Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định 2019

Xuất bản: 24/05/2019 - Cập nhật: 31/03/2021 - Tác giả:

Đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn năm 2019 của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Định được cập nhật nhanh nhất tại đây

Đọc Tài Liệu giới thiệu chi tiết đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn năm học 2019 - 2020 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Định được cập nhật nhanh nhất giúp bạn tham khảo.

Đề thi văn vào lớp 10 THPT chuyên Lê hồng Phong năm 2019

Đề thi môn Văn vào 10 trường chuyên Lê hồng Phong năm 2019 gồm 3 phần 7 câu với thời gian làm bài 120 phút. Các kiến thức tập chung chủ yếu vào chương trình học môn Ngữ Văn lớp 9.

Theo thông báo chính thức từ trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong  thì thí sinh dự thi sẽ bắt đầu làm bài thi từ 80:00 ngày 24/05/2019 với thời gian làm bài là 120 phút.

Như vậy đúng 10:30 chúng tôi sẽ cập nhật đầy đủ đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định năm 2019. 

Đề thi chính thức tuyển sinh vào 10 năm 2019 của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định.

Phần I. Tiếng Việt (2,0 điểm) 

Câu 1. (1,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi là con gái Hà Nội (1). Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá (2). Hai bim tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn (3). Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!" (4).

(Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê)

a) Tìm lời dẫn trực tiếp.

b) Xác định khởi ngữ.

c) Chỉ ra hai phép liên kết và từ ngữ liên kết trong đoạn văn trên.

Câu 2. (1,0 điểm).

Trong các tổ hợp từ sau đây, những tổ hợp từ nào là thành ngữ? Giải thích ngắn gọn nghĩa của các thành ngữ đó.

a) Đi một ngày đàng học một sàng khôn

b) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

c) Nói như dùi đục chấm mắm cáy

d) Màn trời chiếu đất

e) Chó treo mèo đậy

Phần II. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Thầy muốn nhắn nhủ với các em rằng: Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi. Nền giáo dục của chúng ta đang bắt đầu đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn, tích cực hơn, theo đó học sinh muốn thành đạt thì ngoài kiến thức sách vở, họ còn phải thành thạo các kĩ năng xã hội, kĩ năng sống để phát triển toàn diện, họ cần phải được trang bị các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp. [..]

Trong những năm học vừa qua, rất nhiều em học sinh đã tham gia đội thanh niên tình nguyện để làm những công việc khác nhau, từ việc nhỏ đến việc lớn... Chẳng hạn, họ làm vệ sinh các phòng ốc, sơn mới các bức tường, sửa chữa nhà ăn... Qua đó, họ đã thu hoạch được những bài học quý giá cho mình: họ biết tìm hiểu công việc và hỗ trợ lẫn nhau, biết cải tiến kĩ năng lao động. Qua những công việc mang tính phục vụ cộng đồng như vậy, mỗi cá nhân cảm thấy gắn bó và hòa đồng với tập thể của mình hơn và thương yêu nhau hơn... Thầy thấy những bài học như thế không có hoặc ít có trong các tiết học Toán, Lý, Tiếng Anh hay Sinh, ...

(Trích bài phát biểu của thầy Văn Như Cương nhân Lễ khai giảng

trường THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội,

theo VNEXPRESS, ngày 06/9/2015)

Câu 1. (0,5 điểm)

Theo tác giả, học sinh ngày nay muốn thành đạt cần chuẩn bị cho mình những hành trang gì?

Câu 2. (0,75 điểm)

Nêu những thông điệp được tác giả gửi gắm trong đoạn trích.

Câu 3. (0,75 điểm)

“Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi". Em có đồng tình với ý kiến trên hay không? Lí giải bằng 5-7 câu văn.

Phần III. Làm văn (6,0 điểm) 

Câu 1. (1,5 điểm)

Nhà triết học Gớt từng cho rằng: “Lí thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Từ những gợi ý trong bài đọc hiểu cùng với những trải nghiệm của bản thân, em hãy trình bày quan điểm của mình về ý kiến trên bằng một đoạn văn (khoảng 20 dòng).

Câu 2. (4,5 điểm)

Người xưa có nói: “Thi trung hữu họa” (trong thơ có tranh).

Hãy phân tích hai đoạn thơ sau để làm sáng tỏ ý kiến trên.

Ngày xuân con én đưa thoi, 

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời, 

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

(Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du,

Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

Mọc giữa dòng sông xanh 

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện.

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

(Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải,

Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

---------HẾT---------

Xem thêm tài liệu cùng chủ đề: Đề thi Văn chung vào 10 Chuyên Lê Hồng Phong năm 2020

Dưới đây là đáp án đề thi văn vào 10 THPT chuyên Lê Hồng Phong năm 2019 của Đọc Tài Liệu. Mời các em cùng tham khảo:

Đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn chuyên Lê Hồng Phong

Phần I. Tiếng Việt

Câu 1.

a) Lời dẫn trực tiếp: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!” (0,25 điểm)

b) Khởi ngữ: Còn mắt tôi/mắt tôi (0,25 điểm)

c) Các câu trong ngữ liệu trên sử dụng các phép liên kết (0,5 điểm)

- Phép nối: còn

- Phép lặp từ ngữ: tôi

- Phép thế: con gái, cô gái

- Phép liên tưởng: bím tóc, cái cổ, mắt tôi

Câu 2 (1,0 điểm)

- Tổ hợp từ là thành ngữ: Nói như dùi đục chấm mắm cáy (0,25 điểm)

Giải thích nghĩa: Nói không khéo, thô cộc, thiếu tế nhị (0,25 điểm)

- Tổ hợp từ là thành ngữ: Màn trời chiếu đất (0,25 điểm)

Giải thích nghĩa: Cảnh sống không nhà cửa, dãi dầu, khổ cực. (0,25 điểm)

Phần II. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Câu 1. (0,5 điểm)

Theo tác giả, học sinh ngày nay muốn thành đạt cần chuẩn bị cho mình các hành trang:

+ Kiến thức trong sách vở.

+ Các kĩ năng xã hội, kĩ năng sống.

+ Các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp.

* Cách cho điểm:

- Hs trả lời đúng 3 ý trên được 0,5 điểm

- Trả lời đúng 2 ý được 0,25 điểm.

- Trả lời được 1 ý, trả lời sai hoặc không trả lời không cho điểm.

Câu 2.

Những thông điệp được tác giả gửi gắm trong đoạn trích:

- Hãy học tập cả trong sách vở và cuộc sống.

- Cần trang bị thêm cho mình những kĩ năng và các giá trị chuẩn mực về tính cách, phẩm chất, đạo đức.

- Tham gia các hoạt động mang tính phục vụ cộng đồng.

- Từ việc tham gia các hoạt động thực tiễn sẽ trau dồi thêm hiểu biết về công việc, có thêm các kĩ năng, biết gắn bó, hòa đồng và yêu thương...

* Cách cho điểm:

- Hs nêu được 3-4 thông điệp được 0,75 điểm

- Nêu được 2 thông điệp được 0,5 điểm.

- Nêu được 1 thông điệp được 0,25 điểm.

- Trả lời sai hoặc không trả lời không cho điểm.

Lưu ý: Chấp nhận các cách diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề.

Câu 3. 

- Học sinh bày tỏ được quan điểm: đồng tình hoặc không đồng tình hoặc đồng tình một phần với ý kiến. (0,25 điểm)

- Đưa ra lí giải thuyết phục. (0,5 điểm)

Ví dụ:

+ Đồng tình: Vì tri thức trong sách vở rất quan trọng nhưng chỉ là một phần nhỏ bé trong biển tri thức của nhân loại; nguồn tri thức của nhân loại là vô biên, sự học để tiếp thu tri thức là quá trình dài đến suốt đời.

+ Không đồng tình: Vì tri thức của nhân loại từ ngàn đời đã được đúc kết trong sách vở; cần tìm tòi, học hỏi từ sách vở để trau dồi tri thức cho bản thân.

+ Không đồng tình hoàn toàn: kết hợp hai cách trên.

* Cách cho điểm:

- Hs đưa ra quan điểm của bản thân, lí giải ngắn gọn, có sức thuyết phục cao được 0,75 điểm.

- Hs đưa ra quan điểm của bản thân, có lí giải nhưng còn dài dòng, chưa có sức thuyết phục cho 0,5 điểm.

- Hs đưa ra quan điểm nhưng lí giải không thuyết phục hoặc không lí giải được 0,25 điểm.

- Hs không đưa ra quan điểm, hoặc không trả lời không cho điểm.

Gợi ý:

- Em đồng tình với ý kiến này.

- Bởi vì đây là một nhận định vô cùng sắc sảo và đúng đắn về sự nghiệp học hành của mỗi người. Việc học tập từ sách vở là vô cùng quan trọng. Thông qua sách vở, ta có thể nắm bắt được lịch sử của nhân loại, biết được cấu tạo và sự tiến hóa của loài người, nắm được cách tư duy, tính toán trong những lĩnh vực quan trọng… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần kiến thức nhỏ nhoi trong đại dương tri thức mênh mông mà thôi. Đó mới chỉ là phạm trù kiến thức vô cùng nhỏ bé, hạn hẹp trong đại dương mênh mông rộng lớn. Các bạn vẫn chưa nắm bắt được những tri thức, hiểu biết bất tận ngoài xã hội. Điều đó các bạn sẽ không thể chỉ học trong sách vở mà còn học ngoài cuộc sống, xã hội.

Tham khảo thêm bài nghị luận: Nghị luận Biển học là mênh mông sách vở chỉ là vùng biển gần bờ

Phần III. Làm văn (6,0 điểm) 

Câu 1. (1,5 điểm)

- Yêu cầu về hình thức (0,25 điểm):

Đúng hình thức một đoạn văn và đảm bảo dung lượng; biết sử dụng kết hợp các thao tác lập luận; có thể kết hợp các phương thức biểu đạt khác nhưng phương thức chính phải là nghị luận; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.

- Yêu cầu về nội dung (1,25 điểm):

Chấp nhận những cách triển khai khác nhau nhưng đảm bảo đúng vấn đề nghị luận. Sau đây là một gợi ý:

+ Câu nói của Gớt khẳng định giá trị vượt trội của thực tiễn cuộc sống so với tri thức trên sách vở.

+ Kiến thức trên sách vở rất phong phú nhưng nó là sự đúc kết trong những giai đoạn nhất định của quá khứ; thực tiễn cuộc sống lại hết sức phong phú, sinh động và không ngừng vận động, biến đổi.

+ Không nên xem nhẹ tri thức sách vở hoặc quá coi thường thực tiễn,

+ Cần kết hợp học với thực hành; trang bị cho mình tri thức, các kĩ năng và các phẩm chất cần thiết...

* Cách cho điểm:

- Từ 1,25 -1,5 điểm: Đảm bảo đầy đủ các ý trên, triển khai ý một cách hệ thống, có lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục, biết gắn với văn bản đọc hiểu, diễn đạt trôi chảy, có giọng điệu.

- Từ 0,75 -1,0 điểm: Đảm bảo tương đối đầy đủ các ý trên, biết cách triển khai ý một cách thuyết phục, diễn đạt khá trôi chảy.

- Từ 0,25 - 0,5 điểm: Đảm bảo được 1⁄2 ý trên, triển khai ý còn sơ lược, còn mắc lỗi diễn đạt.

- Điểm 0: Không trình bày quan điểm hoặc không trả lời.

Câu 2 (4,5 điểm)

* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

1. Yêu cầu về hình thức (0,5 điểm)

- Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận 3 phần (mở bài, thân bài, kết luận). Trong phần thân bài biết tổ chức thành các đoạn văn rõ ràng, mạch lạc, liên kết chặt chẽ, lôgic (0,25 điểm).

- Bài viết không mắc quá 3 lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm).

2. Yêu cầu về nội dung (4,0 điểm)

Học sinh xác định được vấn đề nghị luận. Có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

a) Giới thiệu (0,25 điểm)

- Khái quát về tác giả, tác phẩm.

- Trích dẫn nhận định.

- Trích hai đoạn thơ.

b) Nêu ý hiểu nội dung nhận định (0,5 điểm)

- Thi (thơ): là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm.

- Thi trung hữu họa (trong thơ có tranh): là bức tranh về cuộc sống, về thiên nhiên, về con người... được vẽ lên bằng ngôn từ nghệ thuật, mang đến cho người đọc những hình dung về màu sắc, đường nét, hình khối góp phần thể hiện tâm hồn, tài năng của người nghệ sĩ.

c) Phân tích, chứng minh (2,75 điểm)

c1) Vẻ đẹp của bức tranh mùa xuân trong đoạn thơ trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1,25 điểm)

- Vị trí, xuất xứ của đoạn thơ.

- Nội dung: Vẻ đẹp của bức tranh mùa xuân trong tiết thanh minh

+ Không gian: Bức tranh xuân được miêu tả vào thời điểm tiết trời đã sang tháng ba (chín chục đã ngoài sáu mươi) nhưng không gian mùa xuân vẫn rộng mở từ bầu trời xuống mặt đất (con én, chân trời...).

+ Hình ảnh: “Cỏ non xanh tận chân trời” đã tạo nên khung nền cho bức tranh. Giữa khung nền ấy là những cánh én chao liệng như thoi đưa giữa bầu trời trong sáng. Và nổi bật trên màu xanh non ấy là những bông lê trắng.

+ Sắc màu trong bức tranh có sự hài hòa đến mức tuyệt diệu: ánh sáng tươi đẹp của bầu trời và không khí mùa xuân (thiều quang) cùng màu xanh non tơ của cỏ, điểm xuyết một vài cánh trắng sắc lê. Tất cả góp phần làm nên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: vừa mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống (cỏ non), khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời), nhẹ nhàng, thanh khiết (trắng điểm một vài bông hoa) vừa vô cùng sinh động, có hồn (với cách dùng từ “điểm”).

+ Bức tranh không tĩnh mà còn trở nên hữu hình và hữu hồn bởi cách dùng ngôn ngữ độc đáo của bậc đại thi hào “trắng điểm một vài bông hoa”.

+ Đoạn thơ còn hé mở cái nhìn và tâm trạng của người ngắm cảnh.

- Nghệ thuật khắc họa: Kết hợp bút pháp tả với gợi; ngôn ngữ thơ giàu chất tạo hình; nghệ thuật đảo từ và cách sử dụng từ độc đáo...

c2) Vẻ đẹp của bức tranh mùa xuân trong đoạn thơ trích trong Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải (1,5 điểm)

- Vị trí, xuất xứ của đoạn thơ.

- Nội dung: Vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, đất trời xứ Huế

+ Không gian: được khắc họa từ thấp lên cao (dòng sông, chim) gợi lên cái cao rộng, bao la của xứ Huế.

+ Hình ảnh dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, những giọt âm thanh của tiếng chim long lanh.

+ Sự hòa phối sắc màu: màu xanh thẳm của dòng sông xanh phản chiếu cái trong trẻo của bầu trời cao vợi hòa cùng màu tím biếc vừa tươi thắm, dịu dàng. Tất cả tạo nên một bức họa thanh sơ, tươi tắn mà cũng rất đỗi đằm thắm, nên thơ của mảnh đất cố đô.

+ Bức tranh còn có hình ảnh động cùng âm thanh vang vọng tươi vui của cánh chim chiền chiện hót vang trời. Đặc biệt trong bức tranh này tưởng như người đọc có thể nhìn thấy được cả một thứ vô hình là âm thanh của tiếng chim trong trẻo, ngưng đọng, kết tụ (Từng giọt long lanh rơi).

+ Đoạn thơ còn là bức chân dung tự họa tâm hồn của thi nhân với những cảm xúc dâng trào. Vừa ngạc nhiên, vui sướng khi phát hiện và khám phá những tín hiệu và sức sống của mùa xuân, vừa say sưa, ngây ngất, trân trọng khát khao mở rộng tâm hồn đón nhận và giao hòa với vẻ đẹp đất trời mùa xuân. Con người ấy có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước tha thiết.

- Nghệ thuật khắc họa: Hình ảnh thơ tự nhiên, giản dị, gần gũi; ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu sức liên tưởng; nghệ thuật đảo ngữ; ẩn dụ chuyển đổi cảm giác...

e) Đánh giá (0,5 điểm)

- Khẳng định câu nói của cổ nhân hoàn toàn đúng với thơ ca và được minh chứng rõ qua hai đoạn thơ trong “Truyện Kiều” và “Mùa xuân nho nhỏ”.

- Hai đoạn thơ giàu chất họa thể hiện tài năng của hai nhà thơ trong việc sử dụng ngôn từ nghệ thuật. Không chỉ là bức họa thiên nhiên, qua mỗi bức tranh còn hé mở chân dung tâm hồn của thi nhân.

- Bài học cho người nghệ sĩ và người tiếp nhận.

* Cách cho điểm:

+ Điểm từ 4,0 - 4,5: Phân tích có định hướng, đầy đủ các ý trên hoặc phân tích có định hướng, chưa thật đầy đủ nhưng sâu sắc, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc, giàu hình ảnh, có sáng tạo.

+ Điểm từ 2,75 - 3,75: Phân tích có định hướng, đảm bảo được 3/4 các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi chính tả.

+ Điểm 2,0 - 2,5: Phân tích có định hướng, đảm bảo được một nửa yêu cầu trên hoặc tính định hướng chưa rõ nhưng sâu sắc, còn mắc một số lỗi chính tả.

+ Điểm 1,5 – 1,75: Phân tích có ý thức định hướng nhưng mức độ sơ sài, văn còn lủng củng, nhiều lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.

+ Điểm dưới 1,5: Không có ý thức định hướng, không phân tích hết đoạn thơ, mức độ sơ sài, văn viết sai nhiều lỗi, trình bày cẩu thả.

+ Điểm 0: để giấy trắng hoặc sai lạc hoàn toàn.

Lưu ý chung:

- Sau khi chấm điểm từng câu, giám khảo cân nhắc để cho điểm toàn bài một cách hợp lí, đảm bảo đánh giá đúng trình độ thí sinh, khuyến khích sự sáng tạo.

- Điểm toàn bài lẻ đến 0,25 điểm, không làm tròn.

Các em có thể tham khảo bài văn: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Tham khảo thêm: 

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM