Đoạn văn nghị luận thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra

Xuất bản: 07/03/2023 - Tác giả:

Đoạn văn nghị luận thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra (200 chữ) với dàn ý hướng dẫn chi tiết giúp các em hoàn thành câu hỏi nghị luận này.

Vùng an toàn là giới hạn, ranh giới mà con người tự đặt ra cho mình, ở đó họ sống thoải mái, bình yên mà không có bất kỳ sự thay đổi hay đột phá nào; là môi trường sống quen thuộc, không có những áp lực nặng nề hay mang tính mạo hiểm và con người có thể kiểm soát được vấn đề xảy ra.

Với những người đang sống trong vùng an toàn của bản thân, họ có thể thoát ra khỏi đó bằng nhiều cách khác nhau:

- Điều trước tiên và quan trọng nhất mà họ cần chính là sự dũng cảm. Dũng cảm để đối mặt với  thực tế, với xã hội xô bồ ngoài kia, dũng cảm để chuẩn bị tâm lí sẵn sàng nhất cho mọi tình huống xảy ra.

- Hãy thực hiện những ước mơ, mục tiêu lớn lao mà bản thân đặt ra dù chúng có vượt xa khả năng của mình như thế nào. Chỉ khi ta dám nghĩ, dám thực hiện ta mới biết được giới hạn của mình ở đâu, mới khám phá được năng lực thật sự của bản thân.

Vậy cùng Đọc tài liệu tham khảo nội dung hướng dẫn cách viết đoạn văn nghị luận xã hội những điều bản thân cần làm để thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra:

Dàn ý tham khảo

1. Dàn ý đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về những điều bản thân cần làm để thoát ra khỏi vùng an toàn

Yêu cầu về hình thức: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

Yêu cầu về nội dung:

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Những điều bản thân cần làm để thoát ra khỏi vùng an toàn.

- Triển khai vấn để nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được suy nghĩ về những điều bản thân cần làm để thoát ra khỏi vùng an toàn.  Có thể theo hướng sau:

  • Vùng an toàn là giới hạn, ranh giới con người tự đặt ra cho mình. Ở nơi đó ta có được trạng thái thoải mái, bình yên mà không có bất kì sự thay đổi hay đột phá nào. Tuy nhiên, việc ở quá lâu trong vùng an toàn sẽ khiến cuộc sống của chúng ta dần trở nên nhàm chán, trì trệ, thậm chí là thất bại. Vì vậy, ta cần phải học cách để thoát ra khỏi vùng an toàn đó.
  • Để thoát ra khỏi vùng an toàn, chúng ta cần phải dũng cảm đối diện với những khó khăn, thách thức ở phía trước; vượt qua nỗi sợ hãi thất bại; tự tin vào chính mình; thử thách bản thân ở một môi trường mới, một lĩnh vực mới; thay đổi những thói quen cũ, hành động theo một cách thức mới; coi đó là cơ hội để trải nghiệm, trưởng thành …

- Liên hệ và rút ra bài học cho bản thân.

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

2. Dàn ý đoạn văn 200 chữ nghị luận về có những lúc cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra

Yêu cầu về hình thức

- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ

- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu

- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận. Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Yêu cầu về nội dung

Giới thiệu vấn đề. Giải thích vấn đề.

- Vùng an toàn: môi trường thân thuộc với mỗi con người, nơi chúng ta luôn cảm thấy tự do, thoải mái, tự tin nhất để thể hiện bản thân.

Bàn luận vấn đề:

- Tại sao phải bước ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra?

+ Thế giới liên tục biến đổi, khiến cho những điều ta đã biết trở nên lỗi thời, bởi vậy nếu không bước ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm, nâng cao hiểu biết của bản thân ta sẽ tụt lại phía sau.

+ Vùng an toàn của chính bạn sẽ khiến bạn nhàm chán, cũ kĩ bước chân ra khỏi nó là cách thức làm mới bản thân, phát hiện những khả năng ẩn kín và đem đến thành công.

- Cần làm gì để bạn có thể bước ra khỏi vùng an toàn?

+ Bước ra khỏi vùng an toàn bạn cần sự dũng cảm, để đối mặt với những khó khăn, thách thức ở phía trước, đối mặt với môi trường mới, đồng nghiệp mới. Bởi vậy dũng cảm trải nghiệm là điều kiện quan trọng nhất để bạn vượt ra khỏi vùng an toàn của mình.

+ Vượt qua nỗi sợ hãi thất bại, tự tin với chính mình, không bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách.

- Bạn sẽ nhận được gì khi bước khỏi vùng an toàn:

+ Ra khỏi vùng an toàn sẽ đem lại cho bạn kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, sáng tạo.

+ Mở rộng mối quan hệ xã hội, tăng cường kĩ năng giao tiếp.

+ Ra khỏi vùng an toàn đem đến cho bạn những trải nghiệm mới mẻ, khám phá, phát hiện ra những năng lực mới của bản thân.

+ Cơ hội để bạn đạt đến thành công.

- Chứng minh: học sinh lấy dẫn chứng phù hợp, có phân tích ngắn gọn.

Tổng kết vấn đề: thay đổi môi trường sống, bước ra khỏi vùng an toàn sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, tạo cơ hội thành công cho mỗi con người.

Đoạn văn tham khảo

Cuộc sống là một vòng tuần hoàn luôn thay đổi, nếu chúng ta cứ sống gò bó trong khuôn mẫu, trong vỏ bọc do bản thân tạo ra, ta sẽ không thể thay đổi và phát triển hơn nữa. Vì vậy, những người trẻ chúng ta nên “thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra”. Vùng an toàn là giới hạn, ranh giới mà con người tự đặt ra cho mình, ở đó họ sống thoải mái, bình yên mà không có bất kỳ sự thay đổi hay đột phá nào; là môi trường sống quen thuộc, không có những áp lực nặng nề hay mang tính mạo hiểm và con người có thể kiểm soát được vấn đề xảy ra. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn những người sống trong vùng an toàn của mình mà không dám thoát ra là các thế hệ trẻ. Đây là một điều rất đáng lo ngại. Tuổi trẻ là khoảng thời gian tươi đẹp nhất, chúng ta có năng lượng, chúng ta có thời gian và hơn hết chúng ta có thừa khả năng học tập những điều mới, vậy cớ sao lại chôn vùi chúng trong vỏ bọc vô hình của bản thân? Con đường đời của mỗi người chưa bao giờ là bằng phẳng, vậy nên chúng ta hãy chấp nhận nó và mở rộng vùng an toàn của bản thân. Thoát ra khỏi vùng an toàn của mình, chúng ta sẽ tích lũy được nguồn kiến thức khổng lồ, những bài học kinh nghiệm đầy giá trị để làm nền tảng cho sự bức phá của bản thân trong những lĩnh vực mới, trong những hướng đi mới. Bước ra khỏi ranh giới của bản thân nghĩa là ta đã hoàn toàn sống độc lập, có khả năng xử lý và giải quyết những tình huống khó khăn, những sóng gió bất ngờ ập đến trên con đường đến đỉnh vinh quang. Khi đập vỡ đi bức tường an toàn ấy, chắc chắn sẽ có những lúc bản thân ta yếu lòng, mệt mỏi hay choáng ngợp vì những thay đổi lớn nhưng đó sẽ là cơ sở để chúng ta rèn luyện tính nhẫn nại, kiên trì bền bỉ, không vì chút khó khăn mà nản lòng hay từ bỏ giữa chừng. Câu chuyện của nữ doanh nhân Hồ Ngọc Trâm khi dám từ bỏ vị trí quản lý nhân sự cấp cao của một công ty nước ngoài để bắt đầu công việc yêu thích của mình là xây dựng nông trại cung cấp nông sản sạch- một công việc hoàn toàn xa lạ với chuyên ngành của chị chính là minh chứng tiêu biểu của việc thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân và thực hiện những điều mới. Quá trình ấy không hề dễ dàng nhưng hiển nhiên chị đã rất thành công. Trái với những tấm gương tiêu biểu ấy, ta vẫn thường bắt gặp trong cuộc sống nhiều thanh niên trẻ vì ngại bị từ chối mà không dám nộp hồ sơ vào các công ty lớn hay sống một cuộc sống lặp đi lặp lại theo quy củ, không có gì đột phá, không có gì thay đổi. Đó là những người suốt cuộc đời chỉ có thể dậm chân tại chỗ và chấp nhận cuộc sống tẻ nhạt, thậm chí là không thể thành công. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra, vậy nên tuổi trẻ chúng ta hãy tập cho mình lối sống hòa nhập với những điều mới, hãy bước khỏi vùng an toàn của bản thân để thành một người bản lĩnh, kiên cường, tràn đầy kinh nghiệm và lòng nhiệt huyết.

Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp.

Vậy là Đọc tài liệu lại giới thiệu thêm cho các bạn hướng dẫn viết đoạn văn nghị luận thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra khá là đầy đủ. Chúc các em có được một đoạn văn phù hợp theo ý mình!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM