SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐỀ THI CHÍNH THỨC | ĐỀ THI TUYỂN SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM HỌC 2017 - 2018 MÔN THI: NGỮ VĂN Thời gian làm bài thi: 120 phút Ngày thi: 07 / 07 / 2017 |
Câu 1 (2,0 điểm):
a. Xác định và gọi tên thành phần biệt lập có trong đoạn văn sau:
Một ngày cuối năm năm mươi tám – năm đó ta chưa võ trang- trong một trận càn lớn Ca Quán Mi - nguy, anh Sáu đã hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mỹ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trói lại điều gì, hình như chỉ có tình cha Con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu.
(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng)
b. Xác định 01 biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau và nêu tác dụng của nó:
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
(Trích Mùa xuân nho nhỏ,Thanh Hải)
Câu 2 (3,0 điểm):
Là một người cháu, người con, người em,... trong gia đình, em có suy nghĩ gì về vai trò của chữ hiếu? Hãy trình bày trong một bài văn nghị luận (khoảng 01 trang giấy thi).
Câu 3 (5,0 điểm):
Cảm nhận về lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ đối với Bác Hồ qua đoạn thơ sau:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
(Trích Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập 2, NXB GD, 2011)
......HẾT......
Đáp án tham khảo
Câu 1
a) Thành phần biệt lập phụ trú "năm đó ta chưa võ trang"
b) Biện pháp tu từ ở trong 4 câu thơ gồm:
- Nhân hóa: "vất vả và gian lao": tổ quốc như một người mẹ tần tảo, vất vả và gian lao, đã làm nổi bật sự trường tồn của đất nước. Để có được sự trường tồn ấy, giang sơn gấm vóc này đã thấm bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của các thế hệ, của những tháng năm đằng đẵng lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm. Nhưng dù trở lực có mạnh đến đâu cũng không khuất phục được dân tộc Việt Nam.
- So sánh: Biện pháp tu từ so sánh được nhà thơ sử dụng vô cùng đặc sắc, làm ý thơ hàm súc "Đất nước như vì sao / Cứ đi lên phía trước". Sao là nguồn sáng bất diệt của thiên hà, là vẻ đẹp lung linh của bầu trời đêm, là hiện thân của sự vĩnh hằng trong vũ trụ. So sánh như thế, là tác giả đã ngợi ca đất nước trường tồn, tráng lệ, đất nước đang hướng về một tương lai tươi sáng. Hơn nữa, còn thể hiện niềm tin tưởng của tác giả vào tương lai rạng ngời của dân tộc Việt Nam.
- ẩn dụ:" cứ đi lên phía trước": đất nước việt nam ta đã trải qua những thời kì kháng chiến ác liệt thảm khốc nhưng điều đó không xóa đi được 1 đất nước Việt Nam anh hùng.
Câu 2.
Tham khảo dàn ý sau:
Mở bài
- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cấn nghị luận: vai trò của chữ"hiếu".
Thân bài
Giải thích chữ "Hiếu" là gì gì?
- "Hiếu" là hiếu thảo, là yêu thương, biết ơn, đối xử tốt với ông bà, cha mẹ.
- Biểu hiện: lễ phép, tôn trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; sống tử tế, làm điều tốt để ông bà, cha mẹ được an lòng.
Vì sao cần phải có lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ?
- Vì cha mẹ là người đã mang nặng đẻ đau để sinh ra ta và nuôi dưỡng ta nên người.
- Ông bà, cha mẹ, anh chị là những người yêu thương ta vô điều kiện, sẵn sàng giúp đỡ, che chởta, nhất là khi ta gặp khó khăn trong cuộc sổng.
- Chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ là trách nhiệm chính đáng của mỗi người; là một thước đo nhân cách; là truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta.
Dẫn chứng cụ thể về chữ Hiếu mà em biết sau đó liên hệ với bản thân.
Kết bài
Rút ra bài học cho bản thân và luôn gìn giữ chữ Hiếu: Phải sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, thể hiện tình yêu thương ấy hằng ngày, bằng sự sẻ chia, động viên, an ủi, quan tâm, chăm sóc chu đáo, tận tình; bằng việc học tâp, rèn luyện để trở thành người có ích.
Câu 3:
Tham khảo bài văn mẫu phân tích: Lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc qua 2 khổ thơ cuối Viếng lăng Bác