Đoạn văn kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình

Xuất bản: 21/02/2023 - Tác giả:

Viết một đoạn văn (khoảng 150 đến 200 chữ) kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình. Đoạn văn có sử dụng ít nhất một câu có nhiều vị ngữ...

Trong bài viết dưới dây, Đọc tài liệu sẽ hướng dẫn các em lập dàn ý và viết đoạn văn kể lại kỉ niệm của em với người thân. Hy vọng tài liệu văn mẫu lớp 6 này sẽ giúp các em viết tốt bài văn tự sự.

Đề bài: Viết một đoạn văn (khoảng 150 đến 200 chữ) kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình. Đoạn văn có sử dụng ít nhất một câu có nhiều vị ngữ và một câu có sử dụng biện pháp nhân hoá

Dàn ý Đoạn văn kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu người thân và kỉ niệm với người đó khiến em xúc động nhất.

2. Thân đoạn

- Kỉ niệm xảy ra lúc nào, ở đâu, và với những ai?

- Sự việc chính và các chi tiết.

- Điều gì khiến em xúc động?

3. Kết đoạn

- Nêu suy nghĩ của em về kỉ niệm và người thân của mình.

Đoạn văn mẫu kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình

Mẫu 1

Mẹ là người luôn yêu thương và bảo vệ chúng ta ngay cả khi chúng ta đã trưởng thành. Tuy vậy, trong quá trình trưởng thành ấy, ai cũng từng có lúc làm cho mẹ buồn, và với tôi cũng vậy.

Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo. Thời tôi học mẫu giáo, mọi người vẫn tiêu những đồng tiền một, hai trăm đồng. Một trăm đồng có thể mua hai viên kẹo, khi được cho một, hai trăm đồng ấy cũng đủ để làm một đứa con nít như tôi vui sướng cả ngày. Chính vì cuộc sống khó khăn nên những thứ đồ chơi đối với tôi là niềm mơ ước.

Ấy vậy mà, cô bạn ngay cạnh nhà tôi lại có một con búp bê thật đẹp giống như một cô công chúa kiêu sa với mái tóc vàng óng ánh, mặc một bộ váy thật xinh và độ vương miện đính ngọc. Tôi thèm thuồng nhìn con búp bê không chớp mắt, thấy vậy, cô bạn quay sang nói: "Mày thích lắm phải không? Còn lâu tao mới cho mày mượn." Tôi buồn lắm nhưng lại cảm thấy ghét cô bạn ấy hơn, cảm giác ghen tị như trỗi dậy.

Thế là mấy hôm sau, khi tôi đi qua nhà cô bạn, tôi tình cờ thấy con búp bê để trên giá sách, không thấy ai ở nhà, tôi len lén bước vào và ngắm nghía con búp bê. Không kìm được, tôi cầm con búp bê lên và ngắm nhìn thật kỹ, nó đẹp biết bao! Tôi đã thật sự ao ước có được nó. Đột nhiên nhớ tới câu nói của cô bạn hôm trước, tôi chợt muốn giấu nhẹm con búp bê đi. Nghĩ là làm, tôi mang con búp bê về và giấu dưới gối.

Buổi tối, lúc chuẩn bị đi ngủ, mẹ tối thấy chiếc gối hơi cộm mới lật lên xem và phát hiện ra con búp bê. Mẹ hỏi tôi: "Con lấy con búp bê này ở đâu?" Tôi bối rối nói rằng mình nhặt được trên đường đi học về. Mẹ tôi đột nhiên tức giận, gắt lên: "Tại sao con lại nói dối?" Tôi cuống quýt nhưng vẫn khăng khăng: "Con nhặt được mà!". Mẹ tôi kéo tay tôi lại và phát cho mấy roi vào mông.

Tôi òa khóc vì mặc dù mẹ tôi khá nóng tính nhưng đây là lần đầu mẹ đánh tôi. Mặt mẹ đỏ gay, giọng nói đầy vẻ thất vọng: "Mẹ dạy con lấy cắp đồ của người khác à? Con búp bê này của Trang, mẹ đã thấy nó khoe với con rồi."

Tôi lúc đó chỉ nghĩ rất đơn giản và cảm giác như mẹ không thương tôi. Tôi gắt lên với mẹ: "Vì mẹ không mua búp bê cho con, bạn con ai cũng có đồ chơi đẹp nên con lấy của nó đấy. Mẹ không thương con gì cả!". Tôi thấy lúc đó mẹ khóc, đôi mắt mẹ đỏ hoe, trong suy nghĩ non nớt, tôi không hiểu vì sao mẹ lại khóc cho tới khi lớn hơn một chút.

Bố tôi đi làm xa nên chỉ có ba mẹ con ở nhà, cuộc sống khó khăn hơn khi em trai tôi rất hay bệnh. Mẹ vừa phải làm việc vừa phải chăm sóc tôi và cậu em trai một tuổi nên rất vất vả. Mẹ gầy gò và mảnh dẻ cảm giác một cơn gió có thể thổi bay. Có lẽ mẹ khóc vì sự bất lực của mình.

Thế rồi mẹ vừa khóc vừa kêu tôi đứng úp mặt vào tường và tự kiểm điểm. Lúc đó, tôi chỉ thấy oán trách và ấm ức nhưng cũng không dám cãi lời mẹ. Tôi mơ màng tỉnh dậy bởi tiếng cậu em trai khóc toáng lên. Tôi chỉ thấy mẹ vội vàng đặt thứ gì xuống và chạy đến vỗ về: "Ngoan, ngoan, ngủ đi! Mẹ thương, mẹ thương nào!" Tôi bỗng cảm thấy ghen tỵ với cả cậu em, mẹ dường như chỉ quan tâm mỗi em trai thôi. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy mẹ đang bế em, trên tay cầm ly thuốc, thì ra em tôi bị ốm quấy cả đêm. Tôi ngơ ngác khi mình nằm trên giường, có lẽ hôm qua đứng lâu quá nên tôi ngủ gật, mẹ đã bế tôi lên giường. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là một con búp bê bằng vải đặt bên gối. Không phải bộ váy màu sắc xa hoa, không phải mái tóc vàng óng ánh, mà là bộ váy trắng tinh, mái tóc đen tết bằng những sợi chỉ.

Tôi nhìn kỹ thì phát hiện con búp bê làm từ chiếc áo trắng bố mua cho mẹ mà chỉ những dịp đi chơi mẹ mới dám mặc. Mẹ thấy tôi ngơ ngác liền nói: "Chúc mừng sinh nhật con gái! Giờ mẹ chưa đủ tiền mua búp bê đẹp cho con, nhưng mẹ hứa sẽ mua bù cho con vào dịp khác!"

Lúc này, tôi mới nhìn mẹ kỹ hơn, đôi mắt lõm sâu, làn da sạm lại, đôi tay run run có lẽ vì bế em cả đêm và có lẽ cũng là vì khâu con búp bê cả đêm đến đêm cả vào ngón tay bởi tôi thấy ngón tay mẹ sưng lên. Thấy tôi kinh ngạc, mẹ nói: "Nhưng con lấy đồ của bạn là sai, hôm qua mẹ đã phạt con rồi. Con chỉ có thể có đồ chơi khi con xứng đáng. Hãy mang búp bê sang và xin lỗi bạn đi!". Nhìn vẻ mệt mỏi nhưng kiên quyết của mẹ, tôi nhận ra, mẹ vẫn yêu thương tôi theo cách riêng của mình. Tôi rén rén đến bên mẹ thì thầm: "Con xin lỗi mẹ! Con sai rồi!" Thế là tôi ba chân bốn cẳng mang con búp bê sang trả bạn và xin lỗi nó. Sau này, nhờ học hành chăm chỉ, mẹ giữ đúng lời hứa mua cho tôi con búp bê mới, nhưng không bao giờ nó tốt bằng con búp bê mẹ tự tay tặng tôi.

Một kỷ niệm có chút xấu hổ về lỗi lầm của mình, nhưng chính nó đã giúp tôi hiểu hơn về tình yêu thương của mẹ dành cho mình.

  • Câu văn sử dụng biện pháp nhân hóa: "một con búp bê thật đẹp giống như một cô công chúa kiêu sa với mái tóc vàng óng ánh, mặc một bộ váy thật xinh và độ vương miện đính ngọc"
  • Câu văn có nhiều vị ngữ: "Lúc này, tôi mới nhìn mẹ kỹ hơn, đôi mắt lõm sâu, làn da sạm lại, đôi tay run run có lẽ vì bế em cả đêm và có lẽ cũng là vì khâu con búp bê cả đêm đến đêm cả vào ngón tay bởi tôi thấy ngón tay mẹ sưng lên."

Đoạn văn kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình - Mẫu 2

Kì nghỉ hè năm nay, em được về thăm quê ngoại. Đúng sáu giờ ba mươi phút, xe bắt đầu xuất phát. Khoảng đến gần trưa mới đến nơi. Từ xa, em đã thấy bà ngoại đang đứng ở ngoài cổng. Em háo hức chạy đến chào bà. Buổi trưa, em được thưởng thức những món ăn bà nấu. Món nào cũng ngon miệng, hấp dẫn. Chiều đến, hai bà cháu ra vườn, vừa chăm sóc cây cối vừa trò chuyện vui vẻ. Những cây cối trong vườn được bà chăm vô cùng tươi tốt. Em thích nhất là chị hồng nhung đang khoe sắc ở góc vườn. Tối hôm đó, em ngồi ngoài sân nghe bà ngoại kể chuyện. Những truyện cổ tích em đã được đọc trong sách biết bao lần. Nhưng khi nghe bà kể lại thấy thật thú vị, mới lạ. Chuyện về cô Tấm ở hiền gặp lành, chuyện chàng Thạch Sanh dũng cảm hay chuyện về cậu bé thông minh đã giúp được nhà vua. Giọng kể của bà nhẹ nhàng, miệng bà vẫn còn thoảng hương trầu. Giây phút đó, em cảm thấy yêu bà ngoại của mình biết bao nhiêu.

  • Câu văn sử dụng biện pháp nhân hóa: Em thích nhất là chị hồng nhung đang khoe sắc ở góc vườn.
  • Câu văn có nhiều vị ngữ: Chiều đến, hai bà cháu ra vườn, vừa chăm sóc cây cối vừa trò chuyện vui vẻ.

Đoạn văn kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình - Mẫu 3

Bà ngoại của em là một người bà tuyệt vời. Em thích nhất là những tối mùa hè được cùng bà ngắm sao và nghe bà kể chuyện. Lúc ấy, trời vừa bắt đầu vào khuya, cơm nước cũng đã xong xuôi. Em sẽ đem gối và một cái quạt nan ra chiếc chõng trên sân gạch, rồi nằm sẵn lên đó chờ bà ra. Bà sẽ từ từ lại gần, ngồi lên chõng, bàn tay dịu dàng vuốt tóc em, và khuôn miệng thì bỏm bẻm nhai trầu. Bà sẽ gãi cho em ở lưng, rồi vỗ nhẹ từng cái một thật nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng bà lại xoa lên mái tóc em thật trìu mến. Em thì cứ nằm yên mà tận hưởng cảm giác thư giãn bình yên mà bà đem lại. Rồi bà cũng nằm xuống bên cạnh em, tay phe phẩy cái quạt nhỏ và bắt đầu kể chuyện. Bà kể những câu chuyện cổ tích từ lâu đời, thú vị và hấp dẫn. Trong đó có cô Tấm dịu hiền, có chàng Thạch Sanh dũng cảm, có em bé thông minh, có chú mèo đi hia khôn khéo… Những ngôi sao trên cao cũng chăm chú lắng nghe bà kể chuyện, đến quên cả chớp sáng. Nằm trong lòng bà như thế, chẳng mấy mà em chìm sâu vào giấc ngủ ngon lành. Những giấc ngủ ấy đem đến cho em cảm giác bình yên, mà dù sau này được sống trong căn phòng to đẹp cũng không thể sánh bằng được.

  • Câu có nhiều vị ngữ: "Em sẽ đem gối và một cái quạt nan ra chiếc chõng trên sân gạch, rồi nằm sẵn lên đó chờ bà ra."
  • Câu có sử dụng hình ảnh nhân hóa: "Những ngôi sao trên cao cũng chăm chú lắng nghe bà kể chuyện, đến quên cả chớp sáng."

Đoạn văn kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình - Mẫu 4

Trong gia đình mình, có lẽ người gắn nhất chính là ông nội của tôi. Năm nay, ông đã ngoài bảy mươi tuổi. Nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông rất yêu thích công việc trồng cây nên khu vườn nhà tôi luôn xanh tốt quanh năm. Những cây ăn quả đã cho trái ngọt không biết bao nhiêu mùa. Cứ mỗi buổi chiều, ông lại ra vườn để chăm sóc cây cối. Lúc đó, tôi lại chạy theo ông, đòi được giúp ông tưới tắm cho cây cối trong vườn. Ông đã dạy tôi phải chăm chút chúng một cách nâng niu, cẩn thận. Mỗi loài cây trong vườn đã trở thành người bạn của tôi. Cây ổi cho tôi leo trèo cùng lũ bạn trong xóm. Cây cam cho trái thơm ngọt ngào. Những khóm hoa: đồng tiền, cẩm tú cầu, mười giờ... giúp tôi cảm thấy thư giãn sau một ngày học tập mệt mỏi. Có thể nói, nhờ có ông mà tôi đã trở thành “người làm vườn tài ba”. Không chỉ vậy, tôi còn được nghe ông kể rất nhiều câu chuyện hay về cuộc sống. Đó là những bài học bổ ích giúp tôi sống tốt hơn mỗi ngày. Tôi rất yêu ông nội của mình. Tôi mong ông sẽ thật khỏe mạnh để sống cùng gia đình tôi thật lâu.

  • Câu văn có sử dụng biện pháp nhân hóa: "Mỗi loài cây trong vườn đã trở thành người bạn của tôi."
  • Câu văn có nhiều vị ngữ: "Lúc đó, tôi lại chạy theo ông, đòi được giúp ông tưới tắm cho cây cối trong vườn."

Đoạn văn kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình - Mẫu 5

Hôm qua, em đã có một chuyến đi chơi với bố mẹ. Gia đình em đã đến thăm thành phố Hà Nội. Sau khoảng hai tiếng, xe cũng đến thành phố. Đầu tiên, em được đến viếng lăng Bác. Em và bố mẹ cùng xếp hàng để được vào trong lăng. Từng dòng người nối tiếp nhau. Bên trong lăng Bác khá lạnh. Các chú bộ đội mặc quân phục màu trắng, đứng gác rất nghiêm trang. Em đã được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ. Khuôn mặt Bác thật hiền từ. Chòm râu dài, mái tóc bạc phơ. Vầng trán cao và rộng. Đôi môi thì như đang mỉm cười. Lòng em cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Tiếp đến, em được đi thăm hồ Gươm. Hồ nằm ở quận Hoàn Kiếm, gần trung tâm thành phố. Nước hồ trong xanh, phẳng lặng. Xung quanh hồ, những hàng cây cổ thụ đứng trầm ngâm. Ở chính giữa là tháp Rùa cổ kính. Sau đó, em còn được đi ăn rất nhiều món đặc sản của Hà Nội. Cả gia đình đã có nhiều kỉ niệm đẹp cùng nhau.

  • Câu văn có sử dụng biện pháp nhân hóa: "Xung quanh hồ, những hàng cây cổ thụ đứng trầm ngâm."
  • Câu văn có nhiều vị ngữ: "Các chú bộ đội mặc quân phục màu trắng, đứng gác rất nghiêm trang."

Đoạn văn kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình - Mẫu 6

Em yêu bố của em lắm. Lúc còn nhỏ, em thường theo bố ra vườn cây chơi vào mỗi buổi chiều hè. Chỉ là một khu vườn nhỏ, mà bố nghĩ ra biết bao nhiêu là trò để chơi. Em và bố đã chơi đá bóng, chơi đá cầu, thi bơi dưới sông, thi trèo cây hái quả… Bao trò chơi tuổi thơ đơn giản mà mãi cũng chẳng biết chán. Chơi mệt, thì lại nằm trên chiếc chõng tre dưới gốc mít, nghe bố kể những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa. Những câu chuyện ấy chẳng phải là những câu chuyện cổ tích nhiệm màu như bà vẫn kể. Mà toàn là các câu chuyện về tuổi thơ ấu nghịch ngợm của bố, là những lần bố bị bà mắng, bị thầy phạt. Nghe thật là thú vị và hấp dẫn. Em vẫn còn nhớ rõ, cái cảm giác khoan khoái khi được nằm dưới bóng mát của cây, tận hưởng những làn gió mát rười rượi, được bố vỗ về sau lưng và chìm vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ ấy, có những trái bòng, trái mít, trái na chín thơm nhảy múa cùng nhau dưới ánh nắng vàng. Những kỉ niệm tuổi thơ vui vẻ và hạnh phúc bên cha ấy, em sẽ khắc ghi mãi trong tâm trí của mình.

  • Câu có nhiều vị ngữ: "Em và bố đã chơi đá bóng, chơi đá cầu, thi bơi dưới sông, thi trèo cây hái quả…"
  • Câu có sử dụng biện pháp nhân hóa: "Trong giấc ngủ ấy, có những trái bòng, trái mít, trái na chín thơm nhảy múa cùng nhau dưới ánh nắng vàng."

-/-

Trên đây là các mẫu "Viết một đoạn văn (khoảng 150 đến 200 chữ) kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình. Đoạn văn có sử dụng ít nhất một câu có nhiều vị ngữ và một câu có sử dụng biện pháp nhân hoá" do Đọc tài liệu tổng hợp. Hy vọng nội dung này sẽ là tài liệu đồng hành hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 6

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM