Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2020 trường THPT Nguyễn Sinh Cung

Xuất bản: 21/02/2020 - Cập nhật: 29/04/2022 - Tác giả: Giangdh

Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn Văn của trường THPT Nguyễn Sinh Cung năm học 2020/2021 kèm đáp án sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện tốt hơn cho kì thi tuyển sinh

Mục lục nội dung

Đề thi thử lớp 10 môn Văn năm học 2020 của trường THPT Nguyễn Sinh Cung được Học tốt biên soạn với mong muốn hỗ trợ các em ôn tập để có thể đạt được điểm số cao trong kì thi quan trọng sắp tới

Đề thi
thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Nguyễn Sinh Cung

Câu 1: ( 2 điểm)

1. Khái niệm văn bản và đặc điểm của văn bản.

2. Hãy cho biết nội dung giao tiếp và mục đích giao tiếp của văn bản sau:

Có chí thì nên ( Tục ngữ)

Câu 2: ( 3 điểm)

Viết văn bản ngắn (dài không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của anh chị về việc soạn bài và chuẩn bị bài ở nhà của học sinh hiện nay.

Câu 3: ( 5 điểm)

Phân tích đoạn thơ trong bài Viếng lăng Bác của tác giả Viễn Phương:

…Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim

( Sách giáo khoa 9, tập 2)

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn trường THPT Nguyễn Sinh Cung

Câu 1

a. Khái niệm văn bản: văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ,gồm một hay nhiều câu, nhiều đoạn đề cập đến một chủ đề nhất định.

- Đặc điểm:

  • Mỗi văn bản tập trung thể hiện một chủ đề và triển khai chủ đề đó một cách trọn vẹn.
  • Các câu trong văn bản có sự liên kết chặt chẽ, đồng thời văn bản được xây dựng theo một kết cấu mạch lạc.
  • Mỗi văn bản có dấu hiệu hoàn chỉnh về nội dung .
  • Mỗi văn bản nhằm thực hiện một hoặc một số mục đích giao tiếp nhất định

b.

- Văn bản trên giao tiếp với người đọc về một kinh nghiệm sống.

- Mục đích khuyên con người cần phải có tính kiên trì, có ý chí khi muốn thực hiện một việc gì đó.

Câu 2

- Văn bản ngắn trình bày suy nghĩ về việc soạn bài và chuẩn bị bài ở nhà của học sinh hiện nay

- Bài văn tham khảo: Nghị luận về tinh thần tự giác trong học tập của học sinh

Câu 3

Dàn ý tham khảo phân tích khổ 2, 3 bài thơ Viếng lăng Bác

I. Mở bài

- Viễn Phương là một nhà thơ tiêu biểu của miền Nam. Tháng 4/1976 sau một năm giải phóng đất nước. Khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành, nhà thơ cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Hà Nội vào lăng viếng Bác.

- Bài thơ Viếng lăng Bác được Viễn Phương viết với tất cả tấm lòng thành kính biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau của một người con từ miền Nam ra viếng Bác lần đầu.

II. Thân bài

1. Khổ thơ thứ hai

- Hai câu thơ đầu:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

  • Hai câu thơ được tạo nên với những hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi. Câu trên là một hình ảnh thực, câu dưới là hình ảnh ẩn dụ.
  • Ví Bác như mặt trời là để nói lên sự trường tồn vĩnh cửu của Bác, giống như sự tồn tại vĩnh viễn của mặt trời tự nhiên.
  • Ví Bác như mặt trời là để nói lên sự vĩ đại của Bác, người đã đem lại cuộc sống tự do cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi đêm dài nô lệ.
  • Nhận thấy Bác là một mặt trời trong lăng rất đỏ, đây chính là sáng tạo riêng của Viễn Phương, nó thể hiện được sự tôn kính của tác giả, của nhân dân đối với Bác.

- Ở hai câu thơ tiếp theo:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

  • Đó là sự hình dung về dòng người đang nối tiếp dài vô tận hàng ngày đến viếng lăng Bác bằng tất cả tấm lòng thành kính và thương nhớ, hình ảnh đó như những tràng hoa kết lại dâng người. Hai từ ngày ngày được lặp lại trong câu thơ như tạo nên một cảm xúc về cõi trường sinh vĩnh cửu.
  • Hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác được tác giả ví như tràng hoa, dâng lên Bác. Cách so sánh này vừa thích hợp và mới lạ, diễn ra được sự thương nhớ, tôn kính của nhân dân đối với Bác.
  • Tràng hoa là hình ảnh ẩn dụ những người con từ khắp miền đất nước về đây viếng Bác giống như những bông hoa trong vườn Bác được Bác ươm trồng, chăm sóc nay nở rộ ngát hương về đây tụ hội kính dâng lên Bác.

2. Khổ thơ thứ ba

- Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian trong lăng:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

  • Cả cuộc đời Bác ăn không ngon, ngủ không yên khi đồng bào miền Nam còn đang bị quân thù giày xéo. Nay miền Nam đã được giải phóng, đất nước thống nhất mà Bác đã đi xa. Nhà thơ muốn quên đi sự thực đau lòng đó và mong sao nó chỉ là một giấc ngủ thật bình yên.
  • Từ cảm xúc thành kính ngưỡng mộ, ở khổ thơ thứ ba là những cảm xúc thương xót và ước nguyện của nhà thơ. Hình ảnh Bác như vầng trăng sáng dịu hiền trong giấc ngủ bình yên là một hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp thanh thản, phong thái ung dung và thanh cao của Bác. Người vẫn đang sống cùng với nhân dân đất nước Việt Nam thanh bình tươi đẹp. Mạch cảm xúc của nhà thơ như trầm lắng xuống để nhường chỗ cho nỗi xót xa qua hai câu thơ: vẫn biết... ở trong tim...
  • Hình ảnh trời xanh là hình ảnh ẩn dụ nói lên sự trường tồn bất tử của Bác. Trời xanh thì còn mãi mãi trên đầu, cũng giống như Bác vẫn còn sống mãi mãi với non sông đất nước. Đó là một thực tế.
  • Thế nhưng, nhìn di hài của Bác trong lăng, cảm thấy Bác đang trong giấc ngủ ngon lành, bình yên mà vẫn thấy đau đớn xót xa mà sao nghe nhói ở trong tim! Dù rằng Người đã hoá thân vào thiên nhiên, đất nước, nhưng sự ra đi của Bác vẫn không sao xoá đi được nỗi đau xót vô hạn của cả dân tộc, ý thơ này diễn tả rất điển hình cho tâm trạng và cảm xúc của bất kì ai đã từng đến viếng lăng Bác.

III. Kết bài

- Với lời thơ cô đọng, giọng thơ trang nghiệm thành kính, tha thiết và rất giàu cảm xúc, bài thơ đã để lại ấn tượng rất sâu đậm trong lòng người đọc. Bởi lẽ, bài thơ không những chỉ bộc lộ tình cảm sâu sắc của tác giả đối với Bác Hồ mà còn nói lên tình cảm chân thành tha thiết của hàng triệu con người Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

- Em rất cảm động mỗi khi đọc bài thơ này và thầm cảm ơn nhà thơ Viễn Phương đã đóng góp vào thơ ca viết về Bác những vần thơ xúc động mạnh mẽ.

Có thể bạn quan tâm: Cảm nhận 2 khổ giữa bài Viếng lăng Bác

--------------

Với bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Nguyễn Sin Cung năm 2020 mà Học tốt đã chia sẻ trên đây hy vọng sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện và hoàn thành tốt bài thi của mình và đạt được số điểm mong muốn. Còn rất nhiều bộ đề thi thử vào 10 môn Văn của các tỉnh và các trường khác trong cả nước. Hãy truy cập vào trang để tìm hiểu thêm nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM