Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Ninh Bình

Xuất bản: 16/07/2020 - Cập nhật: 31/05/2021 - Tác giả: Giangdh

Đáp án đề thi Văn vào 10 Ninh Bình 2020 gồm lời giải chi tiết các câu hỏi trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Ninh Bình.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Ninh Bình và đáp án được ĐọcTàiLiệu cập nhật giúp các em học sinh tham khảo, so sánh kết quả với bài thi của mình.

NEW: Đề thi vào lớp 10 môn văn Ninh Bình 2021

Đề thi vào lớp 10 năm 2020

Chi tiết đề thi vào lớp môn Văn của tỉnh Ninh Bình như sau:

Sở GD&ĐT Ninh Bình

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

NĂM HỌC: 2020 - 2021

Môn: Văn

PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới.

COVID-19 KHIẾN NHIỀU NGƯỜI CẢM NHẬN RÕ HƠN GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH

Tính đến 9h ngày 25/6, thế giới chỉ nhận 9.503,073 người mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ: 483.677 người tử vong. Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi một của đời sống với nhiều nỗi lo toan từ sức khỏe đến kinh tế... Mấy tháng chống chọi với Covid-19 khiển không ít người đứng ngồi không yên trong lo sợ. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một khía cạnh khác, dịch bệnh cũng khiến nhiều người nhận ra và thấu hiểu hơn những giá trị mà bấy lâu cuộc sống lo toan, bộn bề khiến họ có phần lãng quên. Nhiều nước, nhiều tổ chức phát động chiến dịch Ở nhà vẫn vui kêu gọi mọi người ở nhà và chia sẻ những câu chuyện, khoảnh khắc vui vẻ, tích cực trong thời gian ở nhà làm việc. Chưa bao giờ, trên các trang mạng xã hội, những câu chuyện tích cực lại được nhiều ông bố, bà mẹ chia sẻ rộn ràng đến vậy. Con cái chăm làm việc nhà, học được nhiều kỹ năng sống, gia đình gần nhau hơn. Trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều hơn những bữa cơm ấm cúng được mọi người chia sẻ, mang theo thông điệp tích cực, lạc quan. Sợi dây gắn kết yêu thương cũng được bền vững hơn khi mà họ đã xích lại gần nhau, có trách nhiệm với nhau, sẻ chia và cùng nhau gánh vác mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống...

(Như Thụy - theo UN, Guardian, NYT, bảo Phụ nữ Việt Nam Số 77 ngày 26/6/2020) 

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định câu chủ đề của đoạn trích?

Câu 2 (1,0 điểm): Các con số trong câu: “Tính đến 9h ngày 25/6, thế giới ghi nhận 9.503.073 người mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ; 483,677 người tử vong” nói lên đặc tính gì của đoạn trích?

Câu 3 (1,0 điểm): Nêu các chiến dịch và hoạt động được thực hiện khi mọi người ở nhà chống dịch?

Câu 4 (0,5 điểm): Trình bày thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua đoạn trích?

PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Anh (chị) hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về vai trò của gia đình trong cuộc sống của mỗi người.

Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích nhân vật Vũ Nương trong đoạn trích sau:

Qua năm sau, giặc ngoan cố đã chịu trói, việc quân kết thúc. Trương Sinh về tới nhà, được biết mẹ đã qua đời, con vừa học nói. Chàng hỏi mộ mẹ, rồi bế đứa con nhỏ đi thăm, đứa trẻ không chịu, ra đến đồng, nó quấy khóc. Sinh dỗ dành:

- Nín đi con, đừng khóc, Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi.

Đứa con ngây thơ nói:

- Ơ hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.

Chàng ngạc nhiên gạn hỏi. Đứa con nhỏ nói:

- Trước đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.

Tính chàng hay ghen, nghe đứa con nói vậy, tin chắc đinh ninh là vợ hư, không còn cách gì tháo cởi ra được.

Về đến nhà, mắng vợ một bữa cho hả giận. Nàng khóc mà rằng:

- Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn, từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin trần bạch để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.

Chàng vẫn không tin. Nhưng nàng hỏi chuyện kia từ ai nói ra thì giấu không kể lời con nói; chỉ thường thường mắng mỏ nhiếc móc và đánh đuổi đi. Họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng cũng chẳng ăn thua gì cả. Nàng bất đắc dĩ nói:

- Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất, có sự yên ổn được tựa bóng cây cao. Đâu ngờ ân tình tựa lá, gièm báng nên non. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa gãy cuống, kêu xuân cái én lìa màn, nước thẳm buồm xa, đâu còn thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.

Đoạn rồi nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng:

- Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ.

Nói xong gieo mình xuống sông mà chết.

(Chuyện người con gái Nam Xương - Nguyễn Dữ, Sách Hướng dẫn học Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)

Chú thích:

(1) Một tiết: ý nói giữ trọn lòng chung thủy với chồng (tiết: danh dự và phẩm giá con người)

(2) Ngõ liễu tường hoa: chỉ nơi có những chuyện quan hệ trai gái không đúng đắn.

(3) Nghi gia nghi thất: nên cửa nên nhà, ý nói thành vợ thành chồng cùng gây dựng hạnh phúc gia đình

(4) Cả đoạn “Nay đã bình rơi trâm gãy... núi Vọng Phu kia nữa": ý nói nỗi thất vọng của Vũ Nương khi bị Trương Sinh hắt hủi, tình vợ chồng gắn bó lâu nay đã tan vỡ.

(5) Ngọc Mị Nương: theo tích ngọc trai giếng nước trong truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy, ý nói đến chết vẫn giữ lòng trong sáng.

(6) Cỏ Ngu mĩ: tích về nàng Ngu Cơ, Vợ Hạng Vũ. Khi Hạng Vũ thua trận, thế cùng, chạy đến Cai Hạ, nàng rút gươm tự vẫn. Tương truyền hồn Ngu Cơ hóa thành hai khóm cỏ trên mộ, ngày đêm cứ quấn quýt vào nhau, người ta gọi là cỏ Ngu mĩ nhân, ý nói đến chết vẫn giữ lòng chung thủy.

(7) Lòng chim dạ cá: ở đây ý nói thay lòng đổi dạ, không chung thủy.

Đáp án đề tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Ninh Bình 2020

PHẦN I: ĐỌC HIỂU

Câu 1: Câu chủ đề của đoạn trích là: "Covid-19 khiến nhiều người cảm nhận rõ hơn giá trị gia đình".

Câu 2: Các con số trong câu: “Tính đến 9h ngày 25/6, thế giới ghi nhận 9.503.073 người mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ; 483,677 người tử vong” nói lên đặc tính khách quan, khoa học, cụ thể của đoạn trích

Câu 3: Các chiến dịch và hoạt động được thực hiện khi mọi người ở nhà chống dịch:

- Chiến dịch Ở nhà vẫn vui kêu gọi mọi người ở nhà và chia sẻ những câu chuyện, khoảnh khắc vui vẻ, tích cực trong thời gian ở nhà làm việc

- Nhiều ông bố, bà mẹ đã chia sẻ những câu chuyện tích cực trên các trang mạng xã hội

- Con cái chăm làm việc nhà, học được nhiều kỹ năng sống

- Những bữa cơm ấm cúng trong các gia đình xuất hiện nhiều hơn và được chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Câu 4: Các em tự rút ra thông điệp

Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua đoạn trích:

- Dù ở trong hoàn cảnh nào thì gia đình sẽ luôn đồng hành cùng chúng ta.

- Hãy luôn sống vui vẻ lạc quan, tin vào đảng và chính phủ, đó là cách chống dịch hiệu quả nhất,

PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN

Câu 1:

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của gia đình.

2. Thân bài

- Giải thích: Gia đình là gì? Những quan điểm về gia đình:

  • Gia đình là nơi ta được che chở, đùm bọc
  • Là nơi ta được yêu thương, chăm sóc
  • Là nơi ta được thoải mái, không nợ nần, ân oán
  • Là nơi mà ta về mỗi khi mệt mỏi
  • Là nơi chưa đầy tình yêu thương

- Vai trò và tầm quan trọng của gia đình 

  • Là chỗ dựa vật chất và tinh thần vững chắc của mọi thành viên
  • Là nơi con cái tìm kiếm sự an ủi, chở che từ người lớn
  • Mang đến sự ấm áp và niềm vui đồng thời xoa dịu những nỗi đau
  • Là cái nôi giáo dục nên nhân phẩm và tính cách của con trẻ.
  • Là yếu tố tác động đến tâm lý và lối sống của các thành viên trong gia đình.
  • Gia đình có nhiều tranh chấp, bất hòa khiến các thành viên dễ bị tổn thương và mặc cảm.
  • Con trẻ nếu không được gia đình bảo bọc và dạy dỗ sẽ dễ gục ngã trước khó khăn, cám dỗ từ xã hội....

- Biện pháp để có một mái ấm gia đình hạnh phúc

  • Xây dựng không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc và no đủ.
  • Mỗi gia đình biết cách giáo dục, quan tâm và chăm sóc con trẻ.
  • Không nên tách rời bản thân khỏi tình yêu thương và sự quan tâm từ phía gia đình....

- Liên hệ gia đình em

3. Kết bài:

- Khẳng định vai trò của mái ấm và tình cảm gia đình.

>>> Tham khảo đoạn văn nghị luận về vai trò của gia đình hoặc bài văn mẫu nghị luận về vai trò của gia đình để hiểu hơn cách trình bày bài văn này.

Câu 2:

Tham khảo dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương sau đây:

a) Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Dữ và truyện Chuyện người con gái Nam Xương:

+ Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế kỉ thứ 16 với thể loại truyện truyền kì.

+ "Chuyện người con gái Nam Xương" là tác phẩm được rút trong tập truyện Truyền kì mạn lục nổi tiếng của ông, viết về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, đồng thời lên án, tố cáo lễ giáo phong kiến hà khắc.

- Giới thiệu khái quát nhân vật Vũ Nương: là hiện thân của lòng vị tha và vẻ đẹp người phụ nữ nhưng phải chịu bi kịch bất hạnh của chế độ phong kiến.

b) Thân bài

* Phân tích nhân vật Vũ Nương

Khái quát chung:

- Hoàn cảnh sống:

+ Hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ: chiến tranh phong kiến xảy ra, xã hội trọng nam khinh nữ

+ Hoàn cảnh gia đình: Hôn nhân không có sự bình đẳng về giai cấp, vợ chồng vì chiến tranh mà phải sống xa nhau, tính cách vợ chồng trái ngược nhau.

- Vũ Nương, người phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp

+ Là người con gái thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp

+ Người vợ một mực thủy chung với chồng, thấu hiểu nỗi khổ và nguy hiểm mà chồng phải đối mặt nơi chiến tuyến, chờ đợi chồng

  • Biết Trương Sinh vốn có tính đa nghi, nên nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa” => một người vợ hiền thục, khôn khéo, nết na đúng mực.
  • Khi chồng đi lính: Vũ Nương rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa, đằm thắm, thiết tha: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”.

=> Chồng đi xa vẫn một lòng chung thủy, thương nhớ chồng khôn nguôi, mong chồng trở về bình yên vô sự, ngày qua tháng lại một mình vò võ nuôi con.

* Phân tích đoạn trích: Phẩm chất, nét đẹp cũng như bị kịch đến tột cùng của Vũ Nương được thể hiện rõ nhất qua ba lời thoại, ba lời phần trần của nàng với Trương Sinh:

Lần 1: “Thiếp vốn con ..... Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp” 

-> Nàng phân trần để chồng hiểu rõ lòng mình. Nàng đã nói đến thân phận, tình nghĩa vợ chồng, khẳng định tấm lòng thuỷ chung trong trắng, xin chồng đừng nghi oan, có nghĩa là nàng hết lòng hàn gắn hạnh phúc gia đình.

Lần 2: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. .... lên núi Vọng Phu kia nữa"

-> Nàng đã nói lên nỗi đau đớn thất vọng khi không hiểu sao mình bị nghi oan, bị đối xử bất công. Đồng thời đó còn là sự tuyệt vọng đến cùng cực khi khao khát của cả đời nàng vun đắp đã tan vỡ. Tình yêu không còn. Cả nỗi đau khổ chờ chồng đến hoá đá như trước đây cũng không

còn có thể làm được nữa.

Lần 3: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận … và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”.

-> Đây là lời độc thoại. Lời thoại là một lời than, một lời nguyền xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tiết hạnh trong sạch của nàng. Lời thoại đã thể hiện nỗi thất vọng đến tột cùng, nỗi đau cùng cực của người phụ nữ phẩm giá nhưng bị nghi oan nên từ đây đến chỗ tận cùng là cái chết

 * Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vũ Nương:

- Do lời nói ngây thơ của bé Đản.

- Do Trường Sinh vốn đa nghi, hay ghen lại đang buồn vì mẹ mất.

- Do chiến tranh gây ra 3 năm xa cách, niềm tin vào Vũ Nương ị thử thách, bị lung lay.

- Có thể do cuộc hôn nhân bất bình đẳng giữa Vũ Nương và Trường Sinh, do xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ cho phép Trường Sinh được đối xử rẻ rúng, tàn tệ với vợ mình.

* Hậu quả của nỗi oan: 

- Trường Sinh nghi ngờ, gạt đi lời thanh minh của Vũ Nương, mắng nhiếc, đánh đuổi Vũ Nương đi.

- Cùng đường Vũ Nương nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tận. Đây là phản ứng dữ dội, quyết liệt của Vũ Nương để bảo vệ nhân phẩm nhưng cũng là cho thấy nỗi bất hạnh tột cùng của nàng.

* Đánh giá đặc sắc nghệ thuật

- Tạo dựng tình huống để thử thách nhân vật

- Khắc họa nhân vật qua ngoại hình, hành động, đối thoại... kết hợp với yếu tố kì ảo có thực

- Bút pháp miêu tả nhân vật sinh động

c) Kết bài

- Khái quát và khẳng định lại vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương.

- Liên hệ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Văn mẫu tham khảoPhân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

-/-

Các môn thi khác

• Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán năm 2020 Ninh Bình

• Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Anh năm 2020 Ninh Bình

Trên đây là toàn bộ nội dung của đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 của tỉnh Ninh Bình được Đọc Tài Liệu thực hiện sau khi kì thi chính thức diễn ra. Với nội dung này các em có thể so sánh đối chiếu kết quả bài thi của mình!

Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành hữu ích với bạn trong kỳ thi này.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM