Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Thành Đông 2020

Xuất bản: 12/02/2020 - Cập nhật: 18/02/2020 - Tác giả: Giangdh

Tham khảo ngay đề thi thử vào 10 năm 2020 môn Văn của trường THPT Thành Đông tỉnh Hải Dương để củng cố lại những kiến thức trọng tâm nhằm chuẩn bị tốt cho kì thi tuyển sinh

Mục lục nội dung

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Thành Đông tỉnh Hải Dương năm 2020 dưới đây được Học tốt biên tập với mong muốn giúp các em bổ sung thêm vào bộ đề ôn thi của mình những dạng bài cần ôn tập cho kì thi quan trọng sắp tới.

Đề thi
thử lớp 10 môn Văn trường THPT Thành Đông

Câu 1 (2.0 điểm)

Cho đoạn thơ sau:

"Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo."

(Theo SGK Ngữ Văn 9, tập I, NXB Giáo dục Việt Nam)

1. Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Do ai sáng tác?

2. Trình bày hoàn cảnh ra đời của văn bản ấy.

3. Nêu ngắn gọn vẻ đẹp của người lính trong đoạn thơ trên.

Câu 2 (3.0 điểm)

Anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long có nhiều đóng góp cho cuộc đời nhưng lại rất khiêm nhường. Từ vẻ đẹp này của nhân vật, hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của em về đức tính khiêm nhường.

Câu 3 (5.0 điểm)

Cảm nhận tình yêu làng chân thực và cảm động của ông Hai qua diễn biến tâm trạng nhân vật trong văn bản “Làng” của Kim Lân

(SGK Ngữ Văn 9, tập I, NXB Giáo dụcViệt Nam)

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn trường THPT Thành Đông

Câu 1

1. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ "Đồng chí" của tác giả Chính Hữu

2.

Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ Đồng chí được sáng tác vào đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Bài thơ Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính cách mạng của văn học thời kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954)

3. 

Đây là những câu thơ đẹp nhất viết về người lính, là bức tranh đẹp nhất về tình đồng đội, đồng chí, vẽ nên hình tượng đẹp nhất về người chiến sĩ yêu nước. Ngoài người đồng đội, người chiến sĩ còn một người nữa là “đầu súng trăng treo”. Đó là một hình ảnh vừa thực lại vừa mộng, mang ý nghĩa biểu tượng thật phong phú.

Nhiệm vụ chủ yếu của người lính là đánh giặc vì vậy tình đồng chí cao đẹp nhất là tình đồng chí gắn bó thiêng liêng nơi tuyến đầu chống giặc, nơi sự sống và cái chết kề nhau trong tích tắc.

"Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chở giặc tới

Đầu súng trăng treo".

Ba câu thơ dựng lên bức tượng đài sừng sững về tình đồng chí trong hoàn cảnh khắc nhiệt: Đêm, rừng hoang, sương muối đôi bạn chiến đấu tạo lên tư thế vững trãi, nương tựa vào nhau. Người lính trong cảnh phục kích giặc giữa rừng khuya còn có những người bạn nữa – Vầng trăng, "đầu súng trăng treo" là hình ảnh được nhận ra từ những đêm hành quân phục kích của chính tác giả. Nhưng hình ảnh ấy còn mang ý nghĩa biểu tượng gợi ra liên tưởng phong phú "súng và trăng là gần và sa". Thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu và chất chữ tình: Chiến sĩ và thi sĩ. Đó là các mặt bổ sung cho nhau hài hòa với nhau về cuộc sống cách mạng.

Câu 2: Bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ về đức tính khiêm nhường thông qua nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn "Lặng lẽ SaPa" của Nguyễn Thành Long.

Cuộc đời của mỗi chúng ta như một chuyến tàu đi về miền mơ ước. Ở mỗi sân ga, chúng ta cùng dừng lại để lắng nghe cuộc sống, trang bị những kinh nghiệm sống giúp hoàn thiện bản thân mình hơn. Và anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã cho chúng ta hiểu thêm về đức tính khiêm nhường. Đó không chỉ là nghệ thuật sống mà còn là nền tảng dẫn đến thành công cho mỗi người

Khiêm tốn là thái độ, cách ứng xử của mỗi chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Là không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về bản thân, không khoe khoang và không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân mình.Đây là một đức tính đáng quý, cần phát huy ở mỗi người. Những người khiêm nhường luôn có tinh thần cầu thị, lắng nghe sự góp ý và sửa đổi các khuyết điểm của bản thân. Anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa là một ví dụ, khi biết  người họa sĩ định vẽ mình, anh cho rằng mình không xứng đáng để được vẽ tranh vì còn có “những người khác đáng cho bác vẽ hơn”. Anh tự nhận thấy những cống hiến của mình trong công việc là chưa đủ, bởi đâu đó vẫn còn những tấm gương đang miệt mài, say mê với công việc, âm thầm cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Tinh thần khiêm nhường ấy của anh thật đáng quý biết bao.

Khiêm tốn là một đức tính rất cần thiết và là thái độ sống đẹp trong xã hội hiện nay. Bởi tri thức của nhân loại mênh mông như biển cả, những gì chúng ta biết chỉ như giọt nước nhỏ giữa đại dương. Không ai trong chúng ta là hoàn mĩ, toàn diện, do đó chúng ta cần khiêm nhường học hỏi để mở rộng hiểu biết bản thân, để học hỏi được nhiều hơn từ mọi người xung quanh mình, như lời Các Mác từng nói:

"Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ

Tự kiêu một chút cũng là nhiều"

Trái ngược với đức tính khiêm tốn là sư kiêu căng, tự cao tự đại, luôn đề cao mình và coi thường ý kiến của người khác. Nếu không khiêm nhường, con người sẽ không biết vươn lên, bằng lòng với cuộc sống, ngủ vùi trongsự tẻ nhạt, buồn chán, con người sẽ không thể tìm thấy niềm vui, lí tưởng sống cho chính mình. Những người đó sẽ khó có được thành công trong công việc và học tập. Tuy nhiên sự khiêm tốn quá mức, luôn rụt rè, hạ thấp mình sẽ dẫn đến tâm lí tự ti, nhút nhát, không dám khẳng định năng lực của bản thân.

Như vậy, trên bước đường trưởng thành của mỗi cá nhân, chúng ta cần lắng nghe và học hỏi, không quá đề cao năng lực cá nhân nhưng cũng không nên vì thế mà rụt rè, thu mình trong vỏ ốc bé nhỏ. Mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức, tích lũy cho bản thân tri thức và vốn sống xã hội, khẳng định năng lực của bản thân trước những hoàn cảnh thử thách. Đó cũng chính là hướng phấn đấu của mỗi cá nhân để góp phần dựng xây đất nước, đưa đất nước ta ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn

Câu 3: Cảm nhận tình yêu làng chân thực và cảm động của ông Hai qua diễn biến tâm trạng nhân vật trong văn bản “Làng” của Kim Lân

Dàn ý tham khảo

I. Mở bài

- Kim Lân được xem là nhà văn chuyên viết về cuộc sống nông thôn.

- Có thể nói đuộc một trong những tác phẩm của ông là truyện ngắn Làng với nhân vật chính là ông Hai – một người phải rời làng của mình để đến nơi tản cư.

Ví dụ: Trong các tác phẩm văn học Việt Nam, một trong những tác phẩm khắc họa tinh thần yêu nước của dân tộc qua một nhân vật được thể hiện rõ ràng nhất là tác phẩm Làng của Kim Lân. Tác phẩm nói về nhân vật ông Hai và tình yêu của ông đối với đất nước, lòng căm thù giặc. Qua tác phẩm, hình ảnh và vẻ đẹp của ông Hai được thể hiện rất nổi bật và rõ ràng.

Bài văn tham khảo: Cảm nhận về tình yêu làng của ông Hai trong truyện ngắn Làng

II. Thân bài

1. Tình yêu làng của nhân vật ông Hai

a. Niềm tự hào, sự kiêu hãnh về làng của mình

- Dù đã rời làng nhưng ông Hai dường như vẫn:

  • Nghĩ về làng của mình, ông lại nghĩ về những buổi làm việc cùng anh em
  • Lo lắng và lúc nào cũng nhớ đến làng: “Chao ôi! Ông lão nhớ cái làng này quá ”

b. Tâm trạng khi nghe tin làng Chợ Dầu đi theo giặc

- Lúc này đây thì cổ ông nghẹn, giọng lạc hẳn đi.

- Lúc đầu ông Hai dường như cũng không tin nên hỏi lại.

- Ông Hai thật cảm thấy quá xấu hổ nên đã chép miệng, và đánh trống lảng đi “Hà, nắng gớm, về nào…” thế rồi ông cứ rồi cúi mặt mà đi.

- Cho đến khi về nhà, ông nằm vật ra gường. Người đọc như nhận thấy được cũng chính tối hôm đó thì trằn trọc mà không sao ngủ được khi biết làng chợ Dầu theo Tây.

- Ông Hai lúc này đây dường như cứ nhìn dám trẻ ngây thơ mà bị mang tiếng Việt gian rồi nước mắt cứ chan chứa.

- Ông Hai khi đã điểm lại mọi người trong làng nhưng thấy ai cũng có tinh thần cả nên ông dường như càng lại không tin lại có ai làm điều nhục nhã ấy.

- Nhân vật ông Hai sợ sẽ bị bà chủ nhà đuổi vì ông biết rằng nơi đây ai cũng khinh bỉ và đồng thời cũng không chứa chấp Việt gian.

c. Tâm trạng ông Hai sau khi nghe tin làng được cải chính

- Mặt ông Hai lúc này đây lại như cứ vui tươi, rạng rỡ hẳn lên.

- Thế rồi khi về nhà, ông chia quà cho lũ trẻ xong liền chạy khắp xóm để loan tin.

- Nhân vật ông Hai qua nhà bác Thứ và kể chuyện làng của mình.

2. Tình yêu nước mạnh mẽ trong nhân vật ông Hai

- Người đọc như cũng nhận thấy được chính tình yêu làng là cơ sở cho tình yêu nước.

- Các chi tiết trong truyện đã nêu chứng tỏ tình yêu làng, yêu nước của nhân vật khi nghe được tin làng theo Tây được cái chính là “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!” khi nghe các tin dân ta đánh Tây từ phòng thông tin.

- Lúc này đây thì ông và con ông đều ủng hộ cụ Hồ Chí Minh (cuộc đối thoại giữa 2 cha con gần cuối bài – đoạn chữ nhỏ trong truyện).

Có thể bạn quan tâm: Phân tích tâm trạng nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng

III. Kết bài

- Nhân vật ông Hai là biểu tượng cho tinh thần yêu quê hương, yêu đất nước. Ông có một tình yêu quê hương và đất nước sâu sắc, biểu hiện cho tinh thần của dân tộc Việt Nam.

- Hai điều trên đã được tác giả Kim Lân làm rõ qua cách xây dựng nhiều tình huống truyện khác nhau. Việc miêu tả tâm lí nhân vật qua những cuộc đối thoại hay đó chính là những cuộc độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng cho nhân vật, khiến nhân vật sống động hơn.

Gợi ý thêm cho bạn: Phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân

------------

Với đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Thành Đông tỉnh Hải Dương 2020 trên đây, hy vọng các em đã có thêm cho mình nhiều dạng đề phong phú hơn để ôn tập và chuẩn bị kĩ càng hơn cho kì thi vào 10 của mình. Còn rất nhiều những bộ de thi thu mon van vao 10 hay và chọn lọc khác mà Học tốt đã sưu tầm, thường xuyên truy cập vào trang để cập nhật nhé.

Chúc các em thi tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM