Đọc Tài Liệu xin gửi tới các em đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Địa lý chuyên năm học 2019 - 2020 của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) được cập nhật nhanh nhất!
Đề thi vào 10 chuyên Địa Lê Hồng Phong NĐ năm 2019
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐỊNH
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN
Năm học: 2019 - 2020
Môn: Địa lí (chuyên)
Thời gian làm bài:150 phút.
Câu 1. (1,5 điểm)
a. Trình bày biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa thông qua thành phần khí hậu nước ta.
b. Tính chất gió mùa của khí hậu có ảnh hưởng như thế nào tới chế độ nước sông ngòi tỉnh Nam Định?
Câu 2. (1,5 điểm)
Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học hãy:
a. Nhận xét sự phân bố dân cư nước ta.
b. Chứng minh trình độ đô thị hóa nước ta thấp.
Câu 3. (2,0 điểm)
a. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy nhận xét và giải thích tình hình phát triển, phân bố ngành công nghiệp dệt may của nước ta.
b. Tại sao Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm dịch vụ lớn nhất và đa dạng nhất cả nước?
Câu 4. (2,5 điểm)
a. Phân tích sự khác nhau về cơ cấu cây công nghiệp lâu năm giữa Tây Nguyên và Trung du miền núi Bắc Bộ.
b. Chứng minh Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh để phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tại sao vùng này chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu?
Câu 5. (2,5 điểm)
Cho bảng số liệu:
Giá trị xuất, nhập khẩu của nước ta giai đoạn 2000 – 2015
(Đơn vị: Tỉ USD)
Năm | 2000 | 2005 | 2010 | 2012 | 2015 |
Xuất khẩu | 14,5 | 32,4 | 72,2 | 114,5 | 162,0 |
Nhập khẩu | 15,6 | 36,8 | 84,8 | 113,8 | 165,8 |
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2016)
a. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu nước ta giai đoạn 2000 – 2015.
b. Nhận xét và giải thích về cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu nước ta trong giai đoạn trên.
-HẾT-
(Thí sinh được sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam NXB Giáo dục từ 2009)
Đáp án đề thi vào 10 chuyên Địa Lê Hồng Phong năm 2019
Câu 1. (1,5 điểm)
a.
- Tính nhiệt đới:
+ Số giờ nắng từ 1400 – 3000 giờ. Bình quân 1m² lãnh thổ nhận được >1triệu kcal/năm.
+ Nhiệt độ trung bình của không khí trên cả nước đều vượt trên 21⁰C.
- Tính ẩm: Lượng mưa lớn: 1500 – 2000mm/ năm; độ ẩm không khí cao 80%.
- Tính gió mùa: khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt phù hợp với 2 mùa gió.
b.
- Chế độ nước có sự phân hóa thành 2 mùa: mùa lũ trùng với mùa mưa từ tháng 6 – 10, mùa cạn trùng với mùa khô từ tháng 11 – 5.
- Chế độ nước thất thường.
Câu 2. (1,5 điểm)
Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học hãy:
a. Nhận xét sự phân bố dân cư nước ta.
- Mật độ dân số cao so với thế giới.
- Dân cư phân bố không đều:
+ Đồng bằng, ven biển dân cư tập trung đông đúc.
+ Trung du miền núi dân cư thưa thớt, mật độ thấp.
+ Có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn: dân cư chủ yếu sinh sống ở vùng nông thôn.
b. Chứng minh trình độ đô thị hóa nước ta thấp.
- Tỉ lệ dân thành thị thấp (dẫn chứng).
- Phần lớn các đô thị nước ta thuộc loại vừa và nhỏ/ Mức sống thành thị thấp, cơ sở hạ tầng đô thị còn ở mức thấp so với nhiều nước khu vực và thế giới.
(HS nêu được 1 trong 2 ý cho 0,25 điểm)
Câu 3. (2,0 điểm)
a. * Nhận xét:
- Đây là ngành công nghiệp trọng điểm nước ta.
- Giá trị sản xuất lớn, tăng nhanh, chiếm tỉ trọng khá cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp (dẫn chứng); cung cấp các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Sự phát triển của ngành dựa trên thuận lợi: nhu cầu thị trường trong và ngoài nước lớn; nguồn lao động đông, tăng nhanh, giá rẻ, có nhiều kinh nghiệm.
- Phân bố: tập trung ở các thành phố lớn: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... do các thành phố lớn là nơi tập trung dân cư đông đúc, vừa là thị trường rộng lớn và có nguồn lao động dồi dào.
b.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 trung tâm dịch vụ lớn nhất, tập trung nhiều nhất các dịch vụ tiêu dùng, sản xuất và dịch vụ công cộng do:
- Đây là 2 thành phố có vai trò quan trọng nhất cả nước: Hà Nội là thủ đô; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học kĩ thuật lớn nhất cả nước
=> các dịch vụ công cộng phát triển.
- Là 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đặc biệt đây là 2 trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước => dịch vụ sản xuất phát triển.
- Là 2 thành phố lớn nhất, có quy mô dân số lớn nhất cả nước, mức sống cao => dịch vụ tiêu dùng phát triển.
Câu 4. (2,5 điểm)
a.
*Khác nhau:
- Trung du miền núi Bắc Bộ chủ yếu phát triển cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt (chè, cà phê, hồi, quế, sơn...). Quan trọng nhất là chè.
- Tây Nguyên phát triển mạnh cả cây nhiệt đới và cận nhiệt, đặc biệt là cây nhiệt đới: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều. Quan trọng hàng đầu là cà phê, cao su.
* Giải thích:
Chủ yếu do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên:
- Trung du miền núi Bắc Bộ: có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh; địa hình cắt xẻ; đất feralit trên đá vôi và các loại đá khác phân bố phân tán.
- Tây Nguyên: khí hậu mang tính chất cận xích đạo, nóng quanh năm; đất đỏ badan và đất xám diện tích lớn, phân bố tập trung trên các bề mặt cao nguyên xếp tầng tương đối bằng phẳng.
b.
*Chứng minh Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh để phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
- Ba mặt giáp biển, vùng biển rộng, ấm quanh năm, nguồn lợi thủy sản phong phú, có giá trị cao, có ngư trường Cà Mau – Kiên Giang.
- Lũ hàng năm của sông Mê Công mang lại nguồn thủy sản lớn.
- Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản lớn: ven biển có diện tích rừng ngập mặn lớn, nhiều bãi triều, cửa sông; có nhiều ô trũng, mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt... Sản phẩm trồng trọt với nguồn cá tôm phong phú là thức ăn nuôi cá tôm ở hầu hết các địa phương.
- Điều kiện khác: khí hậu ổn định, lao động có kinh nghiệm, sự phát triển của công nghiệp chế biến, nhu cầu thị trường ngày càng lớn...là điều kiện để vùng phát triển mạnh thủy sản.
*Tại sao vùng này chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu? 0,5
Biến đổi khí hậu với biểu hiện chính: nóng lên toàn cầu, gia tăng thiên tai, mực nước biển dâng...ảnh hưởng mạnh tới vùng do:
- Địa hình thấp trũng, 3 mặt giáp biển, không có đê, nhiều sông ngòi kênh rạch, nhiều cửa sông đổ ra biển nên nước biển xâm nhập nhanh.
- Lưu lượng nước sông Mê Công giảm do xây dựng các đập thủy điện ở thượng lưu và trung lưu làm tình trạng thiếu ngọt trong mùa khô càng trầm trọng, tăng nguy cơ xâm nhập mặn.
Câu 5. (2,5 điểm)
Vẽ biểu đồ
- Xử lí số liệu
Bảng cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu nước ta giai đoạn 2000 – 2015 (%)
- Vẽ biểu đồ miền: đảm bảo chính xác, đầy đủ.
(Thiếu 2 trong các yếu tố: tên, chú giải, số liệu, đơn vị, năm, gốc tọa độ... trừ 0,25 điểm/ Sai tỉ lệ trên trục hoành hoặc trục tung trừ 0,25 điểm)
Nhận xét
- Phần lớn các năm trong giai đoạn 2000 – 2015 tỉ trọng giá trị xuất khẩu đều lớn hơn tỉ trọng giá trị nhập khẩu (trừ năm 2012); giữa các năm có sự biến động (dẫn chứng).
- Cán cân xuất nhập khẩu giai đoạn 2000 – 2015 có sự thay đổi: phần lớn các năm nước ta nhập siêu, trừ năm 2012 xuất siêu.
Giải thích
- Giá trị xuất khẩu lớn hơn giá trị nhập khẩu do: Nước ta đang tiến hành CNH- HĐH đất nước, nhu cầu nhập khẩu các máy móc, thiết bị, nguyên liệu lớn, đồng thời nhu cầu tiêu dùng tăng nên giá trị nhập khẩu cao.
- Nước ta chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp, nông lâm thủy sản, tỉ trọng hàng gia công lớn, giá trị chưa cao.
- Sự biến động cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu qua các năm do biến động của thị trường thế giới và tình hình sản xuất trong nước.
-/-
Trên đây là toàn bộ nội dung của đề thi vào lớp 10 môn địa 2019 (chuyên) và các năm trước của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số thông tin về kỳ thi vào lớp 10 được Đọc Tài Liệu chia sẻ.
Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành giúp các bạn hoàn thành tốt bài thi của mình.
Tham khảo thêm: