Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Tiền Giang

Xuất bản: 17/07/2020 - Cập nhật: 04/06/2021 - Tác giả:

Đáp án đề thi Văn vào 10 Tiền Giang 2020 gồm lời giải chi tiết các câu hỏi trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Tiền Giang.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Tiền Giang và đáp án được ĐọcTàiLiệu cập nhật giúp các em học sinh tham khảo, so sánh kết quả với bài thi của mình.

NEW: Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn tỉnh Tiền Giang 2021

Đề thi vào lớp 10 năm 2020

Chi tiết đề thi vào lớp 10 môn Văn của tỉnh Tiền Giang như sau:

Sở GD&ĐT Tiền Giang

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

NĂM HỌC: 2020 - 2021

Môn: Ngữ Văn

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản:

“1) Cảm ơn hay xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn học hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Trong ứng xử giữa cộng đồng, cảm ơn và xin lỗi được trình bày một cách chân thành, một mặt phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân, một mặt giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.

(2) Trong nhiều trường hợp, lời cảm ơn hay lời xin lỗi không chỉ đem niềm vui tới người nhận, chúng còn trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ con người cũng vì thế mà sống vị tha hơn.

(3) Trước đây, trong quan hệ xã hội, việc mọi người cảm ơn và xin lỗi "vốn là chuyện bình thường, cảm ơn và xin lỗi trở thành một trong các tiêu chí “định tính tư cách văn hóa của con người. Rồi nhiều năm trở lại đây, lời cảm ơn và xin lỗi như có chiều hướng giảm trong giao tiếp xã hội. Có người cho ra 18 nguyên nhân của tình trạng này là do sự lỏng lẻo của chuẩn mực ứng xử, lại người cho rằng, lối sống công nghiệp làm con người thay đổi, hay do bản tính cá một người cụ thể nào đó vốn không quen với hai từ cảm ơn và xin lỗi,... Song thiết nghĩ, vẫn còn một nguyên nhân nữa là lâu nay, như một luật lệ bất thành và thường thì chỉ có con cái xin lỗi hay cảm ơn cha mẹ, người ít tuổi xin lỗi hay cảm ơn người lớn tuổi, mà nhiều người lớn tuổi không chú ý tới việc cảm ơn hay xin lỗi khi ứng xử với người khác. Trong giao tiếp xã hội, nhất là trong giao tiếp với công cộng, người lớn tuổi hơn ít khi sử dụng lời xin lỗi hoặc cảm ơn cho dù họ nhận được sự giúp đỡ, hay hành vi của họ gây phiền toái cho người khác. Các em nhỏ khi nhận được sự giúp đỡ hay sau khi mắc lỗi thường không ngần ngại nói lời xin lỗi hay cảm ơn, nhưng càng lớn lên thì thói quen này dường như đã mất dần, phải chăng vì các em học nói lời cảm ơn và xin lỗi không chỉ qua bài học giáo dục công dân hoặc qua lời răn dạy của cha mẹ, mà còn học trực tiếp qua ứng xử và việc làm của những người lớn tuổi?”

(dẫn theo Hà Anh, "Cảm ơn" và "xin lỗi" là biểu hiện của ứng xử văn hóa, https://www.nhandan.com.vn/ - Báo Nhân dân điện tử)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. (0,5 điểm)

Anh/chị hãy cho biết, lời “cảm ơn” và “xin lỗi" được sử dụng trong trường hợp nào?

Câu 2. (0,5 điểm)

Theo tác giả bài viết, “Trong ứng xử giữa cộng đồng, khi cảm ơn và xin lỗi được trình bày một cách chân thành, một mặt phản ánh phẩm chất văn hóa của cả nhân, một mặt giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn”, nhưng trong nhiều trường hợp, lời cảm ơn, xin lỗi còn có tác dụng nào khác?

Câu 3. (1,0 điểm).

Ở đoạn (3), tác giả bài viết chỉ ra những nguyên nhân nào làm cho “lời cảm ơn và xin lỗi như có chiều hướng giảm trong giao tiếp xã hội”? (Nêu ngắn gọn những nguyên nhân đó).

Câu 4. (1,0 điểm)

Anh/chị có đồng ý với ý kiến: “Cảm ơn hay xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa" không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng một trang giấy thi), nói về ý nghĩa của lời xin lỗi trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm) Phân tích đoạn thơ sau:

“Không có kính không phải vì xe không có kính 

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi 

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.


Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim 

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim 

Như sa như ùa vào buồng lái.”

(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật - dẫn theo | Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2012, trang 131)

Đáp án đề tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Tiền Giang 2020

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Lời “cảm ơn” và “xin lỗi" được sử dụng trong các trường hợp ứng xử cộng đồng:

- Khi nhận được sự giúp đỡ

- Khi hành động của mình gây phiền toái cho ai đó

- Khi mắc lỗi với ai đó.

Câu 2.

Theo tác giả bài viết, “Trong ứng xử giữa cộng đồng, khi cảm ơn và xin lỗi được trình bày một cách chân thành, một mặt phản ánh phẩm chất văn hóa của cả nhân, một mặt giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn”, nhưng trong nhiều trường hợp, lời cảm ơn, xin lỗi còn có tác dụng đem niềm vui tới người nhận, trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ, con người cũng vì thế mà sống vị tha hơn.

Câu 3. 

Những nguyên nhân làm cho “lời cảm ơn và xin lỗi như có chiều hướng giảm trong giao tiếp xã hội”: sự lỏng lẻo của chuẩn mực ứng xử lối sống công nghiệp làm con người thay đổi, hay do bản tính cá một người cụ thể nào đó vốn không quen với hai từ cảm ơn và xin lỗi; thường chỉ có con cái xin lỗi hay cảm ơn cha mẹ, người ít tuổi xin lỗi hay cảm ơn người lớn tuổi, mà nhiều người lớn tuổi không chú ý tới việc cảm ơn hay xin lỗi khi ứng xử với người khác.

Câu 4.

Đồng ý: vì cảm ơn và xin lỗi chính là những cách ứng xử tối thiểu thể hiện sự văn minh, lịch sự trong cuộc sống giữa người với người. Đầu tiên, ta cần biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng nơi đúng lúc và thời điểm. Có như vậy, nó sẽ phản ánh được phẩm chất văn hóa của chính mỗi người chúng ta. Bên cạnh đó, khi nói lời cảm ơn hay xin lỗi, ta cần thực sự thể hiện được thái độ chân thành từ tình cảm từ trong chính trái tim mình, ví dụ thái độ hối lỗi khi nói xin lỗi và thái độ cảm kích khi nói cảm ơn.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Tham khảo những nội dung chính cần triển khai:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bàn về lời xin lỗi, suy nghĩ về vai trò, ý nghĩa của lời xin lỗi trong cuộc sống

- Giải thích

+ Xin lỗi": là hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình, là sự đồng cảm, sẻ chia đối với người bị ta làm tổn thương, thiệt hại. Biết xin lỗi là mong muốn được đền bù thiệt hại và tha thứ.

+ Xin lỗi không chỉ là cách thể hiện thái độ biết lỗi, tự nhận thấy sai lầm mà còn là phép lịch sự trong giao tiếp, ứng xử giữa người với người.

- Tại sao sống phải biết nói lời xin lỗi?

+ Xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa của con người, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội

+ Lời xin lỗi chân thành phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân, giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.

+ Xin lỗi là một phép lịch sự trong giao tiếp, thể hiện sự văn minh và thái độ tôn trọng con người

+ Lời xin lỗi chân thành có thể cứu vãn được sự việc đáng tiếc có thể đã xảy ra

+ Xin lỗi đúng cách, đúng lúc giúp ta tránh được những tổn thất về vật chất và tinh thần

+ Lời xin lỗi còn để thể hiện sự chia sẻ, đồng cảm với mọi người

+ Lời xin lỗi chân thành hàn gắn những chia rẽ và hận thù do những lỗi lầm ấy gây nên.

+ Xin lỗi còn để dạy cho con cái biết học cách lớn lên là người có ý thức trách nhiệm.

+ Biết nói lời xin lỗi giúp cho cuộc sống của chúng ta được an lành, hạnh phúc hơn.

- Bài học nhận thức và hành động

+ Biết sống chân thành, tôn trọng, quý trọng người khác, thành thật nhận khuyết điểm về mình, không được né tránh trách nhiệm hay ngụy biện về hành động của mình

+ Lời xin lỗi phải xuất phát từ đáy lòng mới thật sự hữu dụng

+ Hiểu rõ đối tượng là ai để bày tỏ thái độ xin lỗi một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.

+ Xin lỗi đúng lúc, đúng nơi sẽ làm cho người được xin lỗi thấy dễ tha thứ hơn, đặc biệt cần biết sửa sai sau khi xin lỗi.

- Kết luận: Khẳng định vai trò, ý nghĩa của lời xin lỗi trong các mối quan hệ cuộc sống

Đoạn văn mẫu tham khảo: 

Có ai đó đã từng nói: “Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn sự im lặng”. Quả thật như vậy, lời xin lỗi là cái cúi đầu, cái khoanh tay lễ phép và lời chân thành: cháu xin lỗi, em xin lỗi, bác xin lỗi, thầy xin lỗi… Nhưng trong cuộc sống này đã mấy ai làm được điều đó. Lời xin lỗi khi mình làm sai không chỉ là cách thể hiện thái độ biết lỗi, tự nhận thấy sai lầm mà còn là phép lịch sự trong giao tiếp, ứng xử giữa người với người. Lời xin lỗi là thể hiện sự tôn trọng và khiến người nghe cảm thấy hài lòng, vui vẻ, chấp nhận, bỏ qua, làm cho mối quan hệ tốt đẹp hơn. Còn người xin lỗi thì cảm thấy nhẹ lòng và trên hết là ý thức được trách nhiệm của mình trước hành động sai trái. Hành động của cậu bé 8 tuổi ở Hải Phòng lỡ làm vỡ gương ô tô đã viết giấy gửi lời xin lỗi và số điện thoại ngỏ ý đền bù cho chủ nhân chiếc ô tô để trước cổng trường mà báo chí đưa tin trong suốt thời gian qua khiến chúng ta phải suy ngẫm. Cho nên biết nói lời xin lỗi là một hành động lịch sự làm cuộc sống xã hội trở nên văn minh, tốt đẹp hơn. Cần phê phán những kẻ thiếu tự trọng, thiếu dũng cảm, làm sai nhưng bảo thủ không nhận trách nhiệm. Cũng qua đây chúng ta cần rút ra bài học cho mình: cần phải nghiêm túc nhận lỗi khi làm sai, biết nói lời xin lỗi chân thành cũng như dũng cảm, tự trọng trước những sai lầm của bản thân.

Câu 2.

Lưu ý khi phân tích:

1. Hình ảnh những chiếc xe không kính

– Xưa nay, những hình ảnh xe cộ, tàu thuyền đưa vào thơ thì đều được “mĩ lệ hóa”, “lãng mạn hóa” và thường mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực. Người đọc đã bắt gặp chiếc xe tam mã trong thơ Pus-kin, con tàu trong “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên, đoàn thuyền đánh cá trong bài thơ cùng tên của Huy Cận.

– Ở bài thơ này, hình ảnh những chiếc xe không kính được miêu tả cụ thể, chi tiết rất thực. Lẽ thường, để đảm bảo an toàn cho tính mạng con người, cho hàng hoá nhất là trong địa hình hiểm trở Trường Sơn thì xe phải có kính mới đúng. Ấy thế mà chuyện “xe không kính” lại là môt thực tế, là hình ảnh thường gặp trên tuyến đường Trường Sơn.
– Hai câu thơ mở đầu có thể coi là lời giải thích cho “sự cố” có phần không bình thường ấy:

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi.

+ Lời thơ tự nhiên đến mức buộc người ta phải tin ngay vào sự phân bua của các chàng trai lái xe dũng cảm. Chất thơ của câu thơ này hiện ra chính trong vẻ tự nhiên đến mức khó ngờ của ngôn từ.

+ Bằng những câu thơ rất thực, đậm chất văn xuôi, điệp ngữ“không”, cùng với động từ mạnh “giật”, “rung” -> Tác giả đã lí giải nguyên nhân không có kính của những chiếc xe. Bom đạn chiến tranh đã làm cho những chiếc xe trở nên biến dạng “không có kính”, “không có đèn”,”không có mui xe”,”thùng xe có xước”. Từ đó, tác giả đã tạo ấn tượng cho người đọc một cách cụ thể và sâu sắc về hiện thực chiến tranh khốc liệt, dữ dội, về cuộc chiến đấu gian khổ mà người lính phải trải qua.

=> Hình ảnh những chiếc xe không kính vốn chẳng hiếm trong chiến tranh, song phải có một hồn thơ nhạy cảm, có nét tinh nghịch, ngang tàn như Phạm Tiến Duật mới phát hiện ra được, đưa nó vào thơ và  trở thành biểu tượng độc đáo của thơ ca thời chống Mĩ.

2. Hình ảnh người lính lái xe

* Hình ảnh những chiếc xe không kính đã làm nổi rõ hình ảnh những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn. Thiếu đi những điều kiện, phương tiện vật chất tối thiểu lại là một cơ hội để người lính lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ, đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ khó khăn.

a. Vẻ đẹp của người lính lái xe trước hết thể hiện ở tư thế hiên ngang, ung dung, đường hoàng,tự tin, và tâm hồn lãng mạn, lạc quan, yêu đời

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời,nhìn thẳng.

+ Nghệ thuật đảo ngữ với từ láy “ung dung” được đảo lên đầu câu thứ nhất và nghệ thuật điệp ngữ với từ “nhìn” được nhắc đi nhắc lại trong câu thơ thứ hai -> nhấn mạnh tư thế ung dung, bình tĩnh, tự tin của người lính lái xe.

+ Cái nhìn của các anh là cái nhìn bao quát, rộng mở “nhìn đất”,”nhìn trời”, vừa trực diện, tập trung cao độ “nhìn thẳng”. Các anh nhìn vào khó khăn, gian khổ, hi sinh mà không hề run sợ, né tránh – một bản lĩnh vững vàng.

– Trong tư thế ung dung ấy, người lính lái xe có những cảm nhận rất riêng khi được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên bên ngoài:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái.

+ Sau tay lái của chiếc xe không có kính chắn gió nên các yếu tố về thiên nhiên, chướng ngại vật rơi rụng, quăng ném, va đạp vào trong buồng lái. Song, quan trọng hơn là các anh có được cảm giác như bay lên, hòa mình với thiên nhiên rồi được tự do giao cảm, chiêm ngưỡng thế giới bên ngoài.Điều này được thể hiện ở nhịp thơ đều đặn, trôi chảy như xe lăn với việc vận dụng linh hoạt điệp ngữ “thấy” và phép liệt kê. Có rất nhiều cảm giác thú vị đến với người lính trên những chiếc xe không có kính.

+ Các hình ảnh “con đường”,”sao trời”,”cánh chim”… diễn tả rất cụ thể cảm giác của những người lính khi được lái những chiếc xe không kính. Khi xe chạy trên đường bằng, tốc độ xe chạy đi nhanh, giữa các anh với con đường dường như không còn khoảng cách, chính vì thế, các anh mới có cảm giác con đường đang chạy thẳng vào tim. Và cái cảm giác thú vị khi xe chạy vào ban đêm, được “thấy sao trời” và khi đi qua những đoạn đường cua dốc thì những cánh chim như đột ngột “ùa vào buồng lái”. Thiên nhiên, vạn vật dường như cũng bay theo ra chiến trường. Tất cả điều này đã giúp người đọc cảm nhận được ở các anh nét hào hoa, kiêu bạc, lãng mạn và yêu đời của những người trẻ tuổi. Tất cảlà hiện thực nhưng qua cảm nhận của nhà thơ đã trở thành những hình ảnh lãng mạn.

Tham khảo một số bài văn mẫu hay: Phân tích hai khổ thơ đầu trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

-/-

Các môn thi khác

• Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán năm 2020 Tiền Giang

• Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Anh năm 2020 Tiền Giang

Trên đây là toàn bộ nội dung của đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 trong tuyển tập đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Tiền Giang được Đọc Tài Liệu thực hiện sau khi kì thi chính thức diễn ra. Với nội dung này các em có thể so sánh đối chiếu kết quả bài thi của mình!

Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành hữu ích với bạn trong kỳ thi này.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM