Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn tỉnh Yên Bái số 1 cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9. Đề thi bao gồm 2-3 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 90 - 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn Yên Bái do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.
Đề thithử vào lớp 10 môn văn tỉnh Yên Bái số 1
Phần I. (4.0 điểm)
"….Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước lớp gấp 10 nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy. Đến lúc ấy chỉ có người khéo lời, lẽ mới dẹp nổi binh đao, không phải Ngô Thị Nhậm thì không ai làm được. Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu, quân mạnh thì ta có sợ gì chúng?"
(Trích “Hoàng Lê thống nhất chí”, Ngô gia văn phái, Ngữ văn lớp 9 tập 1, NXB giáo dục 2005 trang 67)
Câu 1. Đoạn trích trên nêu lời tâm sự của Quang Trung với ai? Câu nói đó xuất hiện trong hoàn cảnh nào? (0,5 điểm)
Câu 2. Trong câu văn: “ Chờ mười năm nữa cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu, quân mạnh thì chẳng gì mà sợ chúng”. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó. (0.5 điểm)
Câu 3. Em hãy viết 1 đoạn văn tổng hợp - phân tích - tổng hợp nêu cảm nhận của em về hình tượng hoàng đế - anh hùng dân tộc Quang Trung được khắc họa trong đoạn văn bản trên. Yêu cầu đoạn văn có dung lượng khoảng 15 câu trong đoạn có sử dụng câu bị động (gạch chân 1 gạch) một câu chứa thành hần khởi ngữ ( gạch chân 2 gạch) (2.5 điểm)
Câu 4. Hãy kể tên 2 tác phẩm/đoạn văn trung đại trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở viết về chủ để chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. (0.5 điểm)
Phần II. (6.0 điểm)
"Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Đất nước bốn nghìn năm
Vất cả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước"
Câu 1. Đoạn thơ trên được trích trong tác phẩm nào? Bài thơ do ai sáng tác? (0.5 điểm.)
Câu 2. Theo em ý nghĩa của từ “mùa xuân” trong đoạn thơ trên có giống ý nghĩa của từ “mùa xuân” trong 2 câu thơ “ một mùa xuân nho nhỏ/lặng lẽ dâng cho đời” hay không? Vì sao? (1 điểm)
Câu 3. Theo em có nên thay từ “xôn xao” trong câu thơ “ tất cả như xôn xao” bằng “lao xao” không. Hãy giải thích lí do. (0.5 điểm)
Câu 4. Nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của đoạn thơ trên. Trình bày bằng một đoạn văn khoảng 15 câu (2 điểm)
Câu 5. Từ những vần thơ “hối hả”, “xôn xao” về mùa xuân lao động dựng xây đất nước ở trên. Em hãy viết một đoạn văn khoảng nửa trang giấy nghị luận về mối quan hệ giữa lao động và niềm vui của con người trong cuộc sống. (2.0 điểm)
>> Tuyển tập đề thi thử vào lớp 10 môn văn 2019 đầy đủ nhất
Đáp án Đề thi thử vào lớp 10 môn văn tỉnh Yên Bái số 1
Phần I
Các em học sinh sẽ có thể nắm được hầu hết những kiến thức về tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái, vì vậy mà Đọc tài liệu sẽ tập trung chủ yếu vào phần câu 3 - viết đoạn văn cảm nhận của em về hình tượng người anh hùng Quang Trung trong đoạn trích trên. Các em có thể tham khảo cách trình bày ngắn gọn, súc tích dưới đây từ đó hình thành cho riêng mình một bài cảm nhận ý nghĩa.
"Hoàng Lê nhất thống chí là văn bản viết về những sự kiện lịch sử, mà nhân vật chính tiêu biểu – anh hùng Quang Trung ( Nguyễn Huệ). Ông có một nét đẹp của vị anh hùng dân tộc trong chiến công đại phá quân thanh, với sự dũng mãnh, tài trí, tầm nhìn xa trông rộng thì Quang Trung quả là một hình ảnh đẹp trong lòng dân tộc Việt Nam. Một con người có hành động mạnh mẽ và quyết đoán: từ đàu đến cuối đoạn trích , Nguyễn Huệ luôn luôn là người hành động một cách xông xáo mạnh mẽ, nhanh gọn, có chủ đích và rất quả quyết. nghe tin giặc đã chiếm thành Thăng Long, mất cả một vùng đất đai roongjmaf ông không hề nao núng, “ định thân chinh cầm quân đi ngay”. Rồi trong vòng chỉ một tháng, Nguyễn Huệ đã làm bao nhiêu việc lớn: “ tế cáo trời đất”, “lên ngôi hoàng đế”, “ đốc suất đại binh’’ ra Bắc gặp gỡ “người cống sĩ ở huyện La Sơn”, tuyển mộ quân lính và mở các cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng. Hình ảnh Quang Trung lẫm liệt trong chiến trận: Hoàng đế Quang Trung thân chinh cầm quân đánh giặc không phải chỉ trên danh nghĩa. Ông là một tổng chỉ huy chiến dịch thật sự hoạch định phương lược tiến đánh, tổ chức quân sĩ, tự mình thống lĩnh mũi tên tiến công, cưỡi voi đi đốc thúc, xông pha trước hòn tên mũi đạn, bày mưu tính kế…Đội quân của vua Quang Trung không phải là đội quân thiện chiến, lại vừa trải qua những ngày hành quân cấp tốc, không có thì giờ nghỉ ngơi, vậy mà dưới sự lãnh đạo tài tinhfcuar vị chỉ huy này đã đánh những trận thật đẹp, thắng áp đảo kẻ thù ( bắt sống hết quân do thám của địch ở phú Xuyên, giữ được bí mật để tạo thế bất ngờ, vây kín làng Hạ Hồi…) trận đánh Ngọc Hồi cho ta thấy rõ tài trí về chiến lược phong thái lẫm liệt của vua Quang Trung ( khói tỏa mù trời cách gang tấc không thấy gì mà chỉ nổi bật hinh ảnh của vua Quang Trung..có sách ghi chép lại áo bào đỏ của ông sạm đen khói súng..). Từ những đoạn trích trên ta thấy hiện về trong lịch sử một nhân vật xuất chúng: lẫm liệt oai phong, văn võ song toàn đã ghi vào trang lịch sử vẻ vang của dân tộc, làm sáng ngời truyền thống dân tộc, ngàn đời sau vẫn nhắc tên người anh hùng áo vải Quang Trung."
>>> Tham khảo thêm: Phân tích hồi thứ mười bốn trong Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái
Phần II
Câu 4 :Cảm nhận khổ thơ thứ 2 và thứ 3 bài Một mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải
1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và hoàn cảnh sáng tác:
-Thơ Thanh Hải nhỏ nhẹ, chân thành, đằm thắm.
- Bài thơ được sáng tác năm 1980, những năm đất nước vừa thống nhất và bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Bài thơ không chỉ là lời tâm niệm thiết tha chân thành, là ước nguyện được cống hiến cho đời mà còn là bản hoà ca về không khí rộn rã, vui tươi của đất nước và dân tộc trong công cuộc đổi mới. Không khí náo nước ấy được tác giả ghi lại trong khổ thơ. ( Chép lại khổ thơ)
2. Thân bài:
* Khái quát: Từ mùa xuân của thiên nhiên đất trời, cảm hứng thơ của Thanh Hải chuyển sang cảm hứng của mùa xuân đất nước, của cách mạng một cách tự nhiên.
*Phân tích:
"Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ"
- Trong số hàng nghìn, hàng vạn những con người tác giả chọn hai đối tượng “Người cầm súng và người ra đồng” . Bởi họ chính là những con người đại diện cho hai nhiệm vụ quan trọng, cơ bản của đất nước: chiến đấu - bảo vệ tổ quốc và lao động xây dựng đất nước. Cấu trúc thơ song hành đã góp phần thể hiện rõ tính chất quan trọng cuả hai nhiệm vụ cơ bản đó.
+ “Mùa xuân người cầm súng. Lộc giắt đầy trên lưng”: Câu thơ gợi liên tưởng đến những người chiến sĩ ra trận mà trên vai, trên lưng họ là cành lá nguỵ trang. Những cành lá ấy mang lộc biếc, chồi non, mang theo mùa xuân của thiên nhiên, cây cỏ.
+ “Mùa xuân người ra đồng. Lộc trải dài nương mạ”: Sau những vần thơ viết về các chiến sĩ, lời thơ nói về những người lao động, ươm những hạt mầm non trên những cánh đồng quê hương, những người ươm mầm cho sự sống. Từ “lộc” cho ta nghĩ tới những cánh đồng trải dài mênh mông với những chồi non mới nhú lên xanh mướt từ những hạt thóc giống đầu mùa xuân.
- Có thể nói, hình ảnh “lộc” mang nhiều tầng ý nghĩa. “Lộc” là chồi non, cành biếc. “Lộc” còn là hình ảnh ẩn dụ cho sức sống tươi trẻ của mùa xuân, cho sự phát triển, cho các giá trị và thành quả tốt đẹp, cho những điều may mắn, hạnh phúc.
Các từ “giắt đầy”, “trải dài” gợi một màu xanh bất tận, một sức xuân tràn ngập trên khắp mọi miền đất nước và rạo rực lòng người. Người lính khoác trên lưng màu lá nguỵ trang xanh biếc mang theo sức sống màu xuân, sức mạnh của dân tộc để ra trận. Người nông dân đem mồ hôi và sự cần cù của mình để làm nên màu xanh cho ruộng đồng. Có thể nói, con người đi đến đâu thì mùa xuân, sức xuân trải dài đến đó. Ý thơ vô cùng sâu sắc: Máu và mồ hôi của con người đã tô điểm cho mùa xuân, để giữ lấy mùa xuân mãi mãi. Những con người lao động và chiến đấu ấy đã mang cả mùa xuân ra mặt trận của mình để gặt hái mùa xuân cho đất nước. Chính họa đã tạo nên những giai điệu chính của bản hợp xướng mùa xuân đất nước, cách mạng, tạo nên nhịp điệu hối hả, hào hùng.
- Cả dân tộc tộc bước vào xuân với khí thế khẩn trương, rộn ràng náo nức:
"Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao"
- “Tất cả như hối hả. Tất cả như xôn xao". Nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận mùa xuân đất nước bằng hai từ láy gợi cảm “hối hả” là vội vã, khẩn trương, liên tục không dừng lại. “Xôn xao” khiến ta nghĩ tới những âm thanh liên tiếp vọng về, hoà lẫn với nhau xao động. Cặp từ láy “hối hả”, “ xôn xao” cùng với điệp từ “Tất cả” làm cho câu thơ vang lên nhịp điệu gấp gáp, rộn rã, vui tươi. Đó là hành khúc của đất nước khi bước vào xuân, bước vào cuộc sống mới. Có hiểu hoàn cảnh khó khăn của đất nước ta thời điểm bài thơ ra đời, mới hiểu và trân trọng tình cảm, niềm tin, sự hăng say nhiệt tình của những con người xã hội chủ nghĩa đó.
- Đây chính là tâm trạng, là cái náo nức trong tâm hồn tác giả. Tiếng lòng của tác giả như reo vui trước tinh thần lao động khẩn trương của con người. Mùa xuân đất nước, sức sống của dân tộc được làm nên từ cái "hối hả" và "xôn xao" ấy.
- Từ sự cảm nhận về không khí chiến đấu, lao động của đất nước, giọng thơ như lắng sâu hơn khi nhà thơ suy tư về đất nước:
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
- Đất nước được nhân hóa, mang sự sống như con người. Đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đã qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài lịch sự ấy, đất nước đã phải trải qua bao vất vả, gian lao. Vất vả, gian lao vì chống giặc ngoại xâm, vất vả gian lao vì phải đương đầu với thiên tai dịch hoạ. Nhưng dù có vất vả, gian lao đến đâu thì người dân VN vẫn nguyện đem mồ hôi. xương máu, lòng yêu nước và tinh thần quả cảm của mình để bảo vệ và xây dựng đất nước. Dân ta tài trí và nhân nghĩa, suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đã toả sáng nền văn hiến Đại Việt, đã khẳng định sức mạnh Việt Nam:
Đất nước như vì sao
Vẫn đi lên phía trước.
- Câu thơ “ Đất nước như vì sao” là hình ảnh so sánh đẹp, đầy ý nghĩa. “Sao” nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp bầu trời vĩnh hằng trong không gian và thời gian. Ngôi sao sáng đã trở thành vẻ đẹp lộng lẫy trên lá cờ Việt Nam, trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp ngời sáng của con người và đất nước Việt Nam. So sánh đất nước với vì sao là bộc lộ niềm tự hào vào đất nước Việt Nam giàu đẹp, kiên cường. Đất nước Việt Nam của chúng ta có nguy cơ xoá tên khỏi bản đồ thế giới đang vượt đêm đen và từng bước toả sáng, khẳng định mình.
- Hành trình đi tới tương lai của đất nước không một thế lực nào ngăn cản được. Động từ “cứ” được đặt lên đầu câu thể hiện ý chí quyết tâm và niềm vui sắt đá của dân tộc để xây dựng Việt Nam “ dân giàu, nước mạnh”.
* Đánh giá nâng cao: Trong khổ thơ này, nhà thơ đã nói lên mùa xuân của đất nước của cách mạng. Một mùa xuân ấm áp, đầy sinh lực, mới mẻ, tinh khôi. Mùa xuân trên trận địa và mùa xuân trên cánh đồng, mùa xuân được làm nên bởi con người Việt Nam bình dị mà vĩ đại. Hối hả và xôn xao, khí thế và quyết tâm, ào ạt và mãnh liệt… Tất cả đã góp phần dệt nên một màu toàn thắng cho mùa xuân lớn của đất nước, của dân tộc.
3.Kết bài : Khẳng định sức sống mãnh liệt của đất nước. Cảm nghĩ của bản thân.
>>>Xem thêm: Cảm nhận bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải
--------------------
Với đề thi thử vào lớp 10 môn Văn tỉnh Yên Bái số 1, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 phong phú của chúng tôi nhé.
Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!