Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn trường PT Duy Tân - Phú Yên 2021

Xuất bản: 04/06/2021 - Cập nhật: 26/04/2022 - Tác giả:

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn trường Phổ thông Duy Tân, tỉnh Phú Yên năm học 2021-2022 với bài nghị luận về Lắng nghe- phải chăng đó là hạnh phúc?

Mời bạn đọc tham khảo Đề thi vào lớp 10 môn Văn 2021 chính thức của riêng trường Phổ thông Duy Tân, Phú Yên kèm đáp án chi tiết được Đọc tài liệu cập nhật bên dưới.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn trường Duy Tân, Phú Yên năm 2021

Câu 1. (3,0 điểm)

Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Một cô bé sống trong một gia đình điển hình. Bố mẹ đi làm thì cô bé đến trường, rất ít khi gặp nhau. Cô muốn nói chuyện nhưng không biết nói với ai. Chẳng ai có thì giờ ngồi nghe có nói. Bạn bè cùng cuốn quýt với những ca học, một số thì mải mê với trò chơi điện tử hiện đại với hình ảnh ảo ba chiều như thật. Cô bé cảm thấy cô đơn và thu mình vào vỏ ốc. Nhưng có cũng không được yên, vì cô rất bé nhỏ và nhút nhát nên hay bị những đứa trẻ lớp trên trêu chọc, giật cập sách, giật tóc, đôi khi cả đánh nữa.

Một buổi chiều, khi bị nhóm bạn lớp trên lôi ra làm trò đùa, cô buồn bã đi ra công viên gần nhà, ngồi trên ghế đá và khóc. Khóc một lúc, cô ngẩng lên thì thấy một ông già đang ngồi cạnh mình. Ông già thầy cô ngẩng lên thì hỏi:

- Cháu gái, tan học rồi sao không về nhà mà lại khóc

Cô bé lại òa lên tức tưởi:

- Cháu không muốn về nhà. Ở nhà buồn lắm, không có ai hết. Không ai nghe cháu nói!

- Vậy ông sẽ nghe cháu!

Và cô bé vừa khóc vừa kể cho ông già nghe tất cả những uất ức, những buồn rầu trong lòng bây lâu nay. Ông già cứ im lặng nghe, không một lời phán xét, không một lời nhận định. Ông chỉ nghe. Cuối cùng, khi cô bé kể xong, ông bảo có đừng buồn và hãy đi về nhà.

Từ đó trở đi, cứ tan học là cô bé vào công viên ngồi kể chuyện cho ông già nghe. Cô thay đổi hẳn, mạnh dạn lên, vui vẻ lên. Cô bé cảm thấy cuộc sống vẫn còn nhiều điều để sống...

(Theo Quà tặng cuộc sống)

a. Vì sao cô bé trong văn bản trên không muốn về nhà sau khi tan học? (0,5 điểm)

b. Hai câu: "Cô muốn nói chuyện nhưng không biết nói với ai. Chẳng ai có thì giờ ngồi nghe cô nói" được liên kết với nhau bằng phép liên kết nào? (0,5 điểm)

c. Em hiểu như thế nào về câu: Cô bé cảm thấy cuộc sống vẫn còn nhiều điều để sống?(1,0 điểm)

d. Em có đồng tình với thái độ của ông già: cứ im lặng nghe, không một lời phán xét, không một lời nhận định? Vì sao? (1,0 điểm)

Câu 2.(3,0 điểm)

Từ nội dung văn bản trên, hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời câu hỏi: Lắng nghe- phải chăng đó là hạnh phúc?

Câu 3. (4,0 điểm)

Cảm nhận đoạn thơ sau:

....Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...

Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước...

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nổi trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc...

(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, SGK Ngữ văn 9 tập 2, NXB Giáo dục, trang 55, 56)

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn trường Duy Tân, Phú Yên 2021

Câu 1.

a. Cô bé trong văn bản trên không muốn về nhà sau khi tan học vì "Ở nhà buồn lắm, không có ai hết. Không ai nghe cháu nói".

b. Hai câu: "Cô muốn nói chuyện nhưng không biết nói với ai. Chẳng ai có thì giờ ngồi nghe cô nói" được liên kết với nhau bằng phép liên kết lặp: "cô - nói".

c. Từ khi tâm sự với ông già ở công viên thì cô bé mở lòng minh hơn, vui vẻ hơn và cô bé cảm thấy cuộc sống vẫn còn nhiều điều để sống: đó là những điều tốt đẹp đang đợi cô bé ở tương lai, rất nhiều việc để cô bé làm ...

d. Trình bày quan điểm của cá nhân em, lý giải hợp lý.

Câu 2.

Chủ đề nghị luận: Lắng nghe- phải chăng đó là hạnh phúc?

Giải thích

Lắng nghe là quá trình tập trung tiếp nhận âm thanh một cách chủ động có chọn lọc, đi kèm với phân tích thông tin và đưa ra phản hồi thích hợp với những gì họ tiếp nhận.

Bàn luận

Vai trò của lắng nghe trong cuộc sống:

- Lắng nghe giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp của bạn đối với những người xung quanh, xây dựng và phát triển quan hệ

- Lắng nghe giúp con người hiểu nhau để thân thiết, gắn bó và tin tưởng hơn.

Lắng nghe- phải chăng đó là hạnh phúc?

- Nhờ lắng nghe, con người có thể khiến cuộc sống của chính mình và mọi người xung quanh tốt đẹp hơn.

- Lắng nghe nghĩa là yêu thương chia sẻ những khó khăn hay sự thành công trong cuộc sống

- Thể hiện sự tôn trọng người khác, tôn trọng câu chuyện của họ

- Lắng nghe giúp ta giải quyết xung đột hiệu quả hơn.

Dẫn chứng về sự lắng nghe: Học sinh trong giờ học tập trung lắng nghe giáo viên giảng bài để hiểu bài và nắm vững kiến thức của bài giảng. Nhờ vậy học sinh khiến giáo viên có những giờ giảng hay, ý nghĩa.

Phản đề: Trong cuộc sống, vẫn còn nhiều người mắc căn bệnh không chịu lắng nghe, vô cảm, thờ ơ

- Rút ra bài học nhận thức và hành động.

Câu 3.

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

1. Tác giả:

+ Thanh Hải (1930-1980) tên khai sinh là Phạm bá Ngoãn, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Ông hoạt động văn nghệ từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Thanh Hải ở lại quê hương hoạt động và là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học Cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu.

2. Tác phẩm: Bài thơ được viết vào tháng 11/1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời, thể hiện niềm yêu mến cuộc sống đất nước thiết tha và ước nguyện của tác giả.

- Dẫn dẵt đoạn trích

Thân bài: 

1. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước (10 câu tiếp)

– Hình ảnh lộc xuân theo người ra tràn theo người ra đồng làm đẹp ý thơ với cuộc sống lao động và chiến đấu, xây dựng và bảo vệ, 2 nhiệm vụ không thể tách rời. Họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước.

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ”

+ “Mùa xuân người cầm súng. Lộc giắt đầy trên lưng”: liên tưởng đến những người chiến sỹ ra trận mà trên vai, trên lưng họ có cành lá nguỵ trang. Những cành lá ấy mang lộc biếc, chồi non, mang theo mùa xuân của thiên nhiên, cây cỏ. Từ “lộc” còn làm cho người ta liên tưởng đến hình ảnh người lính khi ra trận, mang theo sức sống của cả dân tộc. Chính màu xanh sức sống đó đã tiếp cho người lính có thêm sức mạnh, ý chí để họ vươn xa ra phía trước tiêu diệt quân thù.

+ “Mùa xuân người ra đồng. Lộc trải dài nương mạ”: nói về những người lao động, những người ươm mầm cho sự sống, ươm những hạt mầm non trên những cánh đồng quê hương, từ “lộc” cho ta nghĩ tới những cánh đồng trải dài mênh mông với những chồi non mới nhú lên xanh mướt từ những hạt thóc giống đầu mùa xuân. Từ “lộc” còn mang sức sống, sức mạnh của con người. Có thể nói, chính con người đã tạo nên sức sống của mùa xuân thiên nhiên, đất nước.

+ “Tất cả như hối hả. Tất cả như xôn xao”. Nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận mùa xuân đất nước bằng hai từ láy gợi cảm “hối hả” là vội vã, khẩn trương, liên tục không dừng lại. “Xôn xao” khiến ta nghĩ tới những âm thanh liên tiếp vọng về, hoà lẫn với nhau xao động. Đây chính là tâm trạng tác giả, là cái náo nức trong tâm hồn. Tiếng lòng của tác giả như reo vui náo nức trước tinh thần lao động khẩn trương của con người. Mùa xuân đất nước được làm nên từ cái hối hả ấy. Sức sống của đất nước, của dân tộc, cũng được tạo nên từ sự hối hả, náo nức của người cầm súng, người ra đồng. Như vậy, hình ảnh mùa xuân đất nước đã đươcn mở rộng dần. Đầu tiên, nó chỉ gói gọn trên đôi vai, tấm lưng của người ra trận, đã được mở rộng thành một cánh đồng bao la.

– Nhà thơ tin tưởng, tự hào về tương lai tươi sáng của đất nước cho dù trước mắt còn nhiều vất vả, khó khăn. Và đất nước được hình dung bằng một hình ảnh so sánh thật đẹp mang nhiều ý nghĩa :

“Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”.

Sao là một nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp vĩnh hằng vượt qua mọi không gian và thời gian. Sao cũng là hình ảnh rạng ngời trên lá cờ Tổ quốc. Qua đó, tác giả Thanh Hải bộc lộ niềm tự hào về một đất nước Việt Nam anh hùng và giàu đẹp. Đất nước mãi trường tồn, vĩnh cửu cùng vũ trụ, không bao giờ mất đi và không một thế lực nào ngăn cản được, nhất định đất nước cũng sẽ toả sáng như những vì sao trong hành trình đi đến tương lai rực rỡ, đi đến bến bờ hạnh phúc. Đó là chí quyết tâm, niềm tin sắt đá, niềm tự hào lạc quan của cả dân tộc. Ở câu thơ thứ hai, phụ từ “cứ” kết hợp với động từ “đi lên” thể hiện quyết tâm cao độ, hiên ngang tiến lên phía trước, vượt qua mọi khó khăn, cảm xúc của nhà thơ là cảm xúc lạc quan, tin tưởng, ngợi ca sức sống của quê hương đất nước, của dân tộc khi mùa xuân về.

2. Ước nguyện của nhà thơ (8 câu tiếp)

– Muốn làm những việc hữu ích dâng hiến cho đời bày tỏ qua những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Đẹp và tự nhiên và giàu ý nghĩa vì nhà thơ đã lấy cái đẹp tinh tuý của thiên nhiên để diễn tả vẻ đẹp của tâm hồn:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến”.

– Làm “con chim hót” giữa muôn ngàn tiếng chim vô tư cống hiến tiếng hót vui, làm “một cành hoa” giữa vườn hoa xuân rực rỡ vô tư cống hiến hương sắc cho đời, làm “một nốt trầm” giữa bản hoà tấu muôn điệu, làm “một mùa xuân nho nhỏ” góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung. Ở phần đầu bài thơ, tác giả đã phác hoạ hình ảnh mùa xuân bằng các chi tiết bông hoa và tiếng chim hót. Cấu tứ lặp đi lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng chặt chẽ. Hình ảnh chọn lọc ấy trở lại đã mang một ý nghĩa mới: niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên.

– Điệp từ “ta” như một lời khẳng định. Nó không chỉ là lời tâm niệm thiết tha, chân thành của nhà thơ mà nó còn đề cập đến một vấn đề lớn là khát vọng chung của nhiều người.

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

– Ước nguyện hoá thân đso vô cùng cháy bỏng, nhưng được tác giả âm thầm “lặng lẽ dâng cho đời”. “Nho nhỏ”, “lặng lẽ” là cách nói khiêm tốn, chân thành mà giản dị, là cách sống cao đẹp. Tác giả muốn mỗi người là một mùa xuân nhỏ hoà vào cuộc sống, là ước nguyện sống có ích, được cống hiến cho đời như Tố Hữu đã viết trong “Một khúc ca xuân”.

“Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”

– “Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, cũng là cách thể hiện thiết tha, cảm động. Nó đã khắc sâu ý tưởng: “Mỗi cuộc đời đã hoá núi sông ta” (Nguyễn Khoa Điềm). Đó không phải mong muốn trong một lúc mà là cả một cuộc đời “Dù là tuổi hai mươi. Dù là khi tóc bạc”.

– Điệp từ “Dù là” khiến âm điệu câu thơ tha thiết, sâu lắng, ý thơ được nhấn mạnh làm cho người đọc không chỉ xúc động trước một giọng thơ ấm áp, mà còn xúc động trước lời tâm sự thiết tha của một con người đã từng trải qua 2 cuộc kháng chiến, đã cống hiến trọn cuộc đời và sự nghiệp cho cách mạng vẫn tha thiết được sống đẹp, sống có ích với tất cả sức sống tươi trẻ của mình cho cuộc đời chung.

– Bài thơ được viết một tháng trước khi nhà thơ trở về với cát bụi nhưng không gợi chút băn khoăn về bệnh tật, những suy nghĩ riêng tư cho bản thân mà chỉ “lặng lẽ cháy bỏng một khát khao được dâng hiến”.

3. Nghệ thuật đặc sắc:

– Thể thơ 5 chữ gần với điệu dân ca, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.

– Hình ảnh tự nhiên, giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt một số hình ảnh cành hoa, con chim, mùa xuân được lặp đi lặp lại và nâng cao, gây ấn tượng đậm đà.

Kết bài: Cảm nhận chung của em về mùa xuân mà tác giả đã miêu tả.

Trên đây là toàn bộ nội dung của đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2021 của trường Phổ thông Duy Tân tỉnh Phú Yên. Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành giúp các bạn hoàn thành tốt bài thi của mình.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM