nhân dân ta dành cho những con người có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mẫu 2
Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ
Khi đọc truyền thuyết Thánh Gióng, hình ảnh “Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt” để lại cho em ấn tượng sâu sắc. Đây là một trong những chi tiết kì ảo trong Thánh Gióng. Từ “tráng sĩ” dùng để chỉ người thanh niên khỏe mạnh, cường tráng và thường làm những việc lớn. Hành động vươn vai từ một cậu bé biến thành một “tráng sĩ” của Gióng cho thấy quan niệm của nhân dân ta về người anh hùng phải có ngoại hình và sức mạnh phi thường. Đồng thời, hình ảnh này còn khát vọng của nhân dân về một người anh hùng có sức mạnh vô song để chống lại kẻ thù ngoại xâm. Đây quả là một chi tiết giàu ý nghĩa trong truyền thuyết Thánh Gióng, muốn đánh thắng giặc thì sức mạnh về thể chất cũng là một điều rất quan trọng.
Mẫu 3
Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh thánh Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ
Hình ảnh của Thánh Gióng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong em là Gióng vươn vai thành tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Gióng là người anh hùng của toàn dân, đại diện cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Gióng vươn vai như một sự khẳng định vẻ đẹp và sức mạnh trong mỗi người dân đất Việt. Đồng thời, chi tiết còn cho ta thấy được sự lớn lao trong người anh hùng với trách nhiệm, với sứ mệnh bảo vệ quê hương. Người anh hùng không chỉ lớn lao về ý chí và còn mạnh mẽ về tầm vóc. Vẻ đẹp của Gióng trong phút giây ra trận lớn lao khi mang theo sức mạnh, ý chí của toàn dân tộc ta!
Mẫu 4
Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh Gióng đánh giặc
Hình ảnh thánh Gióng ra trận đánh giặc là một hình ảnh oai phong, đẹp đẽ thể hiện cho tinh thần kiên cường bất khuất của cả dân tộc ta. Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt, nhảy lên mình ngựa xông pha ra trận địa để lại trong lòng mỗi người dân một ấn tượng sâu sắc. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng, đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như ngả rạ. Roi sắt gẫy, tráng sĩ không nản lòng mà nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí, tiếp tục chiến đấu với kẻ thù xâm lăng. Đoạn văn miêu tả Gióng đánh giặc thật hào hùng, tráng lệ. Hình ảnh người anh hùng làng Gióng oai phong lẫm liệt khi xung trận như khắc sâu vào tâm trí người Việt Nam để rồi hàng nghìn năm sau vẫn còn vẹn nguyên giá trị trong tâm trí người đọc.
Mẫu 5
Đoạn văn cảm nhận về câu nói đầu tiên của Gióng
Thánh Gióng là truyền thuyết mà em vô cùng yêu thích. Trong văn bản, em cảm thấy ấn tượng nhất với câu nói đầu tiên của Gióng. Cậu bé làng Gióng đã lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười, đặt đâu thì nằm đấy. Bấy giờ, giặc Ân sang xâm lược nước ta. Vua Hùng sai sứ giả đi tìm người tài khắp nước. Khi cậu bé nghe tiếng giao của sứ giả thì liền cất tiếng nói đầu tiên: “Mẹ mời sứ giả vào đây”. Câu nói đầu tiên là của Thánh Gióng là xin đi đánh giặc cứu nước cứu dân. Câu nói này là một câu nói lạ lùng nhưng trong hoàn cảnh đó là một câu nói phi thường. Câu nói mang tấm lòng yêu nước của một cậu bé mới ba tuổi nhưng đã có trách nhiệm với đất nước nhân dân. Nhân vật này đã gửi gắm truyền thống yêu nước của nhân dân ta được truyền từ đời này sang đời khác, từ người già cho tới trẻ nhỏ.
Mẫu 6
Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh Gióng nhổ cả bụi tre bên đường để đánh giặc
Trong truyện truyền thuyết Thánh Gióng, em đặc biệt ấn tượng với hình ảnh khi roi sắt gẫy, Gióng nhổ cả bụi tre bên đường để đánh giặc. Hình ảnh này vừa thể hiện sức mạnh vô song của Gióng vừa thể hiện sự nhanh trí và ý chí quyết tâm thắng giặc. Một cây tre thường đã không dễ gì mà có thể nhổ được, vậy mà chỉ dùng tay không Gióng đã nhổ cả bụi tre lên để quét giặc. Chắc chắn lúc ấy là ý chí, là lòng quyết tâm muốn diệt giặc đã giúp Gióng có sức mạnh phi thường tới vậy. Không những thế, cũng chính hình ảnh của những bụi tre đằng ngà còn hiện hữu tới bây giờ làm em luôn tin rằng thánh Gióng là có thật. Vị anh hùng vô song, bất tử luôn còn mãi để sẵn sàng giúp dân bảo vệ đất nước khi đất nước lâm nguy.
-/-
Trên đây là hướng dẫn viết đoạn văn khoảng 5-7 câu về một hình ảnh hay hành động của Thánh Gióng để lại ấn tượng sâu sắc nhất, các em thấy nội dung có ích thì hãy chia sẻ với các bạn nhé.