Đề bài: Em hãy viết đoạn văn từ 5 đến 7 câu có sử dụng phép so sánh và nhân hóa
Hướng dẫn làm bài:
Để viết được đoạn văn ngắn có sử dụng phép so sánh và nhân hóa thì các em phải ghi nhớ so sánh là gì? nhân hóa là gì và đưa nó vào trong câu văn thích hợp.
- So sánh là đối chiếu 2 hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn.
Gợi ý với yêu cầu bài: Sử dụng với các từ ngữ: là, như ...
- Nhân hóa là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ, tên gọi ... vốn chỉ dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, con vật, cây cối khiến cho chúng trở nên sinh động, gần gũi, có hồn hơn.
Gợi ý với yêu cầu bài: Sử dụng với các từ ngữ dùng để gọi người như: ông, bà, anh, chị, ... để gọi các đồ vật con vật.
Xem thêm: Các biện pháp tu từ đã học
Một số đoạn văn ngắn có sử dụng phép so sánh và nhân hóa
Đoạn văn số 1: Đoạn văn tả buổi sáng sớm
Bầu trời buổi sáng sớm thật là trong lành làm sao. Những cô mây dậy thật sớm, dạo chơi trên những đồi núi cao đằng xa. Các bé sương tinh nghịch đang nhảy nhót trên những chiếc lá non. Ông mặt trời như lòng đỏ trứng gà được đặt trên chiếc mâm màu xanh dương. Còn chị gió thì mải miết rong chơi và nô đùa cùng hoa lá. Từng chú chim đua nhau ca hát để đón chào một ngày mới. Tất cả hài hòa và cùng tạo nên một bức tranh thiên nhiên thật sống động.
Đoạn văn đã sử dụng biện pháp nhân hóa và so sánh ở:
- Nhân hóa: cô mây, các bé sương, chị gió, chú chim
- So sánh: Ông mặt trời như lòng đỏ trứng gà được đặt trên chiếc mâm màu xanh dương.
Đoạn văn số 2:
Giờ ra chơi, sân trường ồn như vỡ chợ. Vài bạn học sinh nữ tụ tập dưới bóng cây mát rượi của bác bàng, cô phượng; những bạn nam lại ở một bên chơi đá cầu với nhau, trên vai ai nấy đều ướt đẫm ánh nắng; một đám học sinh khác lại ùa đến căn-tin ăn quà vặt;... Cảnh vui tươi, nhộn nhịp đó khó có người học trò nào quên được. Bởi sau mỗi giờ ra chơi lại khiến chúng tôi thấy tinh thần sảng khoái hơn, tràn trề sức lực để học tập tốt hơn.
Biện pháp nhân hóa và so sánh được sử dụng ở:
- Nhân hóa: bác bàng, cô phượng.
- So sánh: Giờ ra chơi, sân trường ồn như vỡ chợ.
Đoạn văn số 3: Đoạn văn tả cánh đồng quê em sử dụng biện pháp so sánh và nhân hóa
Cánh đồng quê em rộng mênh mông. Sáng sớm, trên cánh đồng, không gian thật thoáng đãng, mát mẻ. Mãi tít phía xa mới nhìn thấy màu xanh rì của những luỹ tre làng viền quanh cánh đồng. Mọi cảnh vật im lìm như còn chìm thức giấc. Thỉnh thoảng mới nghe thấy tiếng kêu thảng thốt của một chú vạc đi ăn đêm, lạc đàn gọi bạn. Một cơn gió nhẹ thoáng qua đem theo cả mùi lúa mới, cả cánh đồng xào xạc một âm thanh dịu nhẹ. Hương lúa thoang thoảng lan theo trong gió. Những tia nắng đầu tiên phớt nhẹ đây đó trên các thửa ruộng còn chìm trong màn sương bằng bạc làm cả biển lúa xao động tạo thành những làn sóng nhẹ xô đuổi nhau chạy mãi ra xa. Lác đác đã có mấy bác nông dân đi thăm đồng, thỉnh thoảng họ lại cúi xuống xem xét. Có lẽ, năm nay được mùa bội thu.
Biện pháp nhân hóa và so sánh được sử dụng ở:
- Nhân hóa: chú vạc
- So sánh: Mọi cảnh vật im lìm như còn chìm thức giấc.
Xem thêm: Đoạn văn ngắn có sử dụng quan hệ từ
Đoạn văn số 4:
Từng chùm phượng nở rộ đỏ rực trên những chùm cây báo hiệu một mùa hè nữa đã về. Những tiếng ve kêu râm ran trong vòm lá như một dàn hợp xướng vang dội cả đất trời. Ánh nắng mặt trời nhảy nhót như những chú bé tinh nghịch. Mùa hè là khoảng thời gian nóng nực nhưng cây cối lại thi nhau khoe sắc, kết trái thơm ngon. Những cô cậu chim thi nhau bay lượn ríu rít gọi bạn. Mùa hè năm nay thật chẳng giống mọi năm, sau khoảng thời gian dài nghỉ học vì dịch bệnh sẽ là thời gian học hành căng thẳng để bắt kịp chương trình học, chuẩn bị cho những bài kiểm tra, thi cuối kì. Một mùa hè thật khác sắp đến với cô cậu học trò.
Đoạn văn đã sử dụng biện pháp nhân hóa và so sánh ở:
- Nhân hóa: chú bé, cô cậu chim
- So sánh:
+ Những tiếng ve kêu râm ran trong vòm lá như một dàn hợp xướng vang dội cả đất trời.
+ Ánh nắng mặt trời nhảy nhót như những chú bé tinh nghịch.
Đoạn văn số 5: Đoạn văn viết về mùa xuân sử dụng phép so sánh và nhân hóa
Xuân đã về trên mảnh đất thân thương, đất trời chuyển mình, khoác lên người bộ áo mới ấm áp đến kì diệu. Trên trời xanh thoáng đãng, từng đàn én trở về từ phương Nam. Mưa xuân lất phất phủ lên những ngọn cỏ xanh mướt, đọng lại từng giọt nước long lanh trong suốt như những viên pha lê trên lộc non xanh biếc. Xuân sang muôn vàn bông hoa nở rộ, người ta nói mùa xuân là mùa sinh sôi nảy nở. Không chỉ có những tán cây phủ lộc xanh, những chị hoa cũng thi nhau tỏa hương khoe sắc rực rỡ chào đón mùa xuân. Mùa xuân yêu kiều xinh đẹp tựa như nàng tiên ban phát những phép màu cho vạn vật, điểm tô cho sắc màu cuộc sống.
Biện pháp nhân hóa và so sánh được sử dụng ở:
- So sánh: Mưa xuân lất phất phủ lên những ngọn cỏ xanh mướt, đọng lại từng giọt nước long lanh trong suốt như những viên pha lê trên lộc non xanh biếc.
- Nhân hóa: chị hoa.
Xem thêm: Đoạn văn có sử dụng điệp ngữ và chỉ ra các điệp ngữ đó
Đoạn văn số 6
Càng ra xa bến cảng, dòng sông càng thanh bình và êm đềm làm sao. Mặt sông uốn lượn như một tấm vải lụa trải dài đến tít tận chân trời, tàu thuyền vắng bóng nên sông cũng ít sóng đi, chỉ nghe soàn soạt vài tiếng sóng vỗ bờ. Mặt trời đã chiếu những tia nắng gay gắt, mặt sông lấp lánh như được dát muôn ngàn viên pha lê. Xa xa là những chiếc thuyền đánh cá, chở hàng buôn bán lặng lẽ, im lìm đậu giữa dòng sông phẳng lặng. Bến cảng đã thưa dần, thấp thoáng đâu đó những ngôi nhà cao tầng trong làn sương mờ ảo. Bên kia, nhà cũng ít lại, từng vườn cây trái xanh um chạy dài ven bờ sông. Chị gió cũng không khỏi phấn khích lùa qua lá cây xào xạc, tràn xuống mặt nước mát rượi. Đứng trước sông nước mênh mông, em thấy lòng mình nhẹ lân lân làm sao!
=> So sánh :
- Mặt sông uốn lượn như một tấm vải lụa trải dài đến xa tít chân trời ...
- ..., mặt sông lấp lánh như được dát muôn ngàn viên pha lê .
Nhân hoá :
- Chị gió.
Trên đây là hướng dẫn cùng một số đoạn văn ngắn có sử dụng phép so sánh và nhân hóa mà các em học sinh 6, 7, 8 có thể tham khảo để hoàn thiện bài làm của mình.