Đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Hà Giang

Xuất bản: 30/07/2020 - Tác giả:

Đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Hà Giang gồm lời giải chi tiết các câu hỏi trong đề thi vào 10 môn Văn Hà Giang.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Hà Giang và đáp án được ĐọcTàiLiệu cập nhật giúp các em học sinh tham khảo, so sánh kết quả với bài thi của mình.

Đề thi vào lớp 10 năm 2020

Chi tiết đề thi vào lớp 10 môn Văn của tỉnh Hà Giang như sau:

Sở GD&ĐT Hà Giang

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

NĂM HỌC: 2020 - 2021

Môn: Văn

I. Phần đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi

Cả nước đang lao vào chống dịch như nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhưng cũng cố gắng hạn chế tác động đến cuộc sống, đến tâm lý xã hội và tính toán đến chi phí bỏ ra. Xin khẳng định lại một điều, viêm phổi Vũ Hán không nguy hiểm cho cá nhân người bị nhiễm so với nhiều căn bệnh khác như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp... những bệnh mà hiện có khá nhiều người bị. Nếu chỉ có vài trăm ca nhiễm, hệ thống y học điều trị của Việt Nam có thể đáp ứng được khả năng cứu chữa, điều trị những ca nặng - khi chỉ có vài chục ca nặng. Nhưng nếu có khoảng chục ngàn ca nhiễm, số ca nặng cần đến máy thở, cần hồi sức đặc biệt tăng lên, sẽ làm cho hệ thống y tế bị quá tải. Covid-19 nguy hiểm cho cộng đồng khi nó bùng phát và lan rộng, làm cho hệ thống y học điều trị bị mất kiểm soát.

Hiện nay, chiến lược chống dịch của Việt Nam là hạn chế lây lan, hạn chế số người nhiễm. Khoanh vùng dịch, cách ly và giãn cách cộng đồng là các biện pháp hỗ trợ tốt nhất cho chiến lược này. Chúng ta có thể cùng nhau ngăn chặn sự lây lan của nCoV mà điều quan trọng nhất trong lúc này là: ở yên một chỗ, và hãy mở lòng ra với đồng bào.

(Trích Mở lòng với đồng bào, Võ Xuân Sơn, báo VnExpress.net, ngày 20/03/2020)

Câu 1 (0,5 điểm). Câu văn “Hiện nay, chiến lược chống dịch của Việt Nam là hạn chế lây lan, hạn chế số người nhiễm.” là kiểu câu gì xét theo cấu tạo ngữ pháp?

Câu 2 (0,5 điểm). Nước ta đã thực hiện những biện pháp hỗ trợ nào cho chiến lược chống dịch?

Câu 3 (1,0 điểm). Vì sao, ở thời điểm đó, chúng ta cần “ở yên một chỗ” để phòng chống dịch?

Câu 4 (1,0 điểm). Em có đồng tình với quan điểm: “Hãy mở lòng ra với đồng bào” không? Vì sao?

II. Phần làm văn (7,0 điểm) 

Câu 1 (2,0 điểm)

Em hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ quan điểm bản thân về tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 ở nước ta.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác của tác giả Viễn Phương.

Đáp án đề tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Hà Giang 2020

Đáp án đề thi tuyển sinh vào 10 môn Văn tỉnh Hà Giang năm 2020 được cập nhật sau khi kết thúc thời gian thi chính thức:

I. Phần đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Câu đơn

Câu 2 . Khoanh vùng dịch, cách ly và giãn cách cộng đồng

Câu 3. Chúng ta cần ở yên một chỗ để phòng chống dịch vì: ngăn chặn lây lan, cách li để theo dõi người nghi ngờ và điều trị người mắc bệnh.

Câu 4. “mở lòng ra với đồng bào” là chung tay, đoàn kết, chia sẻ và  đồng cảm.

- HS 3 cách đúng: đồng ý/không đồng ý hoặc cả hai (0,25 điểm)

- HS lý giải ý hiểu phù hợp và thuyết phục cho 0,75 điểm.

II. Phần làm văn (7,0 điểm) 

Câu 1 (2,0 điểm)

*Giới thiệu vấn đề: tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 ở nước ta.

*Giải thích vấn đề:

- Covid 19 là gì? Covid-19 là bệnh do virus Corona (gọi tắt là Covid-19) - bệnh truyền nhiễm do một chủng virus mới gây ra. Covid-19 được WHO công bố là đại dịch toàn cầu, hiện đang ảnh hưởng và gây thiệt hại trên phạm vi toàn cầu.

- Nguyên nhân hình thành:

Chưa xác định được nguồn lây nhiễm bệnh đầu tiên, Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Sau đó, dịch đã lan ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc và hơn 200 quốc gia trên thế giới.

- Triệu chứng: Covid-19 là bệnh lý về hô hấp (giống như cảm cúm) với các triệu chứng phổ biến là sốt, ho và khó thở, có thể gây thiệt mạng trong trường hợp nghiêm trọng (đặc biệt là những ai có tiền sử bệnh lý).

- Cách lây truyền: Bệnh do virus corona lây truyền chủ yếu qua việc tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi. Bệnh này cũng lây truyền khi một người chạm tay vào một bề mặt hoặc đồ vật có chứa virus, sau đó chạm tay lên mắt, mũi hoặc miệng của mình.

- Hậu quả mà Covid-19 đem lại:

+ Tính đến cuối tháng 7/2020, hơn 16 triệu người được xác nhận mắc Covid-19, hơn 660.000 người tử vong.

+ Thiệt hại nặng nề về kinh tế xã hội.

*Tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid - 19: 

+ Luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức về tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh Covid - 19, bảo vệ bản thân và gia đình bạn cũng chính là bảo vệ cho toàn xã hội.

+ Khai báo y tế hoặc cơ quan liên quan khi ra vào nơi có dịch hoặc tiếp xúc với những người khác đã được xác nhận mắc Covid-19.

+ Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng khăn giấy dùng một lần hoặc khuỷu tay để che mũi và miệng. Tránh tiếp xúc gần (trong phạm vi 1 mét hoặc 3 feet) với những người không khỏe. Rửa tay thường xuyên trong 20 giây, bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay khô chứa cồn.

+ Ở nhà và tự cách ly khỏi những người khác trong gia đình nếu bạn cảm thấy không khỏe.

+ Tuyên truyền những thông tin xác thực, chính xác do Bộ Y tế hoặc chính phủ công bố, tránh lan tuyền tin giả, tin vô căn cứ gây hoang mang dư luận/

+ Hạn chế tiếp xúc những nơi đông người.

*Tổng kết và rút ra bài học.

Xem thêm: Đoạn văn nghị luận xã hội về đại dịch Covid 19

Câu 2 (5,0 điểm)

Dàn ý

a) Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả Viễn Phương.

+ Viễn Phương (1928 - 2005) là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam với các tác phẩm khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của nhân dân, đất nước trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.

- Giới thiệu khái quát bài thơ Viếng lăng Bác:

+ Bài thơ "Viếng lăng Bác" (1976) được ông viết với tất cả tấm lòng thành kính, biết ơn và tự hào, pha lẫn nỗi đau xót của một người con từ miền Nam ra viếng Bác lần đầu.

b) Thân bài

* Khái quát về bài thơ

- Hoàn cảnh sáng tác:

+ Tháng 4 năm 1976, một năm sau khi đất nước được giải phóng, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Hà Nội, vào lăng viếng Bác.

- Mạch cảm xúc chính: niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau khi nhà thơ ra viếng Bác.

* Cảm nhận về nội dung

- Cảm nhận của nhà thơ trước khung cảnh bên ngoài lăng (khổ 1)

"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác"

+ Ngay khi vừa đến bên ngoài lăng, nhà thơ đã bồi hồi, xúc động:

  • Cặp đại từ xưng hô “con - Bác" là cách xưng hô gần gũi, thân thiết của người miền Nam, vừa thể hiện sự tôn kính với Bác vừa bộc lộ tình cảm yêu thương dành cho một người ruột thịt, một người bề trên trong gia đình.
  • Cách nói giảm nói tránh "thăm" làm giảm bớt nỗi đau thương, mất mát, đồng thời khẳng định sự bất tử của Người trong lòng những người con nước Việt.

=> Câu thơ giản dị như một lời kể nhưng lại thấm đượm bao nỗi bồi hồi, xúc động của nhà thơ, sau bao mong nhớ, đợi chờ, nay mới được đến viếng lăng Bác.

+ Nhà thơ ấn tượng với "hàng tre" bên ngoài lăng Bác - một biểu tượng của dân tộc Việt Nam:

  • Đây là hình ảnh thực làm nên quang cảnh đẹp cho lăng Bác, mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi của làng quê, đất nước Việt Nam.
  • Hình ảnh thơ chứa nhiều sức gợi: "Hàng tre bát ngát" và "hàng tre xanh xanh" gợi vẻ đẹp tràn đầy sức sống của con người và đất nước ta.
  • Vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường, hiên ngang, bất khuất của nhân dân được tái hiện rõ nét qua câu thơ: "Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng". Hàng tre bao quanh lăng còn tượng trưng cho cả dân tộc đang quây quần bên Bác.

=> Niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ khi đứng trước lăng Người.

- Cảm xúc của nhà thơ khi nhìn đoàn người vào lăng (khổ 2)

+ Cặp hình ảnh "mặt trời" thực (Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng) và "mặt trời" ẩn dụ (Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ) chỉ Bác Hồ, tạo nên sự song chiếu.

-> Bác đã mang lại ánh sáng chân lí, giúp dân tộc thoát khỏi kiếp sống nô lệ lầm than cũng giống như mặt trời của tạo hóa mang lại sức sống cho muôn loài.

=> Viễn Phương ví Bác như mặt trời là để nói lên sự trường tồn vĩnh cửu của Bác, Bác thật giống như sự tồn tại vĩnh viễn của mặt trời tự nhiên.

+ Hình ảnh "dòng người" với điệp từ "ngày ngày" gợi dòng thời gian vô tận, vẽ lên khung cảnh những đoàn người lặng lẽ nối tiếp nhau, thành kính vào viếng Bác.

+ Cách nói “đi trong thương nhớ" thể hiện nỗi nhớ tiếc của bao người dân Việt Nam trong giây phút vào lăng viếng Bác.

+ “Tràng hoa dâng 79 mùa xuân" (hay chính là 79 năm cuộc đời Bác đã hiến dâng trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng đất nước) được kết từ hàng triệu trái tim con người Việt Nam cùng bạn bè quốc tế, bày tỏ niềm tiếc thương, kính yêu vị Cha già dân tộc.

-> Nhà thơ khẳng định Bác sống mãi trong lòng nhân dân, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn của người dân đối với Bác, vị cha già kính yêu của dân tộc.

- Niềm thương nhớ, nỗi xót xa của nhà thơ khi đứng trước di hài Người (khổ 3)

"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền"

+ Nhà thơ Viễn Phương đã tái hiện chân thực khung cảnh yên tĩnh, trang nghiêm trong lăng và dáng vẻ thư thái của Bác Hồ. Ánh sáng dịu nhẹ như thể nơi đây có sự hiện diện của vầng trăng. Người nằm đó như đang trong giấc ngủ bình yên.

+ Dẫu đã nói giảm nói tránh "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên” nhưng nhà thơ vẫn không tránh khỏi nỗi đau xót vô bờ:

"Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim"

  • Hình ảnh "trời xanh" là một ẩn dụ, một lần nữa khẳng định sự bất tử của Bác trong tâm hồn dân tộc.
  • “Nghe nhói" : gợi nỗi đau đột ngột, bất ngờ, tê tái của một đứa con về muộn, không được gặp Người mà chỉ được ở bên di hài của Người.

-> Đoạn thơ đã nói được nỗi lòng sâu kín của biết bao thế hệ con người Việt Nam dành cho Bác: lòng biết ơn, sùng kính, thương nhớ, xót xa,...

- Cảm xúc của nhà thơ khi từ biệt lăng trở về miền Nam (khổ cuối)

+ Nhà thơ lưu luyến, nhớ thương, không muốn rời xa khi nghĩ về phút giây từ biệt:

"Mai về miền Nam thương trào nước mắt"

-> Hai tiếng "miền Nam" gợi khoảng cách xa xôi, gợi tấm lòng, tình cảm của con người miền Nam. Cụm từ "thương trào nước mắt" đã cụ thể hóa nỗi nhớ Bác Hồ.

+ Ước nguyện hóa thân:

Điệp từ "muốn làm" tô đậm khát vọng thiết tha, cháy bỏng của nhà thơ.
Phép liệt kê "con chim", “đóa hoa", “cây tre" có nghĩa thực - muốn làm cảnh đẹp bên lăng Người, ẩn dụ cho lí tưởng cao đẹp - muốn canh giấc ngủ cho Người.
Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ với vị Cha già dân tộc.
* Cảm nhận về nghệ thuật

- Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giàu sức gợi.

- Giọng điệu vừa chân thành, trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, đau xót xen lẫn tự hào.

- Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, nhất là có sự kết hợp giữa hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ giàu tính biểu tượng, nhất là các ẩn dụ – biểu tượng.

- Bài thơ tả việc viếng lăng Bác theo trình tự thời gian và không gian từ ngoài vào trong lăng, từ khi viếng và xúc cảm sau khi viếng.

- Điệp từ "muốn làm" ở khổ cuối được sử dụng nhiều lần thể hiện nỗi xót xa, ân hận vô bờ và ước nguyện chân thành của tác giả.

c) Kết bài

- Cảm nghĩ của em về bài thơ

- Khẳng định lại vẻ đẹp của bài thơ và cảm xúc của Viễn Phương đối với vị lãnh tụ.

- Mở rộng ngợi ca truyền thống ân nghĩa, thủy chung của dân tộc ta.

Xem thêm tài liệu: Cảm nhận bài thơ Viếng lăng Bác

-/-

Các môn thi khác

  • Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán năm 2020 Hà Giang
  • Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Anh năm 2020 Hà Giang

Trên đây là toàn bộ nội dung của đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 của tỉnh Hà Giang được Đọc Tài Liệu thực hiện sau khi kì thi chính thức diễn ra. Với nội dung môn này các em có thể so sánh đối chiếu kết quả bài thi của mình!

Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành hữu ích với bạn trong kỳ thi này!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM