Đoạn văn trình bày những hiểu biết về phong trào nữ quyền

Xuất bản: 13/05/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn viết đoạn văn trình bày những hiểu biết về phong trào nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỉ XX từ những thông tin tìm hiểu được trước và sau khi đọc văn bản Nữ phóng viên đầu tiên

Để viết được đoạn văn nêu những hiểu biết về phong trào nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỉ XX - phong trào dân chủ, đấu tranh vì quyền của phụ nữ, về bình đẳng giới, các em hãy tham khảo những gợi ý dưới đây của Đọc tài liệu.

Trước hết, cần củng cố lại những kiến thức về phong trào nữ quyền nói chung và phong trào nữ quyền ở Việt Nam nói riêng.

Phong trào nữ quyền là gì?

- Phong trào nữ quyền là phong trào chính trị - xã hội, nhằm khẳng định và đấu tranh cho quyền của phụ nữ trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và cá nhân.

- Phong trào nữ quyền đấu tranh cho mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới hiện tại, đòi hỏi sự bình đẳng về cơ hội việc làm, học tập, tham gia chính trị, xã hội và đời sống gia đình và cá nhân của người phụ nữ. Như vậy, về bản chất, nữ quyền là sự công bằng, bình đẳng giữa nam giới và nữ giới.

- Mục tiêu của phong trào nữ quyền:

+ Phá bỏ những định kiến và khuôn mẫu xã hội về vai trò giới tính của phụ nữ, khẳng định phụ nữ có quyền lựa chọn cuộc sống của riêng mình.

+ Đảm bảo phụ nữ có quyền tiếp cận bình đẳng với nam giới về giáo dục, việc làm, y tế, chính trị và các cơ hội khác.

+ Chấm dứt, ngăn chặn và trừng phạt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ, bao gồm bạo lực gia đình, tấn công tình dục và quấy rối.

+ Nâng cao vị thế của phụ nữ, thúc đẩy sự tôn trọng và công nhận giá trị của phụ nữ trong xã hội.

- Phong trào nữ quyền đã phát triển đáng kể trong nhiều thập kỷ qua, dần thay đổi và thích ứng với bối cảnh xã hội và văn hóa của từng thời kỳ. Các phong trào đấu tranh đã tạo nên những làn sóng nữ quyền (feminist waves) đặc trưng trong lịch sử, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

- Phong trào nữ quyền thường được chia thành ba “làn sóng”:

+ Làn sóng đầu tiên (cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20): thúc đẩy bình đẳng chính trị, xoay quanh việc đòi quyền bầu cử và sở hữu tài sản cho phụ nữ.

+ Làn sóng thứ hai (những thập niên cuối của thế kỷ 20): thúc đẩy sự bình đẳng về pháp lý và nghề nghiệp, bao gồm sinh sản, tình dục, bạo lực gia đình và phân biệt đối xử trong công việc.

+ Làn sóng thứ ba (cuối thế kỉ 20 đến hết thập niên đầu của thế kỷ 21): thúc đẩy bình đẳng xã hội, đề cao sự đa dạng cá nhân và thay đổi định kiến giới.

Làn sóng nữ quyền thứ hai của phong trào nữ quyền

Phong trào nữ quyền với làn sóng nữ quyền thứ hai

Những định kiến về nữ quyền

- “Nữ quyền chỉ có lợi cho phụ nữ”: Nhắc đến cụm từ “nữ quyền”, mọi người thường hiểu lầm rằng phong trào chỉ đấu tranh cho phái nữ. Thực chất thì nữ quyền hướng đến sự bình đẳng giới và bình đẳng giữa con người. Mục tiêu của phong trào nữ quyền là xóa bỏ rào cản về quyền lợi, cơ hội và cách nhìn nhận của xã hội đối với cả hai giới.

- “Bản chất nam nữ là khác biệt nên đòi hỏi sự bình đẳng là bất khả thi”: Nữ quyền không phải là tạo ra một thang đo để xem ai là người yếu thế hơn, ai là người quan trọng hơn mà là tìm hiểu và hiểu cách sự bất bình đẳng đã và đang ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới như thế nào, từ đó thay đổi để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

- “Chúng ta đã đạt được bình đẳng rồi, không cần đấu tranh nữa”: Phụ nữ giờ đây đã có thể tham gia bầu cử, có công việc làm ổn định, có nhiều chỗ đứng trong xã hội và ý kiến của họ được nhiều người tôn trọng. Tuy nhiên, thực tế là phụ nữ chiếm đa số trong nhóm lao động phi chính thức đặc biệt thiệt thòi, đó chính là lao động gia đình - người giúp việc cho một thành viên của hộ tại cơ sở sản xuất kinh doanh theo định hướng thị trường. Ngoài ra họ còn đang phải đối mặt với “gánh nặng kép”.

- "Nữ quyền đối lập với nam quyền và việc thực hiện nữ quyền sẽ hạ thấp vai trò, giá trị của nam giới": Phong trào nữ quyền không phải là đấu tranh vì quyền lực hay nhằm đưa vị trí của người phụ nữ cao hơn so với người đàn ông. Nữ quyền là đấu tranh vì quyền công bằng và cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt nó không tước đoạt quyền của đàn ông. Nữ quyền còn có ý nghĩa với nam giới trong việc xóa bỏ quan niệm đàn ông phải trở thành lá chắn, trở thành trụ cột, từ đó gạt bỏ gánh nặng cho nam giới.

- "Nữ quyền sẽ làm đảo lộn các hệ giá trị, niềm tin tín ngưỡng truyền thống lâu đời và thiết lập vai trò mới của nữ giới": Nữ quyền khuyến khích người phụ nữ sống độc lập, tự tin, không phụ thuộc đồng thời hướng người phụ nữ có thể tự quyết định cuộc sống chứ không phải làm theo những gì xã hội mong muốn người phụ nữ làm. Không có quan niệm nào dành riêng cho người phụ nữ và cho cả nam giới và việc thực hiện nữ quyền sẽ không làm thay đổi các giá trị truyền thống vốn có nào.

Phong trào nữ quyền ở Việt Nam

- Những năm đầu của thế kỉ XX, trên "Đăng cổ tùng báo" đã có mục "Nhời đàn bà" như một diễn đàn của phụ nữ.

- Cho đến năm 1920, vai trò và những đóng góp to lớn của phụ nữ trong xã hội ngày càng được coi trọng.

- Đến những năm 1930, dưới ảnh hưởng của Đảng cộng sản, vấn đề nữ quyền được gắn với vấn đề dân tộc và giai cấp.

- Vấn đề phụ nữ không chỉ là vấn đề xã hội chung chung mà đã trở thành sự tự nhận thức của chính bản thân phụ nữ với sự xuất hiện rất sớm của tờ báo dành riêng cho phụ nữ đó là "Nữ giới chung" (1918) cũng như sự phát triển của dòng báo phụ nữ trong những năm 1930.

- Sự tự nhận thức của phụ nữ đối với vấn đề nữ quyền cũng như sự phát triển của quá trình nhận thức tư tưởng này trong xã hội Việt Nam đã từng bước mang lại sự thay đổi thực sự cho phụ nữ, cho sự phát triển của phong trào phụ nữ, thúc đẩy phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, các phong trào đòi quyền bình đẳng nam nữ và giải phóng phụ nữ, giải phóng dân tộc, góp phần vào thành công của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam.

Trang bìa của tờ báo Phụ nữ Tân văn số 28, ngày 7/11/1929

Trang bìa của tờ báo Phụ nữ Tân văn số 28, ngày 7/11/1929

Đoạn văn trình bày những hiểu biết về phong trào nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỉ XX

Mẫu 1

Phong trào nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỷ XX đã có những dấu ấn rõ nét và sôi nổi. Những người phụ nữ như Nguyễn Thị Kiêm đã lên tiếng mạnh mẽ, đề xuất những ý kiến mới mẻ và tiến cử những biện pháp cụ thể để giải phóng phụ nữ khỏi bất bình đẳng nam - nữ trong xã hội. Đề cập đến ảnh hưởng Nho giáo và chế độ Pháp thuộc, vẫn có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều điều kiện để phong trào nữ quyền phát triển.

Trên thực tế, phong trào nữ quyền không phải chỉ mới nhen nhóm gần đây mà đã diễn ra từ những năm đầu thế kỷ XX. Các hoạt động xã hội như Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 10 - 1930, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của phụ nữ trong cuộc đấu tranh cách mạng. Các khẩu hiệu đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ cũng được lan truyền rộng rãi vào thời kỳ này.

Điều đáng chú ý là ý thức nữ quyền không chỉ dừng lại ở việc giải phóng phụ nữ khỏi bất bình đẳng mà còn liên kết với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và giai cấp. Điều này cho thấy sự đồng điệu giữa phong trào nữ quyền và các cuộc đấu tranh xã hội và chính trị khác trong thời kỳ đó.

Mẫu 2

Vấn đề nữ quyền là một phạm trù lịch sử. Trải qua mỗi thời đại, vấn đề nữ quyền được nói đến với những biểu hiện cụ thể khác nhau, tuy nhiên, bản chất của sự xuất hiện ý thức nữ quyền trong mọi thời đại đều xuất phát từ bất bình đẳng nam - nữ trong xã hội. Trong cuộc đấu tranh xã hội về quyền con người, sự tiến bộ trong nhận thức đã dẫn đến ý thức về vấn đề nữ quyền.

Thuật ngữ phong trào nữ quyền (Feminism) được Fourier đưa ra lần đầu tiên vào năm 1830 và đến năm 1837 được chính thức đưa vào trong từ điển tiếng Pháp. Trên thế giới đã xuất hiện một số thuyết nữ quyền như nữ quyền tự do, nữ quyền xã hội chủ nghĩa, nữ quyền Mác xít. Trong tiếng Việt, khái niệm quyền cho phụ nữ (women’s right) và nữ quyền (feminism) được gọi như nhau. David Marr đã bàn đến quyền cho phụ nữ trong bài viết khá chi tiết The 1920s Women’s Rights Debates in Vietnam (Tranh luận về quyền phụ nữ ở Việt Nam những năm 1920), trong đó ông nêu tên hai người là Phan Bội Châu và Phạm Quỳnh là những đại diện tiêu biểu sớm lên tiếng về vấn đề quyền phụ nữ ở Bắc Kỳ. Trên thực tế, tờ báo sớm nhất bàn đến vấn đề quyền phụ nữ ở Bắc Kỳ là Đông Cổ tùng báo và sau đó là Đông Dương tạp chí, đều do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Nguyễn Văn Vĩnh đã gửi thông điệp: nữ quyền chính là sự lên tiếng của bản thân phụ nữ về các vấn đề của mình.

Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện một quan điểm mới trong việc nhìn nhận vấn đề nữ quyền. Đó là quan điểm hướng tới phụ nữ lao động và gắn vấn đề nữ quyền, giải phóng phụ nữ với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Hơn thế nữa, bước đầu Người đã đề ra những biện pháp cụ thể, thiết thực tiến tới giải phóng phụ nữ, cũng như thực hiện bình đẳng nam nữ. Thời gian hoạt động ở Pháp, những bài báo của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian này đã cho thấy một bức tranh chân thực về đời sống của phần lớn phụ nữ Việt Nam. Khi hoạt động ở Trung Quốc, Người đã dành chuyên mục Phụ nữ đàn trong báo Thanh niên để nói về vấn đề phụ nữ và tuyên truyền, vận động phụ nữ.

Trong Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), 1 trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền là thực hiện nam nữ bình quyền. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng tháng 10 - 1930, Đảng đã ra Nghị quyết về vận động phụ nữ và giải phóng dân tộc: “Lực lượng phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được, cũng như nếu phụ nữ đứng ngoài cuộc đấu tranh cách mạng của công nông thì không bao giờ đạt được mục đích phụ nữ được giải phóng”. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, có một số khẩu hiệu đấu tranh đòi quyền lợi cho phụ nữ: “Quyền đàn bà ngang quyền đàn ông”, “phản đối cha mẹ ép gả”, “phản đối chế độ nhiều vợ”, “Đánh đổ hủ tục khinh thị đàn bà”…

Mẫu 3

Văn bản “Nữ phóng viên đầu tiên” của Trần Nhật Vy chủ yếu viết về nữ sĩ Manh Manh một trong những người con yêu nước, mang tư tưởng lớn. Trong văn học Việt Nam bà cũng là người có những đóng góp to lớn. Cuộc sống phụ nữ Việt Nam thời phong kiến và trong những năm đầu thế kỉ XX gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Như trong thời kì chế độ phong kiến, phụ nữ Việt Nam không được phép đi học không được phép ra ngoài chơi mà phải ở nhà chăm con, làm việc nhà. Khi đến đầu thế kỉ XX, những người phụ nữ vẫn luôn bị chèn ép đủ đường bởi chính sách hà khắc của chế độ phong kiến.

Về phong trào nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, trong buổi nói chuyện ở Hội chợ phụ nữ được tổ chức tại vườn Tao Đàn, bà nói: “Đối với những người như chúng tôi đây, ngu mà muốn học cho khôn, dốt mà muốn học cho giỏi, không biết mỹ thuật mà biết yêu mến mỹ thuật, không biết văn chương mà muốn cảm mến văn chương thì Nữ lưu học hội thiệt là cần ích cho chúng tôi lắm”. Tại Huế, trong bài nói chuyện “Dư luận nam giới với phụ nữ tân tiến”, bà nói: “Chủ nghĩa phụ nữ là làm thế nào để giải phóng phụ nữ khỏi những lễ giáo hủ bại, binh vực quyền lợi cho phụ nữ, kiếm những cách sinh hoạt cho chị em để sự sống của mình được hoàn toàn hơn, và nâng cao trình độ trí thức của mình”. Làm vậy là bởi khi ấy vẫn còn quan niệm: “Đến thế kỷ thứ 20 đàn bà An Nam lại có nảy sanh một số người quái gở! Họ vượt ra khỏi buồng the, chẳng theo lễ giáo cũ: họ cũng đi học đi làm như đàn ông. Họ tự do đi, đứng, nói cười, ra giữa công chúng vợt banh, đá cầu, lập hội hè, đến chỗ đông mà tranh cãi”.

Tại hội quán Khai Trí Tiến Đức Hà Nội bà nói: “Đàn bà tân tiến là đàn bà mới, biết đi theo trào lưu xã hội, theo thời đại văn minh hiện chừ” và người đàn bà ấy chỉ “xin ngang hàng với đàn ông, xin được đồng một phẩm giá làm người trong xã hội”. Buổi nói chuyện tại Hà Nội của bà được báo chí Hà Nội ghi nhận: “Tối hôm thứ bảy vừa rồi, cái lối cô Kiêm lên diễn đàn, công chúng đã ồ ạt kéo đến hội quán phố Hàng Trống như nước chảy, lũ lượt bọn năm bọn ba, ông có, bà có, trai có, gái có, đến nỗi mấy bác nhà quê đi đường ngơ ngác hỏi nhau: họ đi xem hội gì đông thế?”. Tờ Ngọ Báo viết: “Trong nơi diễn đàn, ngày thường lỏng chỏng mấy bàn tổ tôm điếm, coi rộng thênh thang, hôm nay đà gấp đôi thế cũng chẳng đủ chỗ cho công chúng đứng, ngồi. Trên gác, dưới nhà, không một chỗ hở...”. Sự thành công của bà Nguyễn Thị Kiêm đã tạo ra một phong trào phụ nữ mới hết sức sôi nổi, thúc đẩy các bà tham gia nhiều hoạt động xã hội ở Sài Gòn, Hà Nội từ những năm thế kỉ XX.

Phong trào nữ quyền ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua để đạt được sự bình đẳng giới thực sự. Việc giải quyết những vấn đề này đòi hỏi nỗ lực chung của toàn xã hội, từ chính phủ, các tổ chức xã hội đến mỗi cá nhân.

Các nguồn tư liệu tham khảo

Trên đây là một số thông tin gợi ý chi tiết của Đọc tài liệu cho cách viết đoạn văn trình bày những hiểu biết về phong trào nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.

Tham khảo thêm các bài viết cùng chủ đề:

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM