Đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Nam Định số 4 (có đáp án)

Xuất bản: 08/03/2021 - Tác giả:

Đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Nam Định có đáp án (đề số 4) trong bộ đề thi thử mới nhất dành cho các em học sinh lớp 9 tham khảo.

Mục lục nội dung

Tham khảo ngay mẫu đề số 4 trong bộ đề thi thử vào lớp 10 môn văn Nam Định hay nhất dành cho các em học sinh lớp 9. Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi dưới đây nhé:

Đề thi thử vào 10 Nam Định số 4

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN (2.0 điểm)

Trong 8 câu hỏi sau, mỗi câu có 4 phương án trả lời A, B, C, D; trong đó chỉ có một phương án đúng. Hãy chọn phương án đúng để viết vào tờ giấy làm bài.

Câu 1: Trong số những tổ hợp từ sau đây, tổ hợp nào là thành ngữ?

A. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

B.Chó treo mèo đậy

C.Tấc đất tấc vàng

D.Gan vàng dạ sắt

Câu 2: Chọn cách hiểu đúng trong những cách hiểu sau:

A.Đồng nghĩa là hiện tượng chỉ có trong một số ngôn ngữ trên thế giới.

B.Đồng nghĩa bao giờ cũng là quan hệ nghĩa giữa hai từ, không có quan hệ đồng nghĩa giữa ba hoặc hơn ba từ.

C.Các từ đồng nghĩa với nhau bao giờ cũng có nghĩa hoàn toàn giống nhau.

D.Các từ đồng nghĩa với nhau có thể không thay thế nhau được trong nhiều trường hợp sử dụng.

Câu 3: Trong những câu sau đây câu nào không chứa khởi ngữ?

A. Điều này ông khổ tâm hết sức.

B. Giàu, tôi cũng giàu rồi.

C.  Tiếng Việt của chúng ta giàu và đẹp.

D. Một mình thì anh bạn trên đỉnh Phan-xi-păng ba nghìn một trăm bốn hai mét kia mới một mình hơn cháu.

Câu 4: Trong những cụm từ sau đây cụm từ nào điền vào ô trống thích hợp?

“… là một thứ tình cảm thiêng liêng nhất của những người lính trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ mà vẻ vang của dân tộc.”

A.Tình cha con

B. Tình đồng đội

C. Tình đồng chí

D. Tình bạn bè

Câu 5: Trong đoạn trích sau, câu in đậm dùng để làm gì?

“ Tôi bùi ngùi nhìn lão, bảo:

- Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?”  (Nam Cao)

A. Dùng để hỏi

B. Dùng để phủ định

C. Dùng để bộc lộ cảm xúc

D. Dùng để yêu cầu, đề nghị.

Câu 6: Câu văn: “Tôi phủi áo, căng mắt nhìn qua khói và chạy theo chị Thao.” (Lê Minh Khuê) có mấy động từ?

A. Một động từ

B. Hai động từ

C. Ba động từ

D. Bốn động từ

Câu 7: Hãy chọn những nhóm từ có thể đứng trước danh từ để tạo thành cụm danh từ?

A.một, những, các, đã…

B.một, hai, những, vài, mấy, các….

C.những, vài, sẽ, lại, mấy….

D.vài, mấy, quá, lắm….

Câu 8: Những dòng thơ sau đây, dòng thơ nào là ẩn dụ phẩm chất?

A.Người cha mái tóc bạc/ Đốt lửa cho anh nằm. ( Minh Huệ)

B.Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. (Viễn Phương)

C.Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng. ( Thanh Hải)

D.Cá song lấp lánh đuốc đen hồng. ( Huy Cận )

PHẦN II: TỰ LUẬN (8.0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm): Đọc đoạn trích sau rồi thực hiện các yêu cầu:

“ Chàng theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang. Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện.

Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào:

- Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.

Rồi trong chốc lát. Bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.”

1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả của tác phẩm đó là ai? Hãy trình bày hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, những giá trị nội dung cơ bản của tác phẩm (không cần phân tích).

2. Nhận xét về chi tiết cuối cùng này của tác phẩm, có ý kiến cho rằng: “Tính bi kịch của truyện vẫn tiềm ẩn ở ngay trong cái lung linh kì ảo”. Hãy trình bày ý kiến của em trong một đoạn văn ngắn.

Câu 2 (5,0 điểm): Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ về đạo lí Uống nước nhớ nguồn.

Hết

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu tới các em đề thi thử số 4 môn Văn, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé.

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn Nam Định số 4

Phần I: Trắc nghiệm: (2.0 điểm)

Câu12345678
Đáp ánDDDCCDBA

Trả lời đúng mỗi câu cho 0.25 điểm. Trả lời sai, thừa thì không cho điểm.

Phần II: Tự luận: (8.0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm)

1. Cần nêu được các ý sau:

-  Tác phẩm: Chuyện người con gái Nam Xương; Tác giả Nguyễn Dữ

- Tác phẩm ra đời vào thế kỉ XVI, nhà nước phong kiến suy yếu, các tập đoàn Lê- Trịnh-mạc tranh giành quyền biến gây ra chiến tranh loạn lạc..

- Xuất xứ: Chuyện người con gái Nam Xương thuộc tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ.

Giá trị nội dung: Truyện có hai giá trị nội dung: Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo.

+ Giá trị hiện thực: phản ánh xã hội phong kiến bất công với chế độ nam quyền độc đoán chà đạp lên số phận người phụ nữ; phản ánh số phận oan khuất, bế tắc của con người qua số phận người phụ nữ; những cuộc chiến tranh phong kiến phi nghĩa.

+ Giá trị nhân đạo: Ca ngợi, đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ; thể hiện niềm thương cảm với số phận oan nghiệt của người phụ nữ;  lên án, tố cáo xã hội phong kiến bất công.

2.  Về nội dung cần đảm bảo các chi tiết sau:

+ Thái độ đánh giá của người viết về ý kiến: “Tính bi kịch của truyện vẫn tiềm ẩn ở ngay trong cái lung linh kì ảo” là nhận xét đúng.

+ Kết thúc dù có hậu thể hiện khát vọng cuộc sống vĩnh hằng. vũ Nương đã được sống một cuộc sống khác đẹp đẽ, giàu sang…phần nào xoa dịu nỗi đau trong lòng người đọc…

+ Tuy nhiên đây vẫn là kết thúc có tinh bi kịch. Bởi lẽ sự trở về của Vũ Nương chỉ là giây lát, ảo ảnh nhanh chóng tan biến đi. Hạnh phúc gia đình Vũ Nương không thể hàn gắn. Đó là bi kịch…

- Về hình thức: Trình bày ý kiến trong một đoạn văn vừa phải. Diễn đạt phải mạch lạc, chặt chẽ.

Câu 2. (5.0 điểm)

1/ Mở bài:

- Giới thiệu câu tục ngữ và tư tưởng chung của câu tục ngữ.

2/ Thân bài:

- Giải thích ngắn gọn ý nghĩa của câu tục ngữ:

+Uống nước hưởng thụ thành quả về vật chất và tinh thần.

+ Nguồn: Nguồn gốc, cội nguồn của tất cả những thành quả mà con người được hưởng. Bao gồm cả con người, lịch sử và truyền thống.

+ Nhớ nguồn là lòng biết ơn, tri ân người làm ra thành quả đó.

- Nhận định đánh giá câu tục ngữ:

+ Khẳng định lời khuyên mà câu tục ngữ đã nêu lên là hoàn toàn đúng (học sinh phải lấy được dẫn chứng trong thực tế để chứng minh tính chất đúng đắn của câu tục ngữ….)

Câu tục ngữ là lời khuyên, lời nhắc nhở con người phải sống nghĩa tình:

+ Ngày nay câu tục ngữ còn có nhiều lớp nghĩa: Không quên tổ tiên nòi giống, không quên những người đã chiến đấu hy sinh để bảo vệ tổ quốc, không quên những người đã dạy dỗ mình….

+ Một đất nước, xã hội, gia đình giữ được truyền thống “uống nước nhớ nguồn” là một đất nước, xã hội, gia đình tốt đẹp. Người biết đạo lí “uống nước nhớ nguồn” là người có phẩm chất tốt đẹp.

+ Phê phán những kể sống vô ơn bội nghĩa, không biết đến công ơn của những người đi trước.

Bài học nhận thức đến hành động:

+ Nhớ nguồn không chỉ biết ơn, giữ gìn bảo về thành quả đã có mà bản thân mỗi người phải có trách nhiệm phát huy thành quả, làm cho thành quả ngày một sinh sôi, nảy nở để cho thế hệ sau tiếp tục thừa hưởng.

+ Tuổi trẻ hôm nay không ngừng rèn luyện tu dưỡng tài, đức để xứng đáng với truyền thống cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

3/ Kết bài:

- Khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua câu tục ngữ.

- Liên hệ bản thân…

Lưu ý:

- Điểm toàn bài :10/10. Người chấm  căn cứ năng lực trình bày, sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt và mức độ am hiểu kiến thức của học sinh ở từng ý, từng câu để đặt điểm cho phù hợp. Có thể cho điểm lẻ ở mức 0.25 điểm, cộng điểm toàn bài giữ nguyên phần thập phân ở mức 0.25 điểm.

- Trừ từ 0.25 điểm đến 0.5 điểm những bài mắc từ 5 lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt... trở lên.

-/-

Nguồn tài liệu: Lớp văn cô Thu

Mong rằng với trọn bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm này thì các em có thể hoàn thiện kĩ năng làm văn và giải đề tốt hơn. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM