Cập nhật Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn tỉnh Tiền Giang năm học 2023 - 2024 nhanh nhất cùng đáp án chi tiết. Mời các bạn xem ngay dưới đây.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Tiền Giang 2023
Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 tại tỉnh Tiền Giang sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.
ĐÁP ÁN THAM KHẢO
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
Theo đoạn trích, sống chậm giúp chúng ta cảm nhận về cuộc sống và những người xung quanh chúng ta nhiều hơn.
Câu 3: Biện pháp tu từ liệt kê: tiếng chim hót trên bầu trời xanh, vẻ đẹp của những giọt sương mai đọng trên những cánh hoa hồng, vẻ đẹp của tia nắng bình minh khi bạn tỉnh giấc,..
- Tác dụng:
+ Tạo nhịp điệu cho câu văn.
+ Nhấn mạnh, chứng minh cho nhận định của tác giả “những điều tốt đẹp đôi khi rất đơn giản”.
+ Từ đó kêu gọi chúng ta cần phải sống chậm lại để cảm nhận và trân trọng những vẻ đẹp giản dị, bình dân ngay xung quanh cuộc sống của chính mình.
Câu 4: Bày tỏ quan điểm cá nhân của em. Gải thích hợp lý.
- Đồng tình.
- Lý giải:
+ Cuộc sống vội vã khiến con người mải chạy theo những giá trị ngoài kia mà quên mất những giá trị nhỏ bé luôn tồn tại xung quanh mình.
+ Cuộc sống vội vã khiến con người dần rời xa các mối quan hệ ý nghĩa rồi dần đánh mất nó.
+ Cuộc sống vội vã, con người bị cuốn theo những giá trị bên ngoài mà quên mất việc quay về hiểu chính mình. Từ đó rất dễ đánh mất chính bản thân.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
1. Mở đoạn:
=>Giới thiệu vấn đề nghị luận (ý nghĩa của việc sống chậm lại trong cuộc sống)
2. Thân đoạn:
a)Giải thích
- Sống chậm là: Sống chậm là toàn tâm, toàn ý với việc mình đang làm. Và vì cẩn trọng, cân nhắc, tránh sai sót đáng tiếc do lơ là ý thức tạo ra, nên đa số họ sẽ chậm hơn một người bình thường chỉ làm theo thói quen, để rồi cũng gặp rắc rối vì thói quen xuất hiện không đúng chỗ, sai thời điểm
- Ý nghĩa của việc sống chậm: Sống chậm sẽ giúp chúng ta có cảm giác thư thái, bình yên, giúp chúng ta có thời gian suy nghĩ, để thấu hiểu và thông cảm với những mảnh đời bất hạnh, giúp cho toàn xã hội gắng kết với nhau hơn.Đồng thời, sẽ giúp chúng ta thay đổi cả những suy nghĩ của mình.
b) Bàn luận
- Phê phán những con người sống quá nhanh mà bỏ qua mất những điều đáng quý của cuộc sông. Đồng thời sẽ khiến chúng ta không thể thấu hiểu được người khác
- Chúng ta cần phân biệt: sống chậm ở đây không phải là cố níu giữ thời gian mà là để ta nhìn lại cuộc sống, nhìn lại chính mình. Mà nó phải là những suy nghĩ đem lại lợi ích cho bản thân và những người xung quanh
c) Bài học
- Nhận thức: về việc sống chậm và ý nghĩa cảu nó
- Hành động: Mỗi ngày, từ những việc nhỏ nhất, ta hãy biết sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn.
3.Kết đoạn:
- Khẳng định ý nghĩa và sự quan trọng của việc sống chậm
Câu 2:
a. Mở bài
- Vài nét về nhà thơ Thanh Hải: Một nhà thơ có thể nói là đã cống hiến cả đời mình cho cách mạng.
- Giới thiệu về hoàn cảnh ra đời đặc biệt của bài thơ: được viết trong những ngày cuối cùng Thanh Hải nằm trên giường bệnh, cả cuộc đời ông đã dùng để cống hiến cho cách mạng, giờ đây ông lại cất lên niềm khát khao, niềm mong mỏi có thể tiếp tục cống hiến “mùa xuân nho nhỏ” cho cuộc đời này.
- Đoạn thơ là cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước.
Thân bài: Phân tích đoạn thơ:
Hình ảnh lộc xuân theo người ra tràn theo người ra đồng làm đẹp ý thơ với cuộc sống lao động và chiến đấu, xây dựng và bảo vệ, 2 nhiệm vụ không thể tách rời. Họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước.
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”
+ “Mùa xuân người cầm súng. Lộc giắt đầy trên lưng”: liên tưởng đến những người chiến sỹ ra trận mà trên vai, trên lưng họ có cành lá nguỵ trang. Những cành lá ấy mang lộc biếc, chồi non, mang theo mùa xuân của thiên nhiên, cây cỏ. Từ “lộc” còn làm cho người ta liên tưởng đến hình ảnh người lính khi ra trận, mang theo sức sống của cả dân tộc. Chính màu xanh sức sống đó đã tiếp cho người lính có thêm sức mạnh, ý chí để họ vươn xa ra phía trước tiêu diệt quân thù.
+ “Mùa xuân người ra đồng. Lộc trải dài nương mạ”: nói về những người lao động, những người ươm mầm cho sự sống, ươm những hạt mầm non trên những cánh đồng quê hương, từ “lộc” cho ta nghĩ tới những cánh đồng trải dài mênh mông với những chồi non mới nhú lên xanh mướt từ những hạt thóc giống đầu mùa xuân. Từ “lộc” còn mang sức sống, sức mạnh của con người. Có thể nói, chính con người đã tạo nên sức sống của mùa xuân thiên nhiên, đất nước.
+ “Tất cả như hối hả. Tất cả như xôn xao”. Nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận mùa xuân đất nước bằng hai từ láy gợi cảm “hối hả” là vội vã, khẩn trương, liên tục không dừng lại. “Xôn xao” khiến ta nghĩ tới những âm thanh liên tiếp vọng về, hoà lẫn với nhau xao động. Đây chính là tâm trạng tác giả, là cái náo nức trong tâm hồn. Tiếng lòng của tác giả như reo vui náo nức trước tinh thần lao động khẩn trương của con người. Mùa xuân đất nước được làm nên từ cái hối hả ấy. Sức sống của đất nước, của dân tộc, cũng được tạo nên từ sự hối hả, náo nức của người cầm súng, người ra đồng. Như vậy, hình ảnh mùa xuân đất nước đã đươcn mở rộng dần. Đầu tiên, nó chỉ gói gọn trên đôi vai, tấm lưng của người ra trận, đã được mở rộng thành một cánh đồng bao la.
c. Kết bài: Khái quát lại nội dung nghệ thuật của đoạn trích
ĐỀ THI
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
“Sống chậm không phải là lãng phí thời gian mà là sống một cách “kỹ lưỡng” hơn để có thời gian cảm nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những điều tốt đẹp đó đôi khi rất đơn giản chỉ là tiếng chim hót trên bầu trời xanh, vẻ đẹp của những giọt sương mai đọng trên những cánh hoa hồng, vẻ đẹp của tia nắng bình minh khi bạn tỉnh giấc,... Đơn giản thế thôi, nó diễn ra hằng ngày và rất quen thuộc với chúng ta nhưng có lẽ vì sự vội vàng của cuộc sống nên chúng ta đã bỏ lỡ và cảm thấy nó thật sự xa lạ.
Sống chậm giúp chúng ta cảm nhận về cuộc sống và những người xung quanh chúng ta nhiều hơn. Cuộc sống vội vã đã làm cho con người đánh mất đi những giá trị thiêng liêng của gia đình, của các mối quan hệ xã hội và thậm chí là đánh mất chính mình.”
(Nguồn: https://vieclam123.vn/song-cham-b522-amp.html)
Câu 1: (0,75 điểm)
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: (0,75 điểm)
Theo đoạn trích, sống chậm giúp ích cho ta điều gì?
Câu 3: (1,0 điểm)
Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Những điều tốt đẹp đó đôi khi rất đơn giản chỉ là tiếng chim hót trên bầu trời xanh, vẻ đẹp của những giọt sương mai đọng trên những cánh hoa hồng, vẻ đẹp của tia nắng bình minh khi bạn tỉnh giấc,...”
Câu 4: (0,5 điểm)
Anh (chị) có đồng ý với ý kiến trong đoạn trích: “Cuộc sống vội vã đã làm cho con người đánh mất đi những giá trị thiêng liêng của gia đình, của các mối quan hệ xã hội và thậm chí là đánh mất chính mình.” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc sống chậm trong cuộc sống.
Câu 2: (5,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau đây:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...”
(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải; Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 2, NXB GD Việt Nam 2015, trang 56)
-HẾT-
Xem thêm thông tin:
- Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023
- Tra cứu điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 Tiền Giang
- Điểm chuẩn vào lớp 10 Tiền Giang 2023
- Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán tỉnh Tiền Giang
- Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Anh tỉnh Tiền Giang
Tham khảo đề thi và đáp án môn Văn Tiền Giang các năm trước bên dưới:
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Tiền Giang 2022
Trích dẫn đề
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Có người so sánh tha thứ với một sự kiện quan trọng có sức mạnh không lô, giải phóng người ta khỏi sự sợ hãi, giận dữ, nghi ngờ, đem lại sự giải tỏa về cảm xúc. Quá trình dẫn tới tha thứ được nhìn nhận là nhân đạo, dũng cảm, lành mạnh và mang tính phục hồi. Tha thứ cho kẻ làm hại ta, cũng như xin người bị ta hại tha thứ, có tác động trị liệu cho cả hai bên, giống như một khối u được khoét bỏ, rắc thuốc, phơi ra ánh nắng ấm áp và bắt đầu lên da non. Hãy hình dung sức mạnh hàn gắn và hồi phục mà tha thứ đem lại khi một người lần đầu tiên trong đời viết thư cho người bố mà anh từng căm ghét, khi một người khác kết bạn được với kẻ đã bắn mình tàn phế.
(Trích Thiện Ác và Smartphone, Đặng Hoàng Giang, NXB Hội nhà văn, năm 2016, tr 170)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: Trong đoạn trích, tha thứ có sức mạnh gì?
Câu 3: Chỉ ra và gọi tên phép liên kết được sử dụng trong hai câu văn sau: “Có người so sánh tha thứ với một sự kiện quan trọng có sức mạnh không lô, giải phóng người ta khỏi sự sợ hãi, giận dữ, nghi ngờ, đem lại sự giải tỏa về cảm xúc. Quá trình dẫn tới tha thứ được nhìn nhận là nhân đạo, dũng cảm, lành mạnh và mang tính phục hồi.”
Câu 4: Thông điệp của đoạn trích mà anh, chị tâm đắc nhất là gì?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ phần Đọc hiểu, anh, chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của tha thứ trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài “Sang thu” của Hữu Thỉnh:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
(Trích “Sang thu”, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.70)
-Hết-
Đáp án tham khảo
I. ĐỌC HIỂU:
1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
2. Trong đoạn trích, tha thứ có một sức mạnh khổng lồ, giải phóng người ta khỏi sự sợ hãi, giận dữ, nghi ngờ, đem lại sự giải tỏa về cảm xúc
3. Phép liên kết lặp: “tha thứ
4. Thông điệp mà em tâm đắc nhất: Tha thứ có sức mạnh hàn gắn và hồi phục và thông điệp này đã giúp em có cái nhìn khoan dung và sâu sắc hơn đối với người khác, thay vì chỉ nhìn vào khuyết điểm của họ và có thành kiến thì chúng ta sẽ có sự thấu hiểu và cảm thông hơn, tha thứ cho người khác nhưng cũng là chữa lành vết thương cho chính mình
II. LÀM VĂN:
Câu 1
*Giới thiệu vấn đề nghị luận: tha thứ
Bàn luận
a. Giải thích
- Tha thứ: Tha thứ là khi bạn bỏ qua lỗi lầm của người khác để mạnh mẽ hơn và giúp cho mọi người hiểu được mình đã sai.
- Cần phân biệt giữa tha thứ và dung túng, tha thứ không nên đồng nghĩa với việc dung túng cho sai lầm của người khác
b. Phân tích:
+ Tại sao cần phải tha thứ cho người khác
- Con người không phải ai cũng hoàn hảo, không bao giờ phạm sai lầm, vậy nên có lỗi là điều không thể tránh khỏi
- Đối với mọi việc, không nên quá cầu toàn và nghiêm khắc với người khác
Vai trò của tha thứ trong cuộc sống
- Tha thứ giải phóng con người ta khỏi những nỗi sợ hãi, nghi ngờ giận dữ, giúp con người giải tỏa cảm xúc
- Tha thứ giúp con người cảm thấy dễ chịu, thanh thản và an tâm hơn
- Khi nhận được sự tha thứ từ người khác, mỗi cá nhân sẽ có niềm tin và động lực thay đổi hơn
- Tha thứ là cách xóa bỏ hiềm khích, khúc mắc, giúp con người gần gũi nhau hơn và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp
+ Phản đề:
- Những kẻ ích kỷ, hẹp hòi không muốn tha thứ cho người khác vẫn còn rất nhiều - Những người không biết ăn năn, hối lỗi và sửa chữa sai lầm thì không đáng nhận được sự tha thứ
*Khẳng định lại ý nghĩa của sự tha thứ đối với cuộc sống con người
Câu 2
MỞ BÀI
- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm.
- Dẫn dắt vài khổ thơ: Khoảnh khắc giao mùa.
THÂN BÀI. Phân tích
* Tín hiệu mùa thu
- Tín hiệu đầu tiên mà tác giả cảm nhận qua khứu giác là hương ổi. Với nhiều nhà thơ khác, mùa thu là mùa của hương cốm dìu dịu, hoa sữa nồng nàn. Còn đối với Hữu Thỉnh đó là hương ổi mộc mạc, bình dị. Hương ổi chủ động “phả vào trong gió se”.
+ Với từ “phả” tác giả đã đặc tả hương thơm đậm như sánh lại, quện lại, lùa vào trong gió, làm cho nó trở nên thơm tho lạ thường. Dường như hương ổi đã truyền cho ta hơi ấm của tình cảm, hơi thở của cuộc sống.
+ Vì thế gợi hình dung cụ thể về mùi ổi chín thơm nồng, ngọt mát, có sức lan tỏa.
- Mùa thu về còn hiện qua cả xúc giác “gió se”. Gió và hương ổi làm thức dậy cả không gian thôn vườn, ngõ xóm.
- Hình ảnh “sương qua ngõ”. Nghệ thuật nhân hóa cùng từ láy “chùng chình” đã làm cho làn sương trở nên sinh động có hồn.
* Cảm xúc của nhà thơ
- Trong giờ phút giao mùa ấy lòng nhà thơ thật đắm say:
+ Đó là cảm giác bất ngờ khi bắt gặp tín hiệu thu về: “Bỗng nhận ra hương ổi”. Từ “bỗng” diễn tả cảm xúc ngạc nhiên, ngỡ ngàng, một niềm vui chợt đến, một thoáng xúc động, một cái giật mình khẽ đánh thức con người khỏi những bề bộn của cuộc sống để hòa mình với thiên nhiên và cảm nhận những vẻ đẹp giản dị nhất của nó.
+ Rồi đến cảm giác mơ hồ, mong manh, bối rối, tự hỏi lòng mình “hình như thu đã về”.
+ Từ “về” còn gợi ra cảm giác thân thiết, quen thuộc, ấm áp như nhà thơ gặp lại một người bạn cũ.
=> Phải gắn bó lắm với cuộc đời, phải có giác quan vô cùng nhạy cảm thì nhà thơ mới có những cảm nhận tinh tế đến vậy về phút giao mùa.
c. Nghệ thuật
- Thể thơ 5 chữ. Nhịp thơ chậm, âm điệu nhẹ nhàng.
- Nhiều từ có giá trị gợi tả, gợi cảm sâu sắc.
- Sự cảm nhận tinh tế, thú vị, gợi những liên tưởng bất ngờ.
- Hình ảnh chọn lọc mang nét đặc trưng của sự giao mùa hạ - thu
KẾT LUẬN: Cảm nhận của em về khổ thơ.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Tiền Giang năm học 2021
Kỳ thi vào lớp 10 của tỉnh diễn ra vào ngày 04/6/2021, vì vậy đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Tiền Giang 2021 chính thức sẽ được cập nhật ngay lập tức khi kết thúc thời gian thi.
Đáp án đề thi vào 10 Văn Tiền Giang 2021
I. Đọc hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2
Biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong câu văn trên:
- Liệt kê (lạnh lùng, vô cảm, ích kỉ)
- Điệp từ (trước)
Câu 3:
Học sinh có thể trình bày theo ý hiểu của mình, có lý giai.
Gợi ý:
Đoạn trích nói đến sự vô cảm trong xã hội ngày này - một tình trạng rất đáng báo động.
Câu 4: Học sinh có thể lý giải theo cách hiểu của mình.
Gợi ý:
Vô cảm là sự thờ ơ, không quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh minh.
II. Làm văn
Câu 1:
*Nêu vấn đề cần nghị luận đặt ra ở để bài
*Bàn luận
1. Biểu hiện
+ Thấy người bị nạn lại bỏ đi, đưa những ánh nhìn lạnh lùng, vô cảm: những con người không có tình cảm, cảm xúc = căn bệnh vô cảm là sự thờ ơ, không quan tâm đến những sự vật, sự việc xung quanh mình.
+ Thậm chí có kẻ lợi dụng cơ hội để hồi của, ăn cắp, lấy tài sản của người gặp nạn: Hành vi xấu xa, vỏ cam trước nỗi đau của người khác, hạ thấp nhân cách của mình, tạo nên một hình ảnh xấu.
2. Phân tích nguyên nhân
+ Sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống khiến con người phải sống nhanh hơn, không còn thời gian để ý tới những gì xung quanh
+ Sự ích kỉ của chính bản thân mỗi người
3. Nêu giải pháp và Bài học cho bản thân:
- Lên án, phê phán những hành vi tiêu cực, thờ ơ vô cảm đối với đời sống xung quanh
- Nhận thức việc làm của những kẻ hôi của là xấu, bản thân cần tránh những hành động trên.
- Ra sức học tập và rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách cho bản thân, sống biết yêu thương, sẻ chia với những khó khăn của người khác.
- Bài học cho cộng đồng: cộng đồng cần lên án mạnh mẽ hành động hôi của ở người Việt, tăng cường tuyên truyền, nêu gương những hành động đúng đắn, xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh. Xử lý nghiêm khắc những người vi phạm.
*Đánh giá lại vấn đề.
Câu 2.
Mở bài:
*Giới thiệu tác giả:
– Viễn Phương (1928 – 2005), tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, quê ở tỉnh An Giang.
– Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông hoạt động ở Nam Bộ , là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.
– Thơ ông thường nhỏ nhẹ, giàu tình cảm, giàu chất mộng mơngay trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường.
*Giới thiệu tác phẩm:
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được viết vào tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày giải phóng miền Nam,đất nước vừa được thống nhất, tác giả đã có cơ hội ra thăm lăng Bác.
- Giới thiệu đoạn trích thơ: Cảm xúc của nhà thơ khi đến lăng Bác và đứng trước lăng.
Thân bài:
1. Cảm xúc của nhà thơ khi đến lăng Bác: Cảm xúc của một người con đã đi từ một nơi rất xa cả về không gian và thời gian, giờ đây giờ phút được trở về bên Bác đã được diễn tả sâu sắc trong khổ thơ này:
– Nhà thơ kể: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Câu thơ mởđầu như một lời thông báo ngắn gọn, lời lẽ giản dị nhưng chứa đựng trong nó biết bao điều sâu xa, Nhà thơ nói mình ở miền Nam, ở tuyến đầu của Tổ quốc, ở nơi máu đổ suốt mấy chục năm trời. Như vậy, không đơn giản là chuyên đi thăm công trình kiến trúc, không chỉ chiêm ngưỡng trước di hài một vĩ nhân mà đó là cây tìm về cội, lá tìm về cành, máu chảy về tim, sông trở về nguồn. Đó là cuộc trở về để báo công với Bác, để được Bác ôm vào lòng và ngợi khen.
– Nhà thơ xưng “con” và chữ “con” ở đầu dòng thơ, đầu bài thơ. Trong ngôn từ của nhân loại không có một chữ nào lại xúc động và sâu nặngbằng tiếng “con”. Cách xưng hô này thật gần gũi, thật thân thiết, ấm áp tình thân thương mà vẫn rất mực thành kính, thiêng liêng. Đồng thời, cũng diễn tả tâm trạng xúc động của người con ra thăm cha sau bao nhiêu năm xa cách.
– Nhà thơ sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng”:
+ “Viếng”: là đến chia buồn với thân nhân người chết.
+ “Thăm”: là gặp gỡ, trò chuyện với người đang sống.
-> Cách nói giảm, nói tránh -> giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát -> khẳng định Bác vẫn còn mãi trong trái tim nhân dân miền Nam, trong lòng dân tộc. Đồng thời gợi sự thân mật, gần gũi: Con về thăm cha – thăm người thân ruột thịt, thăm chỗ Bác nằm, thăm nơi Bác ở để thỏa lòng khát khao mong nhớ bấy lâu.
=> Câu thơ không có một dụng công nghệ thuật nào nhưng lại vô cùng gợi cảm, dồn nén biết bao cảm xúc. Cách xưng hôvà cách dùng từ của Viễn Phương giúp cho người đọc cảm nhận được tình cảm xúc động, nhớ thương của một người con đối với cha. Đó không chỉ là tình cảm riêng của nhà thơ mà còn là tình cảm chung của dân tộc Việt Nam. Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác song tất cả đều có chung một tình cảm như thế với Bác Hồ kính yêu.
– Đến lăng Bác, hình ảnh đầu tiên mà tác giả quan sát được,cảm nhận được, và có ấn tượng đậm nét là hình ảnh hàng tre. Khi xây dựng lăng Bác, các nhà thiết kế đã đưa về từ mọi miền đất nước các loài cây, loài hoa, tiêu biểu cho mọi miền quê hương đất nước để trồng ở lăng Bác bởi Bác là một tâm hồn rộng mở trước thiên nhiên và Bác cũng là biểu tượng cho tinh hoa, cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Và ai đã từng đến lăng Bác đều có thể nhận thấy hình ảnh đầu tiên về cảnh vật hai bên lăng là những hàng tre đằng ngà bát ngát. Nhà thơ Viễn Phương cũng vậy!
+ Sự xuất hiện của hàng tre trong thơ Viễn Phương không chỉ có ý tả thực, nhà thơ đã viết hình ảnh hàng tre với bút pháp tượng trưng, biểu tượng (gợi ra một điều gì đó từ một hình ảnh ẩn dụ lớn).
+ Hình ảnh thực: Trước hết, hàng tre là hình ảnh hết sức thân thuộc và gần gũi của làng quê, đất nước Việt Nam.
+ Hình ảnh ẩn dụ: Hình ảnh hàng tre còn là một biểu tượng con người, dân tộc Việt Nam.
_ Thành ngữ “bão táp mưa sa” nhằm chỉ những khó khăn, gian khổ, những vinh quang và cay đắng mà nhân dân ta đã vượt qua trong trường kì dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ vừa qua.
_ “Đứng thẳng hàng” là tinh thần đoàn kết đấu tranh, chiến đấu anh hùng, không bao giờ khuất phục, tất cả vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
-> Từ hình ảnh hàng tre bát ngát trong sương quanh lăng Bác, nhà thơ đã suy nghĩ, liên tưởng và mở rộng khái quát thành một hình ảnhhàng tre mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Dù gặp bão táp mưa sa – gặp những thăng trầm trong cuộc kháng chiến cứu nước và giữ nước, vẫn “đứng thẳng hàng”, vẫn đoàn kết đấu tranh, chiến đấu anh hùng, không bao giờ khuất phục. Niềm xúc động và tự hào về đất nước, về dân tộc, về những con người Nam Bộ đã được nhà thơ bộc lộ trực tiếp qua từ cảm thán “Ôi” đứng ở đầu câu.
-> Hàng tre ấy như những đội quân danh dự cùng với những loài cây khác đại diện cho những con người ở mọi miền quê trên đất nước Việt Nam tụ họp về đây xum vầy với Bác, trò chuyện và bảo vệ giấc ngủ cho Người. Nơi Bác nghỉ vẫn luôn xanh mát bóng tre xanh.
=> Chỉ một khổ thơ ngắn thôi nhưng cũng đủ để thể hiện những cảm xúc chân thành, thiêng liêng của nhà thơ và cũng là của nhân dân đối với Bác kính yêu.
2. Cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác:
– Nhà thơ đã sử dụng một ẩn dụ nghệ thuật tuyệt đẹp để nói lên cảm nhận của mình khi đứng trước lăng Bác:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
+ Hình ảnh “mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh thực. Đó là mặt trời thiên tạo, là hành tinh quan trọng nhất của vũ trụ, nó gợi ra sự kì vĩ, sự bất tử, vĩnh hằng. Mặt trời là nguồn cội của sự sống, ánh sáng.
+ Hình ảnh “mặt trời trong lăng” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, độc đáo – đó là hình ảnh của Bác Hồ. Giống như “mặt trời”, Bác Hồ cũng là nguồn ánh sáng, nguồn sức mạnh. “Mặt trời” – Bác Hồ soi đường dẫn lối cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Bác đã cùng nhân dân vượt qua trăm ngàn gian khổ, hi sinh để đi tới chiến thắng quanh vinh, trọn vẹn. “Mặt trời” – Bác Hồ tỏa hơi ấm tình thương bao la trong lòng mỗi con người Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu đã so sánh Bác như: “Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Cái nghĩa, cái nhân lớn lao của Bác đã tác động mạnh mẽ, sâu xa tới mỗi số phận con người.
+ Từ láy “ngày ngày” đứng ở đầu câu vừa diễn tả sự liên tục bất biến của tự nhiên vừa góp phần vĩnh viễn hóa, bất tử hóa hình ảnh Bác Hồ trong lòng mọi người và giữa thiên nhiên vũ trụ.
– Hình ảnh dòng người vào thăm lăng Bác đã được nhà thơ miêutả một cách độc đáo và để lại nhiều ấn tượng:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
+ Từ láy “ngày ngày” có nghĩa tương tự như câu thơ cầu đầu trong khổ thơ -> diễn tả cảnh tượng có thực đang diễn ra hàng ngày, đều đặn trong cuộc sống của con người Việt Nam: Những dòng người nặng trĩu nhớ thương từ khắp mọi miền đất nước đã về đây xếp hàng, lặng lẽ theo nhau vào lăng viếng Bác –“Dòng người đi trong thương nhớ”.
+ Bằng sự quan sát trong thực tế, tác giả đã tạo ra một hình ảnh ẩn dụ đẹp và sáng tạo: “tràng hoa”.
_ Chúng ta có thể hiểu “tràng hoa” ở đây theo nghĩa thực là những bông hoa tươi thắm kết thành vòng hoa được những người con khắp nơi trên đất nước và thế giới về thăm dâng lên Bác để bày tỏ tình cảm, tấm lòng nhớ thương, yêu quý, tự hào của mình.
_ “Tràng hoa” ở đây còn mang nghĩa ẩn dụ chỉ từng người một đang xếp hàng viếng lăng Bác mỗi ngày là một bông hoa ngát thơm. Những dòng người bất tận đang ngày ngày vào lăng viếng Bác nối kết nhau thành những tràng hoa bất tận. Những bông hoa – tràng hoa rực rỡ đó dưới ánh mặt trời của Bác đã trở thành những bông hoa – tràng hoa đẹp nhất dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân”– 79 năm cuộc đời của Người.
-> Hình ảnh thơ trên biểu lộ tấm lòng thành kính, và biết ơn sâu sắc của nhà thơ, của nhân dân đối với Bác Hồ.
Tổng kết:
1. Nội dung:
Niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, niềm tự hào, đau xót của nhà thơ từ miền Nam vừa được giải phóng ra thăm lăng Bác.
2. Nghệ thuật:
– Giọng điệu thơ phù hợp với nội dung tình cảm, cảm xúc: vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, đau xót, tự hào.
– Thể thơ 8 chữ, xen lẫn những dòng thơ 7 hoặc 9 chữ. Nhịp thơ chủ yếu là nhịp chậm, diễn tả sự trang nghiêm, thành kính và những cảm xúc sâu lắng. Riêng khổ cuối nhịp thơ nhanh hơn, phù hợp với sắc thái của niềm mong ước.
– Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng. Những hình ảnh ẩn dụ – biểu tượng như “mặt trời trong lăng”, ”tràng hoa”, vừa quen thuộc, vừa gần gũi với hình ảnh thực, vừa sâu sắc, có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm.
Trong thời gian ôn luyện, các em có thể thử sức thêm với bộ đề thi thử vào 10 môn vănTiền Giang của các trường trên địa bàn tỉnh để củng cố kiến thức. Ngoài ra, Doctailieu mời các em tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 Tiền Giang cùng điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 Tiền Giang qua các năm.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Tiền Giang các năm trước
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Tiền Giang 2020
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản:
“1) Cảm ơn hay xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn học hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Trong ứng xử giữa cộng đồng, cảm ơn và xin lỗi được trình bày một cách chân thành, một mặt phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân, một mặt giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.
(2) Trong nhiều trường hợp, lời cảm ơn hay lời xin lỗi không chỉ đem niềm vui tới người nhận, chúng còn trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ con người cũng vì thế mà sống vị tha hơn.
(3) Trước đây, trong quan hệ xã hội, việc mọi người cảm ơn và xin lỗi "vốn là chuyện bình thường, cảm ơn và xin lỗi trở thành một trong các tiêu chí “định tính tư cách văn hóa của con người. Rồi nhiều năm trở lại đây, lời cảm ơn và xin lỗi như có chiều hướng giảm trong giao tiếp xã hội. Có người cho ra 18 nguyên nhân của tình trạng này là do sự lỏng lẻo của chuẩn mực ứng xử, lại người cho rằng, lối sống công nghiệp làm con người thay đổi, hay do bản tính cá một người cụ thể nào đó vốn không quen với hai từ cảm ơn và xin lỗi,... Song thiết nghĩ, vẫn còn một nguyên nhân nữa là lâu nay, như một luật lệ bất thành và thường thì chỉ có con cái xin lỗi hay cảm ơn cha mẹ, người ít tuổi xin lỗi hay cảm ơn người lớn tuổi, mà nhiều người lớn tuổi không chú ý tới việc cảm ơn hay xin lỗi khi ứng xử với người khác. Trong giao tiếp xã hội, nhất là trong giao tiếp với công cộng, người lớn tuổi hơn ít khi sử dụng lời xin lỗi hoặc cảm ơn cho dù họ nhận được sự giúp đỡ, hay hành vi của họ gây phiền toái cho người khác. Các em nhỏ khi nhận được sự giúp đỡ hay sau khi mắc lỗi thường không ngần ngại nói lời xin lỗi hay cảm ơn, nhưng càng lớn lên thì thói quen này dường như đã mất dần, phải chăng vì các em học nói lời cảm ơn và xin lỗi không chỉ qua bài học giáo dục công dân hoặc qua lời răn dạy của cha mẹ, mà còn học trực tiếp qua ứng xử và việc làm của những người lớn tuổi?”
(dẫn theo Hà Anh, "Cảm ơn" và "xin lỗi" là biểu hiện của ứng xử văn hóa, https://www.nhandan.com.vn/ - Báo Nhân dân điện tử)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. (0,5 điểm)
Anh/chị hãy cho biết, lời “cảm ơn” và “xin lỗi" được sử dụng trong trường hợp nào?
Xem thêm chi tiết đáp án đề thi văn vào 10 năm 2020 tỉnh Tiền Giang
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Tiền Giang 2019
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi, từ câu 1 đến câu 3:
(1) Hai ông con theo bậc cấp bước xuống đồi, đến mặt đường nhìn lên, không thấy người con trai đứng đấy nữa. (2) Anh ta đã vào nhà trong. (3) Ông xách cái làn trứng, cô ôm bó hoa to. (4) Lúc bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn.
(Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long)
Câu 1. (1.0 điểm)
Tìm từ ngữ liên kết và gọi tên phép liên kết được dùng trong câu (1) và câu (2).
Câu 2. (1.0 điểm)
Câu (2) và (3), câu nào là câu ghép? Chỉ ra kiểu quan hệ về nghĩa giữa các vế trong câu ghép đó.
Câu 3. (1.0 điểm)
Xác định thành phần trạng ngữ trong câu (4) và cho biết nó bổ sung ý nghĩa gì cho câu?
Xem thêm chi tiết đáp án đề thi văn vào 10 năm 2019 tỉnh Tiền Giang
Trên đây là nội dung đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Tiền Giang năm 2023 và các năm trước đó để các em đối chiếu, thử sức với các đề khác nhau. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 này.