Đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ

Xuất bản: 05/12/2022 - Tác giả:

Đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ: Những cánh buồm, Mây và sóng, Mẹ và quả giúp em biết cách viết một đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ.

Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn các đoạn văn mẫu để các em tham khảo các Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ.

Đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Những cánh buồm

Đoạn văn mẫu 1

Bài thơ “Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Trước hết, hình ảnh người cha “dắt con đi” được lặp lại nhiều lần cho thấy tình yêu thương, sự che chở dẫn dắt của người cha trên hành trình cùng con đi đến đến tương lai. Tiếp đến hình ảnh đứa con thể hiện sự tin tưởng, yêu thương dành cho cha. Con đề nghị “Cha mượn cho con buồm trắng nhé/Để con đi”. Những cánh buồm đã gửi gắm ước mơ của con. Cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi thể hiện khao khát được đi xa để khám phá, hay cũng chính là cha thuở trước. Người cha cảm thấy tự hào khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ cao đẹp. Qua đây, tác giả cũng ca ngợi ước mơ được khám phá cuộc sống của trẻ thơ, những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Từ đó, chúng ta thấy được ý nghĩa thiêng liêng của tình cảm gia đình trong cuộc sống. Bằng giọng thơ chân thành giản dị, “Những cánh buồm” đã lưu lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc.

Đoạn văn mẫu 2

Bài thơ “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông gợi cho người đọc nhiều suy tư. Tác phẩm được mở đầu bằng hình ảnh người cha và đứa con đang bước đi trên cát. Khung cảnh bờ biển hiện lên tràn đầy sức sống với ánh nắng rực rỡ, nước biển trong xanh và bãi cát vàng mịn. Ngắm nhìn thế giới rộng lớn ngoài kia, đứa trẻ đã hỏi cha bằng một giọng điệu đầy hồn nhiên, ngây thơ. Và khi nhận được câu trả lời của người cha, con mong muốn được mượn “cánh buồm trắng” để đi khám phá thế giới rộng lớn đó. Lắng nghe lời con nói, người cha như gặp lại chính mình trong quá khứ. Điều đó khiến cha cảm thấy tự hào, và thật hạnh phúc. Với lời thơ giản dị và chân thành, có thể thấy, Những cánh buồm là một bài thơ hay, ý nghĩa.

Đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Mây và sóng

Đoạn văn mẫu 1

Em luôn đặc biệt yêu thích các tác phẩm thơ nói về tình mẫu tử, trong đó, em ấn tượng nhất là bài thơ Mây và sóng. Bài thơ có cấu trúc kì lạ với những câu thơ dài như văn xuôi. Nhưng có lẽ chỉ có hình dáng ấy mới lột tả được tình yêu thương mẹ sâu đậm của đứa trẻ trong tác phẩm. Tình cảm ấy đong đầy quá, không thể nào thu ngắn lại được. Dù là bao trò chơi thú vị, bao cuộc rong chơi hấp dẫn, cũng chẳng thể nào khiến cậu bé rời xa mẹ cả. Người con nhỏ bé ấy, mang theo tình yêu mẹ to lớn để trở về nhà. Đứa trẻ ấy đã tự tạo ra những trò chơi đơn giản nhưng rất vui. Vì được chơi cùng mẹ, được ôm lấy mẹ, được lăn mãi vào lòng mẹ. Sự sung sướng giản đơn và trực tiếp của đứa trẻ ấy đã thấm vào lòng em, khiến tâm hồn em cùng đồng điệu. Bài thơ gợi lên trong em tình yêu mẹ da diết và thôi thúc em trở về nhà với mẹ ngay. Giống như đứa trẻ trong Mây và sóng.

Đoạn văn mẫu 2

"Mây và sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Ta-go. Bài thơ đã gợi ra cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Em bé trong bài thơ được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi em bé nhớ đến mẹ vẫn luôn chờ đợi mình ở nhà, em đã từng chối đầy kiên quyết: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia nhiều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở con. Những câu thơ giàu tính tự sự và miêu tả nhưng lại góp phần bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Ta-go đã sử dụng trong bài thơ những lời thoại, chi tiết được kể tuần tự, vừa lặp lại vừa biến hóa kết hợp với hình ảnh giàu tính biểu tượng. Bài thơ chính là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Mẹ và quả

Đoạn văn mẫu 1

Với lời thơ giàu chất suy tư, chiêm nghiệm, "Mẹ và quả" của Nguyễn Khoa Điềm là một bài thơ để lại nhiều cảm xúc và suy ngẫm. Bài thơ khắc họa hình ảnh người mẹ qua những cảm nhận của nhân vật trữ tình - người con. Với con, mẹ là người phụ nữ tần tảo, lam lũ, cũng là hiện thân của những đắp bồi vun vén cho ngọt ngào đong đầy nơi những mùa quả, cho yêu thương nuôi lớn những đứa con. Mồ hôi mẹ thầm lặng nhỏ xuống, để những mùa quả "lặn" rồi lại "mọc". Bàn tay mẹ chăm chút, nâng niu, để những đứa con theo năm tháng lớn khôn. Mẹ đã thu hái biết bao mùa bí, mùa bầu ngọt thơm trái chín. Nhưng điều mẹ ước mong lớn nhất là "được hái" thứ quả mẹ chắt chiu vun trồng cả đời – đó là thứ quả của thành công, thứ quả trưởng thành nơi các con. Đối với mẹ, các con chính là thứ quả đặc biệt mà mẹ dành tất cả tình yêu thương để vun xới, đắp bồi. Thấu hiểu được sự mong chờ của mẹ, cũng là lúc con giật mình hoảng sợ một ngày kia mẹ già yếu mà con vẫn còn non dại, chưa kịp trưởng thành. Bài thơ vì vậy không chỉ dừng lại ở ý nghĩa ngợi ca công lao to lớn và tình yêu thương của mẹ, mà còn khiến mỗi chúng ta thêm nhận thức thấm thía về trách nhiệm cần phải trưởng thành để vui lòng mẹ cũng như trách nhiệm đền đáp công ơn sinh thành của mẹ.

Đoạn văn mẫu 2

Sau khi đọc xong bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm, tôi đặc biệt ấn tượng với khổ thơ cuối trong đó. Ở khổ thơ cuối, ta có thể thấy được tình cảm của chủ thể trữ tình dành cho mẹ. Đó là sự yêu thương xen lẫn với lo lắng. Sự lo lắng ở đây là chỉ sợ khi mẹ đã già yếu mà "lũ chúng tôi" vẫn chưa lớn khôn, vẫn chưa trở thành nơi để cho mẹ cậy nhờ, trông đợi. Tình mẫu tử luôn là một đề tài hay, nhưng nói cái gì trong đó mới tạo nên ấn tượng? Sự lo lắng khi mẹ già mà mình chưa lớn, chưa thành chỗ dựa cho mẹ là một nội dung cảm động và mới mẻ. Chưa cần nói đến hình thức nghệ thuật của bài thơ này, chỉ với nội dung, bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm cũng đã đủ để chúng ta đọc và suy ngẫm.

-/-

Trên đây là các đoạn văn mẫu hay ghi lại cảm xúc sau khi đọc 3 bài thơ Những Cánh buồm, Mây và sóng, Mẹ và quả do Đọc tài liệu tổng hợp. Trọn bộ Soạn văn 7 Cánh Diều do Đọc tài liệu biên soạn sẽ giúp các em học tốt môn Ngữ Văn!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM