Đề thi thử THPT quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn - Trường phổ thông chuyên ĐHSP Hà Nội.
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4
“Những giây phút cuối năm này, trong lời chúc hướng tới năm mới của mọi người dành cho nhau, thường hay có lời chúc về “sức khỏe”.
Có một khía cạnh ít được nhìn nhận của “sức khỏe”, đó là theo định nghĩa của WHO, nó bao gồm sự lành mạnh ở 3 khía cạnh: tinh thần, thể chất và xã hội. Trong thói quen tư duy ở xã hội ta, sức khỏe thường chỉ được coi trọng ở khía cạnh thể chất. Nhưng thực tế là khi mà xã hội phát triển, va đập giữa những tế bào của xã hội ngày càng dày đặc và phức tạp hơn, chúng ta đối mặt với rất nhiều hiểm nguy về sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội.
Mối quan hệ của bạn với hàng xóm, với đồng nghiệp, với người thân có “khỏe mạnh” hay không quyết định bạn có đang sống tốt không. Thậm chí là ở nghĩa rộng, mối quan hệ của bạn với luật pháp có lành mạnh không, cũng là một trạng thái sức khỏe. Bạn có nhớ cảm giác giật mình khi đi xe máy và bỗng nhìn thấy người công an giao thông băng qua đường? Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về quan hệ của một con người với xã hội có thể khiến họ trở nên yếu đuối thế nào. Khi xét đến sức khỏe xã hội, thì một quan chức hay một doanh nhân có thể bị coi là người ốm, khi đặt cạnh một người làm công, chị bán hàng rong hay anh bốc vác.
Nhìn lại, tôi ước rằng nhiều người quanh mình, bạn bè hay người thân, đã quan tâm điều chỉnh khía cạnh ấy nhiều hơn. Một “trận ốm” ở khía cạnh tinh thần hay xã hội, có thể tạo nên những chuyện rất buồn, có thể khiến người ta không gượng dậy được nữa. Và rất nhiều lần trong đời, tôi thấy ăn năn, rằng mình đã không quan tâm đến một ai đó nhiều hơn, về tinh thần và xã hội, thay vì tin rằng họ “vẫn khỏe”.
Năm 2017, trên chuyên mục này chúng tôi đã xuất bản 325 bài Góc nhìn, và phần lớn trong số đó là các chủ đề thời sự quan trọng, rất nhiều là những đòi hỏi thay đổi bức thiết của chính sách. Nhưng để tóm lược tinh thần của năm cũ và mở ra một năm mới, tôi quyết định mình sẽ viết về sức khỏe: nếu như tất cả chúng ta cùng lưu tâm đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội của mình, thì tự xã hội sẽ tốt lên. Hãy tưởng tượng, từ việc xếp hàng ở sân ga cho đến việc tham gia giao thông, từ việc buôn bán đến họp hành, nếu mỗi người tự điều chỉnh để các quan hệ xã hội của mình lành mạnh hơn (nhằm tốt cho chính bản thân), thì xã hội nói chung sẽ lành mạnh hơn. Chỉ cần chúng ta quan tâm đến sức khỏe theo nét nghĩa này, thì rất nhiều vấn đề mà 325 bài Góc nhìn kia đã nêu ra có thể được giải quyết. Phương Tây có một thứ “lý thuyết hấp dẫn” trong đó nói rằng nếu chúng ta nhìn nhận cuộc sống với thái độ tích cực, thì những điều tích cực sẽ tự nhiên xảy đến với ta. Lý thuyết ấy dường như có logic khoa học.
Phía dưới bài viết này, các độc giả thân thuộc của VnExpress chắc chắn sẽ dành cho bản thân, gia đình và xã hội nhiều lời chúc. Nhưng tôi muốn rằng năm nay, khi chúng ta chúc nhau “sức khỏe”, thì ta cùng thống nhất rằng nó không chỉ mang nghĩa thể chất.
Bạn khỏe mạnh, cả xã hội cũng sẽ khỏe mạnh.”
(Đức Hoàng, Lời chúc sức khỏe, VnExpress, 31/12/2017)
Câu 1 (0,75 điểm). Theo định nghĩa của WHO, khái niệm sức khỏe nghĩa là gì? “Sức khỏe” theo cách hiểu đó có vai trò, ý nghĩa như thế nào?
Câu 2 (0,75 điểm). Tại sao tác giả bài viết này lại chia sẻ rằng “Và rất nhiều lần trong đời, tôi thấy ăn năn, rằng mình đã không quan tâm đến một ai đó nhiều hơn, về tinh thần và xã hội, thay vì tin rằng họ vẫn khỏe”.
Câu 3 (0,5 điểm). Anh/chị hiểu như thế nào khi tác giả bài viết khẳng định “chúng ta nhìn nhận cuộc sống với thái độ tích cực, thì những điều tích cực sẽ tự nhiên xảy đến với ta”.
Câu 4 (1,0 điểm). Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả: “Bạn khỏe mạnh, cả xã hội cũng sẽ khỏe mạnh.” ? Tại sao?
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm).
Từ phần văn bản trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bày suy nghĩ của mình về câu hỏi: Anh/chị thấy mình có khỏe mạnh không?
Câu 2 (5,0 điểm).
Phân tích những phát hiện và sự tỉnh ngộ của hình tượng nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục). Liên hệ với cái chết của hình tượng Vũ Như Tô trong đoạn “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, trích vở kịch “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng (Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam) để làm sáng tỏ nhận thức chung của mỗi nhà văn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Hướng dẫn làm bài chi tiết
Phần I. Đọc - hiểu
Câu 1.
- Theo định nghĩa của WHO, khái niệm sức khỏe nghĩa bao gồm sự lành mạnh ở 3 khía cạnh: thể chất, tinh thần và xã hội.
- “Sức khỏe” theo nghĩa đó có vai trò, ý nghĩa như thế nào?
+ Mối quan hệ của bạn với hàng xóm, với đồng nghiệp, với người thân có “khỏe mạnh” hay không quyết định bạn có đang sống tốt không.
+ Nếu như tất cả chúng ta cùng lưu tâm đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội của mình, thì tự xã hội sẽ tốt lên.
+ Chỉ cần chúng ta quan tâm đến sức khỏe theo nét nghĩa này, thì rất nhiều vấn đề xã hội nhức nhối mà chúng ta đang phải đối mặt (bạo lực gia đình, học đường, y tế; tệ tham nhũng, lối sống vô cảm,...) những có thể được giải quyết.
Câu 2. Tác giả bài viết này chia sẻ rằng “Và rất nhiều lần trong đời, tôi thấy ăn năn, rằng mình đã không quan tâm đến một ai đó nhiều hơn, về tinh thần và xã hội, thay vì tin rằng họ “vẫn khỏe” bởi lẽ:
- Bản thân cũng chưa có hiểu biết đầy đủ về khái niệm sự khỏe mạnh, cứ nghĩ đơn giản rằng một người không ốm đau, bệnh tật - thể chất khỏe mạnh là họ đang hoàn toàn khỏe mạnh.
- Thực tế không phải như vậy, một người khỏe mạnh về thể chất không hẳn đã khỏe mạnh về tinh thần, xã hội. Họ có thể đang phải chịu đựng những áp lực lớn về tinh thần, đang bị khủng hoảng trong các mối quan hệ xã hội.
- Việc chưa quan tâm đến một ai đó nhiều hơn về tinh thần và xã hội chính một trong những nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh không còn cá biệt trong xã hội hiện đại như trầm cảm, tự kỷ hay tình trạng bạo lực gia đình, xã hội dưới nhiều hình thức.
Câu 3. Thái độ đối với cuộc sống của mỗi con người sẽ quyết định kết quả mỗi người đón nhận.
- Nhìn cuộc sống với thái độ tích cực: tâm lý trở nên thoải mái, tâm hồn rộng mở, thái độ luôn lạc quan, tin yêu, khi đó, làm bất cứ việc gì cũng hiệu quả, thuận lợi,... nên việc/ chuyện tích cực: việc tốt đẹp, chuyện may mắn,... sẽ đến là tất yếu.
Câu 4.
- Người viết có thể đồng tình hoặc không, song phải trình bày gãy gọn, diễn đạt mạch lạc, giàu sức thuyết phục.
Phần II. Làm văn
Câu 1 (2,0 điểm).
1. Yêu cầu chung.
a. Đảm bảo cấu trúc và quy mô đoạn văn.
b. Làm rõ được nội dung cần nghị luận trong đoạn văn
2. Yêu cầu cụ thể.
(1). Nêu khái quát thực trạng sức khỏe bản thân.
(2). Trình bày thực trạng sức khỏe bản thân, lý giải:
- Trình bày cách hiểu về khái niệm “sức khỏe?
- Bản thân đã khỏe mạnh hay chưa khỏe mạnh ở khía cạnh nào? Biểu hiện cơ bản? Tại sao? -Đề xuất giải pháp để duy trì hoặc cải thiện trạng thái sức khỏe của chính mình.
Câu 2 (5,0 điểm).
(1). Yêu cầu chung.
a. Biết cách làm bài nghị luận văn học về một hình tượng nhân vật trong tác phẩm truyền.
b. Làm rõ được những nhận thức và sự tỉnh ngộ của hình tượng nhân vật Phùng.
Liên hệ với cái chết của hình tượng nhân vật Vũ Như Tô để hiểu được nhận thức chung của hai nhà văn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống.
c. Biết vận dụng linh hoạt và hợp lý các loại kiến thức có liên quan để giải quyết thuyết phục vấn đề cần nghị luận.
(2). Yêu cầu cụ thể.
Thí sinh có thể trình bày và diễn đạt theo những cách khác nhau, song cần thể hiện được những nội dung cơ bản sau.
1. Giới thiệu chung về Nguyễn Minh Châu, “Chiếc thuyền ngoài xa” và nhân vật Phùng.
2. Phân tích những phát hiện và sự tỉnh ngộ của nhân vật Phùng.
* Những phát hiện của Phùng.
+ Phùng là một nghệ sỹ nhiếp ảnh. Theo đề nghị của trưởng phòng, anh cần chụp một bức ảnh cảnh biển cho bộ lịch tháng bảy năm sau. Nơi anh tìm kiếm cảm hứng sáng tạo là một vùng quê ven biển, cũng là nơi từng là chiến trường và ở đó còn có Đẩu - người đồng đội cũ của anh giờ là Chánh án Tòa án huyện.
+ Anh dày công tìm kiếm “mai phục” hàng tháng mới bất ngờ bắt gặp “một cảnh đắt trời cho” trên hành trình “săn ảnh” - cảnh chiếc thuyền trên mặt biển trong sương mù của buổi bình minh. Chứng kiến và thu vào ống kính khung cảnh đó, trong lòng Phùng trào lên niềm xúc động, hạnh phúc, cảm giác “tâm hồn như được thanh lọc”.
+ Nhưng cũng chính trong khoảnh khắc đó, anh lại tận mắt thấy cảnh một người đàn ông hàng chài đánh vợ một cách tàn nhẫn, thô bạo. Sự thực trần trụi, tàn nhẫn phơi bày trước mắt và xảy đến quá nhanh khiến Phùng kinh ngạc tột độ, thoạt đầu chỉ biết “đứng há hốc mồm ra mà nhìn”. Điều này cho thấy, Phùng hoàn toàn chưa có ý thức chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đối diện với muôn vàn nghịch lý của cuộc đời. Tiếp sau, Phùng còn phải trải qua nhiều “kinh ngạc” nữa: cậu bé Phác, vốn thân với anh, bỗng xa lánh và dường như thù ghét anh, người đàn bà được anh “cứu” xem ra không mấy biết ơn ân nhân bất đắc dĩ, thậm chí còn không muốn anh can dự vào chuyện của chị ta; kẻ bị hành hạ dứt khoát không bỏ người chồng đã nện mình như cơm bữa,..
* Phùng với hành trình từ ngạc nhiên đến “vỡ lẽ” và “bừng ngộ”.
+ Cuộc nói chuyện với người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện đã khiến Phùng “vỡ lẽ nhiều điều.
- Anh ngỡ rằng, mình đang giúp người phụ nữ này thoát khỏi bất hạnh nhưng lại không hề biết rằng chính sự giúp đỡ đầy thiện chí đó lại đẩy người phục nữ cùng đàn con của mình vào tình thế sống còn bi thảm hơn. Bỏ chồng, người phụ nữ có thể không phải chịu đòn “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng nhưng sẽ cơ cực bội phần khi phải đơn độc vật lộn mưu sinh, đàn con sẽ tan đàn xẻ nghé khi gia đình tan vỡ, không chỉ là thất học mà còn đối mặt với bao nguy cơ: đói cơm, rách áo; sống tha phương, vất vưởng tự mưu sinh.
- Anh đầy tự tin mình là một người trí thức - nghệ sĩ đủ nhạy cảm, mình là người đi trải nghiệm sâu sắc những năm chiến đấu để thuyết giáo một người đàn bà lao động nghèo khó, thất học mà không ngờ rằng, những gì anh có quá nghèo nàn, hời hợt, nông cạn, thậm chí ngây thơ. Chính người đàn bà lam lũ, thất học kia mới dạy cho anh những bài học đời thấm thía, sâu sắc, giúp anh nhận ra và hiểu rằng còn có bao nhiêu những ẩn ức của cuộc đời, những góc khuất tối của đời sống con người mà không phải ai cũng nhìn thấy và thấu hiểu.
3. Liên hệ với cái chết của hình tượng nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng đài” để làm sáng tỏ nhận thức chung của mỗi nhà văn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống.
+ Những phát hiện và sự tỉnh ngộ, “vỡ lẽ” của phóng viên nhiếp ảnh Phùng gợi người đọc liên tưởng đến cái chết của hình tượng nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn “Vĩnh biệt Cửu Trùng đài (trích vở kịch Vũ Như Tô) của Nguyễn Huy Tưởng.
- Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài, có khát vọng nghệ thuật cao đẹp là xây dựng được một công trình “bền như trăng sao” có thể “ tranh tinh xảo với Hóa công”, làm vinh dự cho cả một dân tộc. Nhưng tòa lâu đài tráng lệ có tên Cửu Trùng Đài mà ông dốc toàn bộ tâm sức, tài năng xây dựng, bất chấp cả những cơ cực, khổ nạn của thợ thuyền và nhân dân khi bị bóc lột tận xương tủy đó lại là công trình kiến trúc chỉ phục vụ nhu cầu hưởng lạc sa đọa của Lê Tương Dực - một hôn quân với các cung nữ.
- Xung đột không thể hòa giải giữa khát vọng nghệ thuật thuần túy của Vũ Như Tô và những người dân đói khổ bị bắt phải đi xây dựng Cửu Trùng Đài đã dẫn đến hậu quả tất yếu: Cửu Trùng Đài bị đốt, Vũ Như Tô bị đưa ra pháp trường, chấp nhận cái chết mà vẫn chưa thể tỉnh ngộ việc vì sao mình phải chết, cớ gì Cửu Trùng Đài bị đốt.
- Cái chết của Vũ Như Tô là khó và không thể tránh khỏi khi người nghệ sĩ này tuyệt đối hóa cái đẹp, đặt cái đẹp của nghệ thuật bên ngoài những mối quan hệ xã hội, đặt cái đẹp trên cái thiện, thậm chí chà đạp lên cái thiện. Chỉ chạy theo đam mê nghệ sĩ cá nhân dù đó là khát vọng cao đẹp nhưng bỏ rơi, lãng quên nỗi khổ cực, đói nghèo của nhân dân, nghệ sĩ và sản phẩm anh tạo ra sẽ không thể có chỗ đứng trong đời sống, tất yếu sẽ bị hủy diệt.
+ Từ đây có thể thấy cả Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Minh Châu đều thể hiện nhận thức chung sâu sắc, thấm thía về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống.
- Nghệ thuật, người nghệ sỹ luôn phải gắn bó với đời sống con người và phải luôn vì con người bởi một nguyên lý muôn đời: nghệ thuật là cuộc đời, nghệ thuật sẽ chẳng là gì nếu không vì cuộc đời, con người mà có. “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (nói riêng), nghệ thuật (nói chung).
- Cuộc đời, con người mà nghệ thuật chân chính cần hướng tới, cần quan tâm hơn cả phải là cuộc đời của quần chúng nhân dân lao động - những con người đáng thương, thường phải chịu nhiều thua thiệt, những con người đau khổ, bất hạnh nhất trong mọi xã hội.