Đoạn văn nghị luận về hiện tượng lũ lụt miền Trung

Xuất bản: 22/12/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn viết đoạn văn nghị luận về hiện tượng lũ lụt miền Trung (mẫu đoạn văn 200 chữ) trong đề tài nghị luận xã hội về lũ lụt.

Đoạn văn nghị luận về hiện tượng lũ lụt miền Trung có lẽ sẽ là một đề tài khá dễ có trong đề thi học kì sắp tới của các em, vậy cùng Đọc tài liệu xem hướng dẫn cách viết để đạt điểm cao nhé:

Đoạn văn nghị luận về hiện tượng lũ lụt miền Trung

Đề bài: Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng lũ lụt.

Với đề tài này các em cần xác định vấn đề nghị luận ở đây là hiện tượng lũ lụt. Và ta hoàn toàn có thể liên hệ ngay tới sự kiện lũ lụt ở miền Trung vừa qua. Cùng tham khảo hướng dẫn làm bài chi tiết sau đây để hiểu rõ đề tài này:

Hướng dẫn viết đoạn văn nghị luận về hiện tượng lũ lụt

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn 200 chữ

Có đủ các câu mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Câu mở đoạn nêu được vấn đề, các câu thân đoạn triển khai được vấn đề, câu kết đoạn chốt được vấn đề.

b. Bàn luận vấn đề

- Giới thiệu vấn đề: hiện tượng lũ lụt.

Có thể đi thẳng vào thực trạng để đưa ra vấn đề:

Mở bài (mở đoạn) nghị luận về hiện tượng lũ lụt miền Trung: Lũ chồng lũ sau những ngày mưa như trút nước do ảnh hưởng của bão số 5, 6, 7, 8, 9 liên tiếp. Nước dâng cao gần cả tháng trời, hơn 300.000 căn hộ bị ngâm trong nước lũ, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi; động vật và hoa màu bị tàn phá nặng nề. Thiệt hại lớn nhất là về người khiến cả đất nước không khỏi xót xa.

- Nguyên nhân: 

+ Hằng năm miền Trung nước ta là nơi hứng nhiều nhiều cơn bão lớn đổ bộ. Nhưng năm nay, những cơn bão mạnh hơn và có sức tàn phá kinh khủng hơn.

+ Do con người gây ô nhiễm môi trường nặng nề và biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng rõ ràng và nặng nề nhất.

- Hậu quả:

+ Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

+ Gây thiệt hại nặng nề về tính mạng (người dân, chiến sĩ bộ đội đi cứu trợ cứu nạn), ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người.

+ Tàn phá nhà cửa, ruộng vườn, vật nuôi, hoa màu. Hơn hết, lũ kéo theo sạt lở đất, tổn hại lớn tới các công trình đường xá, công trình. -> Thiệt hại kinh tế nặng nề.

- Biện pháp:

+ Cần bảo vệ môi trường để hạn chế tác hại của thiên tai lũ lụt

+ Những căn nhà phao cần được phổ biến rộng rãi hơn.

+ Khi lũ qua đi là lúc cần trợ giúp nhất để người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, từ nhân lực để sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất.

  • Nhà nước cần có những biện pháp kịp thời để cứu trợ bà con.
  • Người dân cần chung tay ủng hộ và giúp đỡ đồng bào.
  • Người dân vùng lũ cần bình tĩnh, không nên hoảng loạn.

- Mở rộng:

+ Có nhiều tấm gương người tốt việc tốt (ca sĩ Thủy Tiên,…) đã không ngại khó khăn, nguy hiểm lao vào tâm lũ để cứu trợ đồng bào, tự đứng ra quyên góp được số tiền lớn để giúp đỡ đồng bào.

+ Người dân cả nước đều hướng về miền Trung, ủng hộ về cả vật chất và tinh thần để giúp đồng bào của mình vượt qua khó khăn.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Một số mẫu đoạn văn nghị luận về hiện tượng lũ lụt miền Trung

Đoạn văn 200 chữ nghị luận về lũ lụt ở nước ta

Lũ lụt là một trong những thảm họa nguy hiểm nhất trên thế giới. Thiệt hại mà nó gây ra không chỉ là tài sản mà còn con người. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt, đặc biệt là miền trung Việt Nam.

Hàng năm có khoảng 10-15 trận lụt xảy ra tại Việt Nam. Lý do chính là mưa lớn với lượng mưa trung bình hàng năm cao. Ảnh hưởng của gió mùa cũng là một lý do khiến Việt Nam phải chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Hơn nữa, bên cạnh biển, thủy triều gây lũ lụt ở nhiều vùng có hệ thống thoát nước kém. Thêm vào đó, sự nóng lên của Trái Đất dẫn tới sự gia tăng mực nước biển và nạn phá rừng làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn.

Lũ lụt phá hủy đất đai, ruộng lúa, nhà cửa, làm hư hại các cơ sở vật chất vùng trung lưu. Mọi người mất nhà và thậm chí cả mạng sống do lũ lụt. Mặc dù Chính phủ và nhân dân cả nước luôn hỗ trợ, đồng hành với nhân dân chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng phải mất rất nhiều thời gian để khôi phục lại cuộc sống đời thường, và lũ sẽ lại xảy ra. Năm nay, với sáng chế nhà phao, rất nhiều hộ dân đã an toàn vượt qua lũ, đây chắc chắn là một dự án cần triển khai và phát triển ở nước ta. Tôi hy vọng rằng trong tương lai Việt Nam sẽ có một giải pháp hiệu quả hơn và người dân địa phương ở khu vực miền Trung sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đoạn văn 200 chữ nghị luận về hiện tượng lũ lụt miền Trung

Miền Trung nước ta bị ảnh hưởng nặng nề khi một loạt trận bão đổ bộ liên tiếp. Nhưng sau bão chĩnh là lũ lụt. Nước dâng cao không ngừng, hàng trăm ngàn hộ dân bị ngập trong nước. Hoa màu vật nuôi bị lũ cuốn mất trắng. Mặc dù các hoạt động cứu hộ đã bắt đầu nhưng không tình hình năm nay lại không giống như mọi năm. Lũ dâng cao quá. Có những hình ảnh được truyền tải trên mạng, đó là hình ảnh được chụp từ trên cao, một số khu vực miền Trung như ngập trong biển nước.

Tài sản mất cả rồi! Một thực trạng đau lòng hơn nữa đó chính là có nhiều người đã thiệt mạng vì bão lũ, trong đó có sản phụ đi đẻ và ba mươi năm cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tại nơi đây. Hậu quả của bão lũ mà ai cũng có thể nhìn thấy chính là đời sống người dân bị tàn phá nặng nề gây thiệt hại lớn về người và của. Tài sản mà họ gây dựng cả đời bị hủy hoại hoàn toàn. Môi trường sinh thái cũng bị phá hủy nghiêm trọng do nước lũ.

Chính vì vậy, Chính phủ và người dân cả nước chung tay, góp sức giúp đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả sau lũ, giúp người dân ổn định cuộc sống nhanh nhất có thể. Chúng ta cần phải lạc quan hơn nữa để vượt qua giai đoạn này đồng thời chúng ta cũng cần tương trợ lẫn nhau để những mảnh đời bớt khó khăn hơn đúng với tinh thần “Tương thân tương ái” của dân tộc.

Hết

Kết thúc 2 đoạn văn nghị luận về hiện tượng lũ lụt miền Trung mà em có thể tham khảo cách thức làm bài, một đề tài tương tự mà các em cần xem thêm đó là nghị luận về sự biến đổi khí hậu và thiên tai.

Dưới đây là một bài viết với tiêu đề: "Tình người trong bão lũ" của báo Nhân dân, đây có lẽ là một bài viết sâu sắc và chân thật nhất để bày tỏ cái nhìn nhận thực tế về những gì mà lũ lụt đã gây ra. Và đâu đó là sự đồng lòng của nhân dân ta trong việc khắc phục lũ lụt, cùng đọc để có rút ra được cho mình những cảm nhận riêng bạn nhé:

Xin được trích nguyên văn bài báo ngày 26-10-2020 trên báo Nhân dân như sau:

(Mở đầu bài viết là phần giới thiệu và nguyên nhân gây ra vũ lụt miền Trung.)

"Miền Trung những ngày tháng 10 oằn mình chống lũ. Lũ chồng lũ sau những ngày mưa như trút nước do ảnh hưởng của bão số 5, 6, 7 liên tiếp.

Các hồ chứa nước thuỷ lợi, thủy điện đồng loạt xả tràn khiến cho hạ lưu như một túi nước lớn, đầy tràn khắp vùng.

(Hậu quả mà lũ lụt đem đến)

Nước, nước, trắng trời nước, đâu đâu cũng mênh mang nước. Nước dâng lên tận mái nhà, nước biến đường thành sông, nước quét đi tất cả của cải, hoa màu, trâu, bò, lợn, gà.

Chấp chới những cánh tay kêu cứu qua mái ngói, những thân người nửa chìm nửa nổi, những gương mặt hoảng sợ, thất thần của những cụ già, em nhỏ, những tiếng khóc xé ruột của các em bé khát sữa, đói ăn, những tiếng gào khóc ai oán của những gia đình mất đi người thân do chìm trong lũ dữ hay vùi sâu trong bùn đất.

Tang thương chồng tang thương, quặn lòng khi nhìn những đám tang tập thể của các chiến sĩ hy sinh khi đi cứu nạn, những vành khăn trắng không thể nhiều hơn ở bất cứ một đám tang nào với những tiếng khóc lặng, nấc nghẹn của người thân ngất lả đi vì đau thương quá sức chịu đựng...

Cả nước đau thương vì mất mát, tổn thất quá lớn của quân đội trong thời bình và của những người thiệt mạng do bão lũ, sạt lở đất trong những ngày qua.

(Tinh thần dân tộc, tương thân tương ái của toàn thể nhân dâ Việt Nam hướng về miền Trung)

Tình dân tộc - nghĩa đồng bào trong năm 2020 đầy biến động một lần nữa lại bùng cháy sau dịch Covid-19.

Một làn sóng mang tên “nhân đạo, từ thiện” dâng lên mạnh mẽ trong cộng đồng, chạy đua với lũ bão để giúp đồng bào ở vùng thiên tai. “Khúc ruột miền trung” đau đã làm đau cả nước.

Đâu đâu cũng quyên góp, ai ai cũng muốn chung tay chia sẻ, từ miếng cơm, tấm áo, chai nước, lọ dầu đến những vật dụng cần thiết nhất cho cuộc sống để giúp người vùng lũ vượt qua cơn hoạn nạn.

Ai cũng trở thành mạnh thường quân, từ cô ca sĩ bé nhỏ đến những vận động viên, từ em học sinh góp giấy “kế hoạch nhỏ” hay đập heo đất đến những cụ già còng lưng cõng thùng mì, quần áo cũ đến đóng góp ở điểm tiếp nhận cứu trợ, từ nguồn của cán bộ, công nhân đóng góp từ ngày công, ngày lương đến nguồn của những tập đoàn lớn hàng nghìn tỷ đồng.

Đâu đâu cũng sáng đèn, thâu đêm chuẩn bị hàng cứu trợ. Chưa phải Tết mà ở đâu cũng đỏ lửa nấu bánh tét, bánh chưng để giúp người vùng lũ.

Bếp tình thương với hàng nghìn suất cơm của các chị, các mẹ gửi cho đoàn cứu nạn, gửi qua đội cứu hộ đến những nơi sơ tán, những người còn kẹt lại trong ngôi nhà nước vẫn đang dâng cao dần. Có lẽ đã lâu rồi đồng bào vùng lũ mới trải qua cơn đói, cái rét khủng khiếp như vừa qua.

(Một số vần đề cần khắc phục sau lũ)

Làm gì để giúp được người dân miền trung chống chọi cơn bão số 8, số 9 đang đến gần và “đứng lên” sau cơn cuồng phong của “mẹ thiên nhiên” những ngày qua?!

Tổn thất thật nặng nề. Nguồn lương thực dự trữ tại chỗ đã hết, sức khoẻ cũng đã cạn kiệt khi phải gồng mình chống lũ gần 10 ngày qua nhất là người già, phụ nữ, trẻ em trong điều kiện thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu chăn màn, quần áo ủ ấm.

Nước sạch, vệ sinh và thực phẩm dinh dưỡng để không bị bệnh hoặc lây nhiễm bệnh là điều ai cũng cần lúc này.

Những chai dầu gió, thuốc cảm sốt, nước sát khuẩn, khăn, giấy, băng vệ sinh, sữa, đường, ... đều rất cần cho người già, phụ nữ, trẻ em lúc này.

Ở những nơi bị ngập sâu, khó di chuyển, đội cứu hộ của chính quyền, quân đội đảm bảo việc cung cấp lương thực cho người dân và thường trực lực lượng cứu nạn tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu các tình huống nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Những nơi nước ngập ít hoặc đã rút, có thể tiếp cận bằng xuồng nhỏ, lội bộ, lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ, đoàn thanh niên kết hợp cán bộ địa phương sẽ hướng dẫn các nhóm thiện nguyện tiếp cận trao quà cứu trợ trực tiếp hoặc tiếp nhận tại trạm và phân phát theo nhu cầu đồng thời huy động lực lượng giúp người dân vệ sinh môi trường, nhà cửa, vật dụng để họ sớm trở về nhà từ điểm sơ tán.

Khi nước rút hết là lúc cần trợ giúp nhất để người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, từ nhân lực để sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất đến vật lực (tiền mặt, dụng cụ sinh hoạt gia đình, dụng cụ sản xuất, cây giống, con giống), hỗ trợ tâm lý và chăm sóc sức khỏe cho người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật, người mắc bệnh nan y và các đối tượng dễ tổn thương trong vùng.

Chung tay cùng chính quyền địa phương, nhà trường sửa chữa, dọn dẹp trường học, hỗ trợ sách giáo khoa, bút vở cho thầy cô và học sinh các cấp để sớm trở lại trường học.

Hỗ trợ các cơ sở y tế cộng đồng, nhà bảo trợ người già cô đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật vệ sinh môi trường và kinh phí sinh hoạt.

Những vùng bị thiệt hại nặng nề, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần hỗ trợ kinh phí dựng lại nhà cửa, cấp lương thực trong thời gian dài khi sản xuất chưa phục hồi.

Công tác tái thiết sau thiên tai là công việc rất lớn, chính phủ, nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cần chung tay để khắc phục hậu quả sớm nhất, giúp người dân miền trung sớm ổn định cuộc sống và phát triển sinh kế.

(Vấn đề cấp thiết trong công tác cứu trợ cứu nạn)

Bài học gì rút ra từ công tác cứu trợ trong cơn “đại hồng thuỷ”, Chính phủ, MTTQ, chính quyền các cấp sẽ đánh giá và rút kinh nghiệm để việc phòng ngừa ứng phó thiên tai được chuyên nghiệp, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Các hội, nhóm từ thiện, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động cứu trợ các tỉnh miền trung cũng nên tự rút ra bài học kinh nghiệm, biết làm gì và làm vào lúc nào để an toàn, hiệu quả và không “gây rối loạn” ở vùng lũ như vừa qua.

Nên đặt niềm tin vào chính quyền địa phương và các tổ chức nhân đạo uy tín như Hội Chữ thập đỏ các cấp, yêu cầu giúp đỡ trước khi đi cứu trợ để được hướng dẫn đến đúng nơi, đúng địa chỉ, không bị rủi ro bất trắc, mất an toàn về người và của cải, không lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.

Đã có những chuyến hàng cứu trợ bị lật trước khi đến nơi khiến công sức của bao người bị “đổ xuống sông xuống biển”, đã có người bị chết, bị thương nặng do tai nạn trên đường đến nơi cứu trợ khiến mọi người rất xót xa.

Và cũng có rất nhiều hàng cứu trợ nhất là thức ăn (cơm hộp, cháo, bánh...) đã hỏng phải bỏ đi trước khi cấp cho người đang đói, làm ô nhiễm thêm môi trường.

Nhiều nhà đã có hàng trăm gói mì tôm và các vật dụng được cho, không có chỗ cất trong khi nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn hơn đang ngóng chờ trợ giúp từng giờ.

Hãy làm thiện nguyện bằng “trái tim nóng và cái đầu lạnh” và đừng làm theo phong trào, đừng thấy việc làm của mình là “cao cả” mà chà đạp lên những giá trị khác nhất là giá trị đạo đức, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ ở vùng lũ.

Họ đã mất mát, hy sinh, vất vả và làm hết sức mình để giúp dân, cứu dân trong những ngày bão lũ vừa qua và những ngày sắp tới, trong khi gia đình họ cũng đang rất cần họ mà họ phải làm nhiệm vụ không giúp được gì cho gia đình.

Theo “mệnh lệnh từ trái tim” “vì nhân dân quên mình”, nhiều người lính thời bình đã hy sinh, để lại nỗi tiếc thương, đau khổ cho gia đình, người thân, đồng đội, đừng làm họ đau thêm, buồn thêm và mất mát thêm nữa.

Hãy làm “việc thiện bằng cái tâm nguyện” như ca sĩ Thuỷ Tiên đang làm. Đừng livestream về những điều không được như ý và phát ra những lời không hay, những trách cứ vô căn cứ như nhóm từ thiện phong trào nào đó đã làm khi yêu cầu lực lượng cứu hộ dùng ca nô trực chiến đưa đi phát mì tôm, hàng cứu trợ không được đáp ứng bởi nhiệm vụ của họ là “trực chiến cứu nạn”.

Hãy nghĩ đi nếu lúc đó họ giúp đoàn thì khi được yêu cầu đi cứu người phụ nữ đang trở dạ, người già đang hấp hối phải đưa đi gấp bệnh viện thì bỏ người và hàng cứu trợ ở đâu để đi làm nhiệm vụ và ai sẽ bị kỷ luật, chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra thay họ.

Họ đang làm nhiệm vụ và kỷ luật quân đội là “kỷ luật thép”, đừng làm phiền họ.

Thiên tai thảm họa rồi sẽ qua, dù để lại hậu quả lớn đến đâu nhưng Tình người trong cơn bão lũ đã tỏa sáng, lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng. Hãy tiếp tục nhân lên tinh thần và giá trị đó theo đạo lý ngàn đời của người Việt Nam “thương người như thể thương thân” để đem đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân vùng lũ miền trung.

Sau cơn mưa trời lại sáng!"

Trích theo báo Nhân dân.

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu xong hướng dẫn viết đoạn văn nghị luận về hiện tượng lũ lụt miền Trung cùng một trong những tài liệu tham khảo bổ trợ tốt nhất cho bài làm của các em. Chúc các em hoàn thiện bài làm của mình thật tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM