Đề thi Văn tốt nghiệp THPT mẫu số 34 có đáp án chi tiết

Xuất bản: 21/03/2024 - Tác giả:

Đề thi Văn tốt nghiệp THPT mẫu số 34 có đáp án chi tiết với bài đọc hiểu Nắm nhau tôi chôn góc phù sa sông Mã Trăm thác nghìn ghềnh cuộn xoáy vào tơ

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Nhằm hỗ trợ các em hoàn thiện hơn trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi đã bổ sung thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn mới cho kỳ thi năm nay. Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề 26.

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử tốt nghiệp Văn năm 2024 mẫu 34

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Nắm nhau tôi chôn góc phù sa sông Mã

Trăm thác nghìn ghềnh cuộn xoáy vào tơ

Làng cong xuống dáng tre già trước tuổi

Tiếng gọi đò khuya sạt cả đôi bờ.

Con hến, con trai một đời nằm lệch

Lấm láp đất bùn đứng thẳng cũng nghiêng

Mẹ gạt mồ hôi để ngoài câu hát

Giấc mơ tôi ngọt hơi thở láng giềng.

Hạt thóc củ khoai đặt đâu cũng thấp

Cả những khi rổ rá đội lên đầu

Chiếc liềm nhỏ không còn nơi cắt chấu

Gặt hái xong rồi rơm, rạ bó nhau.

(Nguyễn Minh Khiêm, Một góc phù sa,  NXB Hội Nhà văn 2007, tr. 18-19)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ.

Câu 2. Chỉ ra các từ ngữ/hình ảnh nói về quê hương bình dị, gần gũi trong kí ức của nhà thơ.

Câu 3. Hai câu thơ Mẹ gạt mồ hôi để ngoài câu hát/Giấc mơ tôi ngọt hơi thở láng giềng gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

Câu 4.

Bài học cuộc sống có ý nghĩa nhất với anh/chị khi đọc đoạn thơ trên là gì? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn thơ ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của những điều giản dị đối với cuộc sống con người.

Câu 2 (5.0 điểm)

Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện những tháng ngày kháng chiến gian khổ:

Mình đi có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù

Mình về có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai

và tái hiện những chiến thắng lịch sử hào hùng của quân dân Việt Bắc:

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp An Khê

Vui lên Việt Bắc đèo De núi Hồng.

(Việt Bắc, SGK Ngữ văn 12, tập một, tr. 110-112)

Anh (chị) hãy phân tích bức tranh Việt Bắc trong hai đoạn thơ trên, từ đó làm nổi bật sự vận động cảm xúc thơ Tố Hữu qua hai đoạn thơ.

----------HẾT----------

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp Văn năm 2024 mẫu 34

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm/Phương thức biểu cảm

Câu 2. Các từ ngữ/hình ảnh: phù sa sông Mã, con hến, con trai, hạt thóc, củ khoai, rơm, rạ… (Thí sinh chỉ ra được một đến ba từ ngữ/hình ảnh cho 0,25 điểm, từ bốn từ ngữ/hình ảnh trở lên cho 0,5 điểm)

Câu 3. 

- Hình ảnh người mẹ tần tảo, lạc quan yêu đời.

- Kí ức về tuổi thơ gắn bó với quê hương, xóm giềng và người mẹ yêu quý. Kí ức đẹp đẽ đó sẽ theo mãi cuộc sống con người.

Câu 4. Thí sinh có thể đưa ra những bài học khác nhau nhưng cần lí giải vấn đề phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật (Một số bài học: Trân trọng những người thân yêu xung quanh mình; Gần gũi, gắn bó với quê hương, coi đó là nguồn cội quan trọng đối với bản thân mình...)

II. LÀM VĂN

Câu 1 

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Ý nghĩa của những điều giản dị đối với cuộc sống con người

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của những điều giản dị đối với cuộc sống con người. Có thể viết đoạn văn theo hướng sau:

- Điều giản dị trong cuộc sống con người chính là những gì gần gũi, gắn bó thân thiết xung quanh mỗi người.

- Những điều giản dị có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người. Những điều giản dị có thể trở thành điểm tựa, bồi đắp cho con người giá trị tinh thần cao quí (tình làng nghĩa xóm, gia đình sâu nặng...); góp phần thanh lọc tâm hồn, hoàn thiện nhân cách để trở thành người tử tế.

- Mỗi người cần biết trân trọng những điều giản dị nhỏ bé, bởi đó có thể là nơi vẫy gọi ta về, làm bừng sáng kí ức đẹp đẽ...

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Bức tranh Việt Bắc trong hai đoạn thơ và sự vận động cảm xúc thơ Tố Hữu qua hai đoạn thơ.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

* Giới thiệu khái quát  về nhà thơ Tố Hữu, tác phẩm “Việt Bắc” và đoạn trích

* Phân tích hai đoạn thơ

- Đoạn thơ thứ nhất:

Tái hiện những tháng ngày kháng chiến thiếu thốn gian khổ nhưng vẫn ngời sáng ý chí và tinh thần quyết tâm của quân  dân Việt Bắc.

+ Cặp đại từ “mình - ta” thể hiện tình cảm thương mến, ngọt ngào, tha thiết.

+ Điệp từ “có nhớ” gợi sự hồi tưởng, gợi nhớ những tháng ngày kháng chiến gian khổ đồng bào Việt Bắc và cán bộ miền xuôi cùng nhau chia sẻ.

+ Hệ thống hình ảnh đa dạng, giàu ý nghĩa biểu tượng khái quát: hình ảnh gợi nhớ thiên nhiên Việt Bắc khắc nghiệt, hình ảnh gợi sinh hoạt kháng chiến gian khổ, hình ảnh gợi ý chí sắt đá, quyết tâm cao độ của quân dân Việt Bắc,…

=> Nhà thơ bộc lộ tâm trạng bồi hồi xúc động, từ đó tri công, tri ân đồng bào Việt Bắc đã đồng cam cộng khổ, hết lòng vì cách mạng vì kháng chiến.

- Đoạn thơ thứ hai:

Tái hiện những tháng ngày quân dân Việt Bắc quật khởi hào hùng, những chiến thắng dồn dập dội về. Việt Bắc trở thành điểm hội tụ niềm vui muôn phương.

+ Một loạt địa danh được gọi tên gợi nhớ những chiến công lừng lẫy của quân và dân ta dội về từ muôn nẻo đường.

+ Giọng điệu thơ nhanh, dồn dập thể hiện niềm vui sướng tự hào.

+ Nghệ thuật điệp linh hoạt biến hóa: Điệp từ “vui” được lặp đi lặp lại nhiều lần gợi lên những đợt sóng tình cảm trào dâng cho thấy niềm vui bao trùm không gian Việt Bắc và ngân nga trong lòng quân và dân cả nước.

=> Bộc lộ cảm xúc hân hoan phấn chấn tự hào. Tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, ý chí quyết tâm sắt đá đã tạo nên sức mạnh để quân dân Việt Bắc chiến đấu và chiến thắng.

* Làm nổi bật sự vận động cảm xúc thơ Tố Hữu qua hai đoạn thơ

- Qua hai đoạn thơ cảm xúc thơ có sự vận động rõ nét: từ trữ tình sâu lắng đến hân hoan hào hùng, từ xúc động ngậm ngùi đến tươi vui rạng rỡ, từ cảm  nhận sự gian khổ đến niềm vui chiến thắng ngập tràn.

- Từ đó độc giả hình dung được về sự vận động phát triển của cách mạng Việt Nam, về các giai đoạn của cuộc kháng chiến, trân trọng sự đóng góp hi sinh của đồng bào Việt Bắc cho kháng chiến.

- Từ sự vận động cảm xúc thơ Tố Hữu, độc giả nhận ra đặc điểm thơ Tố Hữu: lối thơ trữ tình – chính trị. Mọi cung bậc cảm xúc tâm trạng đều xuất phát từ những vấn đề chính trị, cách mạng của dân tộc, của thời đại.

- Nghệ thuật thể hiện: bút pháp từ trữ tình sâu lắng đến sử thi hào hùng, giọng điệu từ bồi hồi xúc động đến lạc quan tin tưởng, ngôn từ hình ảnh từ đặc tả biểu tượng đến những địa danh được lịch sử hóa.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Có cách diên đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM