Đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Nam Định số 2 (có đáp án)

Xuất bản: 06/03/2021 - Tác giả:

Đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Nam Định có đáp án (đề số 2) trong bộ đề thi thử mới nhất dành cho các em học sinh lớp 9 tham khảo.

Mục lục nội dung

Tham khảo ngay mẫu đề số 2 trong bộ đề thi thử vào lớp 10 môn văn Nam Định hay nhất dành cho các em học sinh lớp 9. Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi dưới đây nhé:

Đề thi thử vào 10 Nam Định số 2

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN (2,0 điểm)

Trong 8 câu hỏi sau, mỗi câu có 4 phương án trả lời A,B,C,D; trong đó chỉ có một phương án đúng. Hãy chọn phương án đúng để viết vào tờ giấy làm bài.

Câu 1: Khái niệm sau đây nói đến phương châm hội thoại nào ?

“Khi giao tiếp cần nói ngắn gọn, rành mạch, tráng nói mơ hồ” 

A. Phương châm về lượng.        B. Phương châm về chất.

C. Phương châm cách thức.        D. Phương châm quan hệ.

Câu 2: Câu thơ nào sau đây sử dụng phép tu từ ẩn dụ?

A. Gần xa nô nức yến anh        B. Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

C. Đúng cạnh bên nhau chờ giặc tới.        D. Con có mẹ con chơi rồi lại ngủ.

Câu 3:  Trong hai câu thơ sau:

“ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

   Còn quê hương thì làm phong tục”

( Trích “Nói với con” -Y Phương)

Sử dụng phép liên kết nào?

A. Phép thế, phép nối.B. Phép thế, phép lặp.

C. Phép nối, phép thế.D. Phép nối, phép lặp.

Câu 4: Từ “đầu” trong dòng nào sau đây được dùng theo nghĩa gốc?

A. Đầu non cuối bể.B. Đầu súng trăng treo.

C. Đầu bạc răng long.D. Đầu sóng ngọn gió.

Câu 5: Trong các câu sau đây, câu nào có thành phần phụ chú?

A. Này, hãy đến đây nhanh lên.

B. Chao ôi, đêm trăng đẹp quá!

C. Mọi người, kể cả nó, đều nghĩ là đã muộn.

D. Tôi đoán chắc là thể nào ngày mai anh ta cũng đến.

Câu 6:  Câu văn ‘‘Chúng mày đâu rồi, ra đây thầy chia quà cho nào.” thuộc kiểu câu nào?

A. Câu trần thuật.                  B. Câu nghi vấn.

C. Câu cảm thán.                        D. Câu cầu khiến.

Câu 7: Câu văn ‘‘Nửa tiếng, các ông, các bà nhé” thuộc loại câu nào?

A. Câu đơn.     B. Câu đặc biệt.

C. Câu ghép.           D. Câu nghi vấn

Câu 8: Bé Thu kêu: “Cơm chín rồi!” (văn bản “Chiếc lược ngà”- Nguyễn Quang Sáng) có hàm ý gì?

A. Nhắc anh Sáu vô ăn cơm.       B. Nhờ anh Sáu dọn cơm ra.

C. Nhờ anh Sáu bắc nồi cơm ra.       D. Nhắc anh Sáu nấu cơm.

PHẦN II: TỰ LUẬN( 8,0 điểm)

Câu 1 ( 3,0 điểm): Cho đoạn thơ sau:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

1. Đoạn thơ trên của tác giả  nào? Sáng tác năm bao nhiêu?

2. Tại sao nhan đề bài thơ là “ánh trăng” nhưng trong bài thơ lại ghi là “vầng trăng”?

3. Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ trên?

Câu 2 (5,0 điểm):

Phân tích nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long ( Ngữ văn 9,  tập 1)

Hết

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu tới các em đề thi thử số 1 môn Văn, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé.

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn Nam Định số 2

Phần I: Trắc nghiệm: (2,0 điểm)

Trả lời đúng mỗi câu cho 0,25 điểm. Trả lời sai hoặc thừa thì không cho điểm.

Câu12345678
Đáp ánCADCCDBA

Phần II: Tự luận: (8,0 điểm)

Câu 1

1.

- Đoạn thơ trên của tác giả Nguyễn Duy.

- Sáng tác năm  1978

2. Nhan đề bài thơ là Ánh trăng nhưng trong bài thơ lại ghi là “vầng trăng”, Vì:

- Ánh trăng là ánh sáng của trăng lan toả trong không gian .

- Vầng trăng là hình ảnh cụ thể của trăng có hình khối rõ ràng, nhìn thấy rõ.

3. Cảm nhận: Đây là khổ thơ cuối của bài thơ thể hiện những suy ngẫm sâu sắc và triết lí nhân sinh của nhà thơ:

- Trăng hiện lên thật cao thượng, vị tha. Hình ảnh “trăng” và “người” có sự đối lập giữa “ tròn vành vạnh” và “kẻ vô tình”, giữa cái im lặng của “ánh trăng” với sự “giật mình” thức tỉnh của con nguời.

- Trăng tròn vành vạnh, trăng im phăng phắc không giận hờn oán trách mà gợi lên cái nhìn nghiêm khắc mà bao dung độ lượng của người bạn thuỷ chung, tình nghĩa. Ánh trăng tượng trưng cho quá khứ nguyên vẹn không phai mờ, là người bạn, cũng là nhân chứng nghĩa tình mà nghiên khắc nhắc nhở nhà thơ và mỗi chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.

- Sự im lặng ấy, làm nhà thơ “giật mình” thức tỉnh. Cái “giật mình” của sự ăn năn tự trách, những suy nghĩ trăn trở đấu tranh với chính mình để sống tốt hơn. Con người giật mình trước ánh trăng lặng lẽ là sự thức tỉnh của nhân cách trở về với lương tâm trong sạch. Đó là lẽ sống, đạo lí ân nghĩa thuỷ chung của dân tộc.

Câu 2. Phân tích nhân vật

Về kĩ năng: Học sinh biết làm bài văn nghị luận về nhân vật trong tác phẩm văn học. Diễn đạt trong sáng.

Về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý sau:

a) Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu nhân vật anh thanh niên và nêu nhận định khái quát về nhân vật.

b) Thân bài

* Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên :

- Anh thanh niên quanh năm suốt tháng sống một mình trên đỉnh núi cao, giữa cỏ cây và mây mù lạnh lẽo. Được giới thiệu qua lời bác lái xe : ‘‘Anh thanh niên hai mươi bảy tuổi, dáng vóc nhỏ bé...người cô độc nhất thế gian, một mình làm khí tượng trên đỉnh núi cao hai nghìn sáu trăm mét’’-> Thủ thách lớn nhất đối với con người trẻ tuổi chính là sự cô đơn, vắng vẻ quang năm suốt tháng trên đỉnh núi cao, không một bóng người.

- Anh thanh niên làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Công việc của anh : ‘‘Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất dựa vào công việc dự báo thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu’’. Công việc ấy đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao ...Gian khổ nhất là vào lúc một giờ sáng, dù mưa gió, tuyết lạnh thế nào cũng phải trở dạy ra ngoài làm việc.

=> Quả thực điều kiện sống và làm việc của anh thanh niên là một thử thách lớn đối với tuổi trẻ vốn sung sức và khát khao hành động nhưnh anh đã vượt qua được bởi vì anh có ý chí nghị lực, phẩm chất và sức mạnh bên trong con người anh đã vượt lên tất cả để sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

* Anh thanh niên có những suy nghĩ và quan niệm đúng đắn về cuộc sống về công việc : 

- Anh rất yêu công việc của mình.Vì vậy, anh đã có những suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống của con người. Anh tâm sự với ông họa sĩ : “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được ? Huống chi công việc của cháu gắn liền với bao anh em đồng chí dưới kia.Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Những lời tâm sự ấy giản dị, chất phác quá, hồn nhiên và vô tư quá. Lời tâm sự ấy đã toát lên một vẻ đẹp nhân cách đáng trân trọng, gây xúc động mạnh mẽ trong lòng người đọc. Quả là công việc đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc và là lẽ sống của đời anh. Động cơ làm việc đúng đắn và phương châm sống cao đẹp của anh: làm việc vì mọi người, vì Tổ quốc đã khiến cho ông họa sĩ và mỗi chúng ta phải tự nhủ thầm “người con trai ấy đáng yêu thật”.

- Anh thanh niên có những suy nghĩ rất đẹp về ý nghĩa của cuộc sống, về hạnh phúc ở trong đời. với anh hạnh phúc là ở trong công việc.  Khi được biết là một lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta bắn rơi nhiều máy bay Mĩ trên bầu trời Hàm Rồng, anh nói: “kể từ hôm đó, cháu thật hạnh phúc”.

- Đối với công việc, anh yêu nó tới mức khi mọi người còn ái ngại cho cuộc sống ở độ cao 2600m nhưng anh vẫn ao ước làm việc ở độ cao hơn nữa như đỉnh Phan xi Păng cao 3143m bởi anh nghĩ: “ Làm công tác khí tượng ở độ cao như thế mới là lí tưởng chứ”. Đó là ước vọng được vươn cao hơn trong công việc. Vì vậy anh đã tự đặt và trả lời câu hỏi: “Mình sinh ra là gì? Mình để ở đâu? Mình vì ai mà làm việc?”.

-  Anh thanh niên còn là nguời có những hành động thật đẹp đẽ biết bao: Anh đã vượt qua những mọi gian khổ, mọi thử thách của hoàn cảnh để làm việc một cách nghiêm túc, tự giác với tinh thần trách nhiệm cao. Nửa đêm đúng giờ “ốp”, dù thời tiết có khắc nghiệt thế nào anh cũng phải trở dạy ra ngoài làm việc và ngày nào cũng như ngày nào…

* Anh thanh niên còn là người có phong cách sống đẹp: 

- Anh biết sống cho sự nghiệp chung lớn lao và cũng biết sống cho riêng mình. Anh trọng cái đẹp : anh trrồng hoa, một vườn hoa đầy mầu sắc. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn anh và anh hào phóng tặng cho mọi người. Anh trồng rau, nuôi gà là để tự cung cấp cho mình thức ăn.

-Cuộc sống của anh không cô đơn buồn tẻ. Bởi anh còn có niềm vui trong công việc, đó là đọc sách. Sách đã trở thành người bạn thân thiết của anh. Khi bác lái xe đưa gói sách cho anh, anh “mừng quýnh” như cầm được vàng. Anh nói với cô gái: “ Cô thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ”. Anh tự lo liệu xoay sở đẻ thường xuyên có sách đọc. Sách không chỉ giúp anh nâng cao hiểu biết, nâng cao kiến thức, sách còn giúp anh khuây khoả trong những phút giây rảnh rỗi. Say mê đọc sách là một thói quen, một đức tính đáng quý ở anh.

- Anh thanh niên còn là một con người rất đáng mến ở sự cởi mở, chân thành với mọi người. Anh luôn khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với những người khác. Anh mừng lắm khi gặp được bác tài và càng mừng hơn khi được đón nhà hoạ sĩ, cô kỹ sư nông nghiệp trẻ mới ra trường tại nơi làm việc của anh. Chính anh đã nói to lên đầy tiếc rẻ : “Trời ơi, chỉ còn năm phút”. Câu chuyện của anh tuôn ra như suối khi gặp mọi người. Anh “nói to những điều người ta chỉ nghĩ và cũng ít nghĩ” . Anh rất hiếu khách : mời khách uống trà, tặng hoa, tặng quà (giỏ trứng) cho khách. Và anh rất lưu luyến với khách khi chia tay. Thái độ vui vẻ, niềm nở, hiếu khách của anh cũng đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng khó quên.

- Dù vậy, trong cuộc sống, anh là một người rất khiêm tốn, luôn đề cao người khác. Anh thấy công việc và sự đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Anh luôn say sưa ca ngợi mọi người.  Khi ông muốn vẽ chân dung của anh, nhưng anh một mực từ chối, anh không muốn vì cảm thấy mình không xứng đáng được hưởng ân huệ ấy. Anh nhiệt tình giới thiệu với ông những người khác mà anh cho rằng đáng khâm phục hơn anh (ông kĩ sư vườn rau dưới  Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét). Và anh say sưa kể về thành tích của những người ấy. Đức tính khiêm tốn ấy của anh đã làm cho ông hoạ sĩ, bác lái xe và cô gái hết sức yêu mến và khâm phục.

* Đánh giá: 

- Lặng lẽ Sa pa với cốt truyện đơn giản, chi tiết chân thực, đối thoại sinh động, tình huống truyện bất ngờ thú vị. Tác giả đã ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của anh thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt  Nam những năm 70 của thế kỉ XX.( Liên hệ với các tác phẩm khác)

c. Kết bài :

- Khẳng định về nhân vật và liên hệ bản thân.

Lưu ý :  Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng phải biết phân tích nhân vật. Diễn đạt rõ ràng, hành văn lưu loát, ngôn ngữ trong sáng, có dẫn chứng cụ thể, biết phân tích đánh giá. Khuyến khích những bài sáng tạo, có suy nghĩ sâu sắc, văn có cảm xúc. Những bài viết chung chung hoặc sơ sài không cho quá một nửa số điểm của câu này.

Lưu ý: Học sinh có thể có những cách làm khác nhau nhưng có kĩ năng nghị luận tốt, đảm bảo đầy đủ các ý trên vẫn cho điểm tối đa.

Giám khảo cần linh hoạt khi vận dụng đáp án, tránh hiện tượng chấm qua loa, đếm ý cho điểm.

- Nếu mắc từ 5-10 lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt trừ 0,25 điểm; trên 10 lỗi trừ 0,5 điểm.

- Điểm của toàn bài để điểm lẻ tới 0,25 điểm.

-/-

Nguồn tài liệu: Lớp văn cô Thu

Mong rằng với trọn bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm này thì các em có thể hoàn thiện kĩ năng làm văn và giải đề tốt hơn. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM