Đề thi tuyển sinh vào 10 chuyên sử 2018 chuyên Lê Hồng Phong

Xuất bản: 31/03/2021 - Tác giả:

Đề thi tuyển sinh vào 10 môn sử chuyên 2018 chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) có đáp án giúp em thử sức và đối chiếu kết quả tốt hơn.

Mục lục nội dung

Đọc tài liệu tổng hợp đề thi tuyển sinh vào 10 môn sử chuyên năm 2018 trường Lê Hồng Phong, Nam Định mời các em cùng thử sức với đề thi này.

Đề thi vào 10 môn sử chuyên năm 2018 trường Lê Hồng Phong

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐỊNH

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN

NĂM HỌC: 2018-2019

Môn thi: LỊCH SỬ (chuyên) 

Thời gian làm bài: 150 phút

( Đề thi gồm: 01 trang)

Câu 1. (3,0 điểm)

Với sự hiểu biết và những kiến thức liên quan về tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng  Thanh niên, em hãy:

a) Trình bày sự thành lập và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

b) Đánh giá vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với cách mạng Việt  Nam trong những năm 20 của thế kỉ XX.

Câu 2. (2,0 điểm) 

Kể tên những sự kiện đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt  Nam từ năm 1930 đến nay. Phân tích ý nghĩa sự kiện “có tính quyết định cho những bước phát  triển nhảy vọt về sau của cách mạng và lịch sử dân tộc Việt Nam”.

Câu 3. (2,0 điểm)  

Phân tích điều kiện bùng nổ phong trào “Đồng khởi” ở miền Nam Việt Nam (1959 – 1960). Vì sao nói phong trào “Đồng khởi” đã đánh dấu bước phát triển của cách mạng miền  Nam.

Câu 4. (3,0 điểm) 

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX, nền kinh tế Nhật Bản có bước phát triển “thần kì”. Bằng những kiến thức và sự hiểu biết về Nhật Bản, hãy  giải quyết những yêu cầu sau:

a) Chứng minh sự phát triển “thần kì” của nền kinh tế Nhật Bản? Những nhân tố nào tạo nên sự “thần kì” đó?

b) Việt Nam rút ra được bài học gì từ sự đi lên của nền kinh tế Nhật Bản?

---------HẾT---------

Đáp án đề thi môn sử chuyên vào 10 năm 2018 trường THPT Lê Hồng Phong

Câu 1. (3 điểm)

a) Sự thành lập và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh  niên

* Sự thành lập

- Cuối năm 1924 Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu Trung Quốc để trực  tiếp đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cách mạng, truyền bá lí luận cách  mạng giải phóng dân tộc vào Việt Nam. .

- Tháng 6/1925 Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng  Thanh niên, trong đó tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt. Tôn chỉ mục  đích của Hội là tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết đấu tranh đánh  đổ đế quốc giải phóng dân tộc.

* Hoạt động

- Mở các lớp huấn luyện chính trị đào tạo cán bộ…một số cán bộ được  chọn đi học trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô, một số khác được  cử đi học quân sự ở Liên Xô hay Trung Quốc, còn phần lớn trở về nước để hoạt động.

- Tuyên truyền lí luận cách mạng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng  vô sản thông qua: Xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận, tập  hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện đào tạo cán  bộ ở Quảng Châu in thành sách Đường Kách mệnh đầu năm 1927. Báo  thanh niên và sách Đường Kách mệnh đã góp phần chuẩn bị về tư tưởng  chính trị cho việc thành lập Đảng Cộng sản.

- Năm 1928 Hội có chủ trương vô sản hóa đưa hội viên vào các nhà máy,  hầm mỏ, đồn điền cùng sống và lao động với công nhân để tự rèn luyện,  đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tổ chức và lãnh đạo công  nhân đấu tranh.

- Đến 1929 dưới tác động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên phong  trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ, dần  tới sự ra đời của 2 tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản đảng và An  Nam cộng sản đảng.

b) Đánh giá vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với  cách mạng Việt Nam trong những năm 20 của thế kỉ XX.  (1,5 điểm)

- Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên truyền bá lí luận cách mạng giải  phóng dân tộc về Việt Nam từng bước giải quyết tình trạng khủng hoảng  về đường lối cứu nước đầu thế kỉ XX.

- Làm cho giai cấp công nhân ngày càng giác ngộ về tư tưởng, chính trị,  phong trào công nhân ngày càng phát triển theo hướng vươn lên một  phong trào tự giác; làm cho khuynh hướng vô sản ngày càng chiếm ưu thế trong phong trào dân tộc ở Việt Nam.

- Góp phần chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức, đào tạo cán bộ và  tạo điều kiện chín muồi cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu 2. (2 điểm)

a) Kể tên những sự kiện đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược  của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930.

- Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập.

- Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc kháng chiến  chống Pháp.

- Thắng lợi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, kết thúc cuộc  kháng chiến chống Mĩ.

- Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam  tháng (12/ 1986), mở đầu đường lối đổi mới đất nước của Đảng và Nhà  nước ta.

b) Phân tích ý nghĩa sự kiện “có tính quyết định cho những bước phát  triển nhảy vọt về sau của cách mạng và lịch sử dân tộc Việt Nam” (0,75điểm)

- Sự kiện “có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt về sau  của cách mạng và lịch sử dân tộc Việt Nam” là: Đảng Cộng sản Việt Nam  ra đời vào đầu năm 1930.

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh  dân tộc và giai cấp ở Việt Nam trong thời đại mới. Đảng là sản phẩm của  sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và  phong trào yêu nước Việt Nam trong những năm đầu thế kỉ XX.

- Việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vĩ đại trong  lịch sử của giai cấp công nhân và cách mạng Việt Nam…

Câu 3. (2 điểm)

a) Điều kiện bùng nổ của phong trào “Đồng khởi”

- Phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam trong những năm 1954 – 1959 phát triển ngày càng mạnh mẽ, từ đó hình thức đấu tranh chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang tự vệ dùng bạo lực cách mạng.  Lực lượng cách mạng ở miền Nam được bảo tồn qua thực tiễn đấu tranh.  Đó là điều kiện để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên.

- Trong những năm 1957 – 1959, Mĩ – Diệm mở rộng chiến dịch “tố cộng” ; tăng cường khủng bố, đàn áp; ra sắc lệnh “ đặt cộng sản ngoài  vòng pháp luật”, thực hiện “đạo luật 10/59…Cuộc đấu tranh của nhân dân  ta ở miền Nam đòi hỏi có một biện pháp quyết liệt để đưa cách mạng vượt  qua khó khăn thử thách.

- Đầu năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Trung ương Đảng  xác định con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành  chính quyền về tay nhân dân bằng lực lượng chính trị của quần chúng là  chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân.

- Dưới ánh sáng Nghị quyết 15, phong trào nổi dậy của quần chúng đã lan  rộng khắp miền Nam thành cao trào cách mạng với cuộc “Đồng khởi”.

b) Phong trào “Đồng khởi” đã đánh dấu bước phát triển của cách  mạng miền Nam vì…

- Phong trào “Đồng khởi” đã đưa cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

- Từ đấu tranh chính trị là chủ yếu (trước “Đồng khởi”), cách mạng miền  Nam đã tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng trên toàn miền Nam. - Từ trong phong trào “Đồng khởi”, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền  Nam Việt Nam đã ra đời (20/12/1960), trở thành tổ chức đoàn kết, tập hợp  rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân miền Nam đứng lên đấu tranh đánh đổ bọn  đế quốc và tay sai.

- Phong trào “Đồng khởi” đánh dấu chấm dứt thời kì ổn định tạm thời của  chính quyền tay sai Mĩ – Diệm, mở ra thời kì khủng hoảng triền miên kéo  dài. Mĩ bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đơn phương” phải  chuyển sang “ Chiến tranh đặc biệt” (1961- 1965).

Câu 4. (3 điểm)

a) Sự phát triển “thần kì” của nền kinh tế Nhật Bản… (2,5điểm)

* Sự phát triển “thần kì”

- Hoàn cảnh:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản là nước bại trận, bị lực lượng  đồng minh chiếm đóng (thực tế là Mĩ)… cùng với những thiệt hại nặng nề sau cuộc chiến, Nhật Bản gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị... Mĩ đã  viện trợ và thi hành nhiều biện pháp tích cực…giúp Nhật Bản khôi phục  kinh tế… Dựa vào sự nỗ lực của bản thân và sự viện trợ của Mĩ, đến  những năm 1950- 1951, Nhật Bản khôi phục kinh tế và đạt mức trước  chiến tranh…

- Biểu hiện:

Từ năm 1952, kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh và đạt mức “thần kì”. + Tổng sản phẩm quốc dân năm 1950 chỉ mới 20 tỉ USD, bằng 1/17 của  Mĩ, nhưng đến năm 1968 đã đạt tới 183 tỉ USD, vươn lên đứng thứ hai thế giới sau Mĩ. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng, đến năm  1990 vượt Mĩ và đứng thứ hai trên thế giới.

+ Công nghiệp: trong những năm1950 – 1960 đạt tốc độ tăng trưởng bình  quân đạt 15%, những năm 1961 - 1970 là 13,5%.

+ Nông nghiệp: tự túc được 80% nhu cầu lương thực trong nước, 2/3 nhu  cầu thịt, sữa… đánh bắt cá đứng thứ hai thế giới…

+ Đầu những năm 70 của thế kỉ XX, Nhật Bản đã nhanh chóng vươn lên  trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới, một siêu  cường về kinh tế…

* Nhân tố tạo nên sự phát triển “thần kì”

- Chủ quan:

+ Người dân Nhật Bản với truyền thống lao động cần cù, tiết kiệm, tay  nghề cao và có nhiều khả năng sáng tạo… là nhân tố hàng đầu của sự phát  triển kinh tế…

+ Vai trò lãnh đạo, quản lý và điều tiết của Nhà nước Nhật Bản…Các  công ti Nhật năng động, có tầm nhìn xa, quản lí tốt nên có tiềm lực và sức  cạnh tranh cao…

+ Nhật Bản luôn áp dụng những thành tựu khoa học - kĩ thuật hiện đại vào  sản xuất, không ngững nâng cao năng suất, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành  sản phẩm…

+ Chi phí cho quốc phòng ít ( không quá 1% GDP) nên có điều kiện tập  trung vốn đầu tư cho kinh tế…

- Khách quan:

Được Mĩ viện trợ kinh tế…bảo hộ hạt nhân nên giảm được chi phí quốc  phòng… Lợi dụng các cuộc chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt  Nam để làm giàu…

b)Việt Nam rút ra được bài học gì từ sự đi lên của nền kinh tế Nhật  Bản

- Phát huy tinh thần lao động cần cù sáng tạo của nhân dân… - Tăng cường vai trò quản lí, tổ chức điều tiết của Nhà nước, củng cố an  ninh quốc phòng, ổn định chính trị, bảo vệ môi trường…

- Áp dụng thành tựu khoa học kĩ thuật vào sản xuất…

- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài…Đào tạo nguồn nhân  lực có trình độ cao…

-/-

Với đầy đủ đề thi cùng đáp án đề thi vào lớp 10 năm 2018 môn sử chuyên trường Lê Hồng Phong, Nam Định hi vọng các em có thể rèn luyện được các phản xạ với với nhiều dạng kiến thức, rèn luyện kĩ năng nhận dạng đề bài và tìm ra cách giải tối ưu nhất. Chúc các em thi tốt trong kì thi tuyển sinh vào 10 sắp tới.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM