Trường THCS Âu Cơ - phòng GD&ĐT Nha Trang (Khánh Hòa) đăng tải đề thi thử mẫu chuẩn bị cho kỳ thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn dành cho các em học sinh lớp 9, cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi và đáp án dưới đây nhé:
Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn THCS Âu Cơ
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi sau:
Trên đường đời bạn cũng có lúc vấp ngã. Tôi cũng vậy. Ngay cả người tài giỏi, khôn ngoan nhất cũng có lúc vấp ngã. Vấp ngã là điều bình thường, chỉ có những người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thực sự thất bại. Điều chúng ta cần ghi nhớ là, cuộc sống không phải là một cuộc thi đỗ - trượt… Cuộc sống là một quá trình thử nghiệm các biện pháp khác nhau cho đến khi tìm ra một cách thích hợp. Những người đạt được thành công phần lớn là người biết đứng dậy từ những sai lầm ngớ ngẩn của mình bởi họ coi thất bại, vấp ngã chỉ là tạm thời và là kinh nghiệm bổ ích. Tất cả những người thành đạt mà tôi biết đều có lúc phạm sai lầm. Thường khi họ nói rằng sai lầm đóng vai trò quan trọng đối với thành công của họ. Khi vấp ngã, họ không bỏ cuộc. Thay vì thế, họ xác định các vấn đề của mình là gì, cố gắng cải thiện tình hình, và tìm kiếm giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết. Nếu thất bại năm lần, họ cố gắng đứng dậy năm lần, mỗi lần một cố gắng hơn. Winston Churchill đã nắm bắt được cốt lõi của quá trình này khi ông nói: “Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên”.
(Trích Cuộc sống không giới hạn, Nick Vujicic, chương XII, trang 236)
a) Xác định phương thức biểu đạt chính. (1,0 điểm)
b) Cho biết cách trích dẫn ở phần in đậm. (1,0 điểm)
c) Chỉ ra phép liên kết hình thức được sử dụng trong hai câu văn sau: "Khi vấp ngã họ không bỏ cuộc. Thay vì thế, họ xác định các vấn đề của mình là gì, cố gắng cải thiện tình hình và tìm kiếm giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết." (1,0 điểm)
d) Em hiểu gì về câu nói: “Vấp ngã là điều bình thường, chỉ có những người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thực sự thất bại.”? (1,0 điểm)
II. PHẦN TẬP LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Từ đoạn trích trên, em hãy viết đoạn văn (200 chữ) bàn về ý nghĩa của việc đứng dậy sau vấp ngã đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm) Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
(Trích Ánh trăng - Nguyễn Duy, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.156)
Hết
Kết thúc đề thi thử tuyển sinh lớp 10 khá hay khác dành cho các bạn học sinh tỉnh Khánh Hòa, các em có thể tham khảo thêm trọn bộ:
- Đề thi thử vào 10 môn Toán Khánh Hòa
- Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn tỉnh Khánh Hòa
- Đề thi thử môn Anh vào lớp 10 Khánh Hòa
Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn THCS Âu Cơ
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
a. Phương thức biểu đạt chính là: nghị luận.
b. Cách trích dẫn ở phần in đậm là: dẫn trực tiếp
c. Phép liên kết hình thức được sử dụng trong hai câu văn là:
- Phép thế: "Thay vì thế" ở (2) thay thế cho "Khi vấp ngã, họ không bỏ cuộc." (1)
d. Câu nói: “Vấp ngã là điều bình thường, chỉ có những người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thực sự thất bại.” có ý nghĩa: Vấp ngã là điều bình thường bởi ai cũng có lúc thất bại và vấp ngã trong cuộc sống, chỉ trừ những người không dám đứng dậy sau vấp ngã hay chính là sợ hãi, không dám đối mặt với những điều xấu nhất có thể xảy ra thì họ mới là người thực sự thất bại.
II. PHẦN TẬP LÀM VĂN
Câu 1: Viết đoạn văn NLXH
* Yêu cầu về hình thức: Viết đúng đoạn NLXH theo cách trình bày: Tổng – Phân – Hợp
* Yêu cầu về nội dung: Đảm bảo những ý sau:
- Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa của việc đứng dậy sau vấp ngã đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.
- Giải thích: Vấp ngã là sự thất bại, sự sa ngã của bản thân trong một vấn đề hay trường hợp nào đó. Nguyên nhân dẫn đến việc vấp ngã này chính là vì sự thiếu hiểu biết và thiếu kinh nghiệm cần có để có thể thực hiện và hoàn thành tốt.
- Bàn luận vấn đề:
+ Con người từ khi sinh đến khi trưởng thành có biết bao lần vấp ngã: lần đầu ta tập đi, tạp bơi, tập xe đạp, ... học hành, làm ăn, … không thể tránh được sự vấp ngã. Vấp ngã, thất bại, sai trái khi làm điều gì đó trong cuộc sống là điều rất bình thường.
+ Phải biết cách chấp nhận nó như một điều tự nhiên trong cuộc sống để sống nhẹ nhàng và vui vẻ hơn, không nên sợ thất bại.
+ Người xưa có câu:” Thất bại là mẹ của thành công”. Thất bại chính là động lực để con người vượt qua, là bài học để từ đó con người kinh nghiệm,..
+ Đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã làm ta trưởng thành hơn trong cuộc sống, (dẫn chứng)
- Mở rộng vấn đề và bài học nhận thức:
+ Tuổi trẻ không nên sợ hãi vấp ngã, vì càng ngã đau thì bạn càng nhớ rõ để rồi không bao giờ vấp ngã tại chính điểm đấy.
+ Đứng dậy ngay tại điểm vấp ngã rất dễ làm ta thấy sợ hãi, thiếu suy nghĩ sáng suốt, vì vậy khi bạn cảm thấy đủ tự tin hãy đứng dậy từ một điểm bắt đầu theo hướng mới tích cực hơn.
- Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề: vấp ngã, thất bại là điều không ai muốn nhưng phải biết chấp nhận nó, lấy đó làm bài học và đứng dậy bằng sự tự tin, tích cực.
(đoạn văn có thể viết hơn 200 chữ, nhưng không được dài quá một trang giấy thi)
Câu 2: Viết bài văn NLVH
*Yêu cầu về hình thức:Viết đúng kiểu bài NL chứng minh một vấn đề văn học
- Bố cục 3 phần
- Đảm bảo kiến thức về lý luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương để làm bài.
- Triển khai vấn đề nghị luận thành những luận điểm phù hợp. các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lý, có liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thao tác lập luận.
*Yêu cầu về nội dung: Đảm bảo những ý sau:
I. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Duy và bài thơ "Ánh trăng", nhận định chung về bài thơ
- Giới thiệu đoạn thơ cần NL và nêu cảm nhận chung về đoạn thơ.
II. Thân bài:
1. Khái quát nội dung của các đoạn thơ trước và dẫn ra nội dung của 3 khổ thơ cuối.
2. Cảm nhận 3 khổ thơ.
+ Khổ 1 : Hoàn cảnh đột ngột, bất ngờ khiến con người phải tìm đến trăng. (phân tích: vội, đột ngột, trăng tròn) → bước ngoặt của cảm xúc→ trăng gây xúc động mạnh, cảm xúc tuôn trào
+ Khổ 2 : Con người đối diện với trăng và nhớ lại bao kỉ niệm thời quá khứ. (phân tích: rưng rưng, hình ảnh so sánh: như là + trường từ về thiên nhiên: đồng, sông, bể, rừng)
→ Trăng có ý nghĩa biểu tượng, tượng trưng cho:
- Tượng trưng cho vẻ đẹp của quê hương đất nước bình dị, hồn hậu
- Tượng trưng cho quá khứ gian lao nghĩa tình
+ Khổ 3: Sự thức tỉnh của con người và bài học về lối sống ân tình thủy chung với quá khứ. (phân tích: trăng cứ tròn, im phăng phắc – nhân hóa → trăng là nhân chứng nghĩa tình của quá khứ gian lao, tình nghĩa nhân hậu, bao dung, nhưng nghiêm khắc nhắc nhở nghĩa tình → nhân vật trữ tình “giật mình” phân tích ý nghĩa của giây phút “giật mình” )
3. Đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ.
Xem thêm tài liệu Cảm nhận 3 khổ cuối bài thơ Ánh trăng để bổ sung cho bài làm của mình thêm phần độc đáo em nhé!
III. Kết bài:
- Khẳng định 3 khổ thơ góp phần tạo nên thành công của tác phẩm
- Khẳng định giá trị mà tác phẩm mang lại.
-/-
Mong rằng với đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn trường THCS Âu Cơ của PGD&ĐT Nha Trang (Khánh Hòa) vừa ra này thì các em có thể hoàn thiện kĩ năng giải đề tốt hơn.