Nhân vật công chúa trong truyện cổ tích "Vua chích chòe" được tác giả xây dựng là một cô gái xinh đẹp nhưng lại kiêu ngạo. Thông qua việc xây dựng tính cách nhân vật và những sự việc xảy đến với công chúa, tác giả muốn truyền đạt bài học ý nghĩa.
Dàn ý Đoạn văn bày tỏ thái độ, suy nghĩ về hành động tính cách của cô công chúa
1. Mở đoạn
- Giới thiệu nhân vật công chúa.
2. Thân đoạn: nêu cảm nhận về nhân vật
* Xuất thân cao quý: là con gái duy nhất của nhà vua.
* Ngoại hình: xinh đẹp tuyệt trần.
* Tính cách, phẩm chất:
- Kiêu căng, ngạo mạn, ngông cuồng:
+ Giễu cợt vẻ bề ngoài của tất cả mọi người có mặt trong buổi kén chọn phò mã.
+ Tự nhận bản thân là cô gái dịu hiền.
+ Chê bai gia cảnh của chồng.
- Biết thay đổi thái độ sống của bản thân:
+ Nghe theo lời của người chồng, tự mình làm việc để kiếm sống: đan sọt, quay sợi, buôn nồi và bát đĩa ở ngoài chợ, làm phụ bếp trong cung vua.
+ Tự nhận ra lỗi lầm của chính bản thân, cảm thấy mình không đủ tư cách làm vợ Vua chích chòe.
⇒ Thông qua nhân vật này, tác giả dân gian gửi gắm bài học về việc sống hòa đồng, thân thiện với mọi người. Đồng thời, khuyên răn chúng ta không nên kiêu ngạo, tự cao quá mức.
3. Kết đoạn
- Nêu suy nghĩ, cảm nhận về nhân vật.
Đoạn văn bày tỏ thái độ, suy nghĩ về hành động tính cách của cô công chúa
Đoạn văn Mẫu 1
Kiêu căng, ngạo mạn là thái độ đề cao quá mức bản thân, tự cao tự đại đến mức xem thường người khác. Những người kiêu căng, ngạo mạn luôn tự đề cao bản thân mình quá mức, họ không bao giờ nghe những ý kiến của người khác. Cô công chúa trong “Vua chích chòe” là một ví dụ tiêu biểu về thói kiêu căng, ngạo mạn. Cô có ngoại hình xinh xắn, là công chúa được nhà vua yêu thương nên sinh ra sự kiêu căng, xem thường người khác. Cô luôn chê bai, xem thường người khác, đặc biệt là khi nhà vua mở tiệc kén rể cho cô. Những người tham gia đều là người quyền quý, có trí tuệ, có địa vị hơn người nhưng cô chẳng xem ai vào mắt, thậm chí còn chê bai, chế giễu và dùng những từ ngữ khiếm nhã dành cho họ. Bởi vì tính cách đó mà cô đã bị nhà vua trừng phạt. Sau khi trải qua cuộc sống khó khăn, cô mới hối hận vì tính xấu của mình. Đó là bài học để đời cho cô công chúa để cô thay đổi tính cách của mình, trở nên tốt hơn. Trong cuộc sống, chúng ta cần hướng mình tới sự lương thiện, biết cảm thông, yêu thương, tôn trọng mọi người và tránh những tính nết hạn chế như cô công chúa trong câu chuyện để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Đoạn văn bày tỏ thái độ, suy nghĩ về hành động tính cách của cô công chúa - Mẫu 2
Cũng giống như những câu chuyện cổ tích quen thuộc khác trên thế giới, "Vua chích chòe" được xây dựng theo mô típ nhân vật có tính cách xấu, trải qua những thử thách và nhận ra sai lầm của mình. Thông qua hình ảnh cô công chúa kiêu ngạo, câu chuyện ẩn chứa những bài học rất đáng giá, những ý nghĩa sâu xa về cách đối xử giữa con người với con người. Trong truyện "Vua chích chòe", cô công chúa là một người kiêu kì, ngạo mạn. Vì bản thân được hưởng nhiều đặc ân nên sinh ra sự kiêu căng, xem thường người khác. Sự kiêu căng của cô công chúa đã thể hiện ở việc chê bai hết người này đến người khác và dung những từ ngữ khiếm nhã để gọi mọi người. Và khi trải qua cuộc sống khó khăn, cô mới hối hận vì tính xấu của mình. Đó là bài học để đời cho cô công chúa để cô thay đổi tính cách của mình, trở nên tốt hơn. Câu chuyện là bài học cho cô công chúa cũng là bài học cho mỗi người, cần phải sống lương thiện, biết lắng nghe, biết cảm thông, sẻ chia với mọi người. Và mỗi chúng ta cũng cần phải biết nhận tính xấu của bản thân để sửa đổi làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn.
Đoạn văn bày tỏ thái độ, suy nghĩ về hành động tính cách của cô công chúa - Mẫu 3
Vua chích chòe là truyện cổ tích xoay quanh câu chuyện của nàng công chúa kiêu ngạo. Thông qua đó, truyện gửi gắm nhiều bài học ý nghĩa về sự kiêu ngạo và sự bao dung trong cuộc sống. Cô công chúa là một người xinh đẹp, nhưng lại có thói kiêu căng. Cô không chỉ từ chối, mà còn lên chê bai tất cả những chàng trai đến cầu hôn mình. Điều đó khiến nhà vua vô cùng tức giận. Ông đã ra lệnh rằng sẽ gả cô cho người ăn mày đầu tiên đi qua hoàng cung. Vài hôm sau có một người hát rong đi qua, nhà vua liền gọi vào và gả công chúa cho. Kể từ đó, công chúa phải sống những ngày tháng khổ cực. Cô phải làm đủ những công việc như đan sọt, dệt vải, bán sành sứ, phụ bếp để kiếm sống. Thực chất, người hát rong đó chính là Vua chích chòe - một trong những người đã bị công chúa chê bai, từ chối. Mục đích của Vua chích chòe khi đóng giả làm người hát rong là dạy cho nàng một bài học và uốn nắn tính kiêu ngạo của nàng. Kết thúc câu chuyện, công chúa biết được người hát rong chính là Vua chích chòe, cô cảm thấy vô cùng ân hận và xấu hổ. Hai người làm lễ cưới và sống hạnh phúc bên nhau. Truyện đã phê phán thói kiêu căng, ngông cuồng và coi thường người khác. Đồng thời chúng ta cũng thấy được sự bao dung, yêu thương với những người biết nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình.
Đoạn văn bày tỏ thái độ, suy nghĩ về hành động tính cách của cô công chúa - Mẫu 4
Nàng công chúa kiêu ngạo trong truyện "Vua chích chòe" đã để lại cho em nhiều ấn tượng. Tính cách kiêu ngạo, không xem ai vào mắt của nàng là do nàng sinh ra đã là một công chúa cao quý, được sự bao bọc, êu thương của vua chat, nàng có xuất thân vô cùng cao quý - con gái duy nhất của vua cha. Sự kiêu ngạo của nàng lại chính là lí do khiến nàng bị trừng phạt, trải qua những ngày tháng vất vả. Khi nhà vua tổ chức buổi xem mắt, cô công chúa không ngớt lời giễu cợt, dè bỉu ngoại hình đối phương "mảnh khảnh thế thì gió thổi bay", "nhợt nhạt như chết đuối",... Tính kiêu ngạo của công chúa còn được khắc họa thông qua lời nói lố bịch "Tôi cô gái dịu hiền đáng thương/ Đáng ra nên lấy ông Vua chích chòe". Nàng chẳng thèm suy nghĩ về việc bản thân đã lớn tiếng chê bai Vua chích chòe trước đó "anh ta có cái cằm chẳng khác gì chim chích chòe có mỏ". Theo thời gian, tính cách của cô công chúa cũng đã có sự biến chuyển. Từ ngày sống cùng người chồng là kẻ hát rong, công chúa phải tự tay làm rất nhiều việc để kiếm sống. Nàng dậy sớm làm việc nhà, ra chợ bán hàng. Có thể thấy, công chúa đã biết thay đổi thái độ sống của bản thân, không còn tỏ ra ngông cuồng, tùy hứng như khi còn sống trong cung. Thông qua nhân vật này, người xưa muốn nhắn nhủ chúng ta không nên có thói kiêu căng, nhạo báng người khác. Đồng thời, phải tự biết nhận ra sai lầm và sửa lỗi kịp thời, cố gắng hoàn thiện chính mình để phù hợp với hoàn cảnh sống.
Đoạn văn bày tỏ thái độ, suy nghĩ về hành động tính cách của cô công chúa - Mẫu 5
Nàng công chúa trong truyện "Vua chích chòe" là con gái duy nhất của nhà vua. Nàng xinh đẹp hơn người, lại được vua cha yêu thương vì vậy nàng thường tỏ ra kênh kiệu, tùy hứng, "mắt cao hơn đầu". Chẳng một ai có thể lọt vào mắt xanh của nàng. Khi vua cha tổ chức buổi tiệc kén chọn phò mã, công chúa đã dùng những lời nói khiếm nhã để nhạo báng, dè bỉu ngoại hình các chàng trai. Sau này, công chúa kiêu căng cũng phải nếm trải cảm giác bị người khác chê cười. Từ ngày lấy anh chàng hát rong, nàng đã dần dần từng bước thay đổi thái độ sống. Nếu như ban đầu nàng ra tỏ ra chê bai "Trời ơi, nhà gì mà bé ẩm ương" thì về sau, nàng không còn kiêu ngạo nữa. Nàng cùng người hát rong sống trong căn nhà bé, làm nhiều công việc để kiếm sống. Thậm chí, khi đống hàng sành sứ bị vỡ nát, nàng tỏ ra buồn tủi, lo lắng mà thốt lên rằng "Trời, khổ thân tôi thế này, còn mặt mũi nào mà nhìn chồng nữa". Có thể thấy, nàng công chúa tự cao, ngạo mạn đã biết buông bỏ cái "tôi", biết sửa đổi cho hòa hợp với hoàn cảnh sống mới. Câu nói của nàng ở cuối câu chuyện "Em đã làm những điều sai trái, thật không xứng đáng là vợ của anh" cũng là một minh chứng rõ nét. Thông qua nhân vật này, tác giả dân gian muốn nhắn nhủ chúng ta không nên nhạo báng, khinh thường người khác. Đồng thời, cần sống hòa nhã, thân thiện hơn. Đọc tác phẩm, ta còn thấy được tấm lòng yêu thương, bao dung của người xưa dành cho những người biết quay đầu, sửa sai kịp thời.
Đoạn văn bày tỏ thái độ, suy nghĩ về hành động tính cách của cô công chúa - Mẫu 6
Trong truyện "Vua chích chòe", nhân vật cô công chúa quả là một người kiêu căng, ngông cuồng. Trước hết, ta dễ dàng nhận thấy sự đối lập giữa vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật này. Nàng là người xinh đẹp tuyệt trần song tính cách lại vô cùng xấu xí. Để làm nổi bật tính tình ấy, tác giả dân gian đã tập trung vào việc khắc họa hành động của nhân vật cô công chúa. Trong buổi xem mắt chọn phò mã, tuy là chủ nhà nhưng công chúa lại có thái độ chê bai, nhạo báng khách khứa. Cô chẳng lấy làm vừa lòng, thuận mắt chàng trai nào. Ai nấy đều không thể tránh khỏi lời nói khó nghe của nàng công chúa kiêu ngạo. May thay, sau này, nàng đã có sự thay đổi về nhận thức và tính tình. Vì bị vua cha gả cho người hát rong nên nàng phải theo đối phương rời khỏi cung. Trong quá trình chung sống với chồng, để kiếm tiền nuôi sống gia đình, nàng đã tự tay làm tất thảy mọi việc. Giờ đây, cô công chúa được ăn sung mặc sướng, ngông cuồng ngày nào phải đan sọt, quay sợi, buôn nồi, bán đĩa và làm phụ bếp ở cung vua. Cuối cùng, công chúa cũng nhận ra hành vi sai lầm của chính mình "Em đã làm những điều sai trái, thật không xứng đáng là vợ của anh". Cô cảm thấy bản thân không đủ tư cách làm vợ Vua chích chòe - một người lễ độ, cư xử đúng mực. Có thể thấy, nhờ sự uốn nắn kịp thời của người hát rong cùng những thay đổi tích cực về thái độ sống, công chúa đã trở nên trưởng thành hơn. Như vậy, từ hình tượng nhân vật cô công chúa, người xưa khéo léo khuyên răn con người cần sống hòa nhã, thân thiện, không nên tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn. Đồng thời, biết thẳng thắn nhìn vào khuyết điểm của bản thân để sửa đổi đúng lúc.
-/-
Hy vọng với "Dựa vào truyện cổ tích Vua chích chòe, em hãy viết đoạn văn bày tỏ thái độ, suy nghĩ của mình về hành động tính cách của cô công chúa." mà Đọc tài liệu tổng hợp, gửi tới các em trên đây cùng trọn bộ văn mẫu lớp 6 sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 6!