Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn Quảng Nam 2023

Xuất bản: 05/06/2023 - Cập nhật: 06/06/2023 - Tác giả:

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn Quảng Nam 2023 - 2024 cập nhật nhanh tại đây. Tuyển tập đề thi vào 10 Quảng Nam môn Văn qua các năm

Mời bạn đọc tham khảo đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2023 tỉnh Quảng Nam. Cập nhật nhanh nhất đề chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo kèm đáp án chi tiết bên dưới.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Quảng Nam 2023

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Quảng Nam sẽ được giải đáp ngay sau thời gian thi môn Ngữ văn.

ĐỀ THI

I. Đọc hiểu (2,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Bây giờ là buổi trưa. Im ắng lạ. Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình.

Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”.

(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi, Ngữ văn 9, tập Hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr.114-115)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. (1,0 điểm) Câu văn sau sử dụng cách dẫn trực tiếp hay gián tiếp? Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”.

Câu 2. (1,0 điểm) Nêu ngắn gọn cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật tôi (Phương Định) trong những câu sau:

“Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cử thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát”.

II. Làm văn ( 8,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Viết bài văn ngắn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải có ước mơ trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim

(Phạm Tiến Duật, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ngữ văn 9, tập Một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2023, tr.132)

-Hết-

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

I. Đọc hiểu

Câu 1. 

"Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!": lời nói gián tiếp.

Câu 2.

Cô mang theo vào chiến trường vẻ hồn nhiên vô tư lự của cô gái Hà Thành mơ mộng với những bài hát “ thuộc bất cứ một nhạc điệu nào rồi bịa ra lời mà hát… Tiếng hát ấy để động viên đồng đội và động viên chính bản thân mình, để gửi vào trong tiếng hát sự khao khát của tuổi trẻ, của người chiến sĩ, mong được trở về quê hương yêu dấu, được gặp lại người yêu sau bao ngày nhớ nhung, yêu thương.

II. Làm văn

Câu 1. 

*Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Nghị luận về sự cần thiết phải có ước mơ trong cuộc sống.

*Bàn luận và phân tích vấn đề:

a. Giải thích

Ước mơ: khao khát, ý muốn của con người muốn đạt được một điều gì đó, được làm nghề gì đó hoặc trở thành người như nào đó. Khi mỗi người có ước mơ họ trở nên tốt đẹp hơn, đề cao tầm quan trọng của ước mơ trong cuộc sống con người.

b. Phân tích

- Biểu hiện của người sống có ước mơ:

  • Chăm chỉ làm việc, khi gặp khó khăn không nản, luôn kiên trì, bền bỉ với việc mình đang làm.
  • Nỗ lực học tập, không bỏ qua bắt cứ cơ hội học tập nào, trau dồi, rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình.
  • Biết đặt ra mục tiêu phấn đấu vì mục tiêu đó.

- Sự cần thiết phải có ước mơ trong cuộc sống.:

  • Người có ước mơ là người có lí tưởng sống, có ý chí vươn lên, sẽ học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải để hoàn thiện bản thân.
  • Khi ta vấp ngã, biết đứng lên tiếp tục theo đuổi ước mơ, ta sẽ có thêm nhiều bài học quý giá mà không phải ai cũng có được.
  • Việc xây dựng ước mơ không chỉ khiến cho bản thân tốt đẹp hơn mà còn đóng góp cho xã hôi, cho đất nước phát triển.

c. Chứng minh: Học sinh lấy dẫn chứng

d. Phản đề: Trong xã hội vẫn còn nhiều người sống không có ước mơ, hoài bão, vô cảm, phó mặc cho cuộc đời. Lại có người sống có ước mơ nhưng không cố gắng thực hiện mà chỉ hão huyền, viển vông về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại sự cần thiết phải có ước mơ và rút ra bài học cho bản thân.

Câu 2.

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

- Là nhà thơ khoác áo lính và là một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ kháng chiến chống Mĩ.

- Hình tượng trung tâm trong thơ ông là người lính và cô thanh niên xung phong.

- Nghệ thuật: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.

Tác phẩm: Viết năm 1969, được in trong “Vầng trăng quầng lửa”.

Đoạn trích: ba khổ thơ cuối bài đã thể hiện tình đồng đội keo sơn, gắn bó và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của những người lính.

2. Phân tích

- Từ trong mưa bom, bão đạn  những chiếc xe nối đuôi nhau ra chiến trường, vượt qua núi cao vực sâu của Trường Sơn để về đây “họp thành tiểu đội”, những con người tự bốn phương chẳng quen biết nay đã trở thành bạn bè qua những cái bắt tay vội vã:

+ Hình ảnh cái nắm tay của người lính hiện lên chân thực, cảm động qua “cửa kính vỡ rồi”. Dường như ô cửa kính vỡ chẳng làm người lính bận lòng, trái lại nó lại càng làm cho họ có cơ hội gần gũi nhau hơn, xóa đi mọi khoảng cách. Cửa kính bỗng trở thành nhân chứng về sự gắn bó, đoàn kết của những người lính dọc tuyến đường Trường Sơn. Qua cái bắt tay nồng ấm họ trao cho nhau tình cảm thương mến, niềm tin, hi vọng vào một tương lai chiến thắng.

- Trong những giây phút dừng chân ngắn ngủi, họ cùng nhau:

“Bếp hoàng cầm…gia đình đấy”

Tình đồng đội keo sơn gắn bó được thể hiện qua bữa cơm giữa rừng. Trong giây phút ấy họ chia sẻ bát cơm, chiếc đũa,… với nhau. Chính điều đó giúp họ xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau như những người ruột thịt trong gia đình.

- Tình cảm keo sơn đã tiếp sức cho các anh, nâng bước giúp các anh tiếp tục lên đường: “Võng mắc…trời xanh thêm”

Từ láy “chông chênh” gợi sự không chắc chắn, không vững vàng. Phải chăng đó chính là hình ảnh của con đường Trường Sơn gồ ghề bị tàn phá bởi bom đạn cùng với những chiếc võng lắc lư theo nhịp xe. Câu thơ đã cho thấy những trở ngại, khó khăn, hiểm nguy mà người lính phải đối mặt. Nhưng khí phách, ý chí chiến đấu của họ vẫn kiên định, vượt lên tất cả để họ “lại đi lại đi trời xanh thêm”.

Điệp từ “lại đi” lặp lại hai lần cho thấy sự chảy trôi, tiếp nối, gợi ra nhịp hành quân khẩn trương. Từ đó khẳng định tinh thần chiến đấu kiên cường, vững vàng của người lính.

Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh thêm” lại cho ta thấy tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm vui phơi phới cũng là niềm hi vọng vào tương lai của ngày mai chiến thắng.

Ý chí chiến đấu vì miền Nam

- Ngay trong câu thơ đầu tác giả đã tái hiện hình ảnh những chiếc xe không kính, trải qua mưa bom bão đạn chiếc xe đã hư hại và bị biến dạng. Điệp ngữ “không có” được nhắc lại 3 lần không chỉ nhấn mạnh sự thiếu thốn trần trụi của những chiếc xe mà còn tô đậm hiện thực khốc liệt của chiến trường.

- Nhưng bom đạn chỉ có thể làm biến dạng được chiếc xe chứ không thể làm thay đổi được ý chí chiến đấu của những người chiến sĩ, xe “vẫn chạy vì miền Nam phía trước”:

+ Từ “vẫn” vang lên như một sự khẳng định đầy thách thức, hiên ngang của người lính, không gì có thể cản được sự chuyển động kì diệu của những chiếc xe.

+ Tác giả sử dụng biện pháp đối lập lấy cái “không có” để khẳng định cái “có” đó là trái tim, một trái tim đầy sức mạnh. Hình ảnh hoán dụ “trái tim” là một biểu tượng đẹp đẽ về vẻ đẹp tâm hồn và ý chí của người lính lái xe. Đó là trái tim cháy bỏng tình yêu nước, sôi trào ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam. Một trái tim đầy tinh thần trách nhiệm. Chỉ cần trái tim ấy người lính sẽ có đủ can đảm, dũng cảm để vượt qua mọi khó khăn.

+ Trái tim đó đã trở thành nhãn tự của bài, cô đúc ý toàn bài, hội tụ vẻ đẹp của người lính, khẳng định chân lý của thời đại: điều làm nên chiến thắng không chỉ là những phương tiện hiện đại mà quan trọng hơn là ý chí, nghị lực, niềm tin vào chính nghĩa.

=> Trái tim người lính tỏa sáng rực rỡ đến muôn thế hệ sau, khiến ta không thể quên những thanh niên trong thời kì chống Mỹ oanh liệt của dân tộc.

3. Tổng kết vấn đề

- Sử dụng biện pháp nghệ thuật đặc sắc, giàu giá trị biểu cảm: so sánh, hoán dụ, điệp từ,…

- Tình đồng đội keo sơn gắn bó như gia đình trong những năm tháng đấu tranh gian khổ.

- Tinh thần, ý chí quyết tâm đánh giặc.

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn Quảng Nam 2023

Đề thi vào lớp 10 môn Văn Quảng Nam 2022

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG NAM

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10

VÀO TRƯỜNG PTDTNT TỈNH NĂM HỌC 2020-2023

Môn thi: NGỮ VĂN

ĐỀ CHÍNH THỨC

Thời gian:120 phút (không kể thời gian giao đề)

Ngày thi: 06/6/2022

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(...) Nhà họa sĩ tặc lưỡi đứng dậy. Cô gái cũng đứng lên, đặt lại chiếc ghế, thong thả đi đến chỗ bác già.

- Ô! Cô còn quên chiếc mùi soa đây này!

Anh thanh niên vừa vào, kêu lên. Để người con gái khỏi trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay còn vo tròn cặp giữa cuốn sách tới trả lại cho cô gái. Cô kĩ sư mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và quay vội đi.

- Chào anh. - Đến bậu cửa, bỗng nhà họa sĩ già quay lại chụp lấy tay người thanh niên lắc mạnh. - Chắc chắn rồi tôi sẽ trở lại. Tôi ở với anh ít hôm được chứ?

Đến lượt cô gái từ biệt. Cô chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay. Cô nhìn thẳng vào mắt anh – những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa, Ngữ văn 9, tập Một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, trang 187)

Câu 1 (0.75 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2 (0.75 điểm). Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập trong câu văn: Cô nhìn thẳng vào mắt anh – những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy.

Câu 3 (1.0 điểm). Qua cách từ biệt, em hiểu gì về tình cảm của cô gái đối với anh thanh niên?

Câu 4 (1.5 điểm). Cuộc chia tay giữa bác họa sĩ và cô kĩ sư với anh thanh niên có thể xem là những kỉ niệm đẹp. Em hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 7 đến 10 dòng) để trả lời câu hỏi: Những kỉ niệm đẹp có giá trị như thế nào đối với cuộc đời mỗi người?

II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao...

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ, Ngữ văn 9, tập Hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 55,56)

---HẾT---

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2. Thành phần biệt lập trong phụ chú: "những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy."

Câu 3. Có chút tiếc nuối và lưu luyến, cô chủ động chìa tay ra để cho anh thanh niên nắm, cái nắm tay cẩn trọng, rõ ràng. Cuộc gặp gỡ chỉ vừa mới diễn ra giữa 2 người giờ chuyển thành cảm giác xa cách, ly biệt có thể sẽ không bao giờ có cơ hội gặp lại. Cô gái đã nảy sinh tình cảm.

Câu 4.  Các em tự thực hiện, nhớ đảm bảo yêu cầu đoạn văn từ 7 đến 10 dòng.

II. LÀM VĂN

1. Giới thiệu chung:

- Thanh Hải là người có công lớn thắp sáng ngọn lửa thi ca cách mạng trong lòng miền Nam trong những năm dài đen tối, đầy máu và nươc mắt dưới ách thống trị của thực dân Mĩ.

- Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”  được Thanh Hải viết vào tháng 11 năm 1980 khi còn nằm trên giường bệnh, một tháng trước lúc qua đời. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp và khí thế của đất nước vào xuân , thể hiện khát vọng và tình yêu thiết tha được trọn đời dâng hiến cho quê hương, đất nước.

2. Cảm nhận chung:

- Hình ảnh mùa xuân của đất nước được lắng đọng , cảm nhận từ cái nhìn trìu mến, thiết tha của nhà thơ, hiện lên như một thế giới trong xanh, tỏa sáng và tươi non với những sắc màu và âm thanh thân quen và tươi mới.

+ Đường nét thật giản đơn: nền xanh của nước( của trời) hiện lên một bông hoa tím biếc giản dị, khiêm nhường. Đó là sự hòa điệu của sắc màu: màu hồ thủy của dòng sông, màu tím biếc hơi trầm của bông hoa nhỏ… Độ lắng của sắc màu cũng là độ lắng của cảm xúc. Mùa xuân đơn sơ, dịu nhẹ, làm nao lòng người…

+ Giai điệu mùa xuân chợt cất cao, lảnh lót và lan tỏa trong tiếng chim chiền chiện vui tươi. Cái không khí của một buổi sớm mùa xuân trong veo, bầu trời trong veo, không gian trong veo, tiếng chim trong veo… đến mức có thể hóa thành “ giọt long lanh” . Giọt sương – giọt ánh sáng- giọt âm thanh tất cả đã hóa thành giọt long lanh của mỗi sáng mai. Kì diệu thay, đôi bàn tay nhà thơ đã hứng lấy giọt tinh túy của trời đất mùa xuân mát lành.

+ Từ nhứng khoảnh khắc bất chợt cảm nhận về sắc màu, thanh âm trong trẻo như vậy, cả mùa xuân lớn của dân tộc chợt ùa vào tâm hồn nhà thơ.

+ Hình ảnh mùa xuân đất nước: Lấy người cầm súng, người ra đồng- hai lực lượng chính trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

+ Lộc : điệp từ “ lộc”- điệp từ mang tính khẳng định kết hợp với từ láy “ hối hả”, “ xôn xao” tạo nên một không khí khẩn trương, tràn đầy sức sống, sức xuân – niềm lạc quan, tin tưởng vào thành quả cách mạng.

+ Suy tưởng về vẻ đẹp đất nước: “ Đất nước bốn ngàn năm”.. Đó là đất nước vừa lớn loa, hùng vĩ gần gũi( nghệ thuật nhân hóa) vất vả trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sr. Vẻ đẹp của sức sống bền bỉ, mãnh liệt. “ Đất nước như vì sao” hình ảnh so sánh độc đáo, giàu ý nghĩa, phó từ “ cứ” đặt ở đầu câu để khẳng định sức mạnh , thế đi lên vững vàng của cả dân tộc, vẻ đẹp tỏa sáng rạng ngời thể hiện niềm tự hào, tin tưởng của tác giả vào bản lĩnh dân tộc và đất nước.

+ Hình ảnh đất nước diễn tả tình yêu nước vô cùng sâu nặng của tác giả, phép đối được nhà thơ vận dụng sáng tạo cảmcâu thơ giàu sức gợi cảm.

+ Thể thơ năm chữ được tác giả vận dụng  nhuần nhuyễn  thành công. Lời thơ trong sáng, truyền cảm, giàu hình ảnh, điệp từ, so sánh, nhân hóa, được sử dụng một cách điêu luyện diễn tả cảm hứng yêu nước, tự hào của nhà thơ tạo nên vần thơ có nhạc điệu  tha thiết, dạt dào.

3. Đánh giá chung:

-   Khổ thơ giàu tính nhạc , nhịp điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển thanh thoát của những câu thơ 5 chữ giai điệu sôi nổi, da diết của những điệp ngữ phù hợp với giọng điệu cảm xúc trữ tình.

- Thể hiện tình cảm tha thiết , trong trẻo, đằm thắm của tác giả trước vẻ đẹp , sức sống của mùa xuân thiên nhiên , đất nước. Từ những rung động ngọt ngào, sâu lắng và da diết, tác gải khao khát được hào nhập vào cuộc đời- mùa xuân nho nhỏ vào dòng chảy dạt dào sức sống, dạt dào tình đời, tình người mùa xuân của đất trời.

-HẾT-

Đề thi vào lớp 10 môn Văn chung vào Chuyên Quảng Nam 2021

Câu 1. (2 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

(Ngữ văn 9, tập Một, NXB Giáo dục Việt Nam)

a. (1.0 điểm) Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm nào? Ai là tác giả?

b. (1.0 điểm) Trong những từ in đậm ở đoạn thơ trên, từ nào được dùng theo nghĩa gốc, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển và chuyển theo phương thức nào?

Câu 2. (3.0 điểm)

Viết bài văn ngắn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về khát vọng sống đẹp.

Câu 3. (5.0 điểm)

Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

Đáp án đề văn chung thi vào chuyên Quảng Nam 2021

Câu 1. (2 điểm)

a. Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

b.

từ được dùng theo nghĩa gốc: trăng, mây

từ được dùng theo nghĩa chuyển: bụng theo phương thức hoán dụ.

Câu 2. (3.0 điểm)

Mở bài: Giới thiệu vấn đề: Là con người sống trong cuộc đời ai cũng có khát vọng.

Thân bài

a) Giải thích khái niệm:

- Khát vọng là mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống.

- Khát vọng sống đẹp biểu tượng cho những gì lớn lao tốt đẹp mà con người ta hướng đến cho bản thân mình và cho cộng đồng.

- Giá trị của khát vọng là những điều mà chúng ta nên hướng đến, để chúng ta đạt được giá trị của cuộc sống.

b) Bàn luận giá trị sống có khát vọng sống đẹp:

- Khát vọng sống đẹp là biểu hiện mang tính tích cực của tâm lý, tốt đẹp của con người.

- Khát vọng sống đẹp xuất phát từ những mong ước làm nên cuộc đời hạnh phúc, không chỉ cho bản thân người đó mà cho những người xung quanh.

- Khát vọng sống đẹp thể hiện được giá trị của chính con người.

- Những con người có khát vọng sống đẹp luôn nhận thức mình là ai và có thể làm gì để giúp đỡ mọi người.

- Những người có khát vọng sống đẹp sẽ có trái tim say mê, luôn sống hết mình và hơn ai hết họ nhận thức được lợi hại. Và trong thực tế cuộc sống họ luôn tỉnh táo tránh được những rủi ro không đáng có.

- Khát vọng sống đẹp có thể thực hiện được có thể không nhưng chung quy lại nó luôn mang đến cho người ta sự lạc quan nhất định và hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho nhân loại.

Kết bài: Có ý thức nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, biến những thói xấu thành lối sống có khát vọng cao đẹp.

Câu 3. (5.0 điểm)

a) Mở bài

- Giới thiệu sơ lược về tác giả Lê Minh Khuê, tác phẩm Những ngôi sao xa xôi

- Giới thiệu nhân vật Phương Định, nêu cảm nhận chung về nhân vật.

b) Thân bài

* Khái quát về truyện

- Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm được sáng tác vào những năm 1970 trong thời kì kháng chiến chống Mỹ vô cùng gian khổ, ác liệt, thanh niên miền Bắc lúc khí thế sôi nổi vì miền Nam “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, lúc đó tác giả từng là chiến sĩ thanh niên xung phong ở Trường Sơn.

- Giá trị nội dung: Truyện đã khắc họa rõ nét tâm hồn trong sáng, mộng mơ cùng tinh thần lạc quan, dũng cảm, giàu nghị lực của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn - là hình ảnh đẹp của thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam những năm kháng chiến chống Mĩ.

* Cảm nhận về nhân vật Phương Định

Luận điểm 1: Hoàn cảnh sống và chiến đấu của Phương Định

- Xuất thân : là con gái Hà Nội, khá xinh xắn, đáng yêu, tham gia thanh niên xung phong sống giữa khói bụi Trường Sơn và bom đạn.

- Công việc : đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom nổ, "chạy trên cao điểm cả ban ngày".

-> Hoàn cảnh sống và công việc hết sức nguy hiểm, căng thẳng, cái chết luôn rình rập.

Luận điểm 2: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Phương Định

- Phương Định là một cô gái có tâm hồn trong sáng

+ Trẻ trung, mơ mộng

  • Là cô gái trẻ người Hà Nội
  • Từng có thời học sinh hồn nhiên, vô tư
  • Hay nhớ về những kỉ niệm

+ Nhạy cảm, hay quan tâm đến hình thức

  • Tự đánh giá mình là một cô gái "khá"
  • Biết được mình được nhiều người để ý

+ Hay mơ mộng, tìm thấy điều thú vị trong cuộc sống và trong công việc hết sức nguy hiểm

+ Hồn nhiên, yêu đời, thích hát

  • Thích hát, thuộc nhiều bài hát, còn bịa cả lời mà hát
  • Dưới cơn mưa đá, cô "vui thích cuống cuồng"

- Phương Định là một người có phẩm chất anh hùng

+ Có tinh thần trách nhiệm cao với công việc

  • Nhận nhiệm vụ phá bom nguy hiểm như một việc làm quen thuộc hàng ngày
  • Hành động chuẩn xác, thuần thục

+ Dũng cảm, gan dạ

+ Bình tĩnh, tự tin và rất tự trọng

+ Khi thực hiện nhiệm vụ phá bom

  • Ban đầu có vẻ căng thẳng, hồi hộp
  • Cô cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ đang dõi theo
  • Lòng tự trọng của cô đã chiến thắng cả bom đạn

+ Thương yêu đồng đội

  • Chăm sóc Nho chu đáo
  • Hiểu rõ tâm trạng lo lắng của chị Thao khi Nho bị thương
  • Với đại đội trưởng, chỉ tiếp xúc qua điện thoại nhưng biết rõ cách ăn nói
  • Quý trọng, cảm phục tất cả những chiến sĩ mà cô đã gặp.

c) Kết bài

- Nêu cảm nhận của em về nhân vật Phương Định.

-/-

Tuyển tập đề thi tuyển sinh lớp 10 Quảng Nam môn Văn qua các năm

Đề Văn tuyển sinh lớp 10 năm 2020

Câu 1. (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

- Ba... a... a... ba !

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, Ngữ văn 9, tập Một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, trang 198) 

a. (1,0 điểm) Các đại từ: tôi, anh, nó chỉ những nhân vật nào?

b. (1,0 điểm) Chỉ ra phép lặp và phép thế được sử dụng trong các câu văn sau: "Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó cổ đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”.

Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Quảng Nam 2020

Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Nam năm 2019

Câu 1. (2.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(...) Ông lại nghĩ về cái làng của ông, lại nghĩ đến những ngày cùng làm việc với anh em. Ô, sao mà độ ấy vui thế. Ông thấy mình như trẻ ra. Cũng hát hỏng, bông phèng, cũng đào, cũng cuốc mê man suốt ngày. Trong lòng ông lão lại thấy náo nức hẳn lên. Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá... Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa? Những đường hầm bí mật chắc còn lả khướt lắm. Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá.”. 

(Kim Lân - Làng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2005, trang 162,163)

a. Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập trong mỗi câu sau:

- Ô, sao mà độ ấy vui thế.

- Những đường hầm bí mật chắc còn lả khướt lắm.

b. Nêu ngắn gọn nội dung, ý nghĩa của đoạn trích.

Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2019 Quảng Nam

Trên đây là toàn bộ nội dung của đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn các năm được chúng tôi tổng hợp chia sẻ nhằm giúp các em nắm được các thông tin về kỳ thi này.

Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành giúp các bạn hoàn thành tốt bài thi của mình. Tra cứu điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 tại đây!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM