Tài liệu sau đây sẽ giúp các em nắm được cách viết đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh để thấy được nước ta là quốc gia có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng trải dài khắp đất nước.
Dàn ý đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh
Các em có thể thử viết đoạn văn ngắn giới thiệu về một danh lam, thắng cảnh ở địa phương em dựa theo khung dàn ý như sau:
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về danh lam thắng cảnh: Tên gọi, vị trí địa lý, giá trị lịch sử - văn hóa,...
- Cảm nhận chung của em về danh lam thắng cảnh, ý nghĩa đối với địa phương.
2. Thân bài
a) Giới thiệu khái quát về danh lam thắng cảnh
- Vị trí địa lý: Nằm ở đâu?
- Diện tích: Bao nhiêu?
- Khung cảnh xung quanh: Như thế nào?
- Phương tiện di chuyển: Cách di chuyển như thế nào?
- Nguồn gốc, lịch sử phát triển
b) Giới thiệu chi tiết về danh lam thắng cảnh
- Đặc điểm tự nhiên
- Đặc điểm văn hóa, lịch sử
- Giá trị lịch sử - văn hóa của danh lam thắng cảnh?
3. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị và vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh.
- Nêu cảm xúc của em về danh lam thắng cảnh.
Lưu ý: Muốn viết được một đoạn văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay thì trước hết phải đến tận nơi quan sát hoặc tra cứu sách vở, hỏi những người xung quanh để nắm thật vững về đối tượng. Đoạn văn cũng nên có bố cục rõ ràng. Lời giới thiệu cũng nên kèm theo bình luận, miêu tả… để bài văn thêm sinh động. Thông tin trong đoạn phải dựa trên cơ sở kiến thức đáng tin cậy, phương pháp thích hợp.
Dưới đây là một số đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh mẫu mà các em có thể tham khảo nhé:
Top 7 đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh
Đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh mẫu 1: Hồ Gươm
Hồ Gươm (hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm) là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất của thủ đô Hà Nội.
Hồ Gươm nằm ở trung tâm thành phố, giữa hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Hồ có diện tích khoảng 1,6 ha, chu vi khoảng 1,760m, được bao quanh bởi các con phố như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Hàng Đào,... Hồ Gươm có hình chữ nhật, nước trong xanh, có nhiều cây xanh và hoa lá. Hồ Gươm có nhiều đặc điểm nổi bật, trong đó nổi bật nhất là truyền thuyết về vua Lê Lợi trả gươm thần cho Rùa Vàng. Truyền thuyết kể rằng, sau khi đánh thắng giặc Minh, vua Lê Lợi đang dạo chơi trên hồ thì gặp một con rùa vàng nổi lên, ngậm thanh gươm báu dâng cho nhà vua. Vua Lê Lợi nhận lấy thanh gươm và đặt tên là "Long Quân".
Ngoài ra, Hồ Gươm còn có nhiều di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng như đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, cầu Thê Húc,... Đây là những di tích gắn liền với lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hồ Gươm là một địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm. Hồ mang một vẻ đẹp thơ mộng, cổ kính, là niềm tự hào của người dân thủ đô Hà Nội.
Đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh mẫu 2: Chùa Một Cột
Chùa Một Cột là công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với những giá trị về văn hóa, lịch sử của dân tộc. Chùa Một Cột không chỉ được đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc nhất ở Việt Nam cũng như Châu Á mà còn được biết đến là điểm đến tâm linh, trở thành biểu tượng văn hóa ngàn năm của thủ đô Hà Nội.
Chùa Một Cột còn có tên gọi khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài, ngôi chùa nổi tiếng bởi kiến trúc xây dựng rất độc đáo, toàn bộ chùa được xây dựng trên một cột trụ bằng đá cao khoảng 4m. Ngôi chùa được khởi công xây dựng vào thời Lý trên đất thôn Thanh Bảo thuộc huyện Quảng Đức và nằm ở phía Tây của Hoàng Thành Thăng Long xưa. Ngày nay chùa nằm ở phố Chùa Một Cột, cạnh Quảng trường Ba Đình - Lăng Chủ Tịch.
Chùa Một Cột được xây dựng dựa theo cảm hứng từ giấc mộng của vua Lý Thái Tông. Trong mơ vua thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài hoa sen và được mời lên đài. Khi tỉnh dậy vua kể lại giấc mơ cho triều thần nghe và được nhà sư Thiên Tuế khuyên nên xây chùa. Vì vậy vào mùa đông năm 1049 vua Lý Thái Tông cho xây dựng chùa. Để tạo nên chùa Một Cột Vua đã cho dựng một cột đá giữa hồ và xây đài hoa sen có tượng Bồ Tát Quan Thế âm ở trên.
Sau khi dựng chùa, vua Lý Anh Tông thường lui tới cầu phúc và làm việc thiện vậy nên ít sau đó hoàng hậu mang thai sinh ra một hoàng tử tuấn tú. Nhờ sự ra đời thần kì của hoàng tử mà vua đã coi đó là ân huệ mà trời đất ban cho nên đã cho xây một ngôi chùa khác bên cạnh chùa một cột để tạ ơn. Cụm di tích này được đặt tên Diên Hựu Tự với mong muốn "phước lành dài lâu".
Vì muốn trùng tu lại chùa nên năm 1105 vua Lý Nhân Tông cho người xây dựng lại và dựng thêm hai tháp lợp sứ trắng trước sân. Ba năm sau Nguyên Phi Ỷ Lan lệnh cho người đúc "Giác thế chung" để thức tỉnh lòng thế nhân.
Chùa Một Cột là di tích lịch sử có giá trị nghệ thuật và được đánh giá cao không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Thật vậy, vào năm 1962 chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia và đến năm 2012 chùa Một Cột đã xác lập kỷ lục là "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á" bởi tổ chức Kỷ lục châu Á.
Chùa Một Cột được mệnh danh là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo một không hai bởi chùa Một Cột mang dáng vẻ của một đóa sen lớn đang vươn mình khỏi mặt nước, hình tượng bông sen gợi cho người ta sự thuần khiết cao quý, sáng trong thuần túy. Toàn bộ không gian chùa được đặt trên một trụ đá cao 4 mét do hai khối đá cấu thành hợp với nhau có đường kính 1, 2 mét dưới hồ Linh Chiểu. Ao nước phía dưới chùa được bao quanh bởi lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh với những họa tiết hình khối. Mái chùa lợp ngói cổ với theo kiểu hình đao cong vút và trên đỉnh đắp hình rồng thể hiện sức mạnh thần thánh, quyền uy lẫm liệt.
Chùa Một Cột đã trở thành một trong những biểu tượng mang đậm tính dân tộc, là địa điểm tham quan nổi tiếng của thủ đô Hà Nội. Chùa không những nổi tiếng trong nước mà còn được rất nhiều khách tham quan, du lịch quốc tế tìm đến để tham quan, thưởng thức nét đẹp độc đáo đậm chất văn hóa bản sắc dân tộc.
Đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh mẫu 3: Thành phố Đà Nẵng
Em sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Và em khẳng định rằng điều đó là hoàn toàn đúng bởi sự phát triển, môi trường sống, cảnh trí thiên nhiên, và nhiều những yếu tố khác đều làm cho em yêu thích và tự hào không thôi.
Đà Nẵng là một thành phố thuộc dải đất miền trung, với điều kiện không thuận lợi, đất xen lẫn cát, việc canh tác gặp nhiều trở ngại, thời tiết cực đoan với 4 mùa không rõ rệt, trong đó khắc nghiệt nhất là mùa hè với cái nắng đổ lửa đặc trưng kéo dài tận mấy tháng trời. Nhưng bỏ qua tất cả những khó khăn, thì Đà Nẵng thực sự là một nơi rất đẹp, rất đáng sống, nơi đây được mệnh danh là thành phố của những cây cầu nổi tiếng và độc đáo. Cho đến giờ phút này em đã đi qua 12 cây cầu của Đà Nẵng, trong đó ấn tượng nhất là những cái tên như Cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước và có cả cầu vượt Ngã Ba Huế, với quy mô và tầm cỡ khu vực. Đặc biệt Đà Nẵng còn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trong nước cũng như ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm. Đó là chùa Linh Ứng bên cạnh bán đảo Sơn Trà với kiến trúc độc đáo, nguy nga, cùng tượng phật bà Quan Thế Âm cao 67 mét, thềm tầm nhìn đẹp hướng ra biển Đông bao la và ngọn Hải Vân mờ mờ phía xa. Nổi danh không kém là khu danh thắng Ngũ Hành Sơn nổi tiếng với những ngôi chùa cổ và hệ thống hang động bậc thang kỳ thú.
Ngoài ra còn có khu dịch Bà Nà Hill với lối kiến trúc Pháp, Anh độc đáo, kết hợp với các loại hình vui chơi nghệ thuật vô cùng thu hút. Sống ở Đà Nẵng mảnh đất thân yêu này, em cảm nhận rõ ràng được không khí của một cuộc sống bình thản, không quá xô bồ, vội vã, đặc biệt là người dân cực kỳ thân thiện, dễ mến. em thích nhất là những ngày thứ bảy, chủ nhật được cha mẹ dẫn ra bờ sông Hàn ngắm cảnh, hóng gió, nhìn cầu sông Hàn lấp lánh, cầu Rồng phun lửa, và cảm nhận sự tươi mắt thư thái mà dòng sông mang lại, cảm nhận sự náo nhiệt từ những người đi bộ, em lại càng thêm yêu cuộc sống nơi đây.
Đà Nẵng là một thành phố đẹp, cũng là nơi em yêu thương và vô cùng gắn bó. Nếu có một ngày phải rời xa nơi này, em sẽ vẫn luôn nhớ về nó, dành cho mảnh đất này một vị trí đặc biệt trong trái tim và mang nó theo suốt cuộc đời.
Đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh mẫu 4: Vịnh Hạ Long
Hiện nay, Việt Nam được biết đến không chỉ là một nước đầy tiềm năng với thị trường kinh tế phát triển mà còn là một địa điểm du lịch nổi tiếng với cảnh đẹp hùng vĩ đẹp chạm đến lòng người. Được UNESCO công nhận là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, vẻ đẹp của vịnh Hạ Long dường như thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Vịnh Hạ Long- một địa điểm thiên nhiên tuyệt đẹp, thuộc tỉnh Quảng Ninh ở phía Đông Bắc Việt Nam. Vịnh với diện tích khoảng hơn 1500 km2 với hơn 1600 các đảo lớn nhỏ. Đây là một di sản vô cùng độc đáo bởi nó đánh dấu những mốc lịch sử quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của lịch sử Việt Nam; đồng thời, nó được mẹ thiên nhiên ban tặng những cảnh đẹp vô cùng. Bên cạnh đó, chuyến đi tới Hạ Long sẽ không thể hoàn hảo nếu như bạn bỏ lỡ đảo Bồ Hòn- căn nhà của các loài thực và động vật, đỉnh núi Yên Tử, hang Sửng Sốt và hòn Trống Mái. Hơn nữa, Hạ Long còn có khí hậu ẩm ướt, nhiệt đới rất phù hợp cho khách du lịch đến thăm bất cứ lúc nào. Đến với Hạ Long, bên cạnh việc hòa mình vào thiên nhiên đầy thơ mộng, du khách còn có cơ hội thưởng thức những đồ biển ngon với giá cả hợp lí và sự phục vụ tốt nhất cũng như có thể thư giãn với các trò chơi dưới nước như bơi lội, lặn, lướt ván... Không chỉ vậy, người dân đại phương còn rất thân thiện và hiếu khách và sẵn sàng giúp đỡ người khác nếu họ đang gặp khó khăn. Và vì vậy, một Hạ Long huyền bí, mơ mộng và thanh lịch đã trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam và đó là ý thức và trách nhiệm của mỗi con người bảo tồn và giữ gìn di sản văn hoá quý giá này.
Đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh mẫu 5: thị trấn Sa Pa
Sa Pa là một thị trấn vùng cao, là một khu nghỉ mát nổi tiếng thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Nơi đây ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên, phong cảnh thiên nhiên với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng cây, tạo nên bức tranh có bố cục hài hoà, có cảnh sắc thơ mộng và hấp dẫn từ cảnh quan đất trời vùng đất phía Tây Bắc. Sa Pa nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38 km và 376 km tính từ Hà Nội. Mặc dù phần lớn cư dân huyện Sa Pa là những người dân tộc thiểu số, nhưng thị trấn lại tập trung chủ yếu những người Kinh sinh sống bằng nông nghiệp và dịch vụ du lịch. Sa Pa có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm. Thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông. Sa Pa thành phố mờ hơi sương, với biết bao thắng cảnh đẹp đẽ làm say mê lòng người. Ta biết đến một Phanxiphang hùng vĩ, nóc nhà của Đông Dương, những triền đồi vàng óng khi đến mùa lúa được thu hoạch và cũng không thể không nhắc đến khu du lịch Hàm Rồng nổi tiếng vừa hùng vĩ mà cũng rất đỗi nên thơ, trữ tình. Núi Hàm Rồng nằm ngay trung tâm thị trấn Sa Pa, điểm thấp nhất của núi lên đến 1450m, và cao nhất là 1850 m so với mực nước biển. Núi Hàm Rồng rất hùng vĩ, đan xen nó là các kiểu núi khác nhau, với màu xanh bạt ngàn của cây cối phủ kín bốn phương. Sa Pa còn có nhà thờ cổ ở ngay thị trấn và từ thị trấn đi ngược về hướng đông bắc, trên đường đi tới động Tả Phìn lại có một tu viện được xây gần toàn như bằng đá tại một sườn đồi quang đãng, thoáng mát. Khám phá thêm về Sa Pa, ta còn được ghé thăm thác Bạc, nước ở trên cao đổ xuống theo sườn núi tựa như một dải lụa trắng hay thung lũng Mường Hoa có 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa cách đây hàng ngàn vạn năm khiến chúng ta chìm đắm. Vì vậy, Sa Pa chính là một nơi mà bạn nhất định phải ghé thăm một lần trong đời.
Đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh: chùa Tam Thanh
Chùa Tam Thanh chính là một trong những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử không thể bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất Lạng Sơn. Thật vậy, chùa được mệnh danh là "Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng" nhờ có vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ như chốn bồng lai tiên cảnh và cũng là một địa chỉ du lịch tâm linh lâu đời trứ danh. Về vị trí địa lý, chùa Tam Thanh tọa lạc ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn và là một ngôi chùa cổ nằm trong hang động núi đá Tam Thanh. Về những giá trị của ngôi chùa, chùa Tam Thanh không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc mà còn có ý nghĩa về mặt tín ngưỡng, tôn giáo quan trọng đối với người Việt.
Đến với chùa Tam Thanh, du khách không chỉ lễ Phật mà sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Trên nền trời mây phủ quanh năm, giữa trùng điệp núi non hiểm trở hoang sơ, chùa hiện lên với vẻ đẹp tựa chốn bồng lai, tiên cảnh, đem lại cảm giác huyền bí và thanh bình cho mỗi du khách khi đến với đất Phật ở chốn biên cương. Trên thực tế, để vào được trong chùa, du khách phải bước qua 30 bậc đá được người xưa đục sâu vào sườn núi để làm lối đi. Cứ mỗi bước chân đi lên, cảnh sắc xung quanh cũng dần thay đổi. Những hàng cây ven đường khá um tùm và rậm rạp. Vách đá hai bên đường khá dốc. Vào cửa động, đi qua cổng Tam quan, du khách sẽ được đắm chìm vào không gian tâm linh. Từng gian thờ Phật được đặt ở nhiều vị trí khác nhau, vô cùng uy nghiêm và trang trọng. Động Tam Thanh là hang động núi đá vôi với kiến trúc độc đáo, tạo nên cảnh sắc tựa như không có thực ở trần gian. Vách động trước cửa hang có bài thơ của Ngô Thì Sĩ đã ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của đất trời. Bài thơ có đoạn viết: "Suối trong tuôn chảy trong hàng trăm mỏm đá như đang trò chuyện. Quay lưng nhìn lại ngọn núi phía trước thấy hòn Vọng Phu".
Ngoài ra, ấn tượng nhất với du khách có lẽ là tượng Phật A di đà màu trắng. Pho tượng được tạc thẳng vào vách đá trong tư thế đứng trong hình lá đề. Tượng Phật mang phong cách kiến trúc Phật giáo thời Lê - Mạc. Tượng cao 202cm, rộng 65cm trong tư thế áo cà sa buôn dài, chân định tuệ, tay chỉ xuống đất. Chẳng những thế, bên trong chùa, còn có nhiều dấu ấn văn hóa – lịch sử được thể hiện rõ nét qua nhiều bài thi, phú của các bậc tiền nhân. Vào sâu trong hang động, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hồ nước trong xanh, thác nước rả rích đêm ngày tuyệt đẹp. Nổi bật nhất là hồ Âm Ty, hồ nước đẹp nhất trong quần thể hang động ở Tam Thanh. Quanh năm, hồ Âm Ty quanh có màu nước xanh tươi, được bao phủ bởi những nhũ đá lung linh.
Chùa Tam Thanh là địa điểm du lịch và là chốn dừng chân của đất Phật không thể bỏ qua khi đến với Lạng Sơn. Con người sẽ thực sự đắm chìm vào cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và không gian văn hóa tâm linh. Và câu ca dao về địa danh Lạng Sơn gắn liền với chùa Tam Thanh đã gắn bó với bao nhiêu thế hệ người Việt Nam bởi nó còn được in trong sách giáo khoa:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Nguồn: Sưu tầm & tổng hợp.
Trên đây là hướng dẫn viết đoạn văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh giúp các em có thể nắm chắc cách viết đoạn văn giới thiệu một danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều bài văn thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở địa phương em đang đợi các em khám phá nhé!