Đề thi Văn vào lớp 10 năm 2020 Chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định (có đáp án)

Xuất bản: 08/07/2020 - Cập nhật: 30/03/2021 - Tác giả:

Đáp án đề thi Văn chung tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020 trường Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) giúp em đối chiếu kết quả.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn chung năm 2020 Chuyên Lê Hồng Phong và đáp án được ĐọcTàiLiệu cập nhật giúp các em học sinh tham khảo, so sánh kết quả với bài thi của mình.

Đề thi vào lớp 10 năm 2020
chuyên Lê Hồng Phong

Đề thi Văn vào lớp 10  năm 2020 Chuyên Lê Hồng Phong trang 1
Đề thi Văn vào lớp 10  năm 2020 Chuyên Lê Hồng Phong trang 2

Chi tiết đề thi vào lớp môn Văn của Chuyên Lê Hồng Phong như sau:

Sở GD&ĐT Nam Định

Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

NĂM HỌC: 2020 - 2021

Môn: Ngữ Văn (chung)

Ngày thi: 8.7.2020

Phần I Tiếng Việt (2,0 điểm) 

Câu 1 (1,0 điểm)

Tìm và gọi tên thành phần biệt lập trong các câu sau:

a) Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa! (Bằng Việt).

b) Cuối năm thể nào mợ cháu cũng về. (Nguyên Hồng)

c) Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm. (Nam Cao)

d) - Vâng bà để mặc em ... (Kim Lân)

Câu 2 (1,0 điểm)

Chỉ ra và nêu tác dụng của phép điệp cấu trúc câu được sử dụng trong đoạn văn sau

Để cây cối không hóa thạch mãi trong những câu ca dao hay truyện cổ, con người phải tiếp tục trồng cây. Trồng cây thị cho người sau còn yêu cô Tấm. Trồng khóm tre ngà cho truyện Thánh Gióng âm ỉ nuôi lòng yêu nước trong mỗi con người. Trồng cây quế, cây cau, dây trầu cho cổ tích nối dài vào đời sống hiện đại. Cho cổ tích còn cơ hội nuôi dưỡng mầm thiện trong mỗi người... cho những hoang vu khô cằn không có cơ hội ám ảnh đời người.

(Theo Sống như cây rừng, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016)

Phần II. Đọc hiểu văn bản (2,5 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Một gia đình nọ mới dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc ăn điểm tâm, đứa con thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi. “Tấm vải bẩn thật!" - Cậu bé thốt lên “- Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một thử xà bông mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người mẹ nhìn cảnh ấy nhưng vẫn im lặng. Cậu bé vẫn cứ tiếp tục lời bình phẩm ấy mỗi lần bà hàng xóm phơi tấm vải.

Ít lâu sau, vào một buổi sáng, cậu bé ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cậu nói với mẹ “Mẹ nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết giặt tấm vải sạch sẽ, trắng tinh rồi". Người mẹ đáp: “Không sáng nay mẹ đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.

(Phỏng theo Nhìn qua khung cửa sổ, www.goctamhon.com)

Câu 1 (0,5 điểm) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

Câu 2 (1,0 điểm). Qua những lời bình phẩm của cậu bé, em nhận thấy những tính cách nổi bật nào của nhân vật.

Câu 3 (1,0 điểm).

Lời đáp của người mẹ: "Không, sáng nay mẹ đã lau kính cửa sổ nhà mình có ý nghĩa gì?

Phần III. Làm văn (5,5 điểm) 

Câu 1. (1,5 điểm) 

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu cùng với những trải nghiệm của bản thân, em hãy và một đoạn văn (khoảng 20 dòng) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực.

Câu 2 (4,0 điểm)

Mỗi tác phẩm là một thông điệp mà người nghệ sĩ muốn gửi đến cho độc giả.

Em hãy cảm nhận đoạn thơ sau, từ đó rút ra những thông điệp mà Nguyễn Duy muốn gửi gắm tới bạn đọc.

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn - đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình..

(Theo SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, trang 156).

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn Chuyên Lê Hồng Phong 2020

Phần I. Tiếng Việt

Câu 1. Thành phần biệt lập

a) Ôi: thành phần biệt lập cảm thán

b) thế nào: tình thái

c) tôi nghĩ vậy: phụ chú

d) Vâng : gọi đáp

Câu 2: biện pháp điệp cấu trúc "Trồng .... cho..." có tác dụng:

+ Nhấn mạnh vai trò của cây cối trong việc gắn kết đời sống hiện thực và thế giới cổ tích...

+ Thể hiện tình yêu và sự trân trọng của tác giả với văn học dân gian.

+ Tạo nhịp điệu, giọng điệu khẳng định và sự liên kết câu.

Phần II. Đọc hiểu

Câu 1 (0,5 điểm) Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: nghị luận

Câu 2 (1,0 điểm).

Các nét tính cách nổi bật của cậu bé qua lời bình phẩm:

- Có thói quen quan sát thế giới xung quanh.

- Hồn nhiên, vô tư.

- Nóng vội, hấp tấp.

- Hay bình phẩm theo góc nhìn chủ quan.

Câu 3 (1,0 điểm). Lời đáp của người mẹ: "Không, sáng nay mẹ đã lau kính cửa sổ nhà mình" là một lời giải đáp, giải thích điều cần thay đổi không phải là tấm vải hay người chủ của nó, điều cần thay đổi là khung cửa sổ nhà cậu bé.

Ý nghĩa câu trả lời của người mẹ:

- Giải thích cho cậu bé hiểu vì sao tấm vải của người hàng xóm trở nên sạch sẽ, trắng tinh. (0,5 điểm)

- Nhắn nhủ người con:

+ Không nên vội vàng đánh giá người khác qua cái nhìn chủ quan của bản thân. (0,25 điểm)

+ Nên nhìn nhận cuộc sống theo hướng tích cực (0,25 điểm)

Phần III. Làm văn (5,5 điểm) 

Câu 1. (1,5 điểm) 

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sự thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực.

Trong cuộc sống mỗi người đều có một cách nhìn khác nhau trong bất cứ sự vật sự việc nào, nhưng nếu có một cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực thì sự chuyến biến luôn theo hướng tốt hơn với bạn.

Hoặc

Sự khác biệt giữa người có thái độ sống tích cực với người có thái độ sống tiêu cực biểu hiện rất rõ trong cách cư xử thường nhật.

Bàn luận vấn đề

- Giải thích: Sự thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng thích tích cực chính là cách chúng ta rèn luyện một thái độ sống tích cực, luôn giữ cho mình một tinh thần trong sáng, một niềm tin vào cuộc sống tương lai.

- Đây là cái nhìn đúng đắn về cuộc sống, về mối liên hệ giữa cá nhân với cuộc đời, về trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội.

- Khi đối mặt với khó khăn luôn nghĩ cách tìm ra các giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề

- Tạo dựng được thái độ sống tích cực sẽ giúp ta có được phẩm chất đáng quý của con người, một lối sống đẹp.

- Gá trị mà thái độ sống tích cực mang lại

+ Người biết thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực sẽ có nhiều cơ hội thành công trong cuộc sống cao hơn đồng nghĩa với việc tạo dựng được những thành quả từ chính sức lực, trí tuệ, lối sống của mình.

+ Xây dựng những giá trị tinh thần đem lại cho con người nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khi thấy cuộc sống của mình có ích, có nghĩa, được quý trọng, có được sự tự chủ, niềm lạc quan, sự vững vàng từ những trải nghiệm cuộc sống.

Bài học nhận thức và hành động: Tích cực phấn đấu rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống, bồi dưỡng lòng tự tin, ý thức tự chủ.

Câu 2.

Gợi ý: Cảm nhận đoạn thơ trong bài Ánh trăng và rút ra những thông điệp Nguyễn Duy gửi tới bạn đọc.

*Yêu cầu chung: Học sinh biết cách tạo lập một bài văn nghị luận về một đoạn thơ. Văn viết có cảm xúc, diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

*Yêu cầu cụ thể:

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận gồm 3 phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (Cảm nhận đoạn thơ và rút ra những thông điệp Nguyễn Duy gửi tới bạn đọc), triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục.

Dưới đây là một hướng triển khai:

*Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn trích

- Nguyễn Duy thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông mang đậm tính triết lí, nghiêng về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, suy tư.

- Bài thơ Ánh trăng được sáng tác năm 1978, in trong tập thơ cùng tên, tác giả được tặng giải A của Hội nhà văn Việt Nam năm 1984.

- Đoạn thơ là cảm xúc, tâm trạng của người lính khi tình cờ gặp lại và đối diện với trăng đồng thời hàm chứa những thông điệp mà Nguyễn Duy muốn gửi tới độc giả.

*Cảm nhận đoạn thơ

- Học sinh có ý thức liên hệ với hoàn cảnh ra đời, mạch cảm xúc của bài thơ để khái quát được vị trí và nội dung đoạn thơ.

- Cảm nhận cụ thể:

+ Khổ 1: Tình huống đời thường và hành động của người lính

++ Tình huống bất ngờ (đèn điện tắt, phòng tối), con người vội tìm về với thiên nhiên (vội bật tung cửa sổ), vầng trăng đột ngột xuất hiện.

++ Chú ý các từ: thình lình, vội, đột ngột để làm rõ sự việc bất thường chính là bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc.

+ Khổ 2: Tâm trạng con người khi đối diện với trăng

++ Tư thế lặng im ngửa mặt lên nhìn mặt: con người trong tư thế chủ động đối diện đàm tâm với vầng trăng, cũng là đối diện với chính mình.

++ Từ láy rưng rưng: gợi tả dòng nước mắt chực trào, nghẹn ngào, thổn thức.

++ Biện pháp điệp ngữ, liệt kê, so sánh, giọng thơ hối hả (như là đồng là bể - như là sông là rừng): gợi cảm xúc của người lính về thời quá khứ gắn với thiên nhiên đất nước bình dị, hiền hậu thuở ấu thơ và hồi chiến tranh mà ánh trăng soi rọi, đánh thức trong anh...

+ Khổ 3: Suy ngẫm triết lí của người lính về trăng

++ Hình ảnh: Trăng tròn vành vạnh – trăng im phăng phắc: Vầng trăng xuất hiện tròn trịa, đầy đặn và bao dung mặc cho con người có lãng quên, vô tình. Trăng biểu tượng cho quá khứ vẹn nguyên không thay đổi dù con người có đổi thay...

++ Nghệ thuật nhân hóa khiến trăng như một nhân chứng, nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ về lối sống ân nghĩa thủy chung; trạng thái giật mình là sự thức tỉnh lương tâm, là tiếng nói bên trong của con người khi nhận ra sự thiếu sót và khuất lấp trong tâm hồn mình.

- Đánh giá chung:

+ Thể thơ ngũ ngôn, chỉ viết hoa chữ cái ở đầu mỗi khổ, cả đoạn thơ chỉ có một dấu chấm duy nhất biểu hiện dòng cảm xúc liền mạch...

+ Kết hợp tự nhiên giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm, tạo nên một câu chuyện nhỏ có bối cảnh không gian, thời gian và nhân vật.

+ Mạch cảm xúc theo trình tự thời gian, nhân vật trữ tình là người lính đối thoại với chính mình, tự chất vấn lương tâm để có sự bừng thức về tâm hồn, về lẽ sống.

+ Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, gợi cảm, sử dụng linh hoạt các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ, so sánh...

*Những thông điệp tác giả gửi tới bạn đọc

Học sinh chỉ ra một số thông điệp phù hợp. Sau đây là một số định hướng:

Qua lời tự nhắc của người lính về những năm tháng gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu, tác giả đã gửi đến bạn đọc thông điệp về:

- Thái độ đối với quá khứ, với những người đã khuất, với chính mình...

- Thái độ sống uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ....

c. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Cách cho điểm:

- Điểm từ 3,5 -> 4,0: Đảm bảo đầy đủ hoặc chưa thật đầy đủ các yêu cầu nêu trên nhưng có ý sâu sắc; vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, linh hoạt, văn viết mạch lạc, cảm xúc, có hình ảnh.

- Điểm từ 2,75 -> 3,25: Đảm bảo tương đối đầy đủ các yêu cầu trên; phân tích tác phẩm chưa thật thuyết phục nhưng có ý kiến đánh giá đúng dù chưa thật sâu sắc.

- Điểm 2,0 -> 2,5: Đảm bảo các yêu cầu trên ở mức độ sơ sài, chưa biết phân tích định hướng tác phẩm; chưa biết đánh giá; văn còn lủng củng, nhiều lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.

- Điểm dưới 1,75: Chưa hiểu đúng đề, phân tích tác phẩm một cách chung chung, thiếu thuyết phục; văn viết sai nhiều lỗi, trình bày cẩu thả.

- Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề.

Tham khảo văn mẫu:Cảm nhận về 3 khổ cuối bài thơ Ánh trăng

-/-

Các môn thi khác

Đề thi vào lớp 10 môn Toán chung năm 2020 Chuyên Lê Hồng Phong

Trên đây là toàn bộ nội dung của đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 chung đối với các thí sinh thi vào Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) được Đọc Tài Liệu thực hiện sau khi kì thi chính thức diễn ra. Với nội dung này các em có thể so sánh đối chiếu kết quả bài thi của mình!

Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành hữu ích với bạn trong kỳ thi này.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM